Tuesday, July 23, 2013

SỰ LÝ VIÊN DUNG.

SỰ LÝ VIÊN DUNG.


“Sự lý viên dung

Di Đà một niệm

Đường về mênh mông”.

(Thơ Đông Tùng)

Người niệm Phật dù thực hành theo sự trì danh hay lý trì danh đều gặt hái lợi ích về cho bản thân, dù mục đích của hai phương pháp có chỗ không như nhau.

Đứng ở mặt phương tiện, rõ ràng có hai cách hành trì nhưng trên góc độ cứu cánh thì chỉ một mà thôi. Hành giả cần dung thông sự và lý, không nên lựa chọn cách này loại bỏ cách kia. Trên bước đường tiến về Bảo sở, cần thoát khỏi vọng tình, vọng kiến mới mong bước vào Pháp giới nhất chơn.

Lý là kim chỉ nam, là bản đồ chỉ rõ hành trình phải đi qua; sự là đôi chân, là phương tiện để tiến bước. Chấp sự mê lý, chấp lý bỏ sự đều khiếm khuyết. Người chấp sự thì sinh tình (phiền não chướng), ngăn chặn nẻo về Niết-bàn và không hồi vãng về tự tính; kẻ chấp lý thì sinh tưởng (sở tri chướng) gây khó khăn cho đường đến Bồ-đề và đồng thời không nhận được từ lực gia hộ của Phật A Di Đà.

Trên thực tế, hành giả thực hành theo sự niệm Phật (tức không thông đạt về lý tính, chỉ một lòng niệm Phật để cầu sinh Tây phương, ngoài ra chẳng biết gì về tự tính Di Đà và duy tâm Tịnh độ) trong giai đoạn đầu có thể họ xưng danh chẳng để tâm đến việc quán tưởng về Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, nhưng do câu hiệu A Di Đà được lặp đi lặp lại liên tục không gián đoạn, trải qua một giai đoạn nhất định việc ấy sẽ phát huy diệu dụng, ký ức về A Di Đà hình thành ngày càng sâu đậm hơn trong tâm thức của người trì danh. Hành giả từ trạng thái niệm danh hiệu trong vô thức hoặc nhận thức mờ nhạt về A Di Đà chuyển sang nhận thức tường tận về A Di Đà, tâm thức đi vào chính định, tuệ giác phát sinh liền thông đạt lý tính.

Còn thực hành theo lý niệm Phật, tuy chủ trương niệm và quán tưởng Phật để ngộ tự tính Di Đà nhưng giai đoạn ban đầu hành giả phải thực hành từ sự tướng, sau đó mới đạt được lý nhất tâm, thấy được Pháp thân.

Không nương lý thì việc hành trì dễ rơi vào tà đạo, như người đi không có bản đồ, dễ lầm đường lạc lối. Bỏ sự thì việc hành trì dễ lạc vào chấp không, như kẻ nắm được phương hướng, rành rõ đường đi mà chẳng chịu cất bước.

Tịnh hóa tâm thức là quá trình rất phức tạp và gian nan, không phải trong thời gian ngắn là thành tựu, cho nên phải biết phối hợp chặt chẽ sự và lý. Bên cạnh đó, không thể thiếu trang bị cho bản thân niềm tin bền vững, chí nguyện kiên cường, sức nhẫn nại dài lâu, có như vậy mới mong đi đến cứu cánh.

No comments:

Post a Comment