CHUYỆN CON CHỒN TRẮNG
Khi nghe nói đến loài chồn,
Tưởng ngay ác quỷ âm hồn đầu thai,
Thương cho chồn trắng nơi này,
Biết tu giữ giới ăn chay hơn người.
Gặp ngài Hư Vân khuyên lời,
Tam quy ngũ giới ráng lo thọ trì,
May thay trước giờ ra đi,
Thầy kêu buông xả tiết chi thân này.
NSH.
Năm dân quốc 25, Bính Tý. Sau khi Nam Hoa đã mở Đại giới đàn. Truyền ba đàn xong, lúc sắp giải giới thì Lâm Quốc Canh - Đoàn trưởng sư đoàn 16 đang đóng tại Tào Khê - đến thăm, tay xách một cái lồng, tay nhốt một con vật, toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen, lông mướt rượt, mõm nhô đuôi dài, đích thị là một con chồn. Đoàn trưởng nói :
Con vật này có lý lịch ly kỳ lắm, mới đầu nó bị thợ săn ở núi Bạch Vân Quảng Châu bắt được. Người ta kể rằng: “Khi phá bức tường thành ở Quảng Châu để mở con đường cái thì thấy nó từ trong phòng phóng ra rồi bị bắt.
Bạn tôi mua nó với giá 40 đồng, tính đem về nấu ăn cho bổ, nhưng nhìn thấy mắt nó linh động, long lanh, có vẻ hiểu được ý người nên ông ta không nỡ làm thịt, bèn nhốt lại và đem bán cho vườn sở thú Quảng Châu. Rồi sau đó, khi không ông ta bị tống vào tù mà không hiểu nguyên do tội trạng, án cứ lưu như thế mãi mà không ai giải quyết.
Tình cờ vợ ông ta tham dự một buổi lễ cầu cơ, chưa mở miệng hỏi gì thì đã thấy quẻ chạy đề cập đúng chóc điều bà đang thắc mắc trong lòng, và giải thích rằng ông nhà hiện đang bị nhốt là do chiêu cảm quả báo việc bán con chồn cho sở thú giam giữ. Còn chỉ cho bà hiện có vị cao tăng đang trụ trì hoằng hóa tại chùa Nam Hoa. Hãy đem con chồn đến phóng sinh thì người chồng ắt sẽ được thoát nạn.
Người vợ giật mình cả kinh, vội đem tiền chuộc con chồn. Do Lâm đoàn trưởng là bạn thân của chồng, sẵn dịp đang đóng quân ở Tào Khê, nên ông nhờ bà mang chồn đến phóng sinh giùm.
Ngài Hư Vân liền thu nhận con chồn. Ngài thuyết Tam qui ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm phía sau chùa. Hàng ngày nó đều vào chùa để tăng chúng cho ăn. Từ khi thọ giới xong nó không chịu ăn thịt nữa, chỉ ăn chay và rất thích ăn trái cây. Những người thợ xây chùa muốn trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn biết mình ăn nhầm liền nhổ ra. Nó dùng móng cào vào thức ăn, kiểm soát mấy lượt, nhìn tới nhìn lui, mắt lườm mấy ông thợ, tỏ vẻ bất bình vì họ đã dối nó. Sau đó nó bỏ đi thẳng suốt mấy ngày không thấy trở về.
Một hôm nó bị người trong làng đuổi bắt, nó leo lên ngọn cây cao mấy chục trượng ngồi đó kêu khóc. Chú sa di thấy vậy vào bạch với phương trượng. Ngài Hư Vân liền đi ra, đứng dưới gốc cây nhìn lên. Vừa thấy ngài con chồn tuột xuống, đeo ngay vào tay áo ngài, ra vẻ rất mừng rỡ. Hòa thượng đem nó về, sợ nó bị người rình bắt, ngài đóng cho nó cái chuồng. Sau đó khi thả ra, nó chỉ đi quanh quẩn trong chùa, không vào rừng nữa.
Một hôm ông Tưởng đi cùng 10 lính hầu đến thăm chùa nhưng không báo trước.Họ vừa đến cổng Tào Khê thì thấy con chồn. Thị vệ định bắn nhưng ông Tưởng ngăn lại. Chồn lúc lắc đầu, ve vẫy đuôi, dắt ông Tưởng đi vào. Đến đại điện, nó chạy như bay vào phòng phương trượng, cắn áo hòa thượng kéo xuống lầu. Nghe kể chuyện đó ai cũng cười.
Mỗi khi Hòa thượng ngồi thiền, chồn thường nằm dưới chân thiền sàng. Thấy HT nhắm mắt ngồi lâu quá thì nó bắt đầu táy máy, kéo râu ngài đùa nghịch. Hòa thượng mở mắt nhìn nó bảo : “Con có linh tánh chớ vào rừng. Đừng ra ngòai sơn môn, tới gần nhà người mà bị bọn trẻ quấy phá”.
Một hôm không biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, nằm bẹp. Thấy Hòa Thượng đến thăm, nó ráng chìa vế thương ra cho ngài xem. Hòa thượng biết không cứu được, thương nó đau đớn bèn khai thị: “Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa. Con đừng bám víu vào, hãy buông xả và sám hối tất cả nghiệp duyên quá khứ. Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát”
Chồn hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng rồi tắt hơi. Thi thể nó để hai ngày vẫn không biến đổi. Hòa thượng nhớ đến câu chuyện “Tổ Bách Trượng độ chồn hoang” nên cho tổ chức tang lễ như một vị tăng, chôn nó ở phía nam núi.
Trích Hư Vân Niên Phổ
Dịch giả : Hạnh Đoan – Như Thủy – Kiến Châu
No comments:
Post a Comment