Sunday, August 18, 2013

CHÍ THÀNH LỄ PHẬT

CHÍ THÀNH LỄ PHẬT


Trước kia, thầy Lý dạy tôi “chí thành cảm thông”: Chân thành đến cùng cực thì sự cảm ứng sẽ hiện tiền. Quý vị nói mình rất chân thành, nhưng trong sự chân thành ấy vẫn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chỉ cần xen tạp một tí tẹo, lòng chân thành đã bị phá hoại rồi. Chỉ là thành, chứ chưa phải chân thành, vì còn xen tạp vọng niệm, xen tạp nghi hoặc: “Mình cầu như vậy có đúng hay không? Phật có thực sự đến hay không? Cầu suốt hai ba ngày mà sao Phật vẫn không đến?” Không chân thành! Vẫn còn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, xen tạp dục vọng, chẳng tương ứng! Vì thế, chẳng thể không biết ý nghĩa này. Có hiểu ý nghĩa này rồi thì quý vị mới hiểu [vì sao] chẳng thể không tu pháp sám hối.

Lúc chúng tôi mới học Phật, còn chưa xuất gia, xin nghỉ việc, nghĩ muốn đi xuất gia; lão cư sĩ Châu Kính Trụ giới thiệu cho tôi làm quen với pháp sư Sám Vân, đến tiểu thảo xá của pháp sư Sám Vân ở Phố Lý, sống trong tiểu thảo xá ấy để làm công quả. Gian tiểu thảo xá đó chỉ có năm người, ba vị xuất gia là pháp sư Sám Vân, pháp sư Đạt Tông, và pháp sư Bồ Diệu; hai người cư sĩ là lão cư sĩ Châu Kính Trụ và tôi. Lúc đó cụ Châu bảy mươi tuổi, tôi nhỏ tuổi nhất, hình như ba mươi mốt tuổi. Tôi làm công quả ở thảo xá, dọn dẹp vệ sinh, mỗi ngày nấu hai bữa (thảo xá chỉ ăn Ngọ, không ăn chiều, nấu hai bữa thôi), giặt quần áo. Đun bếp trên núi phải đi nhặt củi, không cần chẻ củi. Trên núi cây khô, cành nhánh lá cây rụng xuống rất nhiều; mỗi ngày đi nhặt, nhặt củi về đun bếp; trồng rau trên núi, đó là việc của tôi.

Ngoài ra, pháp sư Sám Vân dạy tôi phương pháp tu hành: Lễ Phật! Quy định công khóa lễ bái mỗi ngày là tám trăm lạy, hay lắm! Thực sự đắc lực, lễ Phật để sám trừ nghiệp chướng. Buổi sáng lễ ba trăm lạy, buổi chiều lễ ba trăm lạy. Buổi trưa ăn cơm xong liền nhiễu Phật kinh hành khoảng chừng nửa giờ, nhiễu xong, lễ Phật hai trăm lạy nữa. Còn dư một chút thời gian thì pháp sư Sám Vân chỉ định công khóa của tôi là xem chú giải kinh A Di Đà, Ngài trao cho tôi ba bản chú giải: Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Viên Trung Sao của U Khê đại sư, và Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Tôi tự xem, thầy chẳng dạy, chẳng giảng, bảo tôi phân tích thành biểu giải.

Hoàn tất ba bộ công khóa ấy xong, đọc xong rồi, thầy bảo tôi đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, tôi lên núi đọc sách, đọc rất nhiều thứ. Ba bộ chú giải kinh A Di Đà, Văn Sao của Ấn Quang đại sư. Lúc đó Ấn Quang Văn Sao mới chỉ có bộ Chánh Biên và Tục Biên. Ở Đài Loan lúc đó, Văn Sao in thành một bộ bốn cuốn, mang tựa đề Văn Sao Chánh Tục Biên. Tôi lên núi học suốt năm tháng rưỡi. Trong năm tháng rưỡi, lạy mười mấy vạn lạy, đúng là tiêu nghiệp chướng. Trong lúc lễ Phật, tâm không tạp niệm, chỉ có A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, nghĩ đến A Di Đà Phật. Nay người mới xuất gia không có được phước khí như vậy. Tôi vào thảo xá chăm sóc ba vị pháp sư, một vị lão cư sĩ, mình tôi làm công quả để tu phước! Tôi một chút phước báo cũng không có, phước báo là do tu tại nơi đó, nhờ đó mới bắt đầu tu phước. Lễ Phật sám hối tiêu nghiệp, đọc chú giải kinh A Di Đà và Ấn Quang Văn Sao để mở mang trí huệ, phước huệ song tu. Quý vị phải thực sự thực hành mới được, chớ có sợ khổ.

Lúc ấy, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam sáng lập một Đồ Thư Quán (thư viện) ở Đài Trung, tức là Từ Quang Đồ Thư Quán; phỏng chừng Đồ Thư Quán xây cất chẳng bao lâu sẽ xong, tôi bèn rời Phố Lý đến Đài Trung, phát tâm học kinh giáo với thầy Lý. Tôi đến phục vụ trong Đồ Thư Quán. Lúc đó, tại Đồ Thư Quán có ba người, nếu tính cả người chuyên môn nấu bếp thì tổng cộng là bốn người, làm công quả có bốn người. Công việc rất nhẹ nhàng. Công việc cũng không có gì nhiều, tối thiểu là tôi không phải giặt quần áo cho mọi người, không phải nấu cơm; có người khác nấu rồi! Chỉ giặt quần áo của mình rất tiện, có nhiều thời gian đọc sách. Lúc mới đến Đài Trung, tôi vẫn lễ Phật, mỗi ngày lạy ba trăm lạy, theo mọi người tụng công khóa sáng, buổi sáng lễ một trăm lạy, giữa trưa lễ một trăm lạy, buổi chiều lễ một trăm lạy. Giữ được như vậy trong một thời gian rất lâu, phải thực sự làm nghe! Vừa mới vào cửa Phật thì khổ hạnh là phương pháp tu học đắc lực nhất. Không chịu được khổ, chẳng chịu làm thì không có cách chi hết.

Chúng tôi thường khuyến khích mọi người phải lễ Phật, lễ Phật tiêu nghiệp chướng. Lúc lễ Phật tâm phải định. Quý vị muốn tìm phương pháp ư? Lễ Phật là phương pháp, Niệm Phật là phương pháp, tịnh tọa là phương pháp, đọc kinh nghiên cứu giáo pháp cũng là phương pháp. Phương pháp nào có hiệu quả cho quý vị thì mỗi người không giống nhau, mỗi người căn tánh khác biệt. Bản thân tôi khi nhiếp tâm thấy vọng niệm nhiều quá, làm thế nào để vọng niệm bớt đi một chút đây? Đối với tôi, phương pháp hữu hiệu nhất chính là lễ Phật và nghiên cứu kinh giáo, trong những lúc làm như vậy bèn không có vọng tưởng. Vì thế, sau này tôi đi theo con đường giảng kinh, thời gian lễ Phật ngày càng ít hơn, nhưng tăng thêm thời gian đọc kinh nghiên cứu giáo lý. Mỗi ngày phải đọc, lúc đọc bèn khuyên hay chấm[2], những chỗ quan trọng tôi dùng bút màu khoanh lại, viết ghi chú hay tóm tắt đơn giản bên cạnh. Tập trung tinh thần, ý chí, không vọng tưởng; hễ có vọng tưởng là trật rồi!

Lúc lễ Phật không được có vọng tưởng, có vọng tưởng thì làm sao? Hễ có vọng tưởng sẽ quên mất mình đã lễ bao nhiêu lạy. Vì thế, lúc ấy chẳng thể khởi vọng tưởng, lễ được bao nhiêu bèn ghi nhớ rất rõ ràng. Lễ ba trăm lạy rõ ràng. Hễ khởi vọng tưởng là nhầm lẫn liền. Hễ nhầm lẫn thì sao? Nhầm lẫn thì lạy trở lại từ đầu. Vì thế, tinh thần, ý chí nhất định phải tập trung. Tự mình phải tìm ra cách đối trị phiền não tập khí của chính mình; phiền não tập khí nghiêm trọng nhất là vọng niệm. Phải làm thế nào để ngưng dứt vọng niệm? Thấu triệt, liễu giải Lý là tốt nhất, quý vị đã ở một mức độ sâu rồi. Chẳng liễu giải Lý cũng không sao, trước hết phải chế ngự được vọng niệm, đối với người mới học điều này quan trọng hơn hết. Sau này công phu đắc lực, bất luận tụng kinh hay là nghe giảng, trong nhà Phật gọi là “thính giáo, độc kinh”; đọc kinh hay nghe giảng đều có chỗ ngộ, đều nhờ vào tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì một tí biện pháp gì cũng không có.

Tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh là phân biệt, chấp trước ít; càng ít càng hay. Lại còn một việc các đồng học chúng ta phải nên nhớ kỹ: Sự chẳng liên quan đến mình đừng tìm hỏi, trong cả đời tôi [thái độ này] rất đắc lực. Tôi tuyệt đối không nghe chuyện họ Trương giỏi, họ Lý dở, tôi không chịu nổi, từ nhỏ tôi đã tập quen như vậy, không có cái thói quen ấy. Tôi tuyệt đối chẳng hỏi tới chuyện của người khác! Người khác có đem những chuyện thị phi như “họ Trương giỏi, họ Lý tệ hại” đến kể với tôi, tôi cũng không nghe; nhiều lắm là nói lấy lệ mấy câu, tuyệt đối chẳng lưu tâm. Đương nhiên càng chẳng thể kể lại. Đó là thói quen được huân dưỡng từ nhỏ, đối với việc học Phật sau này thực sự rất hữu ích, tâm dễ chuyên chú. Đấy cũng thực sự là một nhân tố khiến cho sức lý giải được sâu hơn một chút.

-trích lục Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, Chủ giảng Lão pháp sư Tịnh Không—Q2, tập 37, tr 103-107-

Lãng Nhân

No comments:

Post a Comment