Friday, September 6, 2013

THẬP TRỤ BỒ TÁT

THẬP TRỤ BỒ TÁT

Đại thừa Bồ-tát tu sáu pháp ba-la-mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, đó là Bồ-tát của Bát-nhã. Nhưng Bồ-tát của Hoa nghiêm tu thập ba-la-mật gồm có sáu pháp ba-la-mật vừa nói cộng thêm bốn pháp ba-la-mật là phương tiện, nguyện, lực và trí. Bồ-tát phải có phương tiện, vì không có phương tiện không thể làm được. Và có phương tiện rồi, phải có nguyện nghĩa là có muốn làm hay không; vì có phương tiện làm được, nhưng nếu không muốn làm mà chỉ muốn an thân mặc dù Phật pháp cần thì cũng hỏng. Bước qua lực ba-la-mật, hành giả muốn làm nhưng làm được hay không. Muốn và làm được thì phải có lực ba-la-mật. Muốn mà làm không được gọi là lực bất tòng tâm. Hành giả tu lực để việc nào cũng làm được. Và ba-la-mật thứ mười là trí ba-la-mật. Bát-nhã Ba-la-mật chỉ là hiểu biết lý thuyết trên sách vở, hay biết do công phu tu thiền định. Cái thấy biết ở trường lớp tất nhiên khác với hiểu biết do kinh nghiệm làm đạo gặt hái được. Vì vậy, trí ba-la-mật trong kinh Hoa nghiêm gọi là Nhứt thiết chủng trí do trải qua quá trình hành đạo giáo hóa chúng sanh.

Tôi thấy mười môn ba-la-mật của kinh Hoa nghiêm giống với kinh Nguyên thủy, cho nên có thể khẳng định rằng kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa là một; nhưng vì sự hành đạo và tu chứng có khác nhau nên diễn tả khác. Thực chất cái gốc của Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy là một, không phải là hai luồng tư tưởng khác nhau; nhưng tùy theo trình độ, tùy theo sự hiểu biết, tùy theo sự tu chứng mà giải thích khác nhau, cho nên đừng phạm sai lầm nói Phật giáo Nguyên thủy đúng, Phật giáo Đại thừa sai, hoặc nói Phật giáo Đại thừa đúng, Phật giáo Nguyên thủy sai.

Thập trụ là trụ tâm ở Bồ-tát đạo và tu mười ba-la-mật gọi là Bồ-tát trụ tâm từ nhân hướng quả, tập làm theo Bồ-tát lớn. Chúng ta phát tâm tu thấy kinh ghi làm như vậy thì chúng ta làm theo, nhưng có người làm được, có người làm không được. Người làm được nhờ có điều kiện. Người không làm được vì chỉ có ý chí muốn làm, nhưng thiếu điều kiện nên gặp trở ngại.

"Trụ” là vững tâm rồi thì phân tích thấy người làm đúng, tại sao lại không được gì. Quán sát kỹ như vậy mới tu, mới chọn thầy để dẫn đường, chọn bạn để hợp tác. Khi có thầy là Bồ-tát thập địa, bạn là người trải nghiệm thập hồi hướng, như vậy thì an toàn cho hành giả. Còn mới phát tâm mà nhận lầm ác ma là Phật, chắc chắn chết.

Khi trụ tâm lại, tôi nhắc anh em là càng khó càng phải bình tĩnh để tháo gỡ, may ra có thể vượt được thì chúng ta sống. Nhưng bình tĩnh cũng có thể chết, trong trường hợp nguy cấp này cũng phải biết ta về đâu là có định hướng để ra đi. Nếu còn mạnh khỏe mà biết rõ hướng đi của mình sau khi bỏ thân này, dĩ nhiên là tốt hơn. Còn chết trong hốt hoảng sẽ bị đọa.

Trụ tâm quán sát cuộc đời, thấy người làm được việc nhờ có quyến thuộc tốt, làm không được vì quyến thuộc xấu. Vì vậy, nhìn người hợp tác tốt hay xấu, có năng lực hay không sẽ biết được việc làm của mình phát triển hay đi xuống. Việc làm đạo của chúng ta sẽ được nhiều thuận lợi và dễ dàng thành công, khi được người có quyền thế hỗ trợ và nhà doanh nghiệp thành đạt hằng tâm hằng sản cúng dường. Ta hợp tác với người làm đạo có thắng duyên như vậy thì tương đối tin cậy được. Còn người tốt muốn làm, nhưng không có điều kiện, phải đi vay mượn cũng dễ thất bại.

Đạt đến vị trí thập trụ mới phát tâm hành Bồ-tát đạo. Có hiểu biết, có sức khỏe và có tiền của là ba điều kiện cần thiết để hành Bồ-tát đạo. Đương nhiên người có trí tuệ phải theo thầy hiểu biết hơn mình. Dù là ác ma thì nó cũng phải theo ác ma dữ hơn nó. Người ta theo Bồ-tát vì phục Bồ-tát hơn họ cái đầu. Vì vậy, Hiền thì phải phò Thánh, không phò ma quỷ. Khi thọ giới, giáo thọ sư nhắc rằng không phải Hiền thì không làm bạn, không phải Thánh thì không thờ. Hiền của nhị thừa, hay của Bồ-tát, ta theo làm bạn; không phải như vậy, chúng ta tránh. Còn theo ma quỷ, họ bày việc xấu, mình bị đọa. Trên bước đường tu, phải làm bạn với hàng Bồ-tát tam Hiền, nếu không, họ thoái chuyển thì ta cũng bỏ cuộc theo. Có thầy xin tôi cầu pháp, vì thầy tế độ đã hoàn tục là mất chỗ dựa, nên phải cầu y chỉ sư để nương theo tu.

Kinh Nguyên thủy nói mười pháp ba-la-mật và kinh Đại thừa cũng nói mười pháp ba-la-mật, nhưng phân tích khác hơn mười ba-la-mật của kinh Nguyên thủy. Kinh Nguyên thủy nói rằng mười pháp ba-la-mật là quá trình tu Bồ-tát đạo của Đức Phật Thích Ca. Điều này cho chúng ta biết rằng Tỳ-kheo tu Thanh văn đạo, nên chỉ đạt đến quả A-la-hán là cao nhất, trong khi Đức Phật tu Bồ-tát đạo. Hiểu như vậy, xuất gia tu hành theo Thanh văn tạng, chúng ta phải trải qua quá trình tu chứng từ Tu-đà-hoàn đến Tư-đà- hàm và A-na-hàm là tam Hiền vị và A-la-hán là Thánh vị. Nhưng kinh Đại thừa triển khai Hiền vị gồm có 30 bậc là Bồ-tát thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng. Bồ-tát thập địa có mười bậc là Thánh vị. Còn theo kinh Nguyên thủy thì có ba bậc Hiền và chỉ có một bậc Thánh. Nếu phân tích sẽ có sự khác biệt như vậy giữa kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa.

Riêng tôi tu Pháp hoa kết hợp cả hai, vì theo Pháp hoa có cái nhìn thống nhất, không riêng biệt, gọi là viên giáo tức trăm sông đều đổ về biển cả. Nghĩa là tất cả các pháp tu đều dẫn hành giả đến quả vị Phật, nhưng vì hoàn cảnh khác, nghiệp khác, hiểu biết khác, tu chứng khác nên có pháp tu khác nhau, nhưng cuối cùng đều thành Phật. Tu hành theo Phật, chúng ta phải thấy mẫu số chung này. Giáo hội chúng ta cũng thấy như vậy, nên có khẩu hiệu là đoàn kết, hòa hợp. Trước kia, tôi nhận trách nhiệm hoằng pháp, đó là một mảng hoạt động của Giáo hội và hiện nay, tôi phụ trách Phật giáo quốc tế. Giáo hội có nhiều lãnh vực hoạt động như hoằng pháp, văn hóa, từ thiện, cư sĩ, hay Phật giáo quốc tế, v.v… tất cả các lãnh vực này phải mạnh đều; nếu chỉ có một mặt mạnh sẽ trở thành khuyết tật. Ta làm việc này, người làm việc khác, cần phải bảo vệ, giúp đỡ nhau, không phải phân hóa, đả phá nhau làm cho Phật giáo suy đồi. Cũng như chúng ta ở chung một chùa, thấy người yếu thì phải giúp đỡ, không công kích, chống đối nhau. Anh em phải nhớ như vậy để khởi tu.

Tam Hiền vị của Thanh văn là quá trình tu từ phàm phu lên Thánh, tất yếu phải đi con đường này. Anh em nghĩ mình tu hành phát xuất từ chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não thì phải giải quyết chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não. Muốn vậy, chúng ta phải phá cái nghiệp của mình và chấm dứt nghiệp để trở thành thanh tịnh Tăng. Trong lúc thực hiện pháp này, có việc chúng ta làm được, có việc không làm được, nhưng cái gì cắt bỏ được thì phải cắt ngay. Người xuất gia cắt bỏ công danh sự nghiệp để dấn thân tu hành, còn đối với thân này thì cắt nghiệp là đoạn dục khử ái. Người thực tu phải đi con đường này như Đức Phật đã làm. Còn cư sĩ thì phải thỏa hiệp với nghiệp để tu, vì còn có gia đình, có công việc; cho nên giờ nào, ngày nào tu được thì tu, giờ khác phải lo cho gia đình và xã hội, không được thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đó là ý nghĩa thỏa hiệp với nghiệp, phải làm bổn phận nghĩa vụ của người dân, của thành viên trong gia đình mới có quyền lợi hợp lý. Nhưng đối với chúng xuất gia đã từ chối quyền lợi, nên không còn nghĩa vụ nữa. Nếu anh em tu mà từ chối nghĩa vụ xã hội nhưng lại muốn hưởng quyền lợi xã hội là sai lầm, phải từ chối quyền lợi thì luật pháp mới chấp nhận mình. Thí dụ Nhà nước cấp đất cho chúng ta xây chùa là đất tôn giáo dành cho người tu, nên chúng ta không phải đóng thuế đất, tức chúng ta không có quyền lợi thì cũng không có nghĩa vụ. Còn nếu thầy mở cửa hàng kinh doanh là có thu nhập thì không được từ chối nghĩa vụ.

Ngài Quy Sơn dạy rằng "Bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự. Miến ly hương đảng, thế phát bẩm sư…”. Nghĩa là người xuất gia không lo việc nước cũng chẳng thừa kế nghiệp nhà, từ bỏ xóm làng, thân tộc, xuống tóc theo thầy học đạo… thì việc của chúng ta là "Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức…”, nhưng "nội cần” không có là tu hành không tiến bộ, mà chỉ lo tranh giành quyền lợi, không được thì phiền não nổi dậy; như vậy không phải là người tu.

Chúng ta tu không đạt kết quả tốt đẹp vì phạm sai lầm, nhưng lại nói chúng ta tu Đại thừa. Tu Đại thừa theo Pháp hoa, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Phật dạy gì? Kinh Bát-nhã dạy quán Không, bỏ tất cả, chủ yếu là bỏ phiền não, nhưng ta lại ôm phiền não là sai, không phải Đại thừa, tức ta còn buồn giận lo sợ, phải trái hơn thua không ở giải thoát môn. Khi buồn giận liền nghĩ mình đã sai, phải bỏ để tâm vắng lặng là nhập Bát-nhã môn.

Đi theo lộ trình của hàng nhị thừa, chúng ta phát tâm tu phải đạt cho được Hiền vị thì không còn bốn tướng buồn giận lo sợ. Có thầy nói rằng tôi chết đến nơi mà không sợ. Tôi trả lời tu thì còn sợ gì, lo gì. Tôi muốn nhắc anh em chuyện sống chết đối với chúng ta là bình thường. Còn sợ là còn phiền não, không nhập Bát-nhã môn được, hay thân xuất gia mà tâm thế tục thì nguy hiểm.
HT. Thích Trí Quảng
[C4L]

No comments:

Post a Comment