Thursday, September 5, 2013

MÔN TỰ LỰC , THA LỰC !

MÔN TỰ LỰC , THA LỰC !


Hôm nọ tôi có post 1 bài THA LỰC LÀ YẾU HÈN ? và có hỏi các bạn 1 câu vậy: NIỆM PHẬT là tha lực hay tự lực ? Nhưng thấy có vài ý kiến tương đối sát , còn lại thì có lẽ các bạn hiểu chưa thật chắc chắn nên hôm nay tôi pót bài này lên để các bạn và các đồng tu cùng chiêm nghiệm . Trên con đường tu hành nếu không hiểu cặn kẽ giáo lý Phật Đà mà chỉ ngồi niệm Phật suông thì chưa chắc thành tựu...đến khi nghiệp đổ xuống hoặc cận tử nghiệp đến sẽ hốt hoảng điên đảo ngay và bao nhiêu công sức tu hành bấy lâu sẽ trôi tuột hết thì thật là oan uổng . Các bạn nên hiểu rõ: NIỆM PHẬT LÀ THA LỰC - CHÍNH LÀ PHẬT LỰC GIA TRÌ CHO TA ; KHI TA NIỆM PHẬT VỚI TÂM CHÂN THÀNH THANH TỊNH , CHÁNH NIỆM TỘT BỰC THÌ PHẬT QUANG SẼ CHIẾU ĐẾN TA GIA TRÌ CHO TA GIÚP TA TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG ĐỒNG THỜI CÂU NIỆM PHẬT ĐƯỢC HUÂN TU ĐỀU ĐẶN SẼ ĐI VÀO A LẠI DA THỨC KHIẾN TA DẦN DẦN NIỆM NHƯ KHÔNG NIỆM, KHÔNG NIỆM MÀ NIỆM TỨC LÀ TA ĐÃ ĐI VÀO CẢNH GIỚI NHẤT TÂM HOẶC NIỆM PHẬT THÀNH MỘT MẢNG ĐIỀU ĐÓ SẼ GIÚP TA TRONG LÚC CẬN TỬ NGHIỆP RẤT NHIỀU, LẠI THÊM SỰ TRỢ NIỆM CỦA BAN HỘ NIỆM THÌ CHẮC CHẮN TA SẼ ĐƯỢC VÃNG SANH. Xuất phát từ lòng tin kiên cố đó ta mới đủ dũng mãnh tinh tấn trên con đường tu hành giải thoát .

Chúc các bạn và các vị đồng tu luôn sống vui an lạc và tinh tấn . A Di Đà Phật _(())_

****************

Hỏi:

Nói về các pháp môn thì có vô lượng. Pháp nào là tự lực, pháp nào là tha lực?

Đáp:

Như Lai tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng chỉ có một môn niệm Phật là tha lực, các môn tu hành khác đều là tự lực?

Hỏi:

Tu hành tự lực, y theo lời dạy trong kinh Phật bao giờ thành tựu? Tu hành nương tha lực đến bao giờ mới thành tựu?

Đáp:

Tu hành tự lực theo lời dạy trong kinh Phật, từ khi mới phát tâm trải qua một Đại A-tăng-kỳ kiếp mới đến Sơ địa. Lại tu hành trải qua Đại A-tăng-kỳ kiếp nữa mới đến bậc Bồ-tát Bát Địa. Đây đều là tự lực.

Tha lực là theo pháp môn niệm Phật, mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày, niệm Phật A-Di-Đà vãng sinh Tịnh độ, tức là Bồ-tát Bát Địa. Tại sao? Vì nương sức mạnh bản nguyện của Phật A-Di-Đà.

Trong kinh A-Di-Đà nói: “Chúng sinh được sinh về đều là bậc Bất thối chuyển”. Đã là bậc Bất thối chuyển tức là Bồ-tát Bát Địa.

Hỏi:

Tự lực và tha lực ý nghĩa như thế nào?

Đáp :

Tự lực giống như đứa bé mới ba tuổi, nhà cách kinh thành xa ngàn dặm mà bảo đứa bé ấy tự đến kinh thành cầu quan chức. Như thế làm sao đến được! Tại sao? Vì còn trẻ nhỏ. Sự tu hành của các môn khác cũng như thế, cần phải nhiều kiếp tu tập mới thành tựu. Giống như đứa bé dùng tự lực đi đến kinh thành thì không thể đến được, bởi vì tự lực.

Nói về tha lực, giống như đứa trẻ tuy nhỏ, nhưng nương vào sức lực cha mẹ và voi, ngựa, xe cộ, không bao lâu đến kinh thành, bèn được quan chức. Tại sao? Vì do tha lực. Tu hành niệm Phật cũng như thế, lúc sắp mạng chung nương nguyện lực của Phật A-Di-Đà, chỉ trong khoảnh khắc vãng sinh Tây Phương, được vào bậc Bất thối. Giống như cha mẹ đem voi, ngựa, xe cộ chở trẻ con, không bao lâu đến kinh thành tìm được quan chức.

Vả lại, tự lực giống như người nghèo, dùng sức tuy nhiều mà được tiền rất ít. Các môn tu hành khác cũng như thế, dùng sức rất nhiều nhưng công đức rất ít. Giống như đi làm thuê cho nhà nghèo không khác.

Tha lực giống như làm thuê cho vương gia, dùng sức rất ít được tiền vô số. Tại sao? Vì nương vào sức mạnh của vương gia. Niệm Phật cũng như thế, vì nương nơi nguyện lực của Phật, dụng công rất ít, công đức vô biên. Một ngày cho đến bảy ngày chuyên tâm niệm Phật, mau được vãng sinh Tịnh độ, sớm chứng đắc đạo Giác ngộ Vô thượng, giống như đi làm thuê cho vương gia không khác.

Hơn nữa, tha lực giống như con kiến bám trên cánh đại bàng, đại bàng liền đem kiến để trên núi Tu Di. Kiến được lên cao, thọ hưởng những điều thích thú. Phàm phu niệm Phật cũng như thế, nương vào nguyện lực của Phật mau được sinh sinh về Tây Phương, thọ hưởng sự vui thích, giống như con kiến nương sức mạnh của đại bàng mà được lên núi. Đây là tha lực.

Các môn tu hành khác giống như con kiến dùng tự lực bò lên núi, chẳng thể tới được. Đây là tự lực.

Tự lực giống như tôm tép, tha lực giống như rồng. Có những tôm tép ngậm vào vảy rồng, rồng mang tôm tép mau chóng vào biển cả. Do chúng sinh niệm Phật nên đem chúng sinh mau chóng đến Tây Phương.

Vả lại, tự lực cũng giống như kẻ phàm phu bị què không thể đi mau. Tha lực giống như Chuyển Luân Vương bay trên hư không, qua lại khắp tứ thiên hạ, vì nương vào sức mạnh của bánh xe báu. Nương vào nguyện lực của Phật cũng như thế, trong một khoảnh khắc liền được vãng sinh Tây Phương vào bậc Bất thối.

Các môn tu hành khác giống như đi bộ trên đất bằng; tu hành niệm Phật giống như ngồi trên thuyền lướt trên sông nước, đi nhanh vượt xa không chướng ngại. Niệm Phật vãng sinh cũng như thế, dụng công rất ít mà sớm chứng ngộ Bồ-đề.

Pháp môn niệm Phật do nương vào sức mạnh bản nguyện của Phật A-Di-Đà nên mau chóng thành Phật, vượt qua các môn khác gấp trăm ngàn vạn lần.

Đại Sư Thiên Đạo - Tổ thứ hai của Liên Tông biên soạn
Thích Minh Thành dịch

===================================

Đại sư Thiên Đạo
(Tổ thứ hai của Liên Tông )

Đại sư Thiện Đạo, Tăng đời Đường, người ở Lâm Truy, Sơn Đông. Họ Chu, hiệu là Đại sư Chung Nam. Ngài là Tổ thứ hai của Liên Tông, cũng là người tập hợp và đúc kết được những điều hay trong giáo nghĩa Tịnh độ của phái Đàm Loan, Đạo Xước.

Thuở bé, lễ Pháp sư Minh Thắng ở Mật Châu xuất gia, đọc các kinh Pháp Hoa, Duy Ma… Về sau, Sư xem kinh Quán Vô Lượng Thọ, vui buồn lẫn lộn, bèn tu tập mười sáu phép quán.

Năm thứ 15 niên hiệu Trinh Quán (641) đời Đường Thái Tông, Sư đến chùa Huyền Trung ở Tây Hà yết kiến Thiền sư Đạo Xước, tu học Phương Đẳng Sám Pháp, lại nghe giảng kinh Vô Lượng Thọ. Sau đó chuyên tâm niệm Phật, dốc sức chuyên cần bèn được Niệm Phật tam-muội, ở trong định tận mắt thấy cảnh trang nghiêm của Tịnh độ.

Về sau, Sư vào chùa Quang Minh ở Trường An hoằng truyền pháp môn Tịnh độ. Sư hành trì tinh nghiêm, thường ngày ngồi chắp tay nhất tâm niệm Phật đến khi kiệt sức mới thôi.

Hơn ba mươi năm không dời đổi nơi ngủ nghỉ, chẳng ngước mắt nhìn người nữ, cũng không nhận Sa-di lễ bái, tránh xa danh lợi, chẳng nhận cúng dường. Y phục tốt, thức ăn ngon, Sư đều đưa cho nhà trù để cúng dường
đại chúng, tự mình chỉ dùng thức ăn đạm bạc.

Sư đem những tịnh tài được dâng tặng:

* Viết mười vạn quyển kinh A-Di-Đà, vẽ ba trăm bức Tịnh độ biến tướng.
* Thấy tháp miếu già lam hư hoại đều tu sửa lại.
* Sư giáo hóa các châu Kinh Hoa, mọi người đều ngưỡng mộ đức hạnh.
* Có người tụng kinh A-Di-Đà mười vạn lần cho đến ba mươi vạn lần.
* Hoặc có người định thời khóa mỗi ngày xưng danh hiệu Phật một muôn cho đến mười muôn.
* Hoặc có người được Niệm Phật tam-muội vãng sinh Tịnh độ.
* Hoặc có người gieo thân từ đỉnh núi, sinh mạng ký thác nơi suối sâu, xả mệnh đốt thân.

Do đó, Sư được mọi người gọi là “Di Đà hóa thân”. Ngoài ra, Sư đã cùng với Pháp sư Kim Cang luận thuyết về sự hơn kém của pháp môn Niệm Phật.
Thời Cao Tông, ở Long Môn tại Lạc Dương đúc tượng Phật Đại Tỳ Lô Giá Na, Sư đảm nhận chức trách trông coi công việc.

Ngày 14 tháng 3 năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Long (681), Sư thị tịch, thọ 69 tuổi, an táng ở Thần Hòa Nguyên phía Nam thành Trường An. Đệ tử gồm các vị: Hoài Cảm, Hoài Uẩn, Tịnh Nghiệp Đại sư có trước tác Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ 4 quyển, Tịnh Độ Pháp Sự Tán 2 quyển và Quán Niệm Pháp Môn, Vãng Sinh Lễ Tán Kệ, Ban Chu Tán, Ngũ Chúng Tăng Thượng Duyên Nghĩa… mỗi loại một quyển.
Sư rất được tông Tịnh độ tôn kính, nhờ sự xiển dương của Sư mà Tông này được xác lập, đặc biệt được gọi là dòng Thiện Đạo. Đây là một trong những đặc sắc của Phật giáo đời Đường, ảnh hưởng rất lớn đối với tông Tịnh độ.

Công nguyên 1909, học giả Nhật Bản là Quất Thụy Siêu… ở vùng phụ cận Toyuk (là nền cũ của Cao Xương) phát hiện quyển Vãng Sinh Lễ Tán Kệ và những mảnh đứt đoạn của kinh A-Di-Đà, phần sau có phụ lục văn phát nguyện của Sư. Đây có lẽ là một trong mười vạn quyển kinh A-Di-Đà do Sư viết.

Hơn nữa, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ cũng gọi là Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, vào thế kỷ thứ VIII đã được truyền sang Nhật Bản và lưu truyền rất rộng. Ngài Pháp Nhiên y cứ vào sách này sáng lập tông Tịnh độ của Nhật Bản, đồng thời tôn Đại sư Thiện Đạo làm Cao Tổ.

(Theo Phật Quang Đại Từ Điển)

No comments:

Post a Comment