Saturday, January 23, 2016

TỪ NHÀ GIÀU ĐẾN BỒ TÁT

TỪ NHÀ GIÀU ĐẾN BỒ TÁT
Nhà Giàu là người sở hữu nhiều cơ sở vật chất và nhiều tài sản có giá trị.
Bồ Tát là người có tâm tỉnh giác, có tâm nguyện rộng lớn, luôn hành trì để giải thoát cho mình không còn tham, sân, si, biếng nhác, kiêu mạn; luôn hành đạo để giúp người thoát khỏi vô minh, phiền não, đói rách, bệnh tật.
Con đường từ Nhà Giàu đến Bồ Tát được đo bằng sáu phẩm hạnh: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC,TINH TẤN,THIỀN ĐỊNH VÀ TRÍ TUỆ .Tại sao ? Là vì, bố thí là diệt trừ lòng tham, trì giới là diệt trừ thân ô nhiễm, nhẫn nhục là diệt trừ tánh kiêu mạn, tinh tấn là diệt trừ sự biếng lười, thiền định là diệt trừ tâm loạn động.
Bố thí là một trong sáu phẩm hạnh cần có của Bồ Tát. Muốn thực hành bố thí trước hết Bồ Tát phải giàu có. Vì, bố thí là đem của cải, vật chất và nhiều tài sản có giá trị do mình sở hữu chuyển trao lại cho xã hội hoặc cá nhân.
Bố thí, tiếng Phạn Dàna là “sự cho”, tiếng Hán Việt là “bố thí”. Bố là “khắp”, thí là “cho”. Bố thí là cho khắp tất cả. Có ba yếu tố tạo nên bố thí: người cho, vật cho, kẻ nhận. Thiếu một trong ba thì chưa thể gọi là bố thí.
Bồ Tát thực hành bố thí trên tâm nguyện ba không: không có người cho, không có vật cho, không có kẻ nhận. Khi cho, không thấy mình cho thì vượt lên trên sở hữu. Khi cho, không thấy vật (của mình) cho thì thoát khỏi danh lợi. Khi cho, không phân biệt thân quen thì ly ái (thoát ly yêu, thương, nhớ, mến, ưa, ghét, giận, hờn, buồn, lo); không mưu cầu ơn nghĩa thì ly dục (không nhằm thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều tồn tại do thức ăn”. Vì vậy, Bồ Tát hành đạo trước hết là cung cấp thức ăn cho những người đói, khát, nghèo, khó. Theo Kinh Phật, thức ăn có hai loại: vật chất và tinh thần. Thức ăn nuôi sống và phát triển phần thân là lương thực, thực phẩm. Thức ăn trưởng dưỡng phần tâm tưởng, niềm tin, giúp con người sống hướng thượng, gồm: tu viện, học viện, trường học, bảo tàng, thư viện, nhạc viện, nhà hát, công viên, làm đẹp cảnh quan, làm sạch môi trường..
Bồ Tát không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của người nhận. Do vậy, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, phước đức, nhân-duyên của kẻ nhận mà Bồ Tát bố thí vật cho.
Nếu Nhà Giàu thực hành đầy đủ “sáu phẩm hạnh” và bố thí với tâm nguyện “ba không” thì chính là Bồ Tát.
Nếu Nhà Giàu thực hành bố thí với tâm tư lợi, tâm xấu xa, hoặc muốn dụ dỗ, muốn mê hoặc, mua danh lợi, mưu cầu ơn nghĩa,...không quan tâm đến sự an vui, lợi ích của kẻ nhận thì đó là kinh doanh trên sự khổ đau của người./.
ST

Friday, January 22, 2016

THỂ TRƯỢC !

32 THỂ TRƯỢC !
"Lại nữa, này các tỳ kheo,vị tỳ kheo quán thân này từ lòng bàn chân đi lên, từ tóc đổ xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy những loại bất tịnh :"Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân,xương,xương tuỷ, thận, tim, gan, màng ruột, lá lách, phổi, ruột, cơ thành ruột, vật thực trong bao tử, phân, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu".
----------------------

Trong thế gian nỳ, không có ai là không tham sống. Sự tham sống này vô cùng mãnh liệt, vì nó được di truyền, tiếp nối từ muôn vạn thế kỷ cho đến nay. Vì tham sống nên chúng sinh tìm hết mọi cách để được sống, để trau dồi thân mạng, và để di truyền sự sống. Vì tham sống nên người bất chấp cả sự bất công, phi lý và tàn nhẫn, xấu xa mà mình có thể phạm đến đối với những người và vật khác ở chung quanh. Vì tham sống, người ta đã không từ chối hiếp đáp, giành giựt, cướp bóc, chém giết đồng loại, và có khi cả đến đồng bào thân thích nữa. Tóm lại, sự tham sống là một nguyên nhân chính của khổ đau, tàn phá và chết chóc.
Vả lại, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Mà đã sợ thì không bao giờ có thể vui được.
Hơn nữa, có ai sợ chết mà thoát được chết đâu? Ðã có sống thì tất phải có cái trái lại là chết. Chúng ta thấy đó, lòng tham sống đem lại cho ta biết bao hậu quả tai hại, buồn thảm, xấu xa.
Nhưng cuộc đời, thân mạng, thật có quý báu, thật có xứng đáng cho chúng ta tham lam, mến chuộng đến thế không.
Ðể xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng, đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán. Pháp quán đó mệnh danh là "Quán Bất tịnh".
Bất tịnh nghĩa là không sạch sẽ, trong lành. Quán Bất tịnh tức là quán sát một cách tỉ mỉ, cùng tột thân con người để nhận thấy rõ rằng nó là không trong sạch, như hầu hết con người đời đều lầm tưởng.
--------------
Làm sao từ bỏ ái dục?
Để từ bỏ ái dục, các kinh sách thường dạy quán về sự bất tịnh của thân thể, bởi vì đối tượng của ái dục là thân hình sắc đẹp. Đàn ông, đàn bà say mê thân hình và sắc đẹp của nhau, rồi từ đó tâm dục phát sinh, hai căn nam nữ bị kích thích, tinh dịch chảy ra và đưa đến sự hành dục. Khi còn thấy thân thể mình và người kia là đẹp và hấp dẫn thì tâm rất dễ khởi dục. Muốn đối trị tâm dục thì phải quán chiếu thấy được sự nhơ nhớp, tanh hôi, thối tha bên trong và bên ngoài của thân thể, như máu, mủ, đờm, dãi, phân, tiểu, gân, xương, thịt, mỡ, ruột non, ruột già, v.v...
Một người thật đẹp mà nếu không tắm rửa vài ngày thì thân thể sẽ toát ra mùi hôi. Nếu không súc miệng, đánh răng thì mở miệng ra ai nấy đều tránh xa. Mắt, tai, mũi, miệng, đường tiểu và hậu môn là những nơi tiết ra những thứ dơ bẩn, tanh hôi.
Có thấy rõ được sự bất tịnh nơi thân mình và thân người khác phái thì tâm mới nhàm chán, xa lìa sắc dục. Thời xưa các thầy tỳ kheo phải đi vào những bãi tha ma (thi lâm) để quán các xác chết sình thúi và tan rữa. Nhờ mục kích trực tiếp sự bất tịnh nên lòng dục được nguội lạnh dễ dàng. Còn thời nay khó tìm đâu ra những xác chết để quán chiếu, vì thế nên phép quán bất tịnh tương đối khó thành tựu. Nhưng nếu quyết tâm từ bỏ ái dục thì vẫn quán chiếu được.
--------------------
P/s: thay vào nhìn những ảnh đẹp , dễ nhìn , khêu gợi .... thì Sīla Samādhi Paññā thường nhìn những hình ảnh này mà đó là sự thật nhưng ta cứ lầm tưởng , sự tham dục đã được bị kìm nén hay tiêu đi một phần nào khi cứ suy niệm bên trong và bên ngoài . Thật vi diệu .
Thật may mắn khi biết đến Chánh Pháp và thực hành lời dạy của Ngài - Người thắp ánh sáng cho cho chúng sanh - Bậc thầy tôn kính 🙏🙏🙏 !
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1534611876867243&set=pcb.1534618090199955&type=3&theater

Monday, January 4, 2016

Cuộc Sống Không Nhất Thiết Chuyện Gì Cũng Phải Phân Rõ Trắng Đen

Cuộc Sống Không Nhất Thiết Chuyện Gì Cũng Phải Phân Rõ Trắng Đen
Có câu “nước quá trong thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn.”
Tranh chấp với người nhà, giành được rồi thì tình thân cũng mất đi
Tính toán với người yêu, rõ ràng rồi thì tình cảm cũng phai nhạt
Hơn thua với bạn bè, chiến thắng rồi thì tình nghĩa cũng không còn.
Khi tranh luận, người ta chỉ hướng đến lý lẽ mà quên rằng cái mất đi là tình cảm, còn lại sự tổn thương là chính mình.
Cái gì đã đen thì sẽ đen, trắng là trắng, tốt nhất hãy để thời gian chứng minh.
Rủ bỏ sự cố chấp của bản thân, dùng lòng khoan dung để nhìn người xét việc; thêm một chút nhiệt tình, một chút điềm tĩnh và ấm áp thì cuộc sống sẽ luôn có ánh mặt trời và suốt đời mình sẽ là người thắng cuộc.
Ở đời, sống là để bản thân mình xem, đừng tham vọng mọi người đều hiểu bạn; cũng đừng mong cầu mọi việc đều theo ý mình.
Khi đau buồn hay mỏi mệt, nên biết tự an ủi lấy bản thân
Không có người lo lắng thì càng phải mạnh mẽ
Không có ai cổ vũ cũng phải biết tự bay lên
Không có người chiêm ngưỡng cũng cần thơm tho và tươm tất.
Cuộc sống, không có khuôn mẫu cố định, chỉ cần một trái tim trong sáng và nhiệt huyết
Gặp phiền não thì tự tìm lấy niềm vui riêng, đừng quên đi hạnh phúc
Dù bận rộn cũng nhớ giữ lại chút thanh nhàn, đừng để mất sức khỏe
Mệt mỏi rồi thì tạm dừng lại nghĩ ngơi, đừng đánh mất niềm vui cuộc sống.
Chỉ cần trong lòng luôn nhớ đích đến và biết hiện giờ mình đang làm gì ở đâu thì yên tâm, sẽ không bị lạc đường!
(Sưu Tầm Suối Thông lược dịch)