Monday, August 12, 2013

Phát hoằng thệ cần 6 quan yếu :

Phát hoằng thệ cần 6 quan yếu :


1- GIÁC NGỘ.

Sắc thân bốn đại nay còn mai mất. Sự này phần đông ai cũng biết nhưng vọng tâm thì tất cả chúng sanh đều nhận là tự tánh. Kiến thức là thể tổng hợp của sáu cái biết về sáu trần. Thí dụ : Học tiếng Anh thì biết tiếng Anh. Đi Sài gòn thu thập những hình ảnh của thành phố vào tâm. Về chùa, ai nói đến Sài gòn, nơi tâm thức liền hiện rõ quang cảnh thủ đô. Cái biết đó trước không nay tạm có. Nếu bỏ lãng, nó sẽ dần dần phai nhạt cho đến quên hết mất hẳn. Tâm theo những hình ảnh này mà khổ vui yêu ghét. Hình ảnh này tiêu, hình ảnh khác hiện, đổi thay dồn dập.

Thân như bọt tụ, tâm như gió.
Huyễn hiện vô căn, không thật tánh.

Ta, người, chúng sanh đã không thì ai lãnh thọ cảnh trần nên kinh nói không thọ giả. Biết vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh đều huyễn, không bị chi phối ràng buộc chướng ngại thì tánh chân như thường trụ hiện bày. Xứng tánh Vô Lượng Quang Thọ (A Di Đà) mà niệm Phật gọi là phát tâm Bồ-đề.

2- BÌNH ĐẲNG.

Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật tức đều là vị lai Phật. Vả lại trong sáu đạo luân hồi, trải 25 cõi, chúng ta đã từng làm cha mẹ lẫn nhau, đã từng có công ơn với nhau. Nếu nay đem tâm bình đẳng đối xử với nhau sẽ tiêu nhiều nghiệp chướng và nảy sanh vô lượng đức lành.

3- TỪ BI.

Vốn đồng thể với mười phương Phật, chỉ vì mê chân tánh, khởi hoặc-nghiệp, nên đã chịu vô biên thống khổ. Nay tỉnh ngộ muốn cứu mình thương người, khai tâm từ bi. Hãy quan sát trước mắt ta : Trẻ mồ côi không cha mẹ nuôi dạy, già lão không con cháu đỡ đần, bom đạn tàn phế thân thể, bệnh tật không thuốc thang, nghèo thiếu đói rét nợ nần, mê tối tạo nghiệp không thiện tri thức khuyên răn, tuyệt vọng mà không biết Phật Pháp để tìm đường giải thoát...

Từ ban vui, Bi cứu khổ. Từ Bi bình đẳng đem phước tuệ cho muôn loài, khác với ái kiến, thương yêu theo sự tướng. Như quý con mèo bụ bẫm, mến đứa trẻ kháu đẹp, hoặc vì nó là con cháu mình, có liên quan đến mình.

4- HOAN HỶ.

a) Tùy hỷ : Trên từ Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền, dưới đến mười phương chúng sanh, phàm có chút công đức gì thì cũng mừng theo. Thấy ai được phước lợi, hưng thịnh, thành công, an ổn v.v... thì cũng cùng vui.

b) Hỷ xả : Tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại v.v... ta đều an nhẫn, khoan dung tha thứ, vui vẻ bỏ qua. Kinh Kim Cang nói : “Nhẫn nhục mà chẳng phải nhẫn nhục mới gọi là nhẫn nhục ba-la-mật”. Vì có trí tuệ Bát Nhã nên không còn thấy tướng ta người, tướng não hại. Không có nhục nào phải nhẫn. Hạnh nhẫn nhục có kèm trí tuệ như thế mới có thể tiến tới rốt ráo viên mãn.

5- SÁM NGUYỆN.

Thân miệng ý chúng ta vì ba độc tham sân si đã tạo vô lượng ác. Nay phải noi gương đức Di Lặc, ngày đêm sáu thời thành khẩn hổ thẹn ăn năn chí thành sám hối.

Nguyện hưng long Tam-bảo, độ khắp chúng sanh, trên đền bốn ân, dưới cứu khổ muôn loài. Như vậy tội chướng mới tiêu trừ mà lưỡng toàn phước tuệ.

6- KIÊN NHẪN. Chúng ta chỉ có hai đường đi. Đường giải thoát tuy lắm gian nan nhưng mỗi bước dần đến cảnh giới an vui tự tại vĩnh viễn. Đường luân hồi dù có tạm hưởng phước nhân thiên, chung quy vẫn không thoát tam đồ ác đạo, trường kiếp trong ngục tối si mê. Các bậc Thầy đều cảnh sách hậu lai chúng ta phải lập thệ không thoái Bồ-đề tâm.


Tĩnh Am đại sư soạn Bồ Đề Tâm Văn khuyến khích bốn chúng phát tâm :

a) Chân (trên vì Phật đạo, dưới độ chúng sanh).
b) Chánh (vì thoát sanh tử chẳng cầu quả phước nhân thiên).
c) Đại (chúng sanh vô biên thề độ hết, Phật đạo vô thượng nguyện quyết thành).
d) Viên (không thấy có mình tu. Không thấy có chúng sanh được độ. Phật đạo tuy nguyện thành mà vẫn biết bản lai tự tánh sẵn đủ).

Đừng có tâm :

a) Tà (không tham cứu tự tâm).
b) Ngụy (tâm tốt xen lẫn lợi danh, pháp lành nhiễm ô tội lỗi).
c) Thiên (thấy chúng sanh và Phật đạo ở ngoài tâm nên nguyện độ nguyện thành).
d) Tiểu (coi ba cõi như ngục tù, sanh tử là oan gia, mau gấp thoát thân, không tâm độ người).

Sư Bà Hải Triều Âm toát yếu lại Niệm Phật Thập Yếu của cố Hoà thượng Thích Thiền Tâm __()__

A MI ĐÀ PHẬT _()_

No comments:

Post a Comment