Wednesday, August 21, 2013

MỘT SỰ NGỘ NHẬN VỀ LUẬT NHÂN QUẢ

MỘT SỰ NGỘ NHẬN VỀ LUẬT NHÂN QUẢ

Thích Phước Thái

Hỏi: Kính thưa thầy, con không phải là người tu theo đạo Phật, nhưng lâu nay con nghe nói nhiều về luật nhân quả của đạo Phật và duyên nghiệp nhiều đời trồng chéo lên nhau. con thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình. Con có một cá tánh là khi biết người khác đối xử xấu với mình, con thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói. Như vậy, đối với luật nhân quả con có phạm hay không? Kính mong thầy giải thích.
Ðáp: Trong câu hỏi của bạn, nếu phân tích thì tôi thấy có ba vấn đề chi tiết cần được trao đổi chia sẻ:
Thứ nhứt, theo bạn nói: “bạn thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình”. Ðiều nầy, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng thưa bạn, trên đời nầy ít có mấy ai thật hành đúng theo hết những gì mà mình đã nói. Giữa lý thuyết và thật hành, thật khó mà song hành hợp nhứt với nhau. Nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Vì thế, nên sách Nho có câu: “Thuyết dị, hành nan” hay “năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết bao giờ cũng đi xa hơn hành động. Nếu nói và làm đi đôi với nhau, thì cõi đời nầy chắc không còn ai chịu nhiều đau khổ nữa. Do đó, nên ta thấy các bậc Cổ Ðức, thường các ngài ít nói, và chỉ nói những gì trong phạm vi khả năng mà các ngài có thể thật hành được thôi. Bởi vậy, nên các ngài rất cẩn trọng ở nơi lời nói.
Trong đạo Phật có câu nói: “Tri hành hợp nhứt”. Câu nói nầy nhằm để cảnh tỉnh khuyến tấn, nhưng trên thực tế thì ít có mấy ai làm đúng. Chính vì không hợp nhứt, nên đôi khi trở thành là kẻ nói khoát. Hiểu biết tuy cũng rất cần thiết, nhưng nó chỉ đem lại lợi ích cho phần sở tri kiến giải của mình thôi. Cũng như người có đôi mắt thật sáng, nhìn xa thấy rộng, họ có thể nói đông nói tây đủ thứ chuyện trên đời, nhưng nhìn lại, thì họ vẫn còn dặm chân tại chỗ. Dù rằng họ có đôi chân rất mạnh.
Như thế, thì thử hỏi làm sao đến nơi mà họ nhắm tới. Khác nào như người ngồi đó chỉ biết diễn tả phân tích đủ thứ món ăn tuyệt diệu trên đời, nhưng rốt lại thì bụng họ vẫn đói meo. Họ nói thì rất hay, nhưng bản thân họ chưa từng bước chân xuống bếp.  Người xưa có câu: “Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn chết phải lết vô hòm”. Ðây là câu nói nhằm cảnh tỉnh thức nhắc người ta nên làm hơn là nên nói. Hãy biến nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Có thế, thì mới có lợi ích thiết thực.
Tuy nhiên, sự nhận định hiểu biết đúng hướng chân lý (chánh kiến ) tuy chưa thật hành đúng theo, nhưng điều đó cũng rất là tốt và cần thiết. Chỉ sợ nhận định sai lầm ( tà kiến ) rồi chấp chặt bảo thủ làm theo, đó mới là điều tai hại đáng nói. Cho nên, điều quan yếu trước tiên là phải nhận định đúng với chân lý, còn việc thật hành thì có thể thực hiện từng bước cũng không sao. Cũng như người đứng dưới chân núi, thấy rất rõ hình dạng của ngọn núi, nhưng muốn tới ngọn núi, thì đòi hỏi họ phải gắng sức trèo lên từ từ từng bước vững chắc. Tuy chưa tới ngọn núi liền, nhưng cái hướng thấy của họ không bị sai lệch.
Trong nhà Phật có câu nói: “Ðốn ngộ, nhưng phải tiệm tu”. Có thể cái chỗ thấy biết tương đồng với Phật Tổ, nhưng phải từ từ tu tiến, vì tập khí nghiệp chướng của con người còn quá sâu nặng. Như vậy, có những người tuy họ nói nhiều về nhân quả, nhưng sự thật hành của họ quả không đúng theo những gì họ nói. Người như thế, tuy họ không được lợi ích nhiều, nhưng ít ra họ cũng không đến nổi phải gây ra những lỗi lầm sâu nặng. Vì họ đã có ý thức đến lý nhân quả vay trả phần nào.
Như bạn nói, họ ít khi áp dụng chớ không phải hoàn toàn là họ không có áp dụng. Nghĩa là họ có áp dụng từ từ, đó gọi là họ đang hướng đời mình trên bước đường tu tập. Như thế, kể ra họ cũng vẫn còn tốt hơn là những người mà cả đời chưa bao giờ học hỏi biết đến nhân quả và họ cũng không bao giờ áp dụng một chút nào theo lý nhân quả trong cuộc sống. Do đó, nên suốt đời họ gặp phải nhiều tai nạn khổ đau. Có tránh nhân xấu thì mới không gặp quả xấu. Ở đời, nếu mình đòi hỏi phải thật hành một cách toàn vẹn, điều đó, thật khó có ai làm được, ngoại trừ các bậc Thánh nhân.
Thứ hai, bạn nói: “là bạn có cá tánh khi biết người khác đối xử xấu với mình thì bạn thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói”. Ðiều nầy là bạn hiện tập cho mình có một thói quen tương đối khá tốt. Nghĩa là bạn khéo áp dụng câu châm ngôn của người xưa: “Im lặng là vàng nói là bạc”. Ðiều đáng nói hơn nữa, là bạn khéo biết tránh duyên. Bạn tìm cách tránh né chớ không muốn đương đầu để tranh cãi hơn thua. Ðứng về mặt xử thế tự lợi, điều nầy bạn xử sự rất tốt cho bạn. Vì bạn không muốn gây ra những chuyện phiền phức rắc rối cho mình và người.
Ðấy là bạn đang thực tập hạnh nhẫn nhục rồi đó. Nhưng nếu bạn tập tánh khá hơn nữa là tuy tìm cách tránh né, nhưng bạn không bao giờ quan tâm cất chứa những lời nói của họ ở trong lòng. Ðó là bạn đang thực tập hạnh hỷ xả. Hạnh nầy thật rất khó làm. Nhưng nếu bạn cố gắng thực tập, thì chắc chắn có ngày bạn sẽ thành công. Chẳng những bạn không buồn giận họ, mà bạn còn thương xót tật tánh của họ. Vì họ chưa biết thực tập tánh tốt không nói xấu ai. Người thích nói xấu chỉ trích lỗi lầm kẻ khác là vì người đó tâm của họ còn quá thô tháo vọng động, còn thích nhiều chuyện thị phi. Họ là hạng người thích làm cảnh sát quốc tế. Do đó, nên bạn cần thương họ nhiều hơn. Vì biết họ vẫn còn ôm ấp quá nhiều đau khổ nội kết trong lòng. Bởi thế, họ là người thật đáng thương hơn đáng trách!
Thứ ba, bạn nêu ra câu hỏi: “Như vậy đối với luật nhân quả bạn có phạm hay không?”  Ðiều nầy, có lẽ bạn đã hiểu lầm về luật nhân quả rồi. Thưa bạn, luật nhân quả khác hơn những điều luật cấm giới. Luật nhân quả không mang tính giới điều như là giới luật mà người ta đã lãnh thọ. Dù bạn tu theo bất cứ tôn giáo nào, mỗi tôn giáo đều có những giới luật răn cấm cả. Nhân quả, sở dĩ người ta gọi là luật, bởi vì nó là luật tắc thiên nhiên có tác dụng vận hành chi phối toàn thể vũ trụ. Vì thế nên nói nhân quả là một chân lý phổ biến. Chân lý nầy nó tiềm tàng bao trùm trong mọi sự vật, không có một vật thể nào thoát ngoài định luật nầy. Từ thực vật, động vật, khoáng vật v.v… không một loài nào thoát khỏi.
Nói cách khác là từ vật lý, sinh lý, cho đến tâm lý… không có một thứ gì mà không có nhân quả. Lý nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Vì từ nhân tới quả phải có thời gian. Ngoài chánh nhân ra, nó còn nhiều trợ duyên khác nữa. Cho nên nhân quả là một hiện tượng rất phức tạp xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai, chớ không phải đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bạn thử tìm mọi hiện tượng trên đời nầy có cái gì không phải là nhân quả. Ăn là nhân, no là quả. Học là nhân, biết chữ là quả v.v…
Nói tóm lại, người hiểu lý nhân quả và khéo biết ứng dụng vào trong đời sống, thì họ sẽ có được lợi lạc rất lớn. Như vậy luật nhân quả là quy luật vận hành tự nhiên của vạn hữu vũ trụ. Không ai đặt định bày ra luật nhân quả nầy. Ðức Phật cũng chỉ là người giác ngộ khám phá ra luật nhân quả mà thôi. Mong bạn cố gắng khéo ứng xử hành hoạt đúng theo luật nhân quả, tức theo chiều hướng thánh thiện, thì đời bạn sẽ gặt hái nhiều điều lợi lạc trong đời sống vậy.

Thích Phước Thái
Chùa Quang Minh Australia

No comments:

Post a Comment