TU HÀNH LÀ CHUYỂN 10 NGHIỆP ÁC THÀNH 10 NGHIỆP THIỆN
Như vậy, chúng ta tu hành là chuyển mười ác nghiệp thành mười thiện nghiệp, đối với người khác tuyệt chẳng vọng ngữ, mà nói lời thành thật, tâm và miệng như một, nói gì quyết phải làm đó. Chẳng được nghĩ con người trong xã hội hiện tại đều là lừa dối, có ai nói thật với người khác đâu? Lập luận như vậy, thoạt nghe tưởng là đúng, nhưng thật ra là sai. Người khác đều nói lời không thật, nhưng nếu quý vị hiểu rõ nhân quả ba đời, quý vị biết kẻ đó tạo những nghiệp gì, tương lai đi vào con đường nào? Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh! Nếu quý vị cũng bắt chước họ, giống như họ, trong tương lai quý vị nhất định phải đi vào ba ác đạo, lầm lạc mất rồi!
Dẫu mọi người đều vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ hết cả, ta vẫn nhất định không làm theo. Vì sao? Ta chẳng mong mỏi đi vào ba ác đạo. Ta hy vọng trong tương lai vẫn được thiện quả mang thân trời người thì ta chẳng được vọng ngữ, chẳng được lưỡng thiệt; ác khẩu, ỷ ngữ đều không được. Nếu quý vị muốn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì lại càng không được [làm những điều đó]. Vì sao? Tây Phương Cực Lạc thế giới “giai thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (đều là thượng thiện nhân cùng nhóm lại một chỗ). Đức Phật dạy chúng ta như vậy, muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phải tu Thập Thiện Nghiệp thượng phẩm. Trung phẩm Thập Thiện là nhân đạo. Thượng phẩm Thập Thiện là thiên đạo. Nói cách khác, chúng ta muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì tiêu chuẩn thấp nhất là thiên đạo. Như vậy, há có thể giết, trộm, dâm được ư? Há có thể vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ ư? Chẳng thể được! Quyết định chẳng thể được! Trong ý niệm chẳng thể có tham, sân, si, phải buông xuống, nhất định phải biết hết thảy tất cả thế gian, xuất thế gian đều là mộng, huyễn, bọt, bóng. Người khác muốn thì ta cứ nhịn, cứ nhường. Nhường nhịn (nhẫn nhượng) là lúc mới vừa học, học đến giai đoạn thành thục sẽ nhường, vui vẻ nhường, không còn phải nhẫn nữa. Lúc mới học phải nhẫn, dần dần không còn nhẫn nữa. Nhẫn là có lúc thấy rất khó chịu, nhưng nhường lâu ngày sẽ vui vẻ làm!
Đức Phật dạy chúng ta trong mỗi niệm đều phải có tâm bố thí, cúng dường. Điều đó rất hay, bố thí cúng dường được đại phước báo. Người khác lừa mình, mình hoan hỷ. Vì sao? Kẻ đó gạt mình lấy của, là mình Tài Cúng Dường cho hắn. Không có chút áo não chi hết! Hắn xâm chiếm mình, mình cũng rất vui vẻ, mình bố thí cúng dường cho hắn, hành đạo Bồ Tát mà! Nhất định phải nhớ kỹ: Đừng nói Phật pháp, ngay trong thế gian pháp, nếu trong mạng quý vị nhất định có thì dẫu có bỏ cũng bỏ chẳng được. Trong mạng không có, có muốn ôm giữ cũng không được!
Bởi vậy, đối với của cải, người có trí huệ biết cách tán tài, trong Phật pháp gọi [tán tài] là “quảng tu cúng dường” (rộng tu cúng dường). Dùng cái tâm chân thành, cung kính để cúng dường, không một mảy keo tiếc, dứt keo tham! Chúng ta học được điều gì, nhất định phải thực hiện điều đó trong cuộc sống thường nhật thì mới thực sự được thọ dụng, thường sanh lòng hoan hỷ. Tâm bình khí hòa, tâm an lý đắc, môn học vấn ấy thực sự hữu dụng, mang lại hạnh phúc chân thật viên mãn cho cả một đời ta. Nếu không học Phật, trong xã hội hiện tại người bất thiện nhiều, chúng ta giao tiếp với họ bị thiệt thòi, ngày ngày uất ức. Hằng ngày bực bội thì điều tổn thất đầu tiên là thân thể bị tổn hoại đến nỗi thành bệnh.
trích lục Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, Chủ giảng Lão pháp sư Tịnh Không—Q2, tập 41, tr 163-165-
Lãng Nhân
No comments:
Post a Comment