Gõ cửa nhân gian
Rất
tĩnh lặng. Rất một mình. Phật gõ cửa nhân gian. Như Lai đến với chúng sinh bằng
trái tim trinh nguyên. Trong và sạch vô ngần.
Canh
năm đêm thứ bốn mươi chín, khi sao Mai vừa mọc, Thế Tôn hùng dũng nhổ bật cái
gốc rễ cuối cùng đã cắm sâu vào cuộc tử sinh dòng luân hồi vô thuỷ. Vô minh vụn
vỡ. Ngã ái được khai quật tan hoang. Sương rừng say khướt toà cỏ, long lanh ngấn
lệ. Uy linh chấn động tam thiên, thế gian tràn ngập ánh hào quang giác ngộ, mừng
Đấng Vô thượng Điều ngự sư ra đời.
Ngày
ấy đến bây giờ vẫn huy hoàng trí tuệ,
vẫn rạt rào suối nguồn từ bi. Đức Phật cho rất nhiều, mà chẳng hề đòi lại dù bao
nhiêu. Thế Tôn sống đời tự tại, không toan tính muộn phiền, không lo lắng ưu tư.
Làm gì cho chúng sinh được an vui hạnh phúc thì không hề hồi tiếc ăn năn, dù
phải xả bỏ thân mạng. Người có tâm tham lam, Như Lai gõ cửa để mở tâm tham lam.
Người có tâm sân giận, Như Lai gõ cửa để mở tâm sân giận. Người có tâm kiêu mạn,
tật đố, si mê…Như Lai gõ cửa để mở các tâm ấy ra cho họ. Cứ thế Như Lai gõ cửa
từng nhà, từng chúng sinh hữu duyên. Vì thế Như Lai ngự trị trọn vẹn trong trái
tim của muôn loài.
Đề
Bà Đạt Đa suốt một đời rượt đuổi theo Thế Tôn muốn lấy hết, cướp hết những gì
Đức Phật có. Như Lai câu nệ làm chi. Cho hết. Đáng tiếc người đệ tử mà cũng là
người anh em, không thể nhận được gia sản nhà mình. Tâm chân thật là nguồn Thánh
bảo vô tận, không phải của mình, không có thần dụng, đột nhập vào được sao? Thua
Phật. Ông không chịu quày đầu, không chịu tu tỉnh mà còn điên loạn thả voi say
giết Phật, lăn đá trên đỉnh núi xuống cho Phật nát thây, cấu kết với vua A Xà
Thế lật đổ Thế Tôn…nhiều chuyện lắm. Cuối cùng mưu sự không thành, quỳ dưới chân
đấng Điều Ngự. Ông khóc. Đức Phật thương quá, sẵn lòng bỏ qua tất cả, đưa tay
kéo ông lên. Thế Tôn kéo Đề Bà Đạt Đa lên từ hố thẳm của lòng tham lam thù hận,
từ vô minh khát ái, từ cuồng vọng si mê, đưa người anh em trở lại ánh sáng, thọ
ký cho ác hữu mai này sẽ thành Phật. Kết cuộc thật có hậu. Đức Phật sống đối xử
với chúng đệ tử, với chúng sinh luôn luôn như thế. Bởi vì Thế Tôn có Tứ vô lượng
tâm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm, Xả vô lượng tâm. Nên Thế
Tôn là bậc trí lực, diệu lực nan tư nghì.
Chúng ta thương người
bình thường với mình đã là khó rồi, nói gì đến chuyện thương người ghét mình,
đối xử tệ với mình. Chuyện đó thật cay. Học Phật ta ngưỡng mộ Phật, nể Phật hết
lòng, nhưng làm điều Phật làm, nói lời Phật nói, thật tình ta chưa làm nổi. Tại
vì ta chưa nhập được tâm Phật. Tâm Phật ở đâu? Phật bảo ở trong tâm ta. Tâm ta ở
đâu? Phật bảo ở trong tâm Phật. Ô hay! Té ra Phật và mình chưa hề rời nhau.
Thế nhưng cả thế gian
này loanh quanh lẩn quẩn đi tìm Phật từ hồi đó cho tới bây giờ. Lạ chưa? Lẽ ra
đâu có chúng sinh, lẽ ra đâu có Phật. Đâu có Ta bà khổ, đâu có Phật thị hiện ra
nơi đời để cứu khổ chúng sinh. Cũng tại cái mê vọng loanh quanh lẩn quẩn mà ra,
rồi sơn hà đại địa theo đó huyễn sinh huyễn diệt trong thể tánh chơn thường, vô
số chúng sinh nhiêu động kêu cứu trong ấy. Thật là thế gian này có mà như chưa
từng có, quả nhiên không mà như chưa từng không.
Chư Tổ nói bản tâm
không một vật, không xưa không nay, mênh mông bất tận, diệu dụng vô cùng. Phật
bảo chỉ có dừng lại mọi vọng tưởng đảo điên mới trở về được với tâm chân thật
này. Ta chưa dừng được vọng tưởng, nên chưa thể hành xử như Phật, như Tổ. Chưa
thể thôi, chứ không phải là không thể. Rất là có thể. Phật bảo tình sinh thì trí
cách, tình sạch thì trí sinh. Thế thôi.
Nếu đem tâm thương
ghét của thế gian đong đếm cân phân thì con sâu cái kiến cũng không có chỗ dung
trong lòng ta, nói gì đến chuyện đem tình thương này chia đều cho người ta
thương và người chưa thương? Một khi trí tuệ chưa khai phát thì tình yêu thương
rất dễ rơi vào cạm bẫy của sự luyến ái buộc ràng. Đã sụp vào bẫy này thì thua.
Cho nên Phật dạy chúng ta trước lo tu cái đã, những việc khác làm theo chẳng vội.
Như vậy sẽ yên ổn hơn, vững vàng hơn. Như Lai cũng thế. Ngài tu xong rồi mới gõ
cửa nhân gian. Đã là người tu, phải thật cẩn thận. Một bước phiêu linh là muôn
kiếp phù trầm.
Gốc
rễ vô minh rất dễ sợ. Vì vô minh nên ái ngã. Vì ái ngã nên ta cố bám víu vào
thân tâm này thật cứng chắc. Sợ mất thân, mất những gì của thân. Suốt một đời
sống trong sợ hãi và lo toan cho tấm thân huyễn mộng. Bám theo cái giả tạm thì
có khác gì gởi đời mình vào chùm bọt nước. Thế mà ta vẫn cứ bám. Đức Phật thiền
định dưới cội bồ đề đã giải quyết xong việc này. Giải quyết tận căn để. Thế Tôn
dùng trí tuệ phá tan vô minh, vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử, chấm dứt vòng luân
hồi. Ngài hết sợ. Là đệ tử Phật, nối gót Như Lai đi vào đời, nhưng chúng ta
chẳng dám gõ cửa nhà ai. Tại vì mình còn sợ. Phải mở được cửa bản tâm thì mới
dám gõ cửa nhân gian. Ta chưa mở được cánh cửa tâm làm sao dám động tới cả toà
tam giới. Thật là tệ hại quá đi.
Hôm nay kỷ niệm ngày
Đức Phật đản sinh, lại một lần nữa chúng ta cảm nhận uy vũ của Thế Tôn dưới cội
bồ đề hơn hai nghìn năm trăm năm trước cho tới bây giờ vẫn còn vang rền, làm
chấn động cung ma. Phật đã dùng cung thiền định, kiếm trí tuệ vung lên chặt hết
mê tình từ vô thủy kiếp, hùng dũng tung ra khỏi vạn trùng lưới vô minh, đưa
chúng sinh vượt thoát bể khổ trầm luân. Thật không gì có thể nói hết được về
Đấng chí tôn. Bậc trí lực, hùng lực, vạn đức từ dung, siêu xuất thế gian. Cao
khiết vô nhiễm nhưng lại rất gần. Vì Phật luôn có mặt trong từng chúng sinh.
Toàn thể chúng hàm linh xin được nép mình quy ngưỡng.
Chúng
con nguyện suốt đời và nhiều đời sau, đem thân tâm này noi gương hạnh Phật, mở
cho được cánh cửa tâm chân thật của mình và tiếp tục nối bước hành hoá của Như
Lai…Gõ cửa nhân gian.
Hạnh
Chiếu
No comments:
Post a Comment