Tu là cội phúc
*********************
Trước đây trong đời sống dân gian, hễ nghe nói đến hai từ “đi tu”, thì cho dù họ là ai, người thành thị hay nông thôn, đều có thành kiến không tốt. Nhiều người cho đó là việc làm tiêu cực, yếm thế. Hơn thế nữa có người còn cho rằng có vấn đề về tình cảm, mất của, thi rớt.v.v... Với họ quan niệm ấy như là chân lý không thể chối cãi.
Thật sự để hiểu cho đúng nghĩa từ “tu” thật là một việc khó và tế nhị. Trong đời người cái duyên lành “đi tu” ấy không phải ai cũng có được. Tuy chúng ta thấy các vị Tăng, Ni càng ngày càng đông, chùa chiền càng ngày càng nhiều, nhưng thật ra số ấy có đáng là bao so với số người trong xã hội.
Mỗi vị là một duyên lành mà chính các vị ấy cũng không thể giải thích cho rõ ràng được. Cửa chùa thì luôn luôn rộng mở nhưng không phải ai cũng xuất gia tu học được. Có người bốn, năm tuổi đã đi tu rồi.Có người đến bốn năm mươi tuổi mới tu. Có người chỉ đi một lần là được. Còn có người đi tới đi lui hai ba lần mới trụ. Ấy là do nghiệp duyên mà có chánh báo y báo như vậy.
Tu nghĩa nôm na là sửa. Người tu có nghĩa là sửa thân, nhưng thân phải có tâm mới linh hoạt, mới sống động. Bởi thế đi tu là luôn luôn chỉnh đốn sửa đổi thân tâm cho tốt đến mức tự giác ngộ và giác tha.
Tu thật sự không dễ nhưng cũng không khó. Không dễ bởi vì phải cắt ái ly thân, ”xả phú cầu bần xả thân cầu đạo”. Mà con người ai ai cũng có gia đình, cha mẹ, anh chị, hoặc vợ chồng, con cái. Họ đã từng thương yêu nhau chia ngọt xẻ bùi với nhau, đã từng gắng bó nhau bằng sợi dây vô hình cộng nghiệp, mà bây giờ xuất gia học đạo cắt đứt sợi dây yêu thương ấy, liệu họ có đủ trí dũng để cắt hay không? Còn nữa, người nào sống cũng mong cầu giàu sang sung sướng của cải đầy ắp liệu họ có xả phú cầu bần được hay không?
Nhưng tại sao tu cũng không khó!? Nếu ai đó hiểu được ngọn ngành “chân hạnh phúc” và lợi lạc của việc xuất gia cầu đạo. Họ sẽ có một tình thương yêu rộng khắp, họ sẽ đặt hạnh phúc chúng sinh trên hạnh phúc cá nhân, tinh tấn tu hành chắc chắn sẽ “giác ngộ” đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người.
Ngoài những pháp hữu hình kể trên, còn những pháp vô hình mà bằng mắt phàm chúng ta không thấy được, nó là một chuỗi vô số những nguyên nhân, kết quả ở kiếp quá khứ tạo thành những tăng thượng duyên đẩy chúng sinh vào con đường mà nghiệp quả định sẵn.
Xuất gia tu học là một hành động tích cực. Người đó đã có sự chuyển biến về ý thức ,tư tưởng, và tình cảm. Người ấy sẽ có được môi trường thuận lợi, gặp được thầy đức cao học rộng, bạn tu giỏi, hiền. Kinh sách đủ đầy. Không vướng bận những chuyện muộn phiền thế gian. Công phu, tinh tấn sẽ thoát khỏi khổ đau phiền não.
Ngoài việc xuất gia tu học. Chúng ta cũng có thể làm cư sĩ tại gia. Tuy hai nơi rất khác nhau về điều kiện, môi trường, nhưng cư sĩ tại gia cũng có thể sở chứng được những quả vị cao như những vị xuất gia vậy. Muốn vậy cư sĩ tại gia cũng thành lập cho mình một lớp bạn tu, là những thiện trí thức. Chọn vị lão sư đức cao vọng trọng làm chỗ dựa tâm linh, để tháo gỡ những thắc mắc trong khi tu học.
Tìm đọc những kinh sách chính thống Phật giáo để bồi dưỡng sở học. Trí dũng tu hành. Như thế chúng ta cũng sẽ đi trên con đường hạnh phúc, an lạc.
Sở dĩ các vị tổ thầy xưa nói “Tu là cội phúc” là muốn chỉ những vị xuất gia tu hành đắc đạo, dứt bặt phiền não, không còn trôi lăn trong tam đồ lục đạo, thoát sinh tử luân hồi, đạt được chân hạnh phúc.
Rồi đi giáo hóa chúng sinh thoát khỏi mê lầm. Để họ cũng đạt được hạnh phúc viên mãn. Có như thế chúng ta mới đi đúng con đường mà Đức Phật đã đi. Có như vậy TU mới thật là CỘI PHÚC.
(Nguyễn Hữu Thức)
No comments:
Post a Comment