Mong sao nước đừng chảy, mong sao nghiệp sẽ dừng?
***********************Lời dẫn: “Người phải vươn lên, nước thì chảy xuống”. Đây chính là tính chung của sự vật. Con người sống mà không vươn lên là người không có chí khí. Nước không chảy xuống trừ phi có vật chặn nó lại. Lí lẽ này rất rõ ràng. Nhưng vẫn có người không biết nguyên lí này, lại không chịu học theo chí khí của người khác để hiểu biết mà chỉ mong thành công, giống như nước không chặn lại mà muốn nó đừng chảy, chẳng phải là hành vi của kẻ ngu si hay sao?
Thuở xưa, có một người rất thích đi du lịch, có thể nói năm nào hắn cũng đi khắp đó đây. Bậc cổ đức dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”. Người đi du lịch nhiều nơi làm tăng trưởng sự hiểu biết, tâm trí càng nhìn rộng. Nhưng hắn chẳng có tăng trưởng kiến thức tí nào, trái lại còn cố chấp bị vật trói buộc.
Một hôm, hắn đi trên đường vừa mỏi mệt vừa đói khát, nhưng phía trước là một cánh đồng hoang vu, không có một con sông cũng không có ao hồ. Biết tìm nước uống ở đâu đây? Đang lúc buồn rầu hắn chợt phát hiện ở phía đông cánh đồng thấp thoáng một ngọn núi. Hắn nghĩ: “Có núi ắt phải có nước”, nên hắn đi thẳng đến chân núi. Quả nhiên, có người đang cày ruộng dưới chân núi, họ nối nhiều ống tre để dẫn nước vào ruộng, nước từ trong ống tre chảy ra trong veo mát lạnh. Hắn nhìn thấy dòng nước chảy ra vui mừng khôn xiết, liền uống một hơi thoả thích.
Hắn uống nước no xong, bỗng nhiên nghĩ ra một cách kì quái: “Ta mong nước trong ống tre đừng chảy ra nữa vì ta đã uống no rồi, đã khát rồi. Tại sao nước vẫn chảy mãi nhỉ”. Do đó, hắn nổi tức giận, điên cuồng quát lên: “Ta đã uống no rồi. Tại sao mi cứ chảy mãi thế?”. Lúc hắn đang tức giận đùng đùng thì có một người nông dân ở bên chân núi đến hỏi:
– Này anh! Người nào chọc anh tức giận thế?
Hắn đáp:
– Dòng nước này không biết gì cả, lúc nãy tôi khát khô cổ họng nên tìm đến đây, giờ đã uống thỏa thích rồi. Vì sao nước cứ chảy mãi thế này? Thật là tức chết đi được.
Hóa ra là tên quá thô lỗ, ngu si cực kì. Người nông dân không thèm đếm xỉa đến hắn bỏ đi về phía trước.
Bài học đạo lí
Muôn sự muôn vật ở thế gian đều có nhân mới có quả. Chúng sinh vì ưa tham đắm năm dục mà tạo nghiệp, không chịu buông bỏ thì làm sao không bị quả báo khổ nạn? Khi họ chán ngán cảnh trần, không còn hứng thú; nhưng nếu không đoạn tham dục trong tâm thì làm sao ngăn được dòng nước ham muốn đừng chảy? Hoặc không đoạn nguồn gốc năm dục thì cũng giống như gã ngu si kia không ngăn dòng nước mà muốn nó đừng chảy, thật là nực cười.
Cây có cội, nước có nguồn. Bậc cổ đức dạy: “Vật có gốc ngọn, sự có thỉ chung, người biết trước sau, là gần đến đạo”. Con người có sang-giàu, nghèo-hèn, khôn-dại, hiền-dữ; cho đến tính tình có thiện-ác, trung-gian, chính-tà đều là nghiệp nhân từ quá khứ, chiêu cảm quả báo khổ vui đời hiện tại. Chúng ta không biết truy tìm nguồn gốc, chỉ trách móc nghiệp quả; hoặc oán trời trách người thì có ích gì?
Vì thế, Đức Phật dạy: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bậc giác ngộ biết rõ tạo nhân gì sẽ đưa đến quả đó. Cho nên, Tử Tư nói: “Mỗi ngày ta xét lại thân ta ba lần”. Các ngài như vậy làm việc có sai lầm không? Có nói lời đắc tội với người khác, hay nói sai lầm không? Hành động có lỗi với người khác không? Người luôn kiểm điểm như vậy ít tạo ác nghiệp mà tăng trưởng đạo nghiệp. Còn hàng phàm phu nói ra hay hành động đều tăng trưởng tội nghiệp mà tự mình không biết; cho nên lưu chuyển trong sinh tử, nghiệp báo vô cùng.
Đời trước, chúng ta có tạo nhiều nghiệp, nên đời nay chịu nhiều quả báo, xảy ra những chuyện tai nạn, đau khổ; nhưng không biết sám hối tu hành, lại mê muội cầu thần, khấn Phật; giống như “trèo cây bắt cá” phải không? Đức Phật dạy nhân nào thì quả đó. Nhưng mọi người cố chấp không tin, lại tin xem bói, đoán mạng; khi xử lí sự việc khác nào trèo cây bắt cá? Từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã tích tập những thói ác tham, sân, si; cho nên sinh tử vô cùng, khổ báo vô tận. Nếu không chịu nỗ lực tu hành mà oán trời trách người thì giống như gã ngu si trong câu chuyện trách nước chảy mãi phải không?
(Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Thiện Thuận)
No comments:
Post a Comment