Cách nào để tu hành khi phiền não vẫn còn đầy?
*********************
Trong một buổi giảng pháp ở đạo tràng Huệ Quang, Phật tử đã hỏi thầy Vân Đàm là làm sao để tránh được phiền não. Thầy mỉm cười mà đáp rằng: "Phật tử ơi! Làm sao tránh được phiền não đây? Thế giới nầy là thế giới Ta Bà, là thế giới của phiền não nên chi ở trong Ta Bà mà đòi không phiền não là chuyện không tưởng. Chỉ có một cách duy nhất để tránh được phiền não là phải thoát cho ra khỏi Ta Bà; muốn thoát khỏi Ta Bà là phải tu. Phải tu trong phiền não quý Phật tử ạ!" Quả là một bài pháp ngắn mà đầy đủ và tuyệt diệu.
Chính Đức Từ Phụ đã từng dạy rằng: "Mỗi chúng sanh đều có thể thành Phật." Tuy nhiên, chúng sanh vì bị vô minh che lấp cho nên chẳng những không thấy được cái Phật tánh của mình, mà lắm khi còn có quá nhiều hành động quấy ác, khiến cho cứ mãi lăn trôi trong luân hồi sanh tử. Nhất là con người, do bởi tâm lực điên đảo và mưu trí cao sâu, thế nên họ đã và đang làm cho Ta Bà trở nên Ta Bà hơn. Cái mưu trí cao sâu và tâm lực điên đảo nầy không chỉ ảnh hưởng riêng một cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, quốc gia và toàn thế giới nữa. Chính lòng ái nhiễm và tánh tham lam bỏn xẻn của nhân tâm đã tạo ra cả bầu khổ lạc cho nhân loại vậy. Như vậy, rõ ràng là chúng ta đang ở trong một căn nhà lửa khổng lồ; mỗi chúng ta đang thêm dầu cho lửa cháy lan, thế mà vẫn vỗ tay đồng tình tán thưởng.
Chính Đức Từ Phụ đã thấy rõ thế gian phiền não như vậy nên Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà thị hiện ra nơi đời. Nếu thế gian nầy không có phiền não thì Ngài đã không thị hiện để làm gì? Và có lẽ không ai trong chúng ta cần phải tu, hoặc giả giáo pháp của Phật cũng không còn cần thiết nữa. Kỳ thật, thế giới Ta Bà nầy là sự kết hợp của vô vàn phiền não và khổ đau. Chính vì vậy mà ai trong chúng ta cũng đều phải tu; chính vì vậy mà giáo pháp của Phật là vô cùng cần thiết, nhất là trong thời buổi văn minh vật chất nầy, con người vì tranh giành miếng cơm manh áo, cũng như phương tiện xa hoa mà chà đạp lên nhau và gây thêm đau khổ cho nhau.
Vậy thì chúng ta phải làm sao đây? Chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là phải tu trong phiền não. Thật tình mà nói, dù muốn hay không muốn, tất cả chúng ta rồi cũng phải tu, không sớm thì muộn. Vậy thì chúng ta còn chờ đợi gì mà không bắt đầu từ bây giờ? Đến chùa lễ Phật, nghe pháp, cúng dường chư tăng và tu tâm... cũng tốt, nhưng chưa đủ. Tu là phải cố gắng thật sự xuất thế gian. Xuất thế gian không nhất thiết phải là đầu tròn áo vuông; có nhiều khi đầu tròn áo vuông đã lâu mà chưa từng bao giờ xuất thế gian. Xuất thế gian chân chánh là không còn bị chi phối bởi cái phạm vi dời đổi không thường và luống dối không thật của các pháp nữa. Những cái không thường chẳng thật ấy đối với người xuất thế gian như nước đổ lá môn; nước cứ đổ, nhưng có bao giờ thấm được lá môn đâu?
Tu là phải tu cả ba nghiệp từ thân, khẩu đến ý. Tu là phải tu trong bất cứ trường hợp nào và bất cứ ở đâu, chứ không nhứt thiết là phải lui vào rừng sâu núi thẳm. Lui vào rừng sâu núi thẳm có khi đạo Phật gọi đó là trốn chạy, chứ không phải là tu. Trốn chạy loạn động và não phiền của phố thị để lui vào sơn lâm cùng cốc thì lấy phiền não và loạn động đâu nữa mà kinh nghiệm, mà thực nghiệm tự thân, xem coi mình có diệt trừ được phiền não hay không? Đạo Phật chủ trương tu trong phiền não. Đạo Phật còn chủ trương Bồ Đề trong phiền não; hễ không có phiền não thì cũng chẳng có bồ đề.
Sống trong một xã hội tranh đua và chém giết mà ta vẫn tu. Tu về thân là không nên sát sanh. Cho dù những sinh vật nhỏ, chúng cũng là những người anh em nhỏ lạc loài của chúng ta. Lúc chưa tu, từng bước chân dẫm lên bao nhiêu sinh vật, ta không hề để ý; đến lúc tu rồi, từng bước chân dẫm lên mặt đất, cho dù có nhẹ nhàng thế mấy, chúng ta cũng đã vô tình giết hại không biết là bao nhiêu sinh vật nhỏ bé dưới đôi bàn chân ta. Thế nên, từng bước chân đi là từng bước nguyện cầu cho những người em nhỏ lạc loài nầy sớm được về cõi Tây Phương Cực Lạc. Lúc tu rồi, ta thấy ta đã ngày ngày vô tình giết hại chúng sanh quá nhiều, nên quyết không cố tình làm hại thêm bất cứ một chúng sanh nào nữa.
Tu về thân là không trộm đạo. Quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng và quan trọng vô cùng vì vật chất cung cấp những thứ cần thiết cho con người. Đức Phật đã từng khuyên Phật tử tại gia nên nỗ lực sinh nhai bằng những phương tiện lương thiện, chứ đừng bao giờ lừa lọc, đổi chín làm mười, sang đoạt những gì không phải là của mình vì tất cả những hành động ấy đều là trộm đạo. Tu về thân còn phải đoạn trừ dâm dục vì dâm dục không những là cái nhân của sanh tử luân hồi mà còn là đầu dây mối nhợ của bao oán thù. Chính Đức Phật đã từng dạy: "Với người xuất gia, muốn chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, phải đoạn trừ dâm dật; tuy nhiên, với người tại gia, chưa thể dứt đoạn chánh dâm, nhưng phải tuyệt đối đoạn trừ tà dâm. Tà dâm là lang chạ hoặc ngoại tình với những người không phải là chồng vợ chánh thức của mình. Ngay cả vợ chồng chánh thức, cũng phải có tiết độ."
Tu về khẩu là không nói dối. Người tu nghe sao nói vậy. Việc phải nói phải, việc quấy nói quấy. Việc có nói có, việc không nói không. Không vì tiền tài vật chất hay uy vũ mà ta bị khuất phục. Tu về khẩu là không nói lời thêu dệt, nghĩa là không dùng lời lẽ trau chuốt, đường mật để mua chuộc lòng người; hoặc để quyến rủ người làm điều sai quấy. Tu về khẩu là không nói lưỡi hai chiều; không đến bên nầy nói xấu bên kia; đến bên kia, nói xấu bên nầy. Tu về khẩu là không nói lời hung ác. Trên đời nầy lời lẽ hung ác đã quá nhiều rồi, xin hãy dùng lời lẽ êm ái mà nói với nhau.
Tu về khẩu rất ư là quan trọng; hãy ngẫm nghĩ câu nói của cổ nhân thì ta sẽ thấy rõ cái quan trọng của khẩu: "Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất." Vã lại, lời nói không mất tiền mua, xin hãy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nếu như tai họa đến với chúng ta là do từ miệng thì tốt hơn hết là ta nên tịnh khẩu. Một lời nói ra như mũi tên bắn đi; một khi đã ra rồi thì khó lòng mà thu hồi lại được. Cũng như ly nước một khi đã đổ, khó lòng mà hốt lại được cho đầy. Là Phật tử chân chánh nên lắng nghe lời chỉ dạy của Đức Từ phụ, hãy nói năng trong chánh pháp, mà im lặng cũng trong chánh pháp. Xin hãy vô cùng cẩn trọng để đừng mang thêm khẩu nghiệp. Ngoài ra, khi sự thật được nói lên mà gây đau khổ và phiền não cho người khác thì người Phật tử khoan hẳn nói, hoặc không nói. Hãy tìm cách mà nói cho đừng hại đến chúng sanh khác. Tuy nhiên, khi làm như vậy,chúng ta phải làm với tâm không dụng ý, không đánh lận con đen, hoặc không làm vì danh vì lợi.
Tu về tâm là tu về cái gì vô cùng phức tạp. Tâm không có hình tướng; nói lớn thì nó lớn; nói nhỏ thì nó nhỏ. Nó có thể được ví như thái hư hoặc giả như là hạt bụi vi tế. Nói tới tâm là nói tới một cái gì vô cùng mông lung, khó diễn tả. Tâm chân như, tâm sanh diệt. Hai tâm nầy không rời nhau và đều bao trùm tất cả các pháp. Không biết bao nhiêu là bút mực đã được dùng để nói về tâm, thế mà vẫn chưa lột trần được tí gì về nó. Ở đây chúng ta không cần phải dong dài về tâm mà chỉ cần biết rằng tâm luôn a tòng với tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến để xô đẩy chúng ta lăn trôi không ngừng nghỉ trong vòng luân hồi sanh tử. Chỉ với bấy nhiêu đó chúng ta phải mất đến ba a tăng kỳ kiếp mới có cơ tẩy sạch hết tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Sự kết hợp của những chủng tử luân hồi từ nho nhỏ, đến vừa vừa, rồi lớn lớn; chúng kết hợp với nhau quá chặt chẻ khiến cho ta khó lòng chặt đứt chúng được.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tham, sân, si chiếm mất gần hết tâm của ta. Tuy nhiên, nếu lắng lòng suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng tham, sân, si đều là những vọng tưởng, chứ chúng nào có thực thể. Chính những thứ giả danh nầy đã biến chúng ta thành hiện thân của phiền não; biến thân tâm chúng ta thành sản phẩm của chúng. Nếu không khéo tu, chúng ta sẽ chẳng những nhận giặc làm con, mà chúng ta sẽ luôn tiếp tay và trưởng dưỡng chúng. Cái trục trặc của chúng ta là những cái đáng tu ta lại không tu; ngược lại ta đi ôm đồm những thứ không đáng, hoặc không cần. Thí dụ như chân mình còn lấm mê mê, thế mà cứ cầm đuốc đi vê chân người. Lỗi mình chồng chất, mình chẳng thấy, chỉ thấy lỗi người. Lỗi mình thì dễ tha thứ, còn lỗi người thì quyết bươi móc cho đến cùng. Xin hãy tự soi rọi lại chính mình để thấy tại sao chúng ta lại tham, sân, si... Hãy khép cửa lại mà tự hỏi chính ta coi giận, hờn, thương, ghét đã mang lại cho ta những gì? Nếu chúng chỉ mang lại phiền não và đau khổ, xin đừng vướng mắc chi chúng.
Người Phật tử luôn biết cải tạo thân tâm và hoàn cảnh để cho mình và cho người được an lạc. Lúc nào cũng đổi sát sanh thành phóng sanh; đổi căm thù, hung ác ra từ, bi, hỉ, xả. Luôn nhẫn nhục trước mọi hoàn cảnh; nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn ngay cả những cái không đáng nhẫn. Làm được như vậy thì cả thân, khẩu và ý đều thanh tịnh; con người sẽ trở nên thanh thoát, sẽ thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Hãy dùng pháp của Phật để đối trị những tham, sân, si. Đối trị bằng cách nào? Bằng cách sống và kinh nghiệm với chính tham, sân và si ngay trong lòng ta, chứ không trốn chạy đi đâu cả.
Ai đối trị dùm ai?
Tự mình gây ra tham, sân, si thì cũng chính mình phải đối trị chúng, chứ không ai có thể đối trị dùm ta cả, ngay cả Phật. Cái quan trọng chủ yếu của người tu Phật là biết lúc nào mình có phiền não để mà đối trị. Người Phật tử chân chánh luôn tự tin rằng phiền não chính là những cơ hội cho chúng ta tu. Mà kỳ thật, nếu không có phiền não thì thế giới Ta Bà nầy cũng không cần Bồ Đề Tâm, hoặc giả nó cũng không còn mang tên Ta Bà nữa. Nói thì nói vậy, chứ phiền não vốn dĩ không có thật; nó chính là sản phẩm của sự chấp trước và mê hoặc của chúng sanh. Như vậy khi ta xa lìa chấp trước thì Bồ Đề tâm không cần tìm mà vẫn phát, vẫn hiện.
Do bởi mê lầm chấp trước mà đa số chúng ta đã nhận giặc làm con; nhận tham, sân, si làm lính giữ nhà; thậm chí, nhận chúng làm mình. Nào là tôi muốn; tôi giận; tôi buồn; tôi biết; tôi không biết... Xin hãy bình tâm mà tu theo Đức Từ Phụ. Đức Từ Phụ đã ngồi liên tục bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ Đề; cái chuyện mà Ngài chứng đắc này nọ, chúng ta không bàn ở đây. Ngay trước mắt, Ngài đã chuyển tham, sân, si thành Bồ Đề. Điểm chính yếu là Ngài đã hiên ngang dám mời tham, sân, si đi chỗ khác chơi, thế nên Ngài giải thoát.
Muốn diệt tham, sân, si không phải nhờ Phật, lại càng không nhờ ở quý thầy, mà là nhờ ở ngay nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta phải hành trì, phải sống với kinh từng phút, từng giờ, chứ không phải là học kinh cho thuộc làu để đi đó đi đây biện giải hí luận. Người tu Phật không cần những thứ thế trí biện thông vặt vảnh. Nếu chỉ cần học kinh cho thuộc lòng để biện bác mà thành Phật được thì những cái máy điện toán hoặc những cái máy thâu băng đã thành Phật từ khuya rồi. Cái quan trọng trong việc tu Phật là phải huệ tu, huệ văn và huệ tư, chứ không thuộc lòng như cưởng như kéc. Phải hành trì, chứ không nói suông. Khi tu ta nên tu thật tình, chứ không tu lừng khừng; hoặc tu đại khái, chừa mai tu tiếp... Nếu chưa thật tâm tu, xin hãy khoan tu. Nếu còn ý nghĩ tu đại khái thì đừng nên tu vì không khéo, thay vì làm vơi nghiệp, chúng ta lại cõng thêm ác nghiệp vào thân. Xin hãy suy đi nghĩ lại cho kỹ, rồi sớm tu, chúng ta sẽ không còn bao nhiêu thì giờ nữa đâu.
(Thiện Phúc)
No comments:
Post a Comment