Monday, August 12, 2013

NHỮNG HẠNH NGUYỆN HOÁ THÂN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

NHỮNG HẠNH NGUYỆN HOÁ THÂN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

.

DẪN NHẬP

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Trên thế gian này có những khổ đau mà đôi khi, tự thân con người không thể giải quyết được, nên nhờ đến sự tha lực của chư Phật và Bồ tát, nương vào hình tượng và giáo pháp các ngài để làm xoa dịu bớt nỗi đau khổ. Do đó mà mọi người đem hết lòng tin vào tam bảo, kính ngưỡng và quy y tu tập.

Trong các Đức Phật và Bồ Tát được tôn sùng, có lẽ dưới Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, không ai khác nổi bật hơn là hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm. Thế nên “những hạnh nguyện hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm” rất tuyệt vời, sẽ là một đề tài hấp dẫn cho tăng sinh nguyên cứu, và giới thiệu được phần nào về bản sắc văn hóa của tư tưởng đại thừa qua những hạnh nguyện hóa thân Bồ Tát Quán Thế Âm mà hàng ngày chúng ta lễ lạy.

Tư tưởng Đại Thừa rất sinh động và vô cùng phong phú không chỉ qua hình tượng, mà còn có trong kinh điển đại thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa nghiêm…, đã đi vào lòng người một cách sâu sắc với những triết lý cao thâm đã giải quyết được cho nhân sanh những khổ đau một cách thiết thực trong cuộc sống này.

2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Theo những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã hóa nhiều thân để cứu độ chúng sanh. Với những hạnh nguyện của Bồ Tát trong cõi ta bà này, đây là một đề tài mang bản sắc tư tưởng đại thừa nhập thế, đem đạo tải vào đời.

Các nguồn tư liệu cung cấp giải quyết cho đề tài thì đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học, với những bậc thầy uy tín và mô phạm như: Hư Vân Thiền sư, Thích Hạnh Bình, Tuệ Sỹ, Thích Phước Sơn…với những tác phẩm qua tư tưởng đại thừa như “Những hạnh nguyện hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm”…

3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đề tài nguyên cứu này thuộc về tư tưởng Đại thừa Phật giáo với “Những hạnh nguyện hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm”. Xét riêng về cõi ta bà thì 33 hóa thân của Bồ Tát không xuất hiện hết. Vậy thì Quán Âm Bồ Tát đã xuất hiện những thân nào? Đặt ra câu hỏi này để xác định phạm vi bài viết, để hình thành một dàn bài có nhiều ý nghĩa qua hình tượng hóa thân của Phật Bà Quán Âm như mẹ hiền, Ông Tiêu Diện, Quán Âm trong Kinh Phổ Môn…

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Vận dụng phương pháp kết hợp kinh điển đại thừa để thu thập, phân tích, đúc kết vấn đề, nhằm nêu cao tinh thần tư tưởng đại thừa Phật giáo. Qua những hạnh nguyện hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh điển đại thừa, Tăng sinh cũng dựa vào kinh điển đọc tụng hằng ngày để viết bài này với lòng kính ngưỡng những hạnh nguyện lớn lao của Bồ Tát Quán Thế Âm.

5. PHẦN GIẢ ĐỊNH

Thông điệp mà đức Quán Thế Âm mang đến đó là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức để quay về với con người thật của chính mình. Nếu cuộc đời này không có những khổ đau, không có những tâm hồn bơ vơ thì có lẽ Bồ tát cũng không hóa ra nhiều thân. Vì lòng từ bi, lắng nghe và thấu hiểu, dùng mọi phương tiện hóa thân…cùng với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ Tát luôn luôn có mặt khắp nơi, dìu dắt mọi người giải thoát khổ đau.

Không chỉ có Quán Âm ở ngoài, mà Quán Âm còn tiềm ẩn trong trái tim mỗi người. Nếu người nào hay thọ trì danh hiệu Bồ tát mà không nuôi dưỡng hạt giống thuần thiện thì ước nguyện khó có thể thành tựu. Do đó mà hành giả nên quay về với nội tâm, quán chiếu tự ngã để thành tựu tri kiến, giải thoát mọi sự khổ đau trong cuộc đời.

NỘI DUNG

1. NHỮNG HẠNH NGUYỆN HOÁ THÂN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Bồ Tát – Bodhisattva là một chúng hữu tình đang dẫn dắt giác ngộ cho mọi chúng sanh khác. Bồ Tát là mẫu người lý tưởng của Phật giáo đại thừa . Ngay các đức Phật, sau khi đã viên mãn công đức cũng tham gia Bồ Tát hạnh, chứ không an trú nghỉ ngơi ở Niết Bàn.

Bồ Tát Quán Thế Âm tiếng phạn gọi là Avalokitesvara. Ngài là một đức cổ Phật hiệu là Chánh Minh Như Lai, thị hiện trong đời làm một bậc Đại Bồ Tát để trợ duyên cho chư Phật thế tôn giáo hóa chúng sanh và gần gũi chúng sanh để tế độ ra khỏi cảnh đau khổ. Hình tướng ngài là nam nhân trong Phật giáo Ấn Độ, tùy duyên hóa độ nên trong Phật giáo Trung Quốc ngài mang tướng nữ, kể từ đời nhà Đường.

Trong Phật giáo đại thừa, thì tướng nữ hay tướng nam đều bình đẳng, chỉ là sự thị hiện pháp thân, ông hay bà Quán Thế Âm không quan trọng, mà ai cũng tôn kính là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho khắp tất cả chúng sanh. Đến đời nhà Đường, Vua Lý Thế Dân để tránh tên lót nhà Vua, nên người trung quốc đã kiêng chữ “thế” gọi ngài là Bồ Tát Quán Âm hay Bồ Tát Quan Âm.

Quán Âm thường được biết đến với dạng một người phụ nữ đẹp và hiền từ, trang nghiêm và thanh thoát, một tay cầm nhành dương liễu và một tay cầm tịnh bình… Bồ Tát hiển linh nhiệm mầu khắp mọi nơi.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán xét âm thanh đau khổ của chúng sanh trong cuộc đời. “Quán” có nghĩa là quán chiếu, thấy bằng tâm tánh. Mỗi chúng sanh đều xưng danh khi hiệu của Ngài khi gặp tai nạn: “Nam Mô quan thế âm Bồ Tát”, thì ngài ứng hiện cứu khổ, giúp đỡ. Còn có nhiều danh hiệu khác nữa như Quán Tự Tại, Cứu Thế Bồ Tát…

Bồ Tát Quán Thế Âm xuất xứ từ Ấn Độ, quê hương của Phật giáo, sau đó được truyền bá qua các nước. Bộ kinh nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm sớm nhất là Kinh Pháp Hoa tam muội, có 6 quyển, do ngài Chi Cương Lương dịch vào năm 225.

Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản cũng tiếp thu Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, còn có Kinh Thủ lăng nghiêm, Kinh Kim Cang, Hoa nghiêm, Chú đại bi … Hình tượng Bồ Tát xuất hiện nhiều kinh đại thừa làm cho phong phú tư tưởng đại thừa phát triển mạnh.

1.1. Quán Âm Hóa Thân Diện Nhiên Đại Sĩ

Diện Nhiên Đại Sĩ là nói đến trai đàn chuẩn tế bạt độ cô hồn, ngạ quỷ, hình tượng quỷ mặt lửa (Tiêu Diện), được phổ biến trong Phật giáo đại thừa.



Vào đời Lương Võ Đế, pháp hội này bắt đầu cứu giúp những oan hồn uổng tử. Nhà vua thỉnh hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn tràng thủy lục.

Đến đời Đường, tại Chùa Pháp Hải, thiền sư An Công đã kiến lập đàn tràng thủy lục để siêu độ cho vua Trần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi… đã bị trầm luân, nên thiền sư lập đàn tràng cầu nguyện khiến cho họ siêu thoát. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên Trì đời Minh… bổ sung vào khiến cho pháp hội thủy lục ngày hoàn bị hơn.[1]

Hòa thượng Hư Vân đã nói, vào thời Đông Tấn, ngài Đạo An (312-385) cho biết Phật giáo không có tập tụng kinh cho người chết. Bài tựa của Du già Diệm Khẩu Thí Thực Yếu Tập, do ngài Bảo Hoa viết dưới thời Vua khang Hy, có nêu lên nguồn gốc Ấn Độ của khoa nghi thí thực rộng khắp. Khi ngài Bất Không (Amoghavajra, một vị tổ sư Mật tông), truyền khoa nghi này vào Trung Quốc.[2]

Tất cả các pháp đều do tâm. Bởi tâm thành khẩn của người cúng sẽ mang lại cảm ứng to lớn cho kẻ được cúng, Bồ Tát Quán Âm hóa thân quỷ Diện Nhiên thống lãnh cô hồn… Chính vậy mà hình tượng Diện Nhiên đại sĩ được nhiều người biết đến, và dân gian thường gọi ngài là ông Tiêu Diện, mà các chùa đại thừa đều có thờ.

1.2. Quán Âm Bồ Tát Chuẩn Đề

Chuẩn Đề hay Chuẩn-Nê phiên âm Hán-Phạn của chữ Cundi, có nghĩa là thanh tịnh. Chuẩn Đề Quan Âm là một trong danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Theo Kinh Thất cu-chi Phật mẫu Chuẩn đề Đà-La- Ni, Chuẩn đề có 3 mắt, 18 tay… Vị Bồ Tát này hộ trì Phật pháp và giúp tuổi thọ cho chúng sanh.

Ở Nhật Bản, tông Thai Mật cho rằng đức Chuẩn Đề là Phật mẫu, tông Đông Mật lại bảo đức Chuẩn Đề là một trong sáu danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Sáu danh hiệu này là: Thiên thủ Quán Thế Âm, Thánh Quán Thế Âm, Mã đầu Quán Thế Âm, Thập nhất diện Quán Thế Âm, Chuẩn Đề Quán Thế Âm và Như ý Quán Thế Âm.[3]

Các tông phái Thiền, Tịnh, Mật, luật, giáo…, một nền tảng Phật giáo tổng hợp đã hình thành, và hình tượng Bồ Tát Chuẩn Đề đã phụng thờ ở nhiều chùa. Phật giáo đại thừa và thần chú Chuẩn Đề được Phật tử xưng tụng và tu tập.

1.3. Bồ Tát Quán Âm hóa nhiều thân trong Kinh Phổ Môn

Kinh Phổ Môn là một bộ kinh của đại thừa Phật giáo, nhưng khi được thêm vào Kinh Pháp Hoa thì trở thành Phẩm Phổ Môn, phẩm thứ 25 trong 28 phẩm trong Kinh Pháp Hoa.

Nội dung thuyết về đức hạnh nguyện hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, qua đó dạy hàng Phật tử có lòng tin về tự tánh Quán Thế Âm siêu việt mọi khổ nạn. Trong kinh ngài Vô Tận ý hỏi Phật: “Nhân duyên gì tên đặt Quán Âm”, tức là thuyết vô úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Phật mới bảo: “Hỡi này nam tử
Có chúng sanh quốc độ xa gần
Muốn cầu thân Phật độ dân
Quán Âm liền hiện Phật thân hộ trì
Cõi muốn được Bích Chi hóa độ
Hiện Bích Chi vì đó giảng kinh …
… Vô Tận Ý ! Quán Âm Bồ Tát,
Thành tựu phần công đức oai linh
Thần thông hiện các thân hình
Dạo cùng khắp cõi độ sinh thoát nàn”[4]

Đức Phật đã chỉ ra 33 hóa thân của Bồ Tát Quán âm là : thân Phật, Bích Chi, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà -la –môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, phụ nữ, đồng nam, đồng nữ, thiên , long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lầu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân, phi nhân, Thần chấp Kim Cang . Những thân đó được Bồ Tát ứng hóa từ một thân của Bồ Tát. Đứng trên quan điểm của Phật giáo đại thừa cho rằng chỉ có pháp thân là thật, thì cả 32 thân trên của đại sĩ Quán Thế Âm đều thuộc về hóa thân. Ngài hiện khắp pháp giới, tùy duyên mà hóa độ chúng sanh không thể nghĩ bàn, làm lợi ích cho chư thiên nhân rất nhiều.

Nên biết rằng Kinh Phổ Môn này, cùng với Kinh Lăng Nghiêm chỗ đức Quán Thế Âm nói về nhĩ căn viên thông, từ Văn Tư Tu vào tam Địa là Đồng một ý, chỉ khác nhau ở chỗ kín và bày đó thôi:

Kệ rằng:

“Tùy cơ ứng hiện tìm tiếng cảm
Chẳng bỏ từ bi độ khổ hà,
Thanh tịnh quán soi, đây tuệ nhật,
Sang tìm vạn tượng khắp sum la”[5].

Kinh Phổ Môn được nhiều người đọc tụng hàng ngày theo tín ngưỡng. Tìm hiểu Bồ Tát qua kinh trên, cho ta thấy được những hạnh nguyện hóa nhiều thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đó là phương tùy duyên hóa độ.

Hình tượng đó đã ra đời do nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Đối với người có nghiên cứu tu tập, Quán Thế Âm là một Bồ Tát, đồng thời cũng là tự tánh chính của mọi người.

Có câu chuyện kể rằng: Ngài Đạo Nguyên sang Trung Quốc mong tìm được những giải pháp thỏa đáng cho những nghi vấn của mình. Khi thuyền lênh đênh trên biển, một cơn bão nổi lên. Mọi hành khách và thủy thủ đều lo sợ sẽ bị chìm thuyền, nên ai cũng nhìn về phía nhà sư cầu cứu. Ngài Đạo Nguyên liền tĩnh tọa và trì tụng Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa. Một lát sau ngài thấy đức Quán Thế Âm hóa hiện trên con sóng dữ, và kỳ diệu thay sóng yên gió lặng ngay. Ngài đã khắc vào thuyền hình đức Quán Thế Âm mà ngài đã trông thấy. Khi thuyền cặp bến tại Kyushu, có vị tăng địa phương đã thỉnh bức họa đó về chùa phụng thờ.[6]

2. PHẬT BÀ QUÁN ÂM NHƯ MẸ HIỀN

Nơi nào có khổ đau thì nơi đó có Phật Bà Quán Âm. Nơi đâu có chúng sanh niệm “Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát”, thì Bồ Tát ứng hiện, như người mẹ hiền luôn kề cận ban vui cho những đứa con mình. Do sự tín ngưỡng của dân chúng, pháp thân đại sĩ Quán Thế Âm đã được nhân cách hóa thành một người mẹ vĩ đại, một Đức Phật Bà ở các nước có tư tưởng đại thừa.

Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ đến ngay đạo từ bi cứu khổ mà hình ảnh tuyệt vời nhất không ai khác là Bồ Tát Quán Thế Âm, hay mẹ hiền Quán âm. Vị Bồ Tát nầy có đầy đủ phẩm chất như mẹ, trong tất cả những người mẹ. Hình ảnh của Đức Quán Thế Âm, đã ăn sâu vào trái tim của những người Phật tử thuần thành và người Phật tử bình dân, không ai không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ Tát giàu lòng từ mẫn nầy.[7]

Hình ảnh người nữ bằng tình thương vô biên, đó là tình thương bản chất của người mẹ, chỉ có người mẹ mới làm được việc ấy. Ngài xuất hiện như người mẹ thương chúng sanh như con ruột, luôn cận kề vỗ về, xoa dịu nỗi đau của đàn con.[8]

3. BỒ TÁT QUÁN ÂM QUA KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Thủ Lăng Ngiêm là bộ kinh đại thừa, thuyết về chơn tâm thường trụ hay là đại địnhThủ Lăng Nghiêm, chấn nhân kín đáo của chư Như Lai. Đó là chỗ tu chứng rốt ráo, là vạn hạnh của chư Bồ Tát, gọi là Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Mật, tu chứng liễu nghĩa chư Bồ Tát vạn hạnh thủ lăng nghiêm. Đã nêu rõ nhân tu và chứng quả của Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài đã chứng Nhĩ căn theo lời đức Phật, chứng được tam muội, kiến chiếu vào tánh nghe.

Vượt thế gian và xuất thế gian, thông suốt khắp cùng mười phương, cả hai đều thù thắng: một là hợp bản giác diệu tâm thập phương Chư Phật, đồng với chư Phật Như Lai một từ lực; hai là hợp với tất cả chúng sanh lục đạo mười phương.[9]

Ngài Quán âm đã chứng nhập pháp giới tánh như, chư Phật diệu dụng không thể nghĩ bàn. Thần lực của Bồ Tát Quán Âm thị hiện tự tại vô ngại khắp mười phương hóa độ chúng sanh.

KẾT LUẬN

Các nước Phật giáo có tư tưởng đại thừa phát triển mạnh như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam…thể hiện bản sắc độc đáo, sâu sắc, vì khi nói đến nền văn hóa các nước này thì phải nói đến Phật giáo.

Qua các bộ kinh của Phật giáo đại thừa như: Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa,… hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm đã ăn sâu vào các nước này, trở nên phổ biến trong quần chúng. Đa số mọi người hướng về đức Quán Thế Âm để cầu cứu những tai nạn và sự bình an, hạnh phúc cho gia đình, xã hội, thiên tai…

Với lòng tín ngưỡng của mình, mọi người họa nên những hình tượng tôn kính nhất Bồ Tát Quán Thế Âm như mẹ hiền… Điều phù hợp thể hiện thực, nhân sinh gần gũi. Với những hạnh nguyện của ngài thị hiện ra nhiều hóa thân, để làm cho chúng sanh có lòng tin tam bảo, lòng từ của Bồ Tát đến với tất của chúng sanh không giới hạn.

Sự tín ngưỡng Quán Thế Âm được phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội . Hình tượng Bồ Tát Quán Âm là một nền văn học nghệ thuật và cũng là kiến trúc của Phật giáo, thể hiện tư tưởng đại thừa sâu sắc với những hóa thân rất tuyệt vời.

Thông điệp mà Đức Quán Thế Âm mang đến cho chúng ta đó là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức vì lòng từ bi dùng mọi phương tiện hóa thân…Với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ tát luôn luôn có mặt khắp nơi dìu dắt, mọi người giải thoát khổ đau.

Không chỉ có Quán âm ở ngoài mà còn tìm ẩn trong trái tim mỗi người. Nếu người nào hay thọ trì danh hiệu bồ tát, mà không nuôi dưỡng hạt giống thuần thiện thì ước nguyện khó có thể thành tựu. Do đó mà hành giả nên quay về với nội tâm, quán chiếu tự ngã để thành tựu tri kiến, giải thoát mọi sự khổ đau trong cuộc đời.

http://phatgiaobudang.vn/new-detail/62/103/

No comments:

Post a Comment