Friday, August 23, 2013

NHẪN NHỤC BA LA MẬT

NHẪN NHỤC BA LA MẬT


****

Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai" (một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra). Thật vậy, lắm người vì một phút không dằn được cơn tức giận, mà đánh đập vợ con đến tàn tật, đốt phá của cải quý báu của ông cha để lại, rồi phải ân hận suốt đời. Lắm lúc, vì không làm chủ được tánh nóng nẩy mà tình cốt nhục phải chia ly, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn chí thân trở thành kẻ oán thù...
Người học đạo cũng vậy, nếu gặp nghịch cảnh không nhẫn nhịn được, thối chí nản lòng, đôi khi phải bị đọa đày. Như ông Ðộc giác tiên nhân, vì một niệm sân hận không nhẫn được, mà phải bị mất năm pháp thần thông. Ông Uất Đầu Lam Phất, vì sân hận mà phải đọa làm loài phi ly trùng (chồn bay). Nên sách có nói: "Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn" (Nghĩa là một đóm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức).
Vậy muốn trừ sân hận một cách có hiệu quả, phải tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật.

"Nhẫn" là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. "Nhục" là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình.
Nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ cùng tột không còn ai có thể nhẫn nhụ hơn thế nữa.

- Thành Phần Của Nhẫn Nhục Ba La mật

1. Thân nhẫn. Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Ðây là chịu đựng về thể xác.

2. Khấu nhẫn. Thân đã nhẫn chịu không chống lại người và miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác, trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh dập tàn nhẫn.

3. Ý nhẫn. Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám để trả thù.
Trong ba thứ nhẫn này, "ý nhẫn" là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được các hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một lần nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận đốt cháy tim gan.
Ðến khi "tâm ý" cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật là hoàn toàn.
Nếu bên trong vẫn chưa nhẫn được, thì thế nào giận giữ cũng có ngày xuất hiện ra trong lời nói và hành động.

- Phải Nhẫn Nhục Như Thế Nào Mới Ðúng Chánh Pháp?

1. Nhẫn nhục có chấp tướng. Nhẫn nhục vì sợ quyền thế; Nhẫn nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; Nhẫn nhục để mong cầu được người khen, hay được chức trọng, quyền cao; Nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối. Nhẫn nhục như thế là Nhẫn nhục chấp tướng vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy, chưa phải là Nhẫn nhục Ba la mật.

2. Nhẫn nhục không chấp tướng. Người tu hạnh Nhẫn nhục ba la mật, trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tất đố, tự ái, tham lam...Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: "Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến?"
Hơn nữa, người tu Nhẫn nhục còn nhắm mụt đích trao dồi lòng từ bi và hỷ xả, ta Nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là vì ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. ta Nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận, đốt thiêu tất cả.
Chúng ta hãy tập cho được Nhẫn nhục như ông Purna trong câu chuyện sau đây: "Khi Phật còn tại thế, một Ðệ tử của Phật, ông Purna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Chronaparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác. Phật hỏi ông Purna:
Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu ho không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩa: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con.
Phật hỏi tiếp:
Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đập con đến chết.
Phật lại hỏi:
Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khốn nạn này.
Ðức Phật khen:
Hay lắm ! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được !
Ông Purna qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều qui đầu Phật pháp cả.
Nhẫn nhục như ông Purna mới thật đúng là Nhẫn nhục Ba la mật, nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn

No comments:

Post a Comment