Friday, September 6, 2013

Phương pháp Sám Hối hiệu quả - Áp dụng 4 lực đối trị:

Phương pháp Sám Hối hiệu quả - Áp dụng 4 lực đối trị:

************************
1. Lực của đối tượng: Lực này thường được coi là đối tượng của việc sám hối. Theo Je Phabongkha Rinpoche và Tri Gyaltsan Senge thì mọi nghiệp xấu đều có liên quan đến Tam Bảo hoặc chúng sinh. Vi phạm giới nguyện, từ bỏ giáo pháp hay gây bất hoà trong Tăng Ðoàn là những nghiệp xấu liên quan tới Tam Bảo. Sát sinh, trộm cướp, nói dối là nghiệp xấu liên quan đến chúng sinh. Khi ngã xuống đất, người ta dùng chính đất đó làm chỗ tựa để đứng dậy. Cũng vậy, chúng ta xem Tam Bảo là đối tượng quy y của mình, và coi chúng sinh là đối tượng từ bi của mình khi phát Bồ đề tâm thì tâm sẽ thanh lọc mọi nghiệp xấu của mình. Vì vậy, quy y và Bồ đề tâm là lực của đối tượng.

2. Lực của hối hận: Hành giả nghĩ tới những hành động xấu của mình, những nghiệp xấu phát xuất từ tham, sân, si đã tạo tác trong quá khứ, ở hiện tại hay có thể sẽ được tạo ra trong tương lai. Hành giả cũng nghĩ tới những hành động xấu mà mình đã xúi dục người khác làm. Sau đó, nhận ra những đau khổ do nghiệp xấu mang lại, hành giả vô cùng hối hận. Sự hối hận này vừa thanh lọc nghiệp xấu vừa diệt trừ khuynh hướng làm điều xấu trong tương lai. Mức độ thanh lọc nghiệp xấu tùy thuộc sức mạnh của hối hận và mức độ thành tâm.

Nhưng nếu không thể nhớ hết tất cả những hành động xấu mà mình đã tạo ra trong đời này thì làm sao có thể thanh lọc tất cả các nghiệp xấu ở ba thời, hiện tại, quá khứ và vị lai? Ví dụ, người ta quyết định tiêu diệt tất cả các loại cầm thú kể cả côn trùng trong một khu rừng. Do đốt hết cả khu rừng, người ta có thể biết chắc là tất cả loài thú trong khu rừng ấy đều chết hết, dù không trông thấy một con vật nào vào lúc nó đang bị chết cháy. Tương tự như vậy, bằng cách gom tất cả những nghiệp xấu đã tạo trong các kiếp và dùng bốn lực đối trị chúng thì có thể giải trừ mọi nghiệp xấu mà không cần phải nhớ lại từng hành động riêng rẽ.

3. Lực của thiện nghiệp: Thứ ba là lực của nghiệp tốt được tạo ra để đối trị những nghiệp xấu mà mình muốn thanh lọc. Thiện nghiệp có thể là một việc tốt nào đó được thực hiện với sự hối hận chân thực nhằm bù đắp lại hành vi xấu mà mình đã làm. Hành giả có thể lễ lạy, trì chú, đọc tụng kinh sách, thiền quán, niệm hồng danh chư Phật, cúng dường hay bố thí. Ở đây pháp đối trị nghiệp xấu là pháp niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Hành giả trì danh hiệu Phật này với Bồ đề tâm và có ý thức về sự vô ngã của chủ thể, đối tượng và hành động để đạt kết quả tốt nhất. Trong việc giải trừ nghiệp xấu, Bồ đề tâm vô cùng quan trọng và cũng là lực thứ nhất trong bốn lực đối trị. Bồ đề tâm có thể giải trừ đại ác nghiệp và đại chướng ngại trong tu tập. Bồ đề tâm giống như lửa cuối thời mạt pháp, như Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh Luận:

Giống như lửa cuối đại kiếp
Bồ đề tâm diệt mọi điều xấu
Lợi ích vô lượng của Bồ đề tâm
Ðã được Bồ Tát Di Lặc dạy cho Tu Đà Na (Sudhana)

4. Lực của giới nguyện: Ðây là lời thệ nguyện không tạo nghiệp xấu nữa. Nếu có thể, hành giả nên phát nguyện từ bỏ mọi hành động xấu. Hành vi nào do thói quen, hành giả có thể nguyện bỏ trong một khoảng thời gian mà mình có thể dứt trừ được. Ví dụ như nói chuyện phù phiếm.

Hành giả có thể nguyện bỏ một tật xấu sau thời gian một tháng, một năm hay một khoảng thời gian mà mình có thể giữ trọn lời nguyện. Không có lực thệ nguyện thì việc thanh lọc không trọn vẹn, vì vậy hành giả nên cố gắng tạo thói quen giữ tròn lời thệ nguyện hơn là phát nguyện quá nhiều nhưng không thể giữ vẹn. Cách tốt nhất nguyện bỏ điều xấu trong một ngày và thực hành tịnh hóa nghiệp xấu mỗi ngày.

Do tinh tấn vận dụng bốn lực đối trị, hành giả có thể giải trừ mọi nghiệp xấu. Nếu lực đối trị mạnh trung bình thì hành động xấu sẽ giảm bớt. Nếu lực đối trị yếu thì hành động xấu vẫn còn nhưng không tăng trưởng.

(Geshe Acharya Thubten Loden - Việt dịch: Lục Thạch - Hiệu đính: Lê trung Hưng)

No comments:

Post a Comment