Sunday, August 11, 2013

Làm gì trong lễ Vu Lan để cầu an hoặc cầu siêu, báo hiếu cho cha mẹ?


Làm gì trong lễ Vu Lan để cầu an hoặc cầu siêu, báo hiếu cho cha mẹ?

************************
Lễ Vu Lan, ngày lễ truyền thống của Phật giáo thẳm sâu hài hòa vào sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ bao đời. Lễ này đã trở thành nếp nghĩ thân quen trong dân gian ta qua câu nói : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem tinh thần quý trọng ơn nghĩa và đền đáp ơn nghĩa được thể hiện vào ngày lễ Vu Lan phát xuất từ đâu. Và Tăng Ni, Phật tử chúng ta nên tổ chức lễ Vu Lan như thế nào cho đúng pháp Phật dạy.

Vu Lan nói đủ là Vu Lan Bồn, có nghĩa là cứu đảo huyền. Vu Lan phát xuất từ kinh Vu Lan Bồn (Ullumpana Sutra) do Đôn Hoàng Bồ tát Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch năm 265, đời Võ Đế, nhà Tây Tấn, Trung Quốc.

Nội dung kinh Vu Lan Bồn kể lại câu chuyện ngài Mục Kiền Liên đắc lục thông, dùng huệ nhãn quán sát thấy mẹ bị đọa vào loài ngạ quỷ. Ngài mang cơm dâng cho mẹ,nhưng bà không ăn được; vì bà vừa mở miệng, lửa từ miệng tràn ra. Mục Kiền Liên cầu xin Phật cứu. Đức Phật dạy Mục Kiền Liên nên chờ ngày Tự Tứ, thiết lễ trai Tăng cúng dường để nương nhờ sự chú nguyện của chư Tăng mới cứu được mẹ.

Tại sao Đức Phật lại dạy phải chọn ngày Tự Tứ làm lễ Vu Lan, cầu nguyện cúng dường ? Muốn hiểu được ý nghĩa pháp tu này, để áp dụng cho đạt kết quả tốt đẹp, chúng ta cần tìm hiểu sơ qua ý nghĩa an cư và sự khác biệt về thời gian an cư, ngày Tự Tứ của chư Tăng giữa hai hệ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông.

Ngược dòng lịch sử, vào thời Đức Phật tại thế, ở thời kỳ đầu, hàng Thánh Tăng có cơ thể khỏe mạnh và sức thông minh vượt bình thường. Với một y, một bát, các ngài du hóa theo Đức Phật, dãi dầm sương gió, bất chấp mưa nắng, nóng lạnh. Vì thế, Đức Phật không cần đặt ra vấn đề an cư cho các vị Thánh Tăng. Điều đó chúng ta thấy rõ trong kinh Vu Lan Bồn sẽ được đề cập đến ở phần sau.

Tuy nhiên, khi Tăng đoàn đông hơn, có nhiều Tỳ kheo sơ phát tâm chưa phải là Thánh Tăng. Lúc ấy, sức khỏe của chư Tăng không thể liên tục du hóa theo Phật được; nhất là sau việc chúng Tăng gặp mùa lũ lụt, bị cuốn trôi mất y bát. Đức Phật khởi tâm đại bi, tạm dừng chân và ngài chế ra pháp an cư kiết hạ.

Từ đó, chúng Tăng tập trung một chỗ trong bốn tháng mùa mưa để tịnh dưỡng thân tâm, sách tấn nhau tu học. Họ kiểm điểm lại những công việc hành đạo trong tháng ngày hoằng hóa độ sinh và truyền trao kinh nghiệm cho nhau để làm hành trang cho những ngày hành đạo kế tiếp.

Ngoài ra, trong mùa mưa, nhiều loại sinh vật nhỏ xuất hiện. Chư Tăng cấm túc an cư sẽ tránh được việc giẫm đạp, sát hại chúng. Đó là ý nghĩa của mô hình an cư thời Đức Phật tại thế.

Sau khi Phật Niết bàn, Phật giáo truyền bá khắp năm châu, ngày tháng an cư và Tự Tứ đã thay đổi tùy theo quốc gia. Nhưng tựu trung, có hai mẫu an cư theo hệ Nam tông Phật giáo và Bắc tông Phật giáo.

Như chúng ta đã biết Phật giáo Nam tông chủ trương kế thừa hình thức giống y Phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ thời Phật tại thế. Tổ chức an cư kiết hạ của Nam tông từ tháng 6 đến tháng 9 và lấy ngày rằm tháng 9 làm ngày Tự Tứ; vì chư Tăng Nam tông giữ y theo lịch Ấn Độ, một năm có ba mùa, tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa.

Trái lại, Phật giáo Bắc tông chú trọng việc kế thừa tư tưởng. Khi Phật giáo du nhập vào quốc gia nào, tùy theo sinh hoạt văn hóa truyền thống nơi đó mà chư Tăng uyển chuyển kết hợp giáo lý để giúp cho mọi người thăng hoa, giải thoát. Đối với chư Tăng thuộc Bắc tông, hình thức thế nào cũng được, miễn là mang lại lợi ích cho việc tu hành mà thôi. Việc thay đổi ngày tháng an cư kiết hạ và Tự Tứ của chư Tăng Phật giáo Bắc tông cũng không nằm ngoài mục tiêu này.

Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, các nhà sư mang tinh thần Phật giáo Đại thừa phóng khoáng, đã nhận rõ ý nghĩa cốt lõi của an cư kiết hạ trong mùa mưa và mục tiêu của lễ Vu Lantrong ngày Tự Tứ. Các ngài quan sát thực trạng xã hội Trung Hoa thời ấy đang chịu ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang, Khổng Mạnh, cùng các phong tục tập quán có sẵn lâu đời. Thí dụ một năm có ba ngày lễ lớn mà dân gian thường tổ chức là lễ Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng, lễ Trung nguyên vào ngày rằm tháng bảy và lễ Hạ nguyên vào ngày rằm tháng mười.

Việc thay đổi ngay những tồn tại khách quan này không phải là vấn đề đơn giản. Phật giáo Bắc tông đã khéo léo hòa với cuộc sống địa phương, để Phật tử tu hành không chống trái với truyền thống dân tộc của họ. Với tinh thần bao dung, kết hợp như vậy, Phật giáo Trung Hoa đã tổ chức an cư kiết hạ từ tháng 4 đến tháng 7; thay vì theo Phật giáo nguyên thủy từ tháng 5 đến tháng 9. Vì ở Trung Hoa có bốn mùa, không phải ba mùa như Ấn Độ và mùa mưa ở Trung Hoa từ tháng 4 đến tháng 7.

Vì vậy, sự thay đổi mùa an cư kiết hạ của Phật giáo Trung Hoa cho phù hợp với thời tiết của địa phương, mà vẫn giữ được tinh thần chính yếu của cấm túc an cư do Phật chế ra. Ngoài ra, Phật giáo Trung Hoa tổ chức lễ Vu Lan vào ngày Tự Tứ, rằm tháng 7, thay vì rằm tháng 9 như Phật giáo nguyên thủy, cũng nhằm kết hợp lễ Vu Lan với ngày lễ Trung nguyên theo truyền thống Trung Hoa.

Với trí tuệ thấy đúng như thật, để ứng dụng giáo nghĩa cho hài hòa với tập tục địa phương, Phật giáo Đại thừa lần lần thay đổi ngày lễ truyền thống địa phương thành lễ của Phật giáo với những sắc thái đặc thù, riêng biệt. Trên tinh thần này, lễ Vu Lan, rằm tháng 7, theo lý giải của Phật giáo Đại thừa thì không khác gì rằm tháng 9 của Phật giáo nguyên thủy. Vì pháp chính yếu không phải ở vấn đề thời gian.

Mục tiêu của lễ Vu Lan mà chúng ta cần thực hiện là cầu nguyện và cúng dường như thế nào để người quá cố và người sống đều được lợi lạc. Nói chung, các nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Vì thế, khi Phật giáo truyền sang các nước này, lễ Vu Lan cầu siêu cho cửu huyền thất tổ cũng được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, giống như ở Trung Hoa.

Để tổ chức lễ cầu nguyện và cúng dường trong ngày lễ Vu Lan cho đúng pháp, chúng ta cần xem lại kinh Vu Lan Bồn. Trong kinh này, Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên rằng ông không thể một mình cứu mẹ, dù có thần thông hạng nhất. Phải nhờ mười phương Tăng cầu nguyện; vì đức chúng như hải, hợp thời thanh tịnh trong ngày Tự Tứ, mới cứu được.

"… Muốn cho cứu được mạng người, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng … Bèn kêu Mục Thị đến gần, truyền trao diệu pháp ân cần thiết thi. Rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ, mười phương Tăng đều dự lễ này. Phải toan sắm sửa chớ chầy, thức ăn trăm món, trái cây năm màu…”

Sau đó, Đức Phật giải thích lý do cúng dường vào ngày Tự Tứ : "… Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ, dầu ở đâu cũng tụ hội về. Như người Thiền định sơn khê, tránh điều phiền não, chăm về Thiền na. Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả, công tu hành nguyện thỏa vô sanh. Hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý, ẩn danh lâm tòng. Hoặc người đặng lục thông tấn phát và những hàng Duyên giác, Thanh văn. Hoặc chư Bồ tát mười phương hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh …”

Qua đoạn văn kinh trên, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta thấy hàng Thánh Tăng là những vị A la hán, Bích chi Phật, Bồ tát. Các ngài đang trụ Thiền định ở núi rừng, hoặc đang kinh hành suy tư lời Phật dạy, hay đang giáo hóa chúng sinh. Các ngài không hiện diện trong hàng Tăng chúng đang an cư kiết hạ với Đức Phật. Vì vậy, Đức Phật mới bảo Mục Kiền Liên chờ đến ngày Tự Tứ, để có đủ các vị chư tôn đức này. Khi đại chúng đầy đủ đạo đức, phạm hạnh thanh tịnh, mới cầu nguyện có kết quả.

Các vị Thánh Tăng nói trên tiêu biểu cho đệ tử Phật thuộc hàng kiểu mẫu trên cuộc đời. Tuy nhiên, dù là Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát, hàng tam thừa tứ quả này đều có chung một đặc điểm về đức hạnh là "Đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dày chánh định chơn tâm. Tất cả các bậc Thánh phàm đồng lòng thọ lãnh bát cơm lục hòa”.

Như vậy, mẫu người xuất gia mà Đức Phật đưa ra, có khả năng làm việc cầu nguyện phải là những bậc mô phạm, thanh tịnh, giải thoát. Vì người nhiễm ô tội lỗi, giới đức không trọn vẹn, không thể thuyết phục được người trên nhân gian. Huống chi nói đến việc họ đủ tư cách thay mặt cho người tín chủ, để cúng dường, liên hệ với chư Phật ở thế giới tâm linh.

Trong khi an cư kiết hạ, chư Tăng thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nỗ lực tu học. Nhờ gạn lọc, dẹp bỏ tham sân phiền não, tình cảm trong sáng và sống đúng giới luật; họ được giải thoát, an định, trí tuệ sáng suốt. Suốt ba tháng an cư, ngày ngày trầm mình trong giáo lý, suy tư lời Phật dạy, đạo đức và trí tuệ của đại chúng thăng hoa, tích tụ lần đến cao độ trong ngày Tự Tứ. Bấy giờ, các bậc Thánh Tăng và phàm Tăng kết hợp với nhau rất thanh tịnh, cùng hướng tâm về người quá cố đang đau khổ; tạo thành lực dụng tiếp dẫn họ trở về trạng thái an lành.

Ngoài ra, để việc cúng dường lễ Vu Lan thành tựu, chẳng những chư Tăng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mà hàng Phật tử cúng dường cũng phải hết lòng thành khẩn cầu nguyện : "Lễ cứu tế chí thành sắp đặt, ngõ cúng dường chư Phật, chư Tăng”.

Bằng tất cả tâm chí thành, Phật tử dâng lễ vật cúng dường, cầu nguyện. Tuy nhiên, điều cần lưu ý, đối với chư Tăng còn mang thân ngũ uẩn bình thường, việc thọ nhận cúng dường là điều tất yếu. Nhưng đối với chư Phật, hay Hiền Thánh Tăng không cần vật chất nuôi dưỡng. Các ngài đang sống trong Thiền định, an trú trong thế giới tâm linh. Lúc ấy, tâm chí thành trong sạch của Phật tử dâng lên cúng dường trở thành quan trọng.

Cổ nhân có nói rằng Phật dụng lòng, không dụng thực, hoặc Phật dụng hiền lương, mạc dụng tiền tài hành ác nghiệp. Nghĩa là Đức Phật không cần ăn, không dùng tiền. Ngài chỉ dùng tâm hiền lương, chân thật của chúng ta. Nếu người làm những việc tội lỗi và dùng đồng tiền tội lỗi ấy dâng cho Phật, chẳng khác gì phỉ báng Phật.

Không những tâm của người cúng thanh tịnh, mà phẩm vật cúng dường cũng phải thanh tịnh; không cần phải tốn kém, rườm rà. Tiền của phát xuất từ những việc làm bất chánh, trộm cắp, lường gạt, chỉ là những thứ ô uế. Chẳng bao giờ các bậc Hiền Thánh và chư Phật để tâm đến, huống gì thọ nhận chúng.

Muốn cầu nguyện, cúng dường, bản thân của người cúng cần có một đời sống lương thiện, đạo đức đúng theo lời Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia. Nếu không hội đủ ba điều kiện nói trên, việc cầu nguyện, cúng dường trong ngày Vu Lan báo hiếu chẳng những vô ích, còn tạo thêm tội lỗi.

Tóm lại, thực hiện trọn vẹn sâu sắc tinh thần kinh Vu Lan Bồn, cần kết hợp đạo hạnh thanh tịnh, giải thoát của chư Tăng với lòng chí thành của người cúng dường, cùng với phẩm vật dâng cúng thanh tịnh, vào lúc hợp thời thanh tịnh của ngày Tự Tứ. Được như vậy, sẽ mang lại kết quả thật lợi lạc như Phật dạy rằng : "Người nào có sắm ra vật thực, đặng cúng dường Tự Tứ Tăng thời, hiện tiền quyến thuộc của người, bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn. Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi, cảnh thanh bình hưởng thọ tự nhiên. Như còn cha mẹ hiện tiền, nhờ đó cũng được bá niên thọ trường. Như cha mẹ bảy đời quá vãng sẽ thác sanh về cõi Thiên cung, người thời tuấn tú hình dung, hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân”.

Chúng tôi mong rằng trong mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2534, Tăng Ni, Phật tử nên thiết lễ Vu Lan đúng như pháp Phật dạy, để không phụ thâm ơn giáo dưỡng của Đức Từ Tôn.

(HT. Thích Trí Quảng)

No comments:

Post a Comment