Biết đủ thường vui
Phan Minh Đức
Thời Đức Phật còn tại thế, có một vị vua
phát tâm hành pháp bố thí, mở kho ban
phát của cải cho nhân dân. Bấy giờ Đức
Phật quán sát nhân duyên biết có thể độ
nhà vua, Ngài bèn hóa thành một người
dân nghèo đến xin bố thí. Người nghèo
tâu: - Xin bệ hạ xót thương ban cho kẻ
hèn một ít của cải để xây cất nhà cửa.
Nhà vua ra lệnh lấy cho ông một ít châu
báu đủ để xây dựng một tòa nhà. Người
nghèo nhận lấy và bái tạ nhà vua, nhưng
chưa ra khỏi hoàng cung ông đã quay trở
lại:
- Cúi xin bệ hạ rộng lòng thương bố thí
cho kẻ hèn này thêm một ít. Bấy nhiêu
của cải chỉ đủ xây nhà, nếu dùng để cưới
vợ nữa thì không đủ. Thật khổ khi có nhà
cửa mà chỉ sống cô độc một mình không có
người sớm hôm bầu bạn.
Nhà vua bèn ban cho người nghèo kia thêm
ít châu báu. Sau khi nhận lãnh châu báu,
người nghèo ra về, nhưng không bao lâu
thì quay trở lại, tâu với vua:
- Thưa bệ hạ, bấy nhiêu của cải đã đủ để
xây nhà, cưới vợ. Nhưng sau đó kẻ nghèo
này không biết lấy gì để sống, lấy gì để
nuôi vợ nuôi con. Xin bệ hạ mở lượng
biển trời ban cho thần thêm một ít châu
báu nữa để tậu ruộng đất, trâu bò, có
thế thần mới làm ra của cải nuôi sống
gia đình.
Nhà vua nghĩ người dân nghèo nói cũng
phải, thôi thì đã giúp thì giúp cho
trót, bèn ra lệnh bố thí châu báu thêm
cho ông. Người dân nghèo cảm tạ và ra
về, được một lúc ông quay lại xin trả
nhà vua tất cả số châu báu đó. Nhà vua
ngạc nhiên hỏi tại sao, ông đáp:
- Kẻ hèn cứ nghĩ mãi, nếu có con trai
con gái thì phải dựng vợ gả chồng cho
chúng, chắc số châu báu kia không đủ để
chi dùng. Thôi thì thần xin trả lại.
Nghe người cùng dân than thở, nhà vua
lại ra lệnh ban thêm châu báu cho ông.
Nhưng cầm số châu báu trong tay, người
cùng dân lại đăm chiêu suy nghĩ, ông
bước đi rồi quay trở lại tâu với nhà
vua:
- Mọi người đều mong cầu của cải để sinh
sống. Nhưng xét cho kỹ, con người sống
có bao lâu, vạn vật vô thường sớm còn
tối mất, sống hôm nay chưa chắc sống đến
hôm sau. Tài sản, sự nghiệp, vợ đẹp con
xinh, gia duyên càng nhiều càng buộc
ràng, bận bịu, càng khổ lụy thêm thôi.
Của cải dù chất cao như núi cũng không
ích gì, sao bằng dứt tâm tham cầu, học
đạo vô vi, như thế mới có thể tự tại
giải thoát, an lạc. Vì suy nghĩ như thế,
cho nên thần không nhận lấy số của cải
nhà vua ban.
Nhà vua nghe người dân nghèo nói bỗng
nhiên khai ngộ. Lúc bấy giờ người dân
nghèo hiện lại thân Phật nói pháp cho
vua nghe. Sau thời pháp nhà vua đắc quả
vị Tu đà hoàn…
Những điều cầu xin của người dân nghèo
trong câu chuyện trên cũng chính là mong
muốn chung của mọi người trên thế gian
này, đó là những tham muốn nhà cửa, của
cải, vợ đẹp con xinh, ăn ngon mặc đẹp,
các thú vui hưởng thụ v.v…Khi đã có rồi
lại muốn có thêm, khi đã có thêm rồi lại
muốn có thêm nhiều hơn nữa.
Vì nhu cầu cuộc sống, con người phải tạo
ra của cải, nhưng tham muốn không cùng
của con người đã gây ra bao điều hệ lụy,
khổ đau cho bản thân và xã hội. Con
người không bao giờ thấy đủ, không bao
giờ thỏa mãn nên không ngừng chạy đuổi,
tìm cầu, nô lệ cho lòng tham và dục vọng
để rồi lãng quên hoặc đánh mất mục đích
chính của mình là xây dựng một đời sống
an vui, hạnh phúc.
Nhu cầu thật sự của con người là hạnh
phúc chứ không phải thỏa mãn dục vọng.
Nhưng do người ta nhận thức sai lầm rằng
hạnh phúc của con người là khi dục vọng
được thỏa mãn, trong khi không bao giờ
thỏa mãn được tham dục, và chính điều đó
đã tạo ra biết bao phiền não khổ đau cho
con người. Cuộc đời mong manh ngắn ngủi,
tạm bợ vô thường, sớm còn tối mất nào ai
biết trước, niềm vui có được không bao
nhiêu nhưng nỗi lo lắng, thất vọng, khổ
đau chi phối cả cuộc đời. Càng nhiều
tham muốn, dục vọng thì càng nhiều phiền
não khổ đau, đến lúc nhắm mắt xuôi tay
trở về cùng cát bụi mới hay những gì đã
trải qua như giấc mộng. Vậy mà ai cũng
bỏ thời gian, công sức, có khi cả cuộc
đời lao tâm khổ trí làm vô số chuyện:
tốt có, xấu có; hay có, dở có; thiện có,
ác có, tạo ra duyên nghiệp buộc ràng cho
mình và cho người khác, làm nên những
vòng xoáy cuộc đời nhấn chìm an lạc,
hạnh phúc mà lẽ ra chúng ta có được. Có
khi tham muốn, khát vọng chưa thỏa mãn
thì đã lìa bỏ cuộc đời, bởi đời sống vẫn
vô thường, tai nạn, bệnh tật, sống chết
là điều không ai biết trước.
Kinh Pháp Cú Thí Dụ có kể câu chuyện như
sau: Thuở Đức Phật an trú tại thành Xá
Vệ, có một người Bà la môn giàu có tuổi
gần tám mươi. Tuy ở tuổi gần đất xa trời
nhưng suốt ngày ông mải mê đầu cơ tích
trữ gia sản, xây dựng nhà cửa cho con
cháu. Ông cất nhà trên, nhà dưới, nhà
đông, nhà tây, nhà nghỉ mát, nhà
kho…nhiều dãy, nhiều gian cao to đồ sộ.
Một hôm trong lúc người Bà la môn chỉ
đạo xây nhà, Đức Phật dùng Phật nhãn
quán sát thấy mạng ông sắp tận, không
sống qua khỏi ngày hôm đó, thế mà ông
nào hay, cứ mãi lo toan tính, khổ trí
lao tâm, nhọc nhằn thân xác. Đức Phật
bèn cùng tôn giả A Nan đi đến nhà ông,
Đức Phật thăm hỏi:
- Ông lão có vất vả lắm không? Xây dựng
nhiều nhà cửa như thế dùng để làm gì?
Người Bà la môn đáp:
- Nhà trước để đãi khách, nhà sau để ở,
hai dãy bên Đông, bên Tây dành cho con
cháu và tôi tớ, kho lẫm để cất chứa lúa
gạo, chuồng trại để nuôi gia súc, nhà
mát để nghỉ mùa Hè, nhà kín để nghỉ mùa
Đông…
Đức Phật nói:
- Nghe tiếng ông đã lâu mà nay mới có
dịp gặp mặt. Tôi có một bài kệ có thể
mang đến nhiều lợi ích cho ông. Mời ông
nghỉ tay cùng ngồi nói chuyện.
Người Bà la môn đáp:
- Tôi đang bận lắm, không thể ngồi trò
chuyện với Ngài. Xin hẹn hôm khác đến
cùng nhau đàm luận. Còn bài kệ mang đến
lợi ích, xin hãy ban cho.
Bấy giờ Đức Phật bèn nói kệ: Có con cái,
tài sản/Người mê phải rộn ràng/Mình còn
không thật có/Lại lo của và con/Nóng nên
ở chỗ này/Lạnh nên ở chỗ kia/Người mê lo
tính mãi/Không tường lẽ đổi thay/Kẻ mê
muội phàm phu/Tự cho mình là trí/Mê mà
tưởng hơn trí/Đó thật là vô minh.
Sau khi Đức Phật đi rồi, người Bà la môn
lại tiếp tục công việc dựng nhà, không
may bị cây rớt trúng mà chết. Quả thật
là: “Tham vọng leo thang không dừng nghỉ,
vô thường chợt đến, ôm hận đi!”.
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Người
sống biết đủ, tuy nằm trên đất vẫn thấy
an lạc; người sống không biết đủ, dù ở
thiên đường cũng không vừa ý”. Đức Phật
và các đệ tử của Ngài gia tài chỉ có ba
y và một bình bát mà vẫn an lạc, tự tại.
Bởi thế mới biết rằng sở dĩ con người
khổ là vì có quá nhiều lòng mong cầu,
tham muốn. Chỉ khi dứt trừ tham dục,
dừng lại những tạo tác do mê lầm mới cắt
đứt được những phiền não, hệ lụy trong
cuộc đời, chấm dứt vòng luân hồi lẩn
quẩn vì nghiệp duyên ràng buộc, khi đó
mới tìm thấy an lạc hạnh phúc thật sự
trên cõi đời này như kinh Bát Đại Nhân
Giác đã dạy: “Tham muốn nhiều là khổ,
bao sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn
mà ra, nếu ít tham muốn, thực hành vô vi
thì thân tâm được tự tại”.
No comments:
Post a Comment