Wednesday, August 21, 2013

" NẾM MẬT TRÊN LƯỠI DAO "

" NẾM MẬT TRÊN LƯỠI DAO "


Người thế gian có thể sống đời sống sung túc, có thể hưởng thụ cái mà họ gọi là lạc thú. Hậu quả của lạc thú này là gì, họ có nghĩ đến hay không? Họ không hề nghĩ đến, nhưng chúng ta nghĩ đến. Nếu như loại hưởng thụ này không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi thì các vị nên biết, cái hưởng thụ này là ngắn ngủi, tạm bợ. Trong kinh Phật có ví dụ là “nếm mật trên lưỡi dao”, là việc không đáng. Cho nên chư Phật Bồ Tát vì chúng ta thị hiện đều là thị hiện khổ hạnh, rất có đạo lý. Mục đích của thị hiện khổ hạnh, xin thưa với quí vị là vì chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp. Phật ở thời kỳ Chánh Pháp làm tấm gương tốt cho chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp, nói cho chúng ta biết, chỉ có trải qua loại đời sống này, loại hành trì này thì đức hạnh của chúng ta mới có thể giữ vững được.

“Dục” không được phép phóng túng. Người xưa nói, tình dục sinh khởi ra từ chỗ cực nhỏ, vừa mới sinh ra thì dễ dàng khống chế. Tổ sư đại đức của Tịnh tông dạy cho chúng ta, một niệm “A Di Đà Phật” là có thể trừ sạch cái ý niệm vi tế này, phải biết lợi hại, được mất. Điều này tôi thường hay nói với các đồng tu, chúng ta từ vô lượng kiếp trôi lăn trong sanh tử, không có ngày ra, khổ không thể tả. Đời này gặp được Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thù thắng nhất ở trong Phật pháp. Đây chính là nói rõ, ngay trong đời này có cơ hội thoát khỏi sáu cõi luân hồi, có cơ hội thoát khỏi mười pháp giới. Cơ hội này gặp được không phải dễ. Sau khi gặp được rồi, chúng ta có thể thoát khỏi hay không, mấu chốt là ở trong khoảng một niệm. Một niệm này phải giữ vững, niệm niệm giác ngộ. Tại sao dạy bạn niệm Phật? Niệm Phật chính là giữ vững niệm niệm giác ngộ. Người niệm Phật thì nhiều mà người thành tựu rốt cuộc là rất ít. Tại sao đa số người không thể thành tựu vậy? Họ không biết lợi hại; lợi hại, được mất họ không hiểu rõ ràng, cho nên ý niệm của họ vẫn bị trói buộc trong ngũ dục lục trần, không thể buông xả triệt để. Vậy là đã bỏ lỡ cơ hội trong đời này, thật vô cùng đáng tiếc. Tại sao hằng ngày phải đọc kinh, hằng ngày phải giảng kinh? Trên thực tế, đạo lý rất đơn giản, chính là sợ chúng ta quên mất, chính là sợ chúng ta nhất thời lơ là, lại làm sai sự việc.

(trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên - tập 13)
www.phapsutinhkhong.com

No comments:

Post a Comment