Monday, August 12, 2013

ĐẠO PHẬT DƯỚI ÁNH MẮT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ?

ĐẠO PHẬT DƯỚI ÁNH MẮT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ?

1) Người đệ tử Phật không bị ràng buộc bởi bất cứ tín điều, tư tưởng, chủ nghĩa hay sự cấm kỵ nào bởi vì Phật giáo phủ nhận đầu óc cuồng tín và giáo điều cực đoan. Nếu không tin Phật thì người đó không bị trừng phạt hay bị đày xuống hỏa ngục, nhưng nếu người đó làm điều xấu hoặc điều ác thì chính họ đang sống trong Hỏa ngục rồi. Lời Phật dạy giống như viên thuốc, nếu uống thì hết bịnh còn không uống thì tiếp tục sống trong vô minh điên đảo khổ đau, chịu sinh tử luân hồi thế thôi.

2) Sự sống chết của con người là do nhân quả mà ra chớ không do quỷ thần hay Nam Tào, Bắc Đẩu xóa sổ. Tất cả những hạnh phúc hay khổ đau của con người là do chính tay họ tự tạo ra chớ Quỷ Thần không can dự vào được. Thử hỏi bao nhiêu thiên tai, tai nạn khủng khiếp và bao cuộc chiến tranh đẫm máu do ai gây ra? Phải chăng đây là do lòng tham vô đáy của con người đã tác tạo ra những cộng nghiệp, biệt nghiệp bất thiện nên phải gánh chịu quả báo đau thương tang tóc hay do một đấng thần linh nào đó vì phẫn nộ với loài người gây ra? Trong thế gian vũ trụ này không có cái gì là cố định cả. Nếu không có sự chuyển động thì thế giới, vũ trụ, con nguời cũng không còn, không tồn tại. Do sự chuyển động của địa cầu làm rung chuyển những khối lỏng nham thạch bên trong mà tạo thành động đất, núi lửa. Vậy theo tinh thần Phật giáo, không có một vị thần linh nào có thể nhẫn tâm trừng phạt, hủy diệt loài người và gây đau thương chết chóc khắp mọi nơi mà đây chỉ là kết quả mà chính con người đã tạo ra cho chính mình.

Thêm nữa, khi nói về Thượng đế, Phạm thiên, hay thần linh thì Đức Phật có dạy rằng :

“Như vậy, chính do ý muốn và sự tạo tác của đấng Tối Cao mà con người trở thành sát nhân, trộm cắp, tà dâm, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khao khát, hiểm độc, tinh quái và hiểu biết sai lầm. Do đó đối với người chủ trương thần linh là nguyên nhân chính yếu của tất cả những điều ấy”.

Trong Túc Sanh Truyện (Maha Bodhi Jataka) cũng nói rằng : ”Nếu có một đấng thần linh toàn quyền ban phước hay giáng họa cho tạo vật đã được chính Ngài tạo ra và cho chúng nó những hành động tốt hay xấu thì vị thần linh ấy quả thật đầy tội lỗi. Bởi vì con người chỉ thừa hành ý muốn của đấng thần linh đó”.

Do đó nếu nói Thượng đế là đấng toàn năng toàn thiện thì tại sao Ngài lại sáng tạo cái thế giới con người đầy dẫy tội lỗi đau thương? Tại sao Ngài tạo ra biết bao nhiêu cảnh tai trời ách nước, tàn phá, giết hại chúng sinh? Như thế thì lòng bác ái của Ngài ở đâu? Vậy sự cầu nguyện có làm bớt thiên tai, dịch họa, chiến tranh hay khổ đau của con người được không? Vì thế Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu thần linh trong cuộc sống của con người. Theo tinh thần Phật giáo thì chính con người phải tự mình giải quyết những vấn đề như chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc hay khổ đau của chính mình. Chiến tranh hay hòa bình là do con người quyết định chớ không dính dấp gì tới Phật trời cả.
Nếu con người biết sống khoan dung độ lượng để biết thương yêu nhau thì họ biến chiến tranh thành hòa bình, ngược lại nếu các nhà lãnh đạo chạy theo những tham vọng đen tối thì từ hòa bình thành chiến tranh giết chóc thế thôi. Thêm nữa, do sự chuyển động của trái đất, của núi lửa, của những cơn gió lốc…theo định luật vô thường : thành, trụ, hoại, không đã tác hại con người. Nói chung thì đó cũng là do lòng tham của con người phá hũy môi trường sống của chính mình qua chiến tranh, qua những cuộc thí nghiệm nguyên tử, qua tàn phá thiên nhiên, đốt rừng tiêu hủy cây cối…tạo nên những ảnh hưởng dây chuyền nguy hiểm cho nhân sinh. Con người cũng vì muốn thỏa mãn lòng tham mà đi ngược lại với thiên nhiên nên hàng ngày lấy lên từ lòng đất, từ lòng biển hàng triệu thứ từ kim cương đến vàng, bạc, nhôm, sắt, khí đốt, dầu hỏa rồi lại thải ra hàng triệu tấn chất độc tác hại gây ra lầm than qua thiên tai, động đất, sóng thần, bảo lụt, hạn hán…Vì thế con người không thể tin rằng có một Thần linh nào đó có thể nhẫn tâm trừng phạt, hủy diệt loài người và gây đau thương chết chóc tang tóc khắp mọi nơi. Khi liễu ngộ như thế con người không phải sợ hãi thần linh, tôn thờ thần linh, van vái và cầu xin ở thần linh nữa.

3) Lời nói đầu tiên của Đức Phật khi Ngài vừa thành đạo dưới cội Bồ-đề là “trong mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau” nghĩa là bất cứ chúng sinh nào cũng có khả năng tu thành Phật cũng như Phật. Đây là tinh thần bình đẳng mà chỉ Phật giáo mới có. Vì thế đối với người Phật tử một khi đã thấm nhuần tinh thần bình đẳng của nhà Phật thì dưới nhãn thức của họ sẽ không có giai cấp, không có nạn kỳ thị chủng tộc, không có Phật tử giàu sang và Phật tử nghèo hèn, không có Phật tử thông minh hay Phật tử đần độn. Do đó khi người Phật tử lễ Phật là lễ lạy, cung kính cái Phật tánh có sẵn trong con người mình và cung kính tất cả những phẩm hạnh cao quý vốn có sẵn trong tự tánh của chính mình nếu biết phát huy chớ không phải vái lạy, van xin hay cầu nguyện để thỏa mãn những đòi hỏi phát xuất từ dục vọng của mình.

4) Khi con người biết xã bỏ những thú vui giả tạm của thế gian để phát huy triệt để tiềm năng của lòng từ bi và trí tuệ thì họ sẽ có an lạc, thanh tịnh của Niết bàn mà không cần cầu xin, van vái gì hết bởi vì Niết bàn Bồ-đề vốn đã có sẵn trong họ chớ không do Phật trời ban tặng. Phật giáo chủ trương phiền não tức Bồ-đề và sinh tử tức Niết bàn. Tại sao? Trong cuộc sống, con người vì chạy theo miếng cơm manh áo, sắc tài danh lợi mà tự mình tạo ra biết bao phiền não làm che lấp tự tánh Bồ-đề nên sống trong vô minh đen tối. Bây giờ nếu biết thức tỉnh, hồi quang phản chiếu để hóa giải hết những phiền não kia thì đám mây đen vô minh tan biến và ánh sáng huyền diệu Bồ-đề từ từ hiển hiện trong tâm. Còn sinh tử là khổ đau. Trên thế gian này tất cả mọi vật thể đều là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, không ô nhiễm nên gọi là pháp tánh cũng như tất cả chúng sinh đều có tự tánh Bồ-đề mà nhà Phật gọi là Phật tánh.
Thí dụ như cây cỏ, núi cao rừng thẳm đâu có lôi cuốn, quyến rũ ai đâu, nhưng con người thấy cảnh liền mê, tham hoa hiếu sắc. Do đó tham mê sắc dục là tại cái nhìn của người còn vô minh chớ thiên nhiên lúc nào cũng thanh tịnh hồn nhiên, không ô nhiễm. Con người cũng thế, nếu chúng sinh nhìn thế gian bằng con mắt tham đắm dục tình thì cái gì cũng mê cũng thích, nhưng cũng con người đó bây giờ hiểu đạo mà nhận biết rằng vạn pháp giai không nên không còn chấp thủ, đắm say. Hiểu đạo thì có cũng được mà không cũng chẳng sao, tất cả chỉ là phương tiện để sống chớ không xem nó là cứu cánh của cuộc đời. Sống đúng như vậy thì sẽ có tâm thanh tịnh tức là Phật tánh hiển bày.
Vậy Phật tánh lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh cũng như ánh sánh mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng. Nhưng nếu con người chạy theo phiền não vô minh thì Phật tánh biến mất cũng như đám mây đen hắc ám che lấp ánh sáng mặt trời. Vậy thế gian làm gì có ô nhiễm, khổ đau hay nói rõ ràng hơn là sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại cũng không phải là nguyên nhân của tội lỗi xấu xa. Khổ đau là do con người tự ràng buộc, tự trói lấy mình chứ Phật trời có trói buộc ai đâu. Khi con người biết hồi đầu thị ngạn, tư duy quán chiếu để cởi bỏ, tháo gở cho hết những trói buộc do chính mình tạo tác thì khổ đau từ từ tan biến, ô nhiễm bị tiêu trừ và dĩ nhiên niềm an lạc, thanh tịnh, tự tại của Niết bàn hiện ra mà không cần cầu nguyện chi hết.

5) Trong lịch sử nhân loại từ cổ đến kim, bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc, bao nhiêu cảnh anh em, cha mẹ, vợ chồng, con cái, xóm làng chém giết, sát hại lẫn nhau cũng chỉ vì tánh tham, tật đố. Giáo lý Đức Phật sẽ là những liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu nổi đau thương làm con người gần nhau hơn vì còn tham-sân-si là con người còn đau khổ. Vì muốn thỏa mãn lòng tham nên con người không bao giờ thấy đủ, không hạnh phúc với những gì mình có. Người giàu thì muốn giàu hơn cho nên đầu óc không còn sáng suốt nên dễ dàng làm chuyện phi pháp, trái với đạo đức mà phải thọ báo quả khổ về sau. Quốc gia lớn nuốt sống những nước nhỏ, người mạnh ỷ thế hiếp kẻ yếu thế cô…Thí dụ ngày xưa bạo chúa Tần Thủy Hoàng cậy sức mạnh thôn tính sáu nước chư hầu mà cuộc sống ông ta đâu có hạnh phúc vì lúc nào cũng sợ có kẻ báo thù cho nên ông ăn không ngon và ngủ chỉ thấy toàn ác mộng.
Vì muốn sống lâu để thỏa mãn những dục tính điên cuồng nên ông sai người tâm phúc đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng cuối cùng ông cũng chết vì uống nhằm độc dược có chất Thủy Ngân. Do đó Phật dạy biết “tri túc thiểu dục” là có hạnh phúc. Thật vậy, người giàu chưa chắc cuộc sống đã là sung sướng bởi vì có càng to thì lo càng lớn. Công danh phú quý cũng như đeo ách trên vai, ách càng to thì vai càng nặng chớ có sung sướng gì. Còn người nghèo mà biết gói ghém, vun bồi đạo đức, trên thuận dưới hòa thì chắc gì đã khổ đau bởi vì hạnh phúc hay khổ đau là ở chỗ biết sống vì thế cổ nhân cũng có câu : ”Trọc phú đa ưu, thanh bần an lạc” là vậy. Cho nên người không hiểu đạo, lúc lâm vào cảnh nghèo túng thì đâm ra buồn khổ tức là :

“Lòng quanh quéo càng thêm quanh quéo,

Cảnh đìu hiu dạ lại đìu hiu”

Cho nên :

“Lòng buồn sanh bệnh, bệnh sanh lòng buồn”.

Do đó vui vẻ trong mọi hoàn cảnh là có hạnh phúc rồi. Vì thế mà Đức Phật dạy rằng :

“Tham dục chính là nguồn gốc của khổ đau. Mọi vật rồi sẽ thay đổi, vì thế không nên luyến ái hay vướng víu vào một thứ gì. Nên nhiếp tâm thanh tịnh tìm chân lý và đạt đến hạnh phúc vĩnh hằng.”

Biết tri túc thiểu dục là biết sống hạnh phúc với những điều kiện vật chất khả dĩ giúp cho con người có đầy đủ sức khỏe để tu tâm dưỡng tánh và đây là phương cách hữu hiệu nhất để cắt đứt lưới tham dục, an ổn thân tâm và có nhiều thì giờ giúp đở tha nhân. Từ đó chúng sinh mới có thể nhiếp tâm thanh tịnh nghĩa là kiểm soát, đừng để tâm chạy theo khách trần phiền não mà chứng được chân lý và dĩ nhiên Bồ-đề, Niết bàn hiển hiện tức là có được hạnh phúc vĩnh hằng vậy.

Những gì Đức Phật dạy đều phát xuất từ đời sống kinh nghiệm và chứng đắc của bản thân vì thế, Ngài dạy chúng sinh những ý chí sắt đá, trí tuệ cao siêu, đức vị tha phục vụ, sự thoát ly và sống đời gương mẫu làm lợi lạc cho mình, cho người. Con người vĩ đại đó, tấm lòng đại từ đại bi đại trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của Đức Phật đã làm cho thế giới kính phục Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình thể nghiệm chân lý mà Phật chỉ là kẻ dẫn đường, người hướng đạo. Do đó toàn bộ giáo lý Đức Phật chỉ là phương tiện mà thực chứng chân lý mới là cứu cánh cho nên lời nói của Phật có mục đích để cho con người phát nghi, chớ không để cho người ta chấp thật. Tại sao? Vì có nghi con người mới nỗ lực tìm câu trả lời thì đây chính là những công án rất nhiệm mầu giúp chúng sinh thể nghiệm chân lý.
Đó cũng là con đường mà Đức Phật ngày xưa đã đi. Vì Chân lý chỉ có thể nghiệm chứng chứ không thể diễn tả cho dù là Phật cũng không nói được, nên Ngài mới nói rằng “Ta chưa hề nói một chữ” là vậy. Nói cách khác, Đức Phật dạy chúng sinh đời là bể khổ vì Ngài thấy biết như thế. Nếu Đức Phật là đấng thần linh thì Ngài chỉ cần niệm Úm Ba Di Bát Nhị Hồng rồi phảy cái phất trần thì thế gian làm gì còn khổ đau. Biết đời là bể khổ, nhưng chính Ngài không thể hóa giải nỗi khổ của chúng sinh mà mỗi người phải tự giải thoát lấy những hệ lụy khổ đau của riêng mình mà Phật chỉ là người hướng đạo mà thôi.

Tuy Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài không phải là đấng thần linh, không phải là Thượng đế, không phải là đấng cứu thế, nhưng tại sao hàng năm các chùa Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại đều gởi thơ để kêu gọi cầu an cầu siêu cho Phật tử? Phải chăng đây là do lòng từ bi của quý Thầy Cô muốn độ chúng sinh? Thật sự cầu siêu có phải là của Phật giáo không?

Để giải thích cho nghi vấn nầy, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn một đoạn trong bộ “Giáo Khoa Phật Học cấp 2” do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành như sau :

“…Về tập tục tụng kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Đạo An, vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Vì theo sử chép thì năm 738, vua Đường Huyền Tông đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi chùa, đều đặt tên là chùa Khai Nguyên (Khai Nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua Huyền Tông). Đó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi tổ chức các lễ tiết quốc gia, cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính quyền trung ương.
Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn. Trong một năm chiến tranh này, số người chết gồm các chiến sĩ của cả hai bên và thường dân nhiều vô kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến vừa qua, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân. Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian”.

Vua Đường Huyền Tông vì dùng quyền lực của một vì vua mà bắt ép Dương Thái Chân lúc bấy giờ là người tình của tướng An Lộc Sơn vào cung làm Dương Phi. Vì quá phẫn nộ An Lộc Sơn tạo phản làm vua tôi nhà Đường phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Trên đường bôn tẩu ba đào, vua phải cắn răng chiều lòng ba quân tướng sĩ giết chết Dương Thái Phi. Tuy chiếm được Trường An, nhưng người ngọc Dương Thái Chân đã thành người thiên cổ nên An Lộc Sơn chỉ nắm được trong tay một xác thân giá lạnh, cứng ngắc, đã bốc mùi hôi thúi, chảy nước vàng. Nếu An Lộc Sơn biết “Quán thân bất tịnh” nghĩa là quán chiếu để biết rằng thân xác con người là nhơ nhớp, hôi thúi và được che đậy bởi một lớp da mỏng mềm dịu êm ái bên ngoài để quyến rũ con người vào vòng tội nghiệp cũng như viên thuốc độc bọc đường thì cho dù có mười Dương Thái Chân, An Lộc Sơn cũng không màng, không gây loạn chớ đâu phải đợi đến khi ôm cái thây ma thối tha thì ông mới biết thân này là bất tịnh. Do đó cho dù là Tây Thi, Trịnh Đán thì đến khi già, khi bệnh cũng không thoát khỏi cái luật vô thường cay nghiệt đó. Vì thế mà người xưa có câu :

Má thoáng hương mai, mặt nhụy đào,

Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.

Thảy đều một đãy da hôi thúi,

Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao.

Nghĩa là khi thấy một người đẹp, tuyệt sắc giai nhân thì mắt nhìn mãi không rời và lòng xốn xang xao xuyến nao nao. Nhưng xét cho cùng đó chỉ là cái dáng bên ngoài vì bên trong chỉ là một đãy da hôi thúi. Do đó càng đắm mê sắc đẹp thì càng dễ gặp tai họa cũng như ngày xưa vua Ngô Phù Sai vì say mê sắc đẹp Tây Thi, ngày đem vui chơi trên Cô Tô Đài mà quên cả giang sơn quốc sự nên về sau bị vua Việt Câu Tiển kéo quân sang đánh làm nước Ngô tan nát và vua Ngô phải chết. Vì thế kẻ tham mê sắc dục thì đạo đức tiêu tan, vợ chồng bất hòa, gia phong bại hoại.

Là người Việt Nam không ai mà không biết được hình ảnh quen thuộc của Thúy Kiều, một tuyệt sắc giai nhân, đã được thi hào Nguyễn Du diễn tả như sau :

” Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da…

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh…”.

Đẹp như thế mà tại sao về sau nàng Kiều cũng phải than rằng :

”Xót thay chiếc lá bơ vơ,

Kiếp trần biết giữ bao giờ cho xong.

Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,

Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan…” .

Nếu sắc đẹp thật sự mang lại hạnh phúc thì tại sao Thúy Kiều lại than trời trách đất, sống dở chết dở như vậy. Hay là :

”Rằng :

Hồng nhan tự nghìn xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”.

Nguyễn Du vì không thể giải thích hiện tượng hồng nhan bạc mệnh nên đổ hết tội cho ông trời và thuyết định mệnh của Nho giáo. Nhưng trên thế giới, từ cổ đến kim, từ Đông qua Tây không nhất thiết hễ là người đẹp thì phải chịu cảnh ”má hồng phận bạc” như Nguyễn Du nói đâu? Biết bao hoa khôi, mệnh phụ phu nhân có hạnh phúc tràn đầy. Do đó, thuyết định mệnh không làm Thúy Kiều đau khổ, mà đây chính là luật nhân quả của nhà Phật đã chi phối ảnh hưởng cuộc đời của Thúy Kiều và của tất cả chúng sinh. Dựa theo Phật giáo, nếu chúng sinh khéo gieo nhân thì người đó cũng có thể tạo cho mình một quả báo để có diện mạo đẹp đẽ về sau, nhưng nét đẹp đó không liên quan gì tới đạo đức cả. Vì thế, họ có thể là tuyệt thế mỹ nhân nhưng vẫn phải gánh chịu những nỗi bất hạnh như thường. Muốn có cuộc sống hạnh phúc thì họ phải gieo nhân lành, biết bố thí cúng dường, biết kiên trì giữ giới hạnh, hiếu đễ với cha mẹ, sắt son chung thủy với bạn đời, tín nghĩa với bạn bè, trung hậu với chủ nhân…Chính những phước duyên này sẽ kiến tạo cho họ ở đời sau chẳng những là một tuyệt thế mỹ nhân mà còn là người duyên dáng đạo đức làm mọi người kính mến, thương yêu.

Chính vậy mà Nguyễn Gia Thiều cũng nói rằng :

“Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng,

Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa”.

Bây giờ hãy lắng nghe Thái tử Tất Đạt Đa than thở với Công chúa Da Du Đà La trước khi Ngài đi xuất gia :

”Chúng ta sẽ già yếu và xấu đi. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mặt trong của nàng rồi sẽ mờ đục. Môi thắm của nàng rồi sẽ úa màu. Ta nghe trong ta, trong nàng và trong tất cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của cái búa thời gian…Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương.”.

Vì vậy cuộc tiệc nào chẳng có lúc tàn, dung nhan nào chẳng có lúc tàn phai do đó chỉ có cái đẹp tự trong tâm hồn là cái đẹp bền vững, không bao giờ phai nhạt và không còn sợ bị quỷ vô thường ám hại.

Thế thì cầu an cầu siêu “không phải” là truyền thống của Phật giáo. Chúng sinh phải tự hỏi rằng Phật hay Bồ-tát có thể tiêu trừ những khổ đau, tội nghiệp và những rắc rối của mình được không? Nói cách khác, mình tạo nhân mà người khác chuyển quả có được không? Một người ăn mà người khác có no được không? Con người phải trực tiếp nhận lãnh trách nhiệm của chính mình cho những gì sảy ra đến với mình. Người làm lành sẽ được thưởng quả tốt, ngược lại, kẻ gieo nhân ác sẽ phải thọ lãnh điều bất hạnh thế thôi. Luật nghiệp quả rất công bình, hợp lý và không thiên vị bất cứ một ai cho dù đó là Đức Phật. Một kiếp quá khứ, tiền thân Đức Phật vì lở tạo khẩu nghiệp, cho đến kiếp này mặc dù đã thành Phật vẫn phải trả như thường. Ngài phải ăn lúa dành để nuôi ngựa đến 3 tháng mới xóa được nghiệp bất thiện này. Vì thế nếu con người muốn cải thiện đời sống của mình thì nó tùy thuộc vào sự thay đổi cách cư xử, lối sống và những thái độ nhằm để tác động những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Đức Phật không dạy cầu an cầu siêu vì có cầu cũng chẳng được bởi vì nhân nào quả nấy, trồng khế thì ăn quả chua còn trồng quít thì hưởng quả ngọt thế thôi. Con người khi còn sống thì dối người, lợi mình. Dối người chưa đủ họ còn quay lại dối mình và dối luôn cả Phật trời. Nhưng khi chết thì thân vật lý đâu còn nữa để che đậy sự dối trá của mình nên tất cả các nghiệp thiện ác hiện ra rất rõ ràng trong thân trung ấm (thân tư tưởng trong hư không) để đưa họ tái sinh tương xứng với quả nghiệp của họ. Khi đi tái sinh thì cái ngã tan vỡ đâu còn nên hài nhi không còn nhớ mình là ai, từ đâu đến, đã làm những việc thiện ác gì. Từ đây nó mang một hình hài mới, sắc diện mới, tên họ mới, cha mẹ anh em dòng họ mới và một cuộc đời mới tương xứng với tất cả những quả nghiệp mà nó đã tạo tác từ những đời quá khứ. Cái ngã cũ không còn, tên họ cũ mất đi.
Thí dụ ngày xưa là Nguyễn văn A bây giờ tái sinh thành ra John Smith thì ông A vĩnh viễn biến mất trong thế gian rồi, còn đâu nữa mà cầu. Ngày xưa tôn giả Mục Kiền Liên là thánh Tăng mà không siêu nổi cho mẹ ông thì phàm tăng đời nay có ai dám bảo đảm làm được? Còn nếu năm nay các chùa tụng kinh cầu siêu cho ông bà chúng ta được siêu sinh tịnh độ rồi, thì năm tới tại sao các chùa cũng tiếp tục gởi thơ để cầu siêu nữa? Nếu đã siêu rồi thì tại sao năm nào cũng cầu? Cầu đến bao nhiêu năm mới được siêu? Dựa theo Phật giáo, nếu muốn siêu thì khi còn sống con người phải lo tu tâm dưỡng tánh, làm lành tránh dữ, vun bồi phước đức và công đức để biến cuộc sống thành an vui tự tại, thanh tịnh giải thoát thì khi nhắm mắt sẽ được an nhiên siêu thoát mà không cần ai cầu ai nguyện chi cả.

Hãy nghe tiến sĩ Oldebburg, một học giả người Đức phát biểu rằng :

- Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.
Ngay cả Giáo sư Eliot viết trong cuốn “Phật giáo và Ấn Độ giáo” rằng :

- Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đở của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của trí tuệ vì không có nó thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được.

Tóm lại, đạo Phật không phải là đạo đổi chác, không phải là đạo ban bố phép mầu và cũng không phải là đạo hứa hẹn. Sự giải thoát giác ngộ hay sự an lạc thanh tịnh Niết bàn thật ra tự chúng sinh đem lại cho mình chớ Phật không ban bố cho ai cả. Vì thế, tuy đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ và lòng dũng cảm, nhưng nếu con người không tin vào lòng từ bi để thương yêu, ban vui cứu khổ để cứu giúp chúng sinh; vào khả năng phát triển trí tuệ để chứng đạt chân lý ngỏ hầu thấu biết được thật tướng nhân sinh vũ trụ và lòng dũng cảm để vượt qua sóng gió chập chùng mà chiến thắng được vô minh phiền não của mình mà chỉ muốn cầu xin, van vái thần linh để có hạnh phúc thì con đường họ đi chắc chắn “ không phải” là đạo Phật.
st.

No comments:

Post a Comment