Nghiệp báo được hình thành ra sao?
***********************Trong đoạn nói về luật Nhân quả, chúng ta đã thấy về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả, và quả lại làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân quả đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt. Trong phạm vi con người khi mới tạo ra hành động nào bất luận bằng thân, khẩu, hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức, và trưởng thành dần. Khi nó có đủ cơ duyên, vang bóng, ảnh hưởng ấy kết thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác), thì gọi là nghiệp quả. Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này, được gieo vào tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt nhân và quả ấy, và trở thành ruộng thiện, nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện; trở thành ruộng ác, nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở thành ruộng nửa thiện nửa ác, nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một thửa ruộng bắp; còn nếu chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp thì ta có đám ruộng bắp đậu lẫn lộn.
Một thí dụ khác: Mỗi nhà họa sĩ đều có một tấm gỗ để thử màu, trộn màu. Mỗi khi tô màu gì lên bức tranh, thì họa sĩ lấy màu để trộn hay thử trước trên tấm gỗ ấy. Nếu họa sĩ có một tánh tình nồng nhiệt thích màu đỏ nhiều hơn các màu khác, thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành màu đỏ, nếu họa sĩ có tánh tình hiền dịu, thích màu xanh hơn các màu khác, thì tấm gỗ ấy, nổi bật lên màu xanh. Những bức tranh thì họa sĩ đã bán cho người khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình họa sĩ và khi chỉ nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết họa sĩ đã vẽ trong những bức tranh màu gì. Cũng như hành động, lời nói tư tưởng của ta đã tản mát trong không gian tan biến trong thời gian, mà ảnh hưởng, vang bóng của chúng còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt hoặc hiền hoặc dữ, hoặc siêng hoặc nhác ... Và khi nhận thấy cá tính của ta, người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tánh cách những hành động của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai.
Ông Lương Khải Siêu, một học giả Trung Quốc, khi bàn về cái nghiệp, có làm một thí dụ rất có ý nghĩa như sau:
"Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực là thế nào? Quí vị không nghe câu chuyện những nhà uống trà chuyên môn sao? Cái bình trà càng cũ càng ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy? Là vì mỗi khi pha trà thì trong bình trà có một sự thay đổi, tuy mỗi khi uống xong, bình súc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thật ra có một phần chất trà thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn, cứ thế lần thứ ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra, chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều. Lúc bấy giờ, không cần bỏ trà, chỉ chế nước sôi, (chẳng qua được một lần) cũng vẫn có mùi vị uống được. Dùng nha phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ là vì đã thấm thuốc nhiều. Chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm trong dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà nghiệp, yên nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không được hoàn toàn đúng là vì một đằng thuốc phiện, trà là vô sanh mạng, một đằng người có sanh mạng; dù sao đứng về phương diện hình tướng của nghiệp, cũng tương tợ được vài phần (lược khảo Phật giáo Ấn Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng).
(HT. Thích Thiện Hoa)
No comments:
Post a Comment