Friday, June 21, 2013

Bài Pháp Không Lời Cảm Hóa Mạnh Mẽ

Bài Pháp Không Lời Cảm Hóa

Mạnh Mẽ


Thích Tuệ Chiếu


Đây là một câu chuyện hy hữu về một chàng trai người Mỹ tên Dennis.  Anh là một người đa tài, xuất sắc về nhiều môn từ vai trò cầu thủ, đến vẽ, soạn nhạc rất hay v. v. Vốn có thiện căn, khi bị khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống, anh lang thang từ Nhật Bản, sang Ấn Độ rồi đến Dharamsala này. Một hôm anh ta đi đến một thị trấn nhỏ tên Lamayuru cùng với Michael. Michael là một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ Nhân chủng Học về người Tây Tạng. Thị trấn nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh với địa thế hiểm trở nên gần như bỏ hoang.  Dân cư ở đây nghèo xơ xác sống dưới những mái nhà lụp xụp. Chỉ còn vài tu viện cũ kỹ đổ nát. Chợ búa thì vắng người.  Dân ở đây thiếu ăn vì đất khô cằn, toàn sỏi đá khó trồng tỉa với thời tiết khắc nghiệt.
Một bà ăn xin ngồi cuối phố, thân hình ốm yếu chìa xương, quần áo rách nát chầm vá không biết bao nhiêu lớp, và gần như không bao giờ giặt. Bà lão sức như mòn mõi, đang lết trên vỉa hè. Michael móc cho bà 5 rupee, nhưng bà cứ giơ tay lên như muốn xin một cái gì đó, còn một tay chỉ vào bụng ! Dennis thấy vậy liền móc trong túi xách một ổ bánh mì cho bà. Bà lão mừng rỡ chụp lấy, chắp tay xá cám ơn rồi ăn ngay. Bà đang ăn ngấu nghiến để xua đi cái đói đang hành hạ bà mấy ngày qua. Bất ngờ, một con chó lang thang chạy ngang, thấy bà đang ăn bánh mì, nó nhiểu nước miếng đứng nhìn. Bà không ngần ngại bẻ ổ bánh mì làm hai, quăng chia cho nó phân nữa. Con chó mừng rỡ, ngoắc đuôi, vội ngoạm khúc bánh mì chạy đến chỗ khác ăn.
Hình ảnh bố thí ngoạn mục đó, một miếng khi đói bằng một gói khi no, nhất là cho con chó hoang không liên hệ ruột thịt gì đến mình. Bà ăn xin tuy đói nhiều ngày, nhưng dám hy sinh phần của mình cho một con vật vô chủ . Bà không cần nó biết ơn hay đền ơn, kể cả không cần biết ngày mai đây bản thân mình sẽ ra sao ! Một hành động tuy đơn giản, nhưng lại là một việc rất khó làm, trong lúc mình đang bị sự đói khát hành hạ. Nhưng lại hy sinh vì thương yêu kẻ khác, biết cảm thông sự đói khát của kẻ khác, bà đã chia xẻ một cách vô tư, không có một chút dụng ý nào. Bà tuy nghèo đói, nhưng tình thương của bà bao la tràn ngập, bao trùm cả loài vật lang thang. Hành động của bà trở thành bài pháp quý giá không lời, nhưng nói lên được lòng từ bi và hỷ xả vật chất mà mình đang cần, để cứu tế kẻ khác. Dù kẻ đó chỉ là con vật hoang.  Bà quả không phân biệt người hay chó.
Chứng kiến được sự hy sinh đẹp đẽ này, anh chàng người Mỹ Dennis ấy đã sửng sốt và xúc động mạnh. Anh cảm thấy thương bà nhiều hơn, quý trọng bà như một vị anh hùng, như một vị Bồ Tát. Anh liền quỳ xuống mở ba lô, trút hết tất cả thực phẩm mang theo tặng bà. Bà ta lại phân phát cho những người ăn xin khác, làm cho anh càng thêm xúc động và thay đổi cách nhìn và quý trọng người nghèo. Dennis cho rằng chính đây là hành động bố thí tuyệt đối vì thông thường người cho hay có ý mong cầu đáp lại bằng những thứ khác quý hơn. Đôi khi cho ra ít mà sự mong cầu đáp lại nhiều gấp trăm lần. Bởi người Mỹ có thói quen ít khi bao bạn bè ăn uống. Nếu họ rủ bạn đi ăn, khi ăn xong thì phần ai nấy móc tiền trả. Bây giờ, tâm hồn anh rộng mở, anh không ích kỷ nữa ! Tại sao một người ở một nước văn minh đứng đầu thế giới, có kiến thức, có óc tổ chức, có nhận định rộng rãi lại thua một bà già nghèo nàn, dốt nát ở một xó xa lạ ít ai biết đến này. Bà đã hơn anh về tấm lòng vị tha vô bờ bến, đã hơn anh ở chỗ ban cho mà không cần biết ơn, ban cho mà không có một dụng ý sau này đáp lại. Sự ích kỷ của con người, thường được ngụy trang khéo léo, dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp. Nhưng cuối cùng vẫn là những hình thức ích kỷ. Điều quan trọng nữa, hành động của bà hành khất dù đang đói lã, nhưng cứ cho ra không cần tích lũy đến ngày mai! Khiến anh bàng hoàng xúc động mạnh, nó đi sâu vào tâm thức, làm bừng mở tâm linh của anh. Anh cảm nhận triết lý của Phật có một cái gì siêu thoát khỏi thế giới hiện tượng này, mà anh cần phải khám phá. Vì trong lớp áo ăn xin ấy, chứa đựng những gì cao cả của tâm hồn, che đậy một vị Bồ Tát ở trong ấy, mà người Âu Mỹ như anh không sánh được.
Sau đó, anh khi đi thăm khu dân cư Tây Tạng tỵ nạn và tìm hiểu thêm về cuộc sống tha hương của những nghèo thiếu vật chất nhưng tâm hồn lại giàu có vị tha. Gương mặt họ không hiện ra nét buồn khổ mà luôn có nét hồn nhiên, bình thản, và an lạc. Cùng với hình ảnh cao quý tuyệt vời của bà già ăn xin còn in sâu đậm trong tâm khảm anh, những gương mặt người Tây Tạng gầy gò nhưng thanh thản, an phận chấp nhận thực tại đã làm cho anh chàng người Mỹ chấm dứt cuộc sống tầm thường của thế nhân để trở thành người xuất gia nhà Phật, trở thành một tu sĩ học theo lý tưởng cao cả vị tha của Phật dạy.
Đây là một hiện tượng huyền diệu của xứ Phật. Nếu chúng ta đến Ấn Độ với sự tò mò du lịch, thì chúng ta sẽ không khám phá ra điều gì quý lạ cả ! Còn chúng ta đến Ấn Độ với một sự khao khát tâm linh, với sự thiết tha tìm hiểu, nguyện cầu và chờ đợi với niềm tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ cảm nhận được những điều kỳ diệu của xứ Ấn Độ huyền bí, những linh ảnh tuyệt vời của vùng đất Phật linh thiêng, với những chuyển biến tâm linh kỳ diệu mà chúng ta đang khao khát.
(Trích trong cuốn “NHỮNG XÚC ĐỘNG ĐI VÀO TÂM LINH TRÊN XỨ PHẬT” của Thầy Thích Tuệ Chiếu)

No comments:

Post a Comment