Monday, August 19, 2013

PHÂN GIẢI 18 GIỚI

PHÂN GIẢI 18 GIỚI


***

Mười tám giới có thể phân ra ba loại lớn: Sáu căn, sáu trần và sáu thức.

1. Sáu căn: Căn tức là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nẩy nở, phát sinh. Sáu căn ở đây tức là: nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.

- Nhãn căn: tức là hai con mắt, bộ phận để làm chỗ nương tựa cho sự nhận thấy của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với cảnh vật chung quanh.

- Nhĩ căn: tức là hai lỗ tai, bộ phận làm chỗ phát sinh cho sự nghe biết của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với tiếng động ở chung quanh.

- Tỹ căn: tức là lỗ mũi, bộ phận làm chỗ nương tựa cho sự ngửi biết được xác thực, khi tiếp xúc với các mùi như thơm, thúi...ở chung quanh.

- Thiệt căn: tức là cái lưỡi, bộ phận làm chỗ nương tựa của sự nếm biết của người được rõ ràng khi tiếp xúc với các chất như chua, mặn v.v...ở ngoại cảnh.

- Thân căn: tức là da bao bọc thân người, bộ phận làm cho nhận biết được cảm giác, nóng, lạnh, cứng, mềm của các vật chung quanh.
Năm căn nay là năm bộ phận thuộc về thể chất nằm ở bên ngoài, dễ tiếp xúc với ngoại vật. Chúng có hình tướng do tứ đại hợp thành, có thể thấy được, chỉ được, rờ mó được. Duy thức học liệt chúng về nội căn sắc pháp. Nội căn sắc pháp này có thể phân tách ra làm hai phần: phù trần căn và tịnh sắc căn. Phù trần căn là chỉ cho hình tướng thô phù hiện ra bên ngòai, như tròng mắt, vành tai, lưỡi đỏ v.v...Còn tịnh sắc căn là chỉ cho phần ẩn phục của năm căn, tức là phần ứng dụng, phần hoạt động, phần sống của năm căn. Nói một cách rõ ràng đơn giản hơn, tức là những dây thần kinh hệ của con người vậy. Phù trần thì thô thiển, tinh sắc lại tế ẩn. Nếu hai phần này rời nhau, năm căn sẽ vô dụng.
- Ý căn: tức là bộ phận để cho sự phân biệt phát sinh, tức là thức thứ Bảy. Phần này rất tinh tế thuộc về phần tinh thần. Cho nên không có hình sắc như năm căn trước.

2. Sáu trần. Trần, nghĩa đen là bụi. Bụi thì nhơ nhớp luôn luôn dời đổi lăng xăng, tụ tán không chừng. Nghĩa bóng, trần tức là chỉ cho phần vật chất, cảnh vật chung quanh con người. Sáu trần là: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

- Sắc trần: là sáu sắc, đường nét hình dáng, những gì mà mắt có thể thấy được.

- Thanh trần: là tiếng do vật hữu hình hay vô hình phát ra, nghĩa là những tiếng mà tai nghe được.

- Hương trần: là mùi do vật hữu hình hay vô hình bốc lên, tỏa ra, vật mà mùi ngửi được.

- Vị trần: là chất trong vật hữu tình hay vô tình, vậy mà lưỡi nếm được.

- Xúc trần: là những thứ mềm, cứng, trơn, nhám...của vật hữu tình hay vô tình, những vật mà thân tiếp xúc được.

- Pháp trần: là những hình ảnh, màu sắc, hương vị.. trừu tượng của năm trần lưu lại sau khi đã năm căn duyên, chính là cảnh bị duyên của ý căn. Màu sắc tiếng tăm, hương vị ở đây không phải là vật thật của ngoại cảnh mà chỉ là những hình bóng, âm vang...của ngoại cảnh sau khi đã lọt qua năm giác quan, và đang bị ý căn duyên.
Chúng ta có thể làm một thí dụ tho thiển sau đây cho dễ hiểu:
Sắc trần dụ như cảnh vật bên ngoài.
Nhãn trần dụ như cái máy quay phim.
Pháp trần dụ như những hình ảnh đã giữ được trong cuốn phim.
Ý căn dụ như người xem hình trong cuốn phim chiếu lên. Có thể làm một thí dụ thứ hai sau đây:
Thanh trần dụ như các tiếng hát của một ca sĩ.
Nhĩ căn dụ như cái máy ghi âm.
Pháp trần dụ như cuốn băng nhựa đã ghi âm.
Ý căn dụ như người nghe tiếng do cái máy phát ra.

3. Sáu thức. thức là sự phân biệt, hiểu biết, phán đoán do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sinh. Nó thuộc về tâm pháp (vô hình). Sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

- Nhãn thức: là sự phân biệt, hiểu biết do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà phát sinh.

- Nhĩ thức là sự phân biệt hiểu biết do nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần phát sinh.

- Tỹ thức là sự phân biệt hiểu biết do tỹ căn tiếp xúc với hương trần mà phát sinh.

- Thiệt thức là sự phân biệt do thiệt căn tiếp xúc với vị trần mà pháp sinh.

- Thân thức là sự phân biệt, hiểu biết do thân căn tiếp xúc với xúc trần mà phát sinh.

- Ý thức là sự phân biệt, hiểu biết, phê phán do ý căn tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh.

Chúng ta có thể làm một thí dụ cụ thể sau đây cho dễ nhận:
Sáu thức như một hội đồng giám khảo của cuộc thi thì về văn nghệ, nữ công và gia chánh. Hội đồng này gồm có sáu người: Một ông chủ tịch và năm hội viên chuyên môn về năm ngành:

Một người chuyên về màu sắc và hình ảnh
Một người chuyên về âm thanh
Một người chuyên về mùi hương
Một người chuyên về chất vị
Một người chuyên về xúc giác

Năm hội hiên này sau khi lấy khả năng chuyên môn của mình ra phân tách, phê phán rồi, liền trình sự nhận xét của mình lên ông chủ tịch, ông này thu góp tất cả những nhận xét của năm hội viên, làm tông kết và tuyên bố kết quả của cuộn thi ấy. Ông chủ tịch này chính là ý thức hay là thức thứ sáu.

No comments:

Post a Comment