Monday, August 12, 2013

KHÔNG HOÀI NGHI, KHÔNG XEN TẠP, KHÔNG GIÁN ĐOẠN

KHÔNG HOÀI NGHI, KHÔNG XEN TẠP, KHÔNG GIÁN ĐOẠN


Lão pháp sư Đế Nhàn dạy ông thợ vá nồi đừng khổ hạnh vô ích, phương pháp của Ngài rất hay! Một câu A Di Đà Phật ấy niệm đến khi mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi lại niệm tiếp, khiến cho thân thể, tinh thần của quý vị chẳng hề có mảy may áp lực nào, nhưng cần phải buông xuống vạn duyên. Ta đến trong thế gian này, chuyện gì đã qua bèn cho qua luôn, nhất định không kéo trở lại nữa, sau này ta còn có thể sống thêm được mấy năm nữa? Thời gian quý báu hơn bất cứ thứ gì khác, phải thực sự giác ngộ! Thân, tâm, thế giới, hết thảy buông xuống hết, bất cứ sự gì dù thế gian hay xuất thế gian đều chẳng ăn nhằm gì đến ta, ta nhất tâm niệm Phật, sống được một ngày bèn niệm một ngày, nhất định thành công!

Niệm Phật chẳng thể vãng sanh là vì nguyên nhân nào? Vị chỉ dạy đầu tiên hết là Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Nhiếp trọn sáu tâm là gom cái tâm lại. Đó là buông xuống vạn duyên! Thâu hồi con mắt từ nơi Sắc Trần lại, thâu hồi cái tai từ nơi Thanh Trần lại, sáu căn chớ đeo đuổi bên ngoài, thâu hồi lại, nhất tâm chuyên niệm. Đại Thế Chí gọi đó là “nhiếp trọn sáu căn”, tức là như Mạnh tử nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (Đạo học vấn không có gì khác, cốt sao thâu hồi được cái tâm đã phóng dật mà thôi). Đó là học vấn thực sự, thâu hồi sáu căn lại, chẳng phan duyên nơi cảnh giới lục trần là đúng. Đó gọi là “nhất tâm chuyên niệm, nhất hướng chuyên niệm”, chỉ một phương hướng, chỉ một mục tiêu, chẳng xen tạp! “Bất hoài nghi, bất giáp tạp, bất gián đoạn” (không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn) là “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh là không xen tạp, tiếp nối chẳng gián đoạn.

Chín chữ của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói có cùng một ý nghĩa với lời dạy của Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong tập sách nhỏ Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” rất dễ hiểu! Bí quyết niệm Phật là đây. Nếu thực sự làm được như thế thì gọi là chân tinh tấn, vạn người tu vạn người vãng sanh. Chớ có suy nghĩ bậy bạ! Cả đống nghi vấn! Chúng tôi thường thấy các đồng tu đến hỏi, [than thở bản thân họ] nghiệp chướng sâu nặng, nhưng nghiệp chướng nặng nề là ở chỗ nào? Nghiệp chướng là như thế này đây: Lo lắng, ngờ vực quá nhiều, chẳng thật thà! Tâm không định được! Nếu công phu đắc lực, chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, người ấy tuyệt đối chẳng đến tìm tôi! Vì sao chẳng tìm tôi? Tôi chẳng bằng họ, họ tìm tôi để làm gì? Người ta muốn thành Phật ngay lập tức, tôi tụt sau họ, họ tìm những gì ở trước chứ tìm đằng sau làm gì? Họ nhất định tìm những gì cao minh hơn, chẳng thể tìm kẻ kém họ!

Quý vị phải biết giảng kinh không bằng Niệm Phật! Niệm Phật công phu đắc lực đúng như lão hòa thượng Đế Nhàn nói (lão hòa thượng Đế Nhàn là pháp sư giảng kinh), Ngài thấy người đồ đệ làm thợ vá nồi của mình vãng sanh, Ngài cảm thán. Ngài nói gì? “Thành tựu của ông cao hơn phương trượng trụ trì các tùng lâm trong thiên hạ nhiều lắm, những thiện tri thức hoằng Tông nghiên Giáo (hoằng dương Thiền Tông, nghiên cứu Giáo Hạ) trong thiên hạ, những pháp sư ấy chẳng bằng được ông!” Đúng vậy, nói không sai, kể cả chính bản thân Ngài. Người thợ vá nồi duyên tốt, thực sự làm được! Duyên của pháp sư Đế Nhàn chưa được, Ngài muốn niệm Phật, người ta đến thỉnh giáo, người ta thỉnh mình đi giảng kinh, mình làm cách nào đây? Người thợ vá nồi không ai biết đến, chắc chắn không có ai tìm. Ông ta không biết chữ, đó là duyên thù thắng. Do đây, chúng ta chẳng thể không hiểu rõ: Nổi danh, tiếng tăm lớn có tốt hay chăng? Không tốt đâu!

Lúc càng nổi danh, chướng ngại càng nhiều! Người tìm đến mình nhiều quá, bị người ta tìm thì bận rộn, khiến cho công phu của mình bị gián đoạn, khiến mình bị xen tạp, công phu chẳng thuần. Dù có vãng sanh, phẩm vị cũng không cao. Nếu như quý vị thực sự hiểu được đạo lý này, quý vị có còn muốn tranh danh hay chăng? Tranh danh, tranh lợi chỉ khiến cho chính mình chuốc phiền, những điều này đều phải có trí huệ chân thật mới hiểu rõ nổi, không có trí huệ chân thật là không xong! Người thế gian ngỡ danh lợi là tốt, đối với người tu đạo, danh lợi là chướng ngại, đại chướng ngại, chướng ngại quý vị tinh tấn. Vì thế, phương pháp ấy của lão hòa thượng Đế Nhàn hết sức đáng tuân thủ.

-trích lục Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, Chủ giảng Lão pháp sư Tịnh Không—Q2, tập 33, tr 39-41-

Lãng Nhân

No comments:

Post a Comment