MINH SƯ XUẤT CAO ÐỒ
Ngày xưa, có một người thợ mài ngọc tài hoa vào bậc nhất thiên hạ. Ông từng cầm trong tay biết bao trân bảo, nhưng chưa có viên ngọc nào khiến ông thấy toàn vẹn. Hôm nọ, tình cờ ông bắt gặp một viên đá dị thường nằm chơ vơ trong bụi cỏ. Viên đá rất to, lấm lem bùn đất, thô nhám sù sì, nhưng đôi mắt lão luyện của người thợ bậc thầy đã phát hiện ra một báu vật vô giá. Ông vui mừng đem về, trổ hết tài nghệ dũa mài viên đá. Và kết quả vượt ngoài mong đợi, viên đá thô nhám dơ bẩn đã trở thành viên kim cương tuyệt trần, thế gian hiếm thấy.
Người thợ tài hoa có đôi mắt tinh tường ấy là Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Viên kim cương là chàng trai trẻ Ðồng Kiên Cương, tức Nhị Tổ Pháp Loa - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chuyện bắt đầu từ làng quê Cửu La, gần con sông Nam Sách hiền hòa. Người mẹ có 8 đứa con gái, một đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho cây kiếm thần, từ đó hoài thai. Nhà nghèo lại đông con, nếu chẳng may lại sanh thêm đứa con gái nữa, hóa ra cả nhà là một “bầy vịt giời” như lời nhiếc móc của gia đình chồng ư? Thế nên, người mẹ đành lòng uống thuốc phá thai, không chỉ một lần mà những bốn lần.
Thuốc không hiệu nghiệm, cậu bé trai - người con thứ 9 sinh ra giữa vòng tay yêu thương của gia đình nội ngoại. Một mùi hương lạ phảng phất khắp nhà khiến ai nấy nhớ lại giấc mộng ngày nào của người mẹ. Vui mừng được “người trời” giáng hạ làm con, xen lẫn nỗi ân hận vì mê muội suýt phá vỡ hạnh phúc ngọt ngào, người mẹ siết chặt con vào lòng, tự hứa sẽ cố hết sức mình cho con được sung sướng và nên người hữu dụng. Tên Ðồng Kiên Cương được mẹ âu yếm đặt cho cậu bé.
Tố chất đặc biệt khác người của cậu bé Kiên Cương bắt dầu lộ ra khi cậu đến tuổi ăn dặm. Ðể con chóng lớn, người mẹ hàng ngày vớt tép, bắt cá về nấu cháo cho con. Lạ lùng làm sao, cậu bé chỉ mới ăn vào vài muỗng cháo là nôn ra kỳ hết. Lần nào cũng thế, khiến mẹ lo lắng hỏi han khắp chỗ. Nghe lời mách bảo, mẹ bắt mấy con cóc về làm thịt, nấu nướng thật ngon. Cháo cóc múc ra, cả nhà xúm lại dỗ dành cậu bé. Muỗng cháo thơm lừng vừa đưa đến gần, cậu bé đã quay mặt đi, khóc thét lên, dỗ thế nào cũng không nín. Mẹ đành gạt nước mắt, đưa con đến thầy lang nổi tiếng trong vùng.
Vị thầy thuốc già chăm chú nghe người mẹ kể lể, xem mạch cậu bé hồi lâu. Ông nhíu mày suy nghĩ, vẻ mặt băn khoăn. Cuối cùng ông phán:
- Tôi chẳng thấy cháu mắc bệnh gì, nhưng không rõ vì sao cháu không chịu ăn cá thịt, có lẽ cái tạng nó như thế. Thôi thì bà cứ nuôi cháu bằng rau quả xem sao.
Thế là, cậu bé ngay từ thời thơ ấu đã có khuynh hướng trường chay. Không những không dùng thịt cá, cậu còn từ chối các gia vị cay nồng, nhất là hành tỏi. Càng lớn lên, cậu càng khôi ngô đỉnh đạc, luôn dùng lời từ ái nói chuyện với bạn bè thân quyến. Trong nhà ngoài xóm đều yêu mến nể nang cậu bé khác người.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Cậu bé Kiên Cương giờ đã trưởng thành. Nhiều nhà ngấm nghé muốn chọn chàng làm rễ quý, nhưng dường như trong mắt chàng chưa có ý trung nhân. Lẽ nào người thanh niên tuấn tú, tràn trề sức sống kia không lúc nào thấy lòng rung động trước hình bóng mỹ nhân? Chàng còn chờ đợi ai, còn kén chọn gì mà 21 tuổi đời vẫn chưa cho dòng họ một mụn con nối dõi? Không có con trai nối dõi tông đường là tội lớn nhất trong ba tội bất hiếu, chàng có biết hay không, mà ngày ngày cứ mãi trầm tư như có điều gì lo nghĩ?
Cũng trong thời gian ấy, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia, ở trên non Yên Tử. Ngài thường du hành khắp các miền quê, nhưng không cho quan dân bày nghi lễ đón tiếp, sợ tốn kém sức người sức của. Tuy vậy, vì kính trọng và biết ơn Bậc minh quân đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước, nên Ðiều Ngự đến đâu, dân làng tụ họp đông đảo chào mừng đến đó. Ðiều Ngự dạy dân chúng quy y Tam Bảo, giữ ngũ giới tu thập thiện. Những nơi thờ tà thần hay các sinh thực khí đều bị phá bỏ.
Một ngày đẹp trời, Ðiều Ngự cùng đoàn tùy tùng đến làng Cửu La, quê hương của Kiên Cương. Chàng trai trẻ đang đi xa, tự nhiên thấy nôn nao lạ. Không hiểu có gì hối thúc khiến chàng phải mau bước quay về. Từ xa, chàng đã thấy đoàn người đông đảo bên bờ Nam Sách, đi đầu là các vị hương chức bô lão, vẻ mặt cung kính như lúc làm lễ rước Thành Hoàng. Kế đến, một đoàn tu sĩ áo nâu, từng bước chân thảnh thơi vững chãi. Dẫn đầu nhóm tu sĩ là một vị đầu đà, dung nghi thoát tục, phong thái siêu phàm. Vừa thoạt trông, Kiên Cương bỗng nhiên chấn động, nước mắt tuôn trào. Dường như lần đầu gặp mặt Ðiều Ngự lại là lần tái ngộ sau nhiều năm tháng vắng mặt, là sự kết nối duyên Thầy trò nhiều đời. Hai mươi năm qua, vì đời chàng như con thuyền lênh đênh trên sóng nước, không biết đi về đâu. Hôm nay, con thuyền chàng đã tìm được bến đỗ bình yên, một nơi an trú tuyệt vời. Chàng đến trước mặt Ðiều Ngự, năm vóc gieo xuống đất, tha thiết được xuất gia.
Một khoảnh khắc kinh ngạc khiến ai nấy bất động, nhưng sau đó nhiều người tiến đến, định lôi chàng đứng dậy tránh đường. Ðiều Ngự ngăn lại, nói với thị giả:
- Ðứa bé nầy có đạo nhãn, ngày sau ắt sẽ thành bậc pháp khí.
Ngài ân cần hỏi han tên họ quê quán, rồi cho phép chàng đứng dậy. Tấm lòng Bậc Minh Sư hân hoan vì gặp được đồ đệ vừa ý - một viên ngọc còn trong quặng, nhưng hứa hẹn trở thành trân bảo nếu gặp tay thợ tài hoa. Và chính Ðiều Ngự sẽ là người thợ có bàn tay vàng ấy. Ngài đặt tên chàng là Thiện Lai, cho thọ giới Sa di và gửi chàng đến Quỳnh Quán học đạo cùng Hòa thượng Tánh Giác.
Sa di Thiện Lai hàng ngày kinh kệ và chấp tác cùng chúng Tăng, nhưng lòng chú không an vì có nhiều thắc mắc chưa giải đáp được. Hòa thượng Tánh Giác đã tận tình chỉ bày cho chú, ân cần trả lời nhiều câu hỏi của chú, nhưng dường như chú còn điều gì đó chưa thông. Một hôm, chú đọc kinh Lăng Nghiêm đến chỗ Thất xứ trưng tâm, hậu khách trần dụ (Bảy lần trình bày tâm, sau cùng đến ví dụ về khách trần), thấy quá lý thú. Xem đi xem lại nhiều lần, chú có chỗ vào nên vội từ giã Hòa thượng Tánh Giác, về tham yết cùng Ðiều Ngự.
Ðến nơi, gặp lúc Ðiều Ngự đang thăng đường, giảng về bài tụng Ô kê (gà đen) của Thái Dương. Chú ngồi yên, lắng sâu tâm thức. Từng lời của Ðiều Ngự như dòng nước mát rót vào lòng, rửa sạch mọi cấu uế phiền não từ vô thủy kiếp. Chú tỉnh ngộ, đôi mắt sáng ngời nhìn vị Thầy khả kính. Ðiều Ngự trên pháp tòa trông thấy, biết người học trò yêu đã có phần tương ưng, đến lúc cần sử dụng phương tiện thiện xảo.
Ngài cho phép Thiện Lai được làm thị giả, sớm hôm hầu hạ, nhưng không chỉ dạy thêm điều gì. Lòng thôi thúc muốn trình kiến giải, chú làm bài tụng Tâm Yếu dâng lên Ðiều Ngự. Tưởng Sư phụ nếu không có lời khen thì ít nhất cũng gật đầu hứa khả, nào ngờ Ngài không nói một lời, cầm bút sổ toẹt vào bài tụng. Ðau khổ, thất vọng chú bước ra khỏi phương trượng, tìm nơi vắng vẻ ngồi suy nghĩ miên man. Vẫn biết mình sở học non nớt, sở ngộ cạn cợt, nhiều nghi vấn chưa giải tỏa tận căn để; Nhưng sao Sư phụ không chỉ đường đi, lại bắt mình mò mẫn trong đêm tối mịt mùng? Vẫn biết Ðiều Ngự làm gì cũng có dụng ý, Ngài đôi khi cũng lộ ra tình cảm khá đặc biệt đối với mình, nhưng sao bây giờ Ngài lại nghiêm khắc lạnh lùng đến thế?
Ðắm mình trong suy tư rồi tự mình an ủi, có lẽ Sư phụ muốn mình tiến tu hơn nữa. Chú lại hăm hở viết thêm bài tụng thứ hai, tin rằng Ngài sẽ hài lòng, vì bài nầy có kiến giải sâu sắc hơn bài trước. Nhưng buồn thay, Ðiều Ngự chỉ nhìn qua một lượt, rồi lại cầm bút sổ toẹt từ trên xuống dưới. Ngài cũng chẳng có lời nào an ủi, mắt nhìn cũng nghiêm nghị xa xăm. Lần thứ hai, rồi lần thứ ba... không có kết quả gì hơn. Chẳng hiểu thiền sinh Nghĩa Huyền ngày xưa bị Tổ Hoàng Bá đập ba gậy khi hỏi Tổ về Ðại ý Phật pháp, có kinh ngạc đau khổ nhiều bằng Sa di Thiện Lai ngày nay không? Vệt bút đen màu mực sổ thẳng trên bài kệ, như nhát kiếm Thái A cắt nát tâm can chú. Trong đầu chú chỉ còn mỗi câu hỏi “Các bài kệ ấy sai ở chỗ nào?”
Ðánh liều một lần cuối, chú đắp y chỉnh tề lên đảnh lễ Ðiều Ngự, xin Ngài vì thương mà dạy bảo. Thưa thỉnh ba lần, Ðiều Ngự vẫn một mực lặng thinh. Ðến lần thứ tư, thấy rõ tâm đồ đệ đã quá thiết tha, Ngài mới buông một câu:
- Của báu nhà mình không từ bên ngoài mà được, hãy tự tham khảo lấy!
Lê chân trở về liêu phòng, lòng nặng trĩu, chú không còn biết làm gì, nghĩ gì. Mọi kiến thức gom góp từ kinh sách, những lần tỉnh ngộ tưởng đã trực nhận bản tâm... tất cả đều chẳng còn mảy may vương vấn. Một mình đối diện với ngọn đèn dầu lạc hắt hiu, chú không biết thời gian trôi qua bao lâu - một phút giây hay một đời người?...
Ðã quá nửa đêm, tất cả im ắng, chẳng nghe tiếng côn trùng rả rích, chẳng có tiếng chó sủa đêm. Cơn gió thoảng đầu hè thổi xào xạc, cả ánh sao đêm cũng thôi nhấp nháy. Mọi vật như nín thở đợi chờ giây phút trọng đại. Bỗng dưng, bông đèn tàn rụng xuống tắt ngấm. Bông đèn vụt tắt nhưng tâm vị Sa di trẻ chợt bùng lên ánh sáng nhiệm mầu! Chú hoát nhiên đại ngộ, vội xốc lại y áo, hướng về phương trượng đảnh lễ tạ ơn.
Sáng sớm, Sa di Thiện Lai ra mắt Ðiều Ngự vấn an rồi trình chỗ sở ngộ của mình. Ðiều Ngự thầm ấn chứng cho. Lần này, chú được Sư phụ hứa khả vì khi bặt dứt mọi vọng niệm, trí tuệ tự soi chiếu, trí tuệ ấy mới là của báu nhà mình. Từ đó, chú phát nguyện tu hạnh Ðầu đà theo gương Thầy. Thế là, chỉ sau một năm xuất gia, chú Sa di đã nhận ra mặt thật xưa nay. Thời gian về sau, vừa tự lợi vừa lợi tha, đúng là Bậc Pháp khí như lời Ðiều Ngự tiên đoán, trong lần đầu gặp gỡ.
Năm Thiện Lai được 22 tuổi, Ðiều Ngự cho phép chú thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát giới, ban hiệu là Pháp Loa - Loa lớn tuyên thuyết chánh pháp. Và chỉ ba năm sau, Tỳ kheo Pháp Loa đã được Ðiều Ngự trao truyền Tổ vị. Buổi lễ chính thức truyền y bát, công nhận Tỳ kheo Pháp Loa làm Ðệ nhị Tổ Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử, được tổ chức trọng thể tại chùa Siêu Loại. Vua Anh Tông cùng đông đủ triều thần đến tham dự. Từ đây, vị Tỳ kheo 25 tuổi vừa trưởng dưỡng Thánh thai, vừa gánh vác trọng trách kế thừa tông môn, xiển dương đạo pháp.
Trong 22 năm trên ngôi Tổ vị, Thiền sư Pháp Loa đã làm tròn nhiệm vụ một cách xuất sắc. Ngài là người đầu tiên tổ chức Giáo hội Phật giáo một cách có hệ thống, lập sổ bộ Tăng ni và Tự viện trong cả nước. Khả năng của Ngài gồm nhiều lĩnh vực, vừa là một vị Thiền giả có nội chứng, một pháp sư biện tài vô ngại, một bậc giáo phẩm uy nghi; vừa là một học giả trước tác dịch thuật kinh sách; lại vừa là một nhà hoạt động xã hội, nhà kiến trúc xây chùa tạc tượng... Công việc nào cũng được Ngài hoàn thành viên mãn. Bên cạnh đó, Ngài cũng không quên việc lễ Phật, tọa thiền, dù công việc bận rộn đến đâu. Lời phát nguyện chí thành của Ngài thể hiện sự tinh tấn tu hành và lòng từ bi vô hạn đối với chúng sanh: “Chư Phật và chư Bồ tát có những hạnh nguyện gì, con đều tha thiết học hỏi và làm theo. Dù chúng sanh có khen ngợi hay khinh chê, dù bố thí hay xâm đoạt, thì khi gặp mặt hay nghe tên đều xin cứu độ cho tất cả được lên bờ giác”.
Bằng đức độ, lòng từ bi và trí tuệ siêu tuyệt, Nhị Tổ Pháp Loa chinh phục được mọi hạng người trong xã hội, từ vua quan đến quân sĩ, từ trí thức đến bình dân, từ Tăng ni đến Phật tử. Ngài đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng và phát triển ngôi nhà Phật giáo Ðại Việt nói chung và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, dù chỉ hiện diện trên cõi đời vỏn vẹn 47 năm. Những gì Ðiều Ngự phó chúc, Nhị Tổ đều thực hiện chu toàn, quả xứng đáng với sự đãi ngộ và tin cậy của Ðiều Ngự.
* *
*
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.
Viên ngọc thô Ðồng Kiên Cương nhờ tay nghề tài hoa của người thợ bậc thầy Ðiều Ngự dũa mài nhiều phen, mới trở thành viên minh châu hiếm thấy. Nếu không có Minh Sư Ðiều Ngự, làm sao Phật giáo đời Trần có được bậc Cao Ðồ Pháp Loa? Cho nên có thể nói, Nhị Tổ gặp Ðiều Ngự là một phước duyên hãn hữu; ngược lại, Ðiều Ngự có được đồ đệ như Nhị Tổ là một điều đắc ý vào bậc nhất của Ngài.
No comments:
Post a Comment