Sunday, July 21, 2013

THAY ĐỔI SỐ MỆNH

THAY ĐỔI SỐ MỆNH


Trong Phật giáo không có khái niệm số mệnh, tuy nhiên, kết quả của nghiệp (ý niệm, hành động, tập quán, thói quen) đã tạo nên con người và hoàn cảnh sống, kết quả của nghiệp có tính quyết định hình thành nên cái mà con người ngộ nhận là số mệnh, định số hay định mệnh. Số mệnh là cái mà con người cho là thiên định (trời định), không một ai có thể thay đổi trừ phi ý trời thay đổi khi con người làm điều gì đó cảm động lòng trời. Nhưng nghiệp thì khác, nghiệp do con người tạo ra, và phản ứng của nghiệp (nghiệp quả, hậu quả của nghiệp) trở lại tác động, chi phối con người. Tính chất của nghiệp là duyên sinh, bất định, cho nên có thể thay đổi.

Con người có thể thay đổi số mệnh (nói đúng hơn là thay đổi nghiệp, là chuyển nghiệp nếu như nghiệp quả chưa hình thành, nhân chưa trổ quả) bằng cách thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, tập quán, thói quen (chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý).

Thời đức Phật, Angulimàla là một tên cướp khét tiếng đã giết 999 người và lấy ngón tay của những nạn nhân xâu lại thành chuỗi rồi đeo ở cổ để thị uy. Nhưng từ khi gặp đức Phật, được đức Phật giáo hóa, Angulimàla đã tỉnh ngộ và quyết tâm hồi đầu hướng thiện. Sau khi quy y Phật và xin xuất gia, Angulimàla nỗ lực tu tập để chuyển hóa tự thân. Sau một thời gian tinh tấn tu tập chuyển hóa, dù trải qua nhiều khó khăn thử thách do phải nhận lãnh quả báo của những ác nghiệp mà mình đã tạo, cuối cùng Angulimàla cũng chứng đắc thánh quả A la hán, quả vị giải thoát cao nhất của hàng Thinh văn.

Trong quá trình tu tập, suốt một thời gian dài tinh thần Angulimàla không được yên ổn, ông thường xuyên bị ám ảnh bởi những cảnh tượng giết chóc rùng rợn và những âm thanh kêu la thảm thiết của các nạn nhân trước đây ông giết hại. Nhiều lần trên đường đi khất thực, Angulimàla bị thân nhân của những người đã bị ông sát hại ném đá, dùng gậy gộc đánh đập một cách dã man để trả thù, khiến cho ông bị thương tích máu me đầy mình. Tuy nhiên Angulimàla vẫn kiên nhẫn chịu đựng, cố gắng điều phục nỗi sân hận trong lòng. Để hỗ trợ cho sự tu tập của Angulimàla, đức Phật đã giải thích cho ông hiểu rằng những điều không hay xảy đến với ông đều là kết quả của những ác nghiệp mà ông đã tạo. Hiểu được điều đó, Angulimàla càng cố công tu tập và nhẫn chịu mọi sự oán nghịch. Với tâm xả ly và sự tinh tấn hành trì giáo pháp, dần dần Angulimàla đã vượt qua được những bất an mà trước đây ông thường xuyên đối mặt.

Một hôm nọ trên đường đi khất thực, Angulimàla gặp một người phụ nữ trở dạ nhưng khó sinh đang đau đớn kêu gào. Angulimàla không biết làm gì để giúp người phụ nữ ấy, ông trở về cầu xin đức Phật chỉ cách giúp người kia. Đức Phật dạy Angulimàla đến nói với người phụ nữ khó sinh kia như sau: “Này chị, từ khi tôi được sinh vào hàng thánh chúng, tôi chưa hề giết hại bất cứ một loài hữu tình nào. Cầu mong lời nói chân thật này giúp cho chị được khỏi đau đớn, con của chị được sinh ra an toàn”. Angulimàla trở lại nơi gặp người phụ nữ khó sinh, ông ngồi cách người phụ nữ kia một bức màn rồi đọc lại lời Phật dạy, người phụ nữ bỗng hết đau tức thì và hạ sinh đứa con dễ dàng.

Sự dừng lại, không tiếp tục tạo tác những nghiệp bất thiện, nỗ lực tinh tấn thực hành điều thiện, tu tập chuyển hóa nội tâm đã giúp Angulimàla thay đổi từ một con người tội lỗi trở thành bậc hiền nhân thánh thiện, và sau cùng là thành tựu quả vị giải thoát, dự vào hàng thánh chúng (Xem Lịch sử đức Phật Thích Ca, phần đức Phật và Angulimàla, HT.Thích Minh Châu biên soạn, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II ấn hành, 1988).

Trong bài tựa sách Đồng Mông Chỉ Quán, Đại sư Trí Khải có thuật lại một câu chuyện chuyển nghiệp, làm thay đổi nghiệp quả khi nghiệp quả sắp hình thành như sau: Có một vị Tăng trụ trì ở một chùa nọ đã chứng quả A la hán, ông biết trong vòng bảy ngày nữa đệ tử mình sẽ chết, bèn bảo người đệ tử ấy về thăm nhà. Trên đường về nhà, người đệ tử thấy một ổ kiến trên bờ đê có nguy cơ bị dòng nước xoáy cuốn trôi. Người đệ tử động lòng thương bèn đắp lại chỗ đê sắp bị vỡ để cứu ổ kiến. Sau đó người đệ tử tiếp tục lên đường về thăm nhà. Qua bảy ngày người đệ tử vẫn bình an trở lại chùa trước sự ngạc nhiên của vị thầy. Thấy người đệ tử chẳng những không chết mà khí sắc còn tốt hơn trước, vị thầy lấy làm lạ bèn hỏi người đệ tử đã làm những việc gì trong thời gian về thăm nhà. Người đệ tử thuật lại cho thầy nghe về việc mình cứu ổ kiến trên đường đi. Nghe xong vị thầy cho người đệ tử biết, chính nhờ phát tâm từ bi cứu mạng lũ kiến mà chuyển được nghiệp, thay vì phải chết trong vòng bảy ngày nhưng lại không chết mà còn tiếp tục sống thêm nhiều năm nữa.

Người đệ tử của vị Tăng A la hán đã cứu vô số sinh mạng, tạo thiện nghiệp (phước nghiệp) quá lớn có năng lực làm thay đổi nghiệp quả sắp hình thành cướp đi mạng sống của mình. Nhờ phước nghiệp nên chẳng những không chết mà còn được tăng thọ mạng. Trên là một số trường hợp điển hình về sự thay đổi số mệnh, hay nói cho đúng hơn là sự chuyển nghiệp, làm thay đổi nghiệp quả.

No comments:

Post a Comment