Monday, June 24, 2013

Tại sao chúng ta phải Thiền và Sống Thiền?


Tại sao chúng ta phải Thiền và Sống Thiền?

Bởi lẽ, qua nhiều kiếp sống, chúng ta đã làm rất nhiều chuyện vô minh, cho nên khi chúng ta được sinh ra, thì trong thân thể của chúng ta đã in sẵn rất nhiều tin tức tốt xấu, mà chúng ta bắt buộc phải thừa kế.

Thật ra, rất khó xoá sạch những đặc tính xấu từ bên trong ADN. Ngoại trừ thông qua sự Thiền và Sống Thiền, chúng ta mới có thể xóa đi và rửa sạch, để trong đó không còn lưu lại những vết tích gì.
Nếu chúng ta luôn Thiền và Sống Thiền, thì mỗi ngày chúng ta sẽ xoá đi được một chút đặc tính xấu từ bên trong ADN; và nó sẽ không còn lưu lại trong tế bào của chúng ta nữa.
Rồi, sau đó chúng ta mới có thể làm những chuyện tốt hơn. Mặc dù chúng ta có Phật Tánh bên trong của chúng ta, nhưng những vết tích xấu còn lưu lại trong những tế bào sẽ bao phủ lên thành nhiều lớp, khiến chúng ta vô minh và xử lý mọi việc không theo ý của mình.
Nếu chúng ta không Thiền và Sống Thiền, thì không thể nào gột rửa được những vết tích có trong ADN ấy; và chúng ta sẽ không làm được gì nhiều. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn hoàn thiện mình, nhưng không thể được, vì làm sao chúng ta có thể xóa sạch những vết tích phủ định đã được sinh ra trước khi chúng ta bước vào thân thể này.
Chúng ta đã có quá nhiều cái xấu in hằn trong tế bào của mình, và bây giờ chúng ta không cần phải thêm vào nữa! Vì thế, chúng ta hãy luôn Thiền và Sống Thiền để xóa sạch những vết tích phủ định ấy, rồi Phật Tánh bên trong của chúng ta sẽ hiển lộ.
Có thể khi chúng ta chưa Thiền và Sống Thiền 100% được, vì những vết tích ấy đã in hằn. Có thể chúng ta có cái thân thể chưa từng Thiền và Sống Thiền trong những đời sống trước đây. Cho nên trong đời sống này, chúng ta hãy tự nhiên làm BẢY ĐIỀU HOÀN THIỆN sẽ được trình bày sau đây ( tức là chúng ta luôn tự nhiên chuyên tâm Sống Thiền để rồi Thiền được tốt hơn ).
Không phải vì chúng ta tốt hay xấu, mà là dụng cụ chúng ta được thừa kế ra sao mà thôi. Vì vậy, chúng ta hãy biết tha thứ cho chính mình, hãy luôn Thiền và Sống Thiền để tìm lại chính mình trên con đường TRỞ VỀ.
Trong cuộc sống, chúng ta hãy lấy “BẢY ĐIỀU HOÀN THIỆN” làm kim chỉ nam trong quá trình Hành Sống Giải Thoát của mình. Và lấy sự: “CHUYÊN TÂM THIỀN ĐỊNH” làm nguồn động lực thúc đẩy cho quá trình ấy.

Tham, Sân, Si là ba thứ cần phải bỏ xuống. Và tự nhiên làm bảy việc cụ thể chúng ta mới có thể hoàn thiện. Việc thứ nhất là ĐẠI TỪ BI. Việc thứ hai là HOAN HỶ. Việc thứ ba là VÔ TÔI. Việc thứ tư là DŨNG CẢM. Việc thứ năm là LỢI THA. việc thứ sáu là DẸP TÀ. Và việc thứ bảy là VÔ CHỨNG. Chúng ta hãy bỏ xuống tất cả, ngay cả nhục thể này, chúng ta sẽ được tự tại giải thoát.Trong tâm thức chúng ta phải luôn khắc ghi những điều trên.

Chúng ta nên biết rằng: Tam độc Tham, Sân, Si là ba bức tường thành chắn kín và ngăn cách giữa Tam Giới và cõi Thanh Tịnh Vô Biên. Chúng ta hãy luôn kiểm soát mình ở mỗi phút giây và ý thức sống trong luồng mạch của Đạo-Pháp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới dần dần bỏ được Tham, Sân, Si; và chỉ có như vậy, chúng ta mới đúng thực là một con người tự nhiên hoàn thiện. Rồi, lòng Tham, Sân, Si ở trong chúng ta sẽ được bỏ xuống một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.

Muốn tự nhiên hoàn thiện mình, chúng ta phải bỏ xuống Tham, Sân, Si; muốn tự nhiên hoàn thiện mình chúng ta phải làm bảy sự việc cụ thể. Sự định hướng này rất rõ ràng, từ việc chung là bỏ xuống cái Tham, Sân, Si, cho đến việc cụ thể là bảy hướng hành động toàn diện và sâu sắc.
Việc thứ nhất vô cùng quan trọng: Đó là lòng ĐẠI TỪ BI. Có nghĩa là chúng ta trãi rộng tình thương một cách tự nhiên đến với mọi người, mọi loài và vạn vật xung quanh. Muốn vậy, bước đầu chúng ta phải học từ những bài học tình thương gần gũi nhất mà Trời Phật đã dành cho chúng ta. Chúng ta có cha, có mẹ, có anh chị em, có gia đình và có những môi trường đầy đủ nhất để cho chúng ta học bài học tình thương. Rồi khi lớn lên, Trời Phật đã cho chúng ta những hoàn cảnh khác để nảy sinh tình Thầy trò, tình bằng hữu… Tất cả, tất cả chỉ là những bài học, những bài học đến với chúng ta mà thôi. Chúng ta nên biết rằng: nếu chúng ta dừng lại ở những thứ tình thương ấy thì chúng ta sẽ tự cột lấy chính mình lại. Thật ra, tất cả chỉ là những bài học, những bài học để mà học, rồi chúng ta còn phải vượt qua ranh giới của sự ràng buộc trong tình thương. Chúng ta cần phải vượt qua, vượt lên để rồi hoà trong tất cả! Chúng ta tự nhiên thương tất cả như thương người mẹ, người cha của chính chúng ta, chúng ta hãy thương yêu tất cả như yêu thương những người thân nhất của mình; và chúng ta hãy trìu mến với tất cả như trìu mến với đứa em dễ thương nhất. Chúng ta phải hiểu rằng: Tất cả những tình cha con, tình mẫu tử hay những tình thiêng liêng khác chỉ đem đến cho chúng ta những bài học ban đầu gần gũi nhất mà thôi. Và để rồi sau đó: Tình thương của chúng ta sẽ trãi rộng chan hoà khắp cùng đất trời vạn vật… Đến lúc ấy, chúng ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của đá, tiếng nỉ non của cây, tiếng vui hót của chim muông, và tiếng mừng vui của đất trời vạn vật… Và chính lúc ấy, sự đồng nhất giữa chúng ta với tất cả những gì trong vũ trụ này sẽ được hội tụ một cách trọn vẹn nhất… Và chỉ khi nào chúng ta tự nhiên có được một thứ tình thương như thế, thì tất cả sự thương yêu, giúp đỡ hay những việc làm từ chính chúng ta sẽ được hoàn thiện một cách tự nhiên nhất.

Việc lớn thứ hai mà chúng ta phải hoàn thiện đó chính là lòng HOAN HỶ. Có nghĩa là chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui và hạnh phúc thật sự ở bản tâm của chính mình. Chúng ta phải hiểu rằng: Niềm vui và hạnh phúc chỉ vĩnh viễn tồn tại trong chúng ta, khi chúng ta luôn luôn sống trong luồng mạch của Đạo-Pháp và chúng ta luôn tự nhiên hằng sống trong biển bờ tình thương đầy tĩnh lặng. Thật ra, ở những giây phút nào chúng ta tự đánh mất bản tâm của chính mình và để cho những sự rối rắm ở cuộc đời xen lẫn đứt quãng trong luồng mạch của Đạo-Pháp; và chỉ những giây phút nào chúng ta để cho tất cả những sự tình bị chi phối dưới sự điều khiển và thống trị của khối óc, thì chính những giây phút ấy chúng ta sẽ không có được niềm vui và hạnh phúc thật sự. Hãy luôn ẩn mình ở trong Đạo và hãy luôn kiểm thảo chính mình trong từng phút giây của cuộc sống; và chỉ có như vậy, chúng ta mới đang dần hoàn thiện mình một cách tự nhiên nhất..

Việc lớn thứ ba mà chúng ta phải làm: Đó là sự VÔ TÔI. Tất cả những gì mà chúng ta tưởng rằng: Ta hay, Ta giỏi, Ta đẹp, Ta thông minh, Ta hơn người… và Ta là cái rốn trung tâm của vũ trụ này. Những cái Ta ấy được bao bọc trong sự kiêu căng, ngã mạn và thành kiến vô cùng to lớn của bản thân. Tất cả những thứ ấy phải được loại trừ, ngay từ khi chúng vừa mới khởi lên. Và sâu xa hơn nữa chúng ta phải diệt trừ tận gốc những động cơ thúc đẩy, những nguồn lực thúc giục các tư tưởng ấy hình thành. Đây là những bước ban đầu mà chúng ta phải thực hiện và sau đó tự nhiên hình thành sự VÔ TÔI trong tâm thức của chúng ta qua LÒNG ĐẠI TỪ BI, HOAN HỶ, TRÍ HUỆ và THIỀN ĐỊNH. Chúng ta phải hiểu rằng: Cái Ta là hình ảnh đan chéo chập chờn trong một trật tự sắp xếp, phát sinh hợp lý không dễ gì cỡi bỏ. Cái bản ngã ấy, không có một phương thuốc nào có thể chặt đứt được ngoại trừ chúng ta có một tâm thức đầy TRÍ HUỆ được đan quyện trong LÒNG ĐẠI TỪ BI và HOAN HỶ và THIỀN ĐỊNH. Chúng ta phải hiểu rằng: Để thật sự mình là một con người đang dần đến Sự VÔ TÔI trên con đường tự nhiên hoàn thiện mình, thì chính cái Tâm Thức đầy TRÍ HUỆ đan quyện trong LÒNG ĐẠI TỪ BI, HOAN HỶ và THIỀN ĐỊNH ấy phải luôn hằng sống trong bản tâm của chính chúng ta. Và chính cái Tâm Thức ấy là phương tiện để chúng ta tự nhiên chặn đứng và kiểm soát tất cả những luồng tư tưởng ngay từ lúc sắp khởi sanh. Và cũng chính cái Tâm Thức ấy, là dụng cụ hữu hiệu để chúng ta luôn quay lại và kiểm thảo lấy chính mình trong từng khắc giây của cuộc sống. Chúng ta nên biết rằng: Bản ngã là cái hố sâu nhất trong muôn vạn cái hố khác đang cản trở chúng ta trên con đường TRỞ VỀ. Nhưng chiều rộng của cái hố mới là quan trọng! Chính cái Tâm Thức đầy TRÍ HUỆ đan quyện trong LÒNG ĐẠI TỪ BI, HOAN HỶ và THIỀN ĐỊNH là cái thước đo vô hình, thu nhỏ lại chiều rộng của bất cứ cái hố sâu BẢN NGÃ nào mà chúng ta sẽ vượt qua. Và cũng chính cái Tâm Thức ấy là nguồn động lực mạnh mẽ nhất đẩy chúng ta qua một cách nhẹ nhàng, tự nhiên trước mọi cái hố BẢN NGÃ, mặc chiều sâu của nó. Thật ra, khi chúng ta vượt qua được hố sâu của BẢN NGÃ là con đường TRỞ VỀ đã được rút ngắn dần. Nhưng chúng ta không nên dừng lại mà phải thuận tâm thẳng đường tiến bước.

Việc lớn thứ tư trên đường hoàn thiện mà chúng ta phải thực hiện: Đó là lòng DŨNG CẢM. Lòng DŨNG CẢM chính là sức mạnh để chúng ta vượt lên trên tất cả mọi sự tình ở thế gian và tâm thức của chính mình. Chúng ta biết sức mạnh này có từ đâu không? Phải chăng, nó được kết tụ qua sự tập trung Thiền Định trí huệ sáng suốt; đồng thời sức mạnh ấy được tạo ra qua sự Sống Đúng Giáo Pháp trên ba lĩnh vực: tư tưởng, lời nói và hành động. Chúng ta nên hiểu rằng: DŨNG CẢM cũng chính là sự nhẫn nhịn và chịu đựng . Trước hết là chịu đựng sự điêu khắc tài ba của Trời Phật, sự điêu khắc tài tình của cuộc sống; và hơn hết là chịu đựng được sự điêu khắc tài trí của chính mình. DŨNG CẢM cũng chính là một bản năng đối diện và vượt lên trên tất cả những tình trạng khổ, những tình trạng không tốt, và những tình trạng không thoải mái… Cần phải có lòng DŨNG CẢM thì TRÍ HUỆ MỚI sẽ ngày một nảy sinh và nâng cao. Bởi lẽ: Tất cả mọi sự khi bị dồn nén, tự nhiên bị ép lại, để rồi loé sáng lên, Trí Huệ đột khởi, rồi chúng ta mới biết được cái gì gọi là Chân Lý.

Lòng LỢI THA chính là việc thứ năm trên đường hoàn thiện mà chúng ta phải làm. Lòng LỢI THA chính là lòng không tham cầu hay ham muốn bất cứ một thứ gì. Lòng LỢI THA cũng đồng nghĩa với Sự Bố Thí và Giúp Đỡ Ba La Mật. Khi chúng ta còn thích, khi chúng ta còn tham cầu hay ham muốn bất cứ một thứ gì thì chính chúng ta bị ràng buộc vào những thứ ấy. Lúc đó, tự chúng ta đã tạo ra trong chính mình những khoảng trống để lực lượng Ma Vương ngự trị. Và, khi những lực lượng Ma Vương đã ngự trị, thì nó sẽ không dừng lại một chỗ, lúc ấy nó như những vết dầu loang trong tâm thức, nó liên tục phát triển rộng ra và kéo theo bao nhiêu vấn đề phiền toái khác, cản trở việc tự nhiên hoàn thiện của chính chúng ta. Và chúng ta nên biết rằng: “Sự giúp đỡ và bố thí của chúng ta phải làm một cách tự nhiên và vô tư nhất, trong đó không có sự khống chế của đầu óc và không có sự điều phối bởi Luật Nhân Quả”. Thật ra, Chúng ta phải thật sự hành việc bố thí và giúp đỡ đúng như lời dạy của một vị Thầy: “Chúng ta từ túi rỗng đến, rồi túi rỗng đi. Chúng ta không có gì gọi là bố thí cho người khác cả. Chúng ta nợ toàn thế giới: Từ Quốc Vương cho đến hòn đá, cỏ cây, động vật…Tất cả, chúng ta đều nợ đồ của họ. Cho nên, không có gì để nói là chúng ta bố thí được”. Ở một góc cạnh khác, chúng ta nên biết rằng: Lòng LỢI THA cũng chính là sự Hỷ Xả, sự Tha Thứ, sự Hy Sinh… không để trong lòng một chút oán trách, căm thù hay hờn giận…

Việc lớn thứ sáu trên đường hoàn thiện mà chúng ta phải làm: Đó chính là Sự DẸP TÀ. Sự DẸP TÀ có nghĩa là dứt bỏ những luồng tư tưởng xấu, những lời nói và hành động đầy Ma Chướng. Sự DẸP TÀ cũng có nghĩa là dứt bỏ sự nóng giận mà thay vào đó là Tâm Yêu Thương. Và chúng ta nên biết: DẸP TÀ cũng có nghĩa là không nghĩ, không nghe, không nhìn và không nói về người khác và bên ngoài; mà hãy quay vào bên trong của chính mình, nghĩ về chính mình và lắng nghe từ tiếng nói thâm trầm của nội tâm sâu lắng. Sự DẸP TÀ cũng giống như dọn rác trong nhà sạch sẽ vậy - Rồi trở thành một thói quen - Khi ra bên ngoài, thấy rác dơ tự nhiên âm thầm nhặt sạch.

Và việc cuối cùng mà các chúng ta phải làm trên con đường hoàn thiện: Đó là sự VÔ CHỨNG. Sự VÔ CHỨNG có nghĩa là: Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã đạt được những gì trong quá trình tự nhiên hoàn thiện, mà chúng ta chỉ biết Sống một cách âm thầm, bình thường và tự nhiên nhất. Chúng ta phải VÔ CHỨNG trong sự Hành Thiền, VÔ CHỨNG trong cuộc sống, và VÔ CHỨNG trong tất cả những thậm thâm vi diệu của Đạo Pháp. Chúng ta nên hiểu rằng: Sự hành Thiền phải diễn ra một cách tự nhiên ở mọi lúc, mọi nơi. Thiền, để rồi tự nhiên phá vỡ những thành kiến. Thiền, để rồi tự nhiên len vào, tự nhiên đi sâu, và tự nhiên nâng tâm thức kết lại ở một bình diện cao hơn trong một chiều của một khoảng không gian khác. Thiền, để giúp cho chúng ta chuẩn bị một lực lượng tốt nhất, để chúng ta xử lý một cách trọn vẹn hơn đối với tất cả mọi sự tình đến với mình từ muôn mặt của cuộc sống Đời-Đạo. Sau đó, chúng ta sẽ phá vỡ mọi tấm màn vô minh, để rồi đưa mọi vấn đề ở chúng ta đến gần Chân Lý hơn; và cuối cùng ở chúng ta sẽ hiển lộ cái gọi là Toàn Sáng. Cứ như thế, như thế, và cứ như thế, tất cả những gì ở chúng ta sẽ tự nhiên được bỏ xuống mà chúng ta không hề hay biết nó đã ra đi khỏi chúng ta tự lúc nào… Thật ra, tất cả những sự bỏ xuống tự nhiên ấy, chính là sự nhiệm mầu, mà không phải là sự cần chứng: nào Quang, nào Âm, nào cảnh giới này kia kia nọ. Chúng ta chỉ biết âm thầm tự nhiên hoàn thiện mình, và hạnh phúc tận hưởng cái sự nhiệm mầu ấy. Thấy được Ánh Sáng, nghe được Âm Thanh hay thể nghiệm được cảnh giới thậm thâm vi diệu là một điều rất quý. Song, chúng ta nên biết rằng: Những thể nghiệm ấy chỉ sống mãi trong chúng ta, khi chúng ta tự nhiên chứng nghiệm được nó từ những sự tình đến với mình trong cuộc sống qua những vai diễn trên sân khấu cuộc đời mà chúng ta đang diễn một cách trọn vẹn nhất. Để rồi, những thể nghệm ấy, nó đi vào trong chúng ta một cách sâu lắng nhất ở những giây phút toạ Thiền và sống Thiền, đi vào chúng ta trong những giấc ngủ bình yên và đi vào ngay cả những giây phút mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn nhất.

Khi chúng ta luôn luôn sống và hoàn thiện bảy sự việc trên, chính là chúng ta đã biết tự quay xung quanh mình và đồng thời biết quay trong sự vận hà của vũ trụ. Đó chính là quy luật của quá trình tiến hoá. Và đó cũng chính là những bước đi mà chúng ta nhấc được bàn chân. Bản thân chúng ta phải luôn biết tự quay quanh mình, đồng thời biết tự quay trong sự vận hà của vũ trụ. Có như vậy, chúng ta mới thật sự tồn tại trên đường TRỞ VỀ. Và chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sống hợp với Luật của Vũ Trụ: Đó là tự xoay và quay như bao vì tinh tú khác. Bằng không chúng ta cũng chỉ lẫn quẩn trong xiềng xích và mưu kế của Ma Vương mà thôi!

Bằng Trí Huệ tìm ẩn trong chính mình chúng ta hãy luôn sống để nâng dần: “sự đúng Chân Lý” ở từng vấn đề đến chỗ trọn vẹn. Thật ra bất cứ một vấn đề nào khi đã khai mở tột đỉnh thì Ánh Sáng Chân Lý sẽ rạng ngời hàm chứa cả Âm Thanh vi diệu và những làn sóng chấn động tương đồng. Ánh Sáng này là Ánh Sáng thực về con người thật của chính mình. Chính lực lượng của Ánh Sáng mà bản thân chúng ta đã khai mở ấy, sẽ được tập trung lại, và được nâng lên ở một bình diện khác cao hơn trong lúc chúng ta Thiền-Định. Và chính lúc này, ở trong chúng ta sẽ hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là Trí Huệ Mới. Và nguồn lực Trí Huệ Mới này sẽ làm tiền đề cho chúng ta mở tung và phá tan biết bao sự tình kế tiếp. Rồi, trong chúng ta hình thành một Trí Huệ mới, cao hơn và rộng hơn nữa. Cứ như thế, như thế và cứ như thế, tất cả mọi vấn đề sẽ được tuần tự phơi bày, để rồi cuối cùng là sự hiển lộ Chân Tâm trong Trí Tuệ Toàn Giác.

Xin được nguyện cầu cho tất cả anh chị em lúc nào cũng là một dòng sông êm ả, sâu, rộng và tươi mát, ngập tràn những nguồn nước mới trong ngần, và nhịp nhàng xuôi dòng trở về cùng với biển cả đồng một thể.

No comments:

Post a Comment