Tuesday, August 13, 2013

BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG TỊNH ĐỘ

BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG TỊNH ĐỘ


Ngày nay chúng tôi cùng các đồng tu học pháp môn Tịnh Độ; nay trong pháp môn Tịnh Độ, Bát Chánh Đạo được giải thích bằng cách nào? Nhất định phải biết điều này.

“Chánh Kiến”: Chúng ta thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới như đức Thế Tôn đã dạy trong kinh bèn tin chắc, chẳng hoài nghi; đó là Chánh Kiến. Chánh Kiến của chúng ta chẳng do trực tiếp thấy được thế giới Tây Phương, mà là do được nghe đức Thế Tôn giới thiệu. Đối với đức Thế Tôn, chúng ta có tín tâm kiên định. Lão nhân gia tuyệt đối chẳng lừa dối chúng ta, lời lão nhân gia quyết định giống như kinh Kim Cang đã nói: “Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bậc chẳng nói lừa dối”. Chúng ta tin tưởng mỗi câu mỗi chữ trong lời Phật đều là chân thật. Chánh Kiến của chúng ta được kiến lập trên Tịnh Độ tam kinh, tin sâu chẳng nghi. Đó là Chánh Kiến của Tịnh Độ Tông.

Chánh Tư Duy của Tịnh Độ Tông là như Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”, đó là Chánh Tư Duy! Để nghĩ nhớ y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, cũng phải đọc thuộc kinh điển, phải thường nghĩ tới y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong kinh điển, phải thường nhớ tưởng! Chánh Kiến vừa nói ở trên là Tín tâm, còn ở đây là tư duy, thường xuyên nghĩ đến. Vì sao? Nếu chẳng nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ suy nghĩ loạn xạ liền! Suy nghĩ loạn xạ là nghiệp luân hồi. Trong tâm suy nghĩ bậy bạ chính là tạo nghiệp luân hồi, trong tương lai phải chịu quả báo luân hồi. Bởi vậy, chúng ta phải chuyển cái tâm luân hồi, chuyển ý niệm luân hồi, chuyển cái nghiệp luân hồi thành tịnh nghiệp Tây Phương. Chúng ta nghĩ đến thế giới Cực Lạc, nghĩ đến y báo và chánh báo trang nghiêm dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, nghĩ đến bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nghĩ cách thực hiện những điều đó trong cuộc sống thường nhật như thế nào, chúng ta nghĩ như vậy thì ý nghĩ ấy tốt lành!

Thế nào là Chánh Ngữ của Tịnh Độ học nhân? Chánh Ngữ là một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, câu ấy là Chánh Ngữ của chúng ta. Bởi thế, chúng ta chào hỏi nhau đều chắp tay “A Di Đà Phật”; người ta gọi tên mình, mình đáp A Di Đà Phật. Chúng ta nhận điện thoại, cầm điện thoại lên bèn “A Di Đà Phật”, Chánh Ngữ của chúng ta là như vậy. Thời thời khắc khắc niệm niệm chẳng quên A Di Đà Phật.

Chánh Nghiệp của chúng ta là ý nghiệp tưởng A Di Đà Phật, thân nghiệp lễ bái A Di Đà Phật, khẩu nghiệp niệm A Di Đà Phật, đó là tam nghiệp của Tịnh tông.

Chánh Mạng: Tùy theo cái nghiệp báo thân của chính mình, sống được một ngày thì suốt ngày đó niệm A Di Đà Phật, y giáo phụng hành. Ba nghiệp thân - ngữ - ý diễn nói, vì người khác diễn nói; lúc lâm chung tâm chẳng điên đảo, rõ ràng rành rẽ, minh bạch, phân minh, không bị bệnh khổ, đứng mà mất, ngồi mà mất, biểu diễn cho người khác thấy, chẳng dễ dàng đâu! Con người có ai không chết? Ai nấy đều phải chết, nhưng ai ra đi tự tại, tiêu sái, rõ ràng minh bạch như thế được? Phải là người niệm Phật! Đó là vì người khác biểu diễn, vì người khác diễn nói, vô cùng có sức thuyết phục. Những chuyện ấy khoa học không thể giải thích, vì đó là siêu khoa học! Khoa học là hữu hạn, có hạn cục, có giới hạn, thế nhưng vẫn có một nền học vấn không có hạn cục, không có giới hạn mà khoa học chưa phát hiện được. Chúng ta nhất định phải biết điều này.

…Thế nào là Chánh Mạng? Ấn Quang đại sư giảng rất hay: Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không hóa duyên, không làm pháp hội, không làm kinh sám Phật sự, mỗi ngày đều giống như đang tu Phật thất. Học hội và Tịnh Tông Học Viện của chúng ta thêm vào một môn công khóa nữa là giảng kinh, giải hạnh tương ứng. Đó là Chánh Mạng của chúng ta, chúng ta lấy đó làm mạng sống. Đạo tràng hiện thời không có hằng sản, không có nguồn kinh tế cố định, chúng ta không hóa duyên thì sống bằng cách nào? Chuyện này không một ai phải lo ngại cả. Tôi không quan tâm, vì sao tôi không quan tâm? Chương Gia đại sư dạy tôi: “Nhất tâm hướng về đạo, nhất tâm vì pháp, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát sẽ an bài cả đời này cho mình, mình không cần phải nhọc lòng”…

Chánh Tinh Tấn: Thâm nhập một môn, trường thời huân tu, nhất định không biếng nhác. Trước hết là thành tựu “công phu thành phiến” của chính mình. Công phu thành phiến sẽ hoàn toàn khống chế được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đúng là những thứ ấy chưa đoạn, nhưng chúng chẳng thể phát tác. Trong nghịch cảnh và ác duyên cũng chẳng sanh phiền não, chẳng sanh tâm nóng giận. Trong thuận cảnh thiện duyên cũng chẳng khởi tham luyến, đó là công phu thành phiến, quý vị khuất phục được chúng. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Công phu như vậy mới bảo đảm vãng sanh, nhưng quý vị nhất định phải giữ được công phu ấy mãi mãi, chẳng thể hờ hững, xem nhẹ được. Phải biết: Tập khí phiền não rất nặng, thời gian tích lũy tập khí phiền não rất dài. Nếu chúng ta lãng ý một chút, chúng lại bùng phát liền, rắc rối to! Bởi thế, thời thời khắc khắc đều phải đề cao cảnh giác, chẳng dám lơ là chút nào.

Đạt đến Sự Nhất Tâm sẽ hoàn toàn khống chế được chúng, chẳng cần phải tác ý nó vẫn bị khống chế. Đạt đến Lý Nhất Tâm là tốt nhất, chuyển hết những phiền não ấy thành Bồ Đề, đấy thực sự là đoạn phiền não. Cảnh giới Lý Nhất Tâm hoàn toàn tương đồng với “minh tâm kiến tánh” của Tông môn, thường gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”. Niệm Phật đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn chính là cảnh giới này. Cảnh giới ấy không phải cá nhân nào cũng đều có thể chứng được, nhưng đối với công phu thành phiến có thể nói là nếu mỗi người chịu dụng công, tuân thủ những điều kinh điển răn dạy, y giáo phụng hành, ai cũng đều có thể đạt được công phu thành phiến.

Đạt được mức ấy thì như chúng tôi vừa nói đó, trong thuận cảnh thiện duyên chẳng khởi tham luyến, trong nghịch cảnh ác duyên chẳng sanh sân khuể, hết sức tự nhiên, chẳng phải là cố ý khống chế, cố ý đè nén! Nếu phải cố ý đè nén thì quý vị còn đang trong giai đoạn tu học, chưa đạt được công phu thành phiến. Thực sự đạt được công phu thành phiến thì chẳng cần phải tác ý, mà là tự nhiên, phản ứng rất tự nhiên, cảnh giới tốt đẹp mà! Không khó! Điều này mọi người thực sự có thể làm được. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy những người niệm ba năm đạt được cảnh giới này rất nhiều. Vì sao người khác đạt được, mình không làm được? Do vậy, ta phải sanh tâm
hổ thẹn!

Luyện công phu tại đâu? Trong cuộc sống thường ngày, trong xử sự, đãi người, tiếp vật. Người này đối xử tốt với tôi, tôi đối xử tốt hơn; cứ hễ tôi gặp người ấy, tôi nhất định xử tốt với người ấy hơn người ấy xử tốt với tôi, tôi báo đáp người ấy, như câu nói: “Nhận cái ơn nhỏ bằng giọt nước của người, thường nghĩ dùng cả mạch suối để báo đáp”. Thế nhưng người ấy chẳng ở trước mặt tôi, trong tâm rỗng rang, chẳng lưu lại dấu tích gì, đó là trí huệ, quyết định không tham luyến. Hễ gặp mặt bèn báo ân, tâm cảm kích tự nhiên sanh khởi. Đó mới là đúng, chẳng phải là tình thức mà là trí huệ, tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, bình đẳng, giác.

Đối với người oán hận, kẻ oan gia đối đầu, trong tâm chớ nên có chút sân khuể, chớ nên có mảy may ý niệm báo thù. Chẳng những không có, mà còn thời thời khắc khắc phải chú ý, hễ khi nào họ gặp phải khó khăn, mình đến giúp đỡ, thường biết oan gia phải hóa giải. Túc oán quá khứ, oán kết hiện tại đều phải hóa giải hết, oan gia nên gỡ, không nên buộc. Trong lúc kẻ ấy gặp khó khăn, ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ, mặc kệ tỵ hiềm xưa kia, oan kết bèn hóa giải. Phật pháp có vai trò gì trong thế gian? Chẳng thể không biết điều này, Phật pháp có mặt trong thế gian là để giáo hóa chúng sanh, không một mảy may nào không nhằm dạy dỗ Giác - Chánh - Tịnh, dạy dỗ Bát Chánh Đạo.

Thứ bảy là Chánh Niệm, niệm ở đâu tâm bèn ở đó, Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật). Đó là Chánh Niệm. Trong mười hai thời chấp trì danh hiệu là Chánh Niệm. Hết thảy ngôn hạnh hoàn toàn tương ứng với những điều kinh luận dạy dỗ là Trợ Niệm. Chánh - Trợ song tu nhất định được vãng sanh, nhất định được thấy A Di Đà Phật, tương ứng với Phật.
Chánh Định: Một đời một kiếp này, ta tu hành pháp môn này, quyết định chẳng thay đổi, nương theo kinh điển này, quyết chẳng dao động, đó là Chánh Định. Bát Chánh Đạo của Tịnh Độ Tông là như thế đó!

-trích lục Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, Chủ giảng Lão pháp sư Tịnh Không—Q2, tập 35, tr 63-68-

Lãng Nhân

No comments:

Post a Comment