Viên Ngộ
Trong cuộc sống hàng ngày, đôi lúc chúng ta gặp
phải những tình trạng hết sức căng thẳng, khó chịu và bất an.
Những cảm xúc ấy được hình thành do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác
động vào, nhưng chính yếu vẫn là phát xuất từ tâm ý của mình.
Bởi khi ta còn tham lam, sân hận và si mê thì sẽ
dễ dàng bị phiền não khổ đau khống chế và trói buộc. Vì vậy, để
trị liệu và chuyển hóa những hệ lụy khổ đau ấy, quán niệm hơi
thở là liệu pháp vô cùng kỳ diệu, có khả năng chữa trị tận gốc
căn bệnh tham sân si ở nơi mỗi chúng sinh.
Thật vậy, hơi thở như là người mẹ hiền nuôi dưỡng
cho ta khôn lớn. Hơi thở miệt mài làm việc liên tục suốt ngày
đêm không bao giờ dừng nghỉ; cho dù ta có thức hay ngủ thì hơi
thở vẫn chuyên cần hoạt động đều đặn, giúp cho máu huyết được
lưu thông và nuôi dưỡng các tế bào của cơ thể. Hơi thở rất quan
trọng và vô cùng quý giá, chỉ cần ngừng thở trong vòng một vài
phút, thì kể như mọi hoạt động của thân thể và toàn bộ đời sống
của con người đều bị tê liệt. Bao nhiêu công danh sự nghiệp mà
ta đã cố gắng để vun đắp và gầy dựng, nhưng chỉ cần hơi thở
ngừng hoạt động trong chốc lát, thì những thứ quý giá kia tự
động cất cánh bay xa và mạng sống của chúng ta kể như chấm dứt.
Thế mới biết đời sống của con người thật mong manh giả tạm,
chẳng khác gì những hạt sương mai, như tia nắng sớm. Vì lẽ đó
nên có lần Đức Phật hỏi các vị Tỳ-kheo về mạng sống của con
người tồn tại trong bao lâu? Vị Tỳ-kheo đầu tiên trả lời là
trong vòng vài ngày, người kế tiếp thì nói khoảng chừng một bữa
ăn và vị Tỳ-kheo cuối cùng trả lời rằng, mạng sống của con người
chỉ được tồn tại trong một hơi thở. Thế Tôn khen ngợi vị Tỳ-kheo
này đã hiểu đạo lý (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
Về phương diện sức khỏe, nếu như chúng ta biết
cách để thực tập điều hòa hơi thở vào và hơi thở ra mỗi ngày,
thì máu huyết trong cơ thể ta sẽ dễ dàng lưu thông và ngăn ngừa
được nhiều chứng bệnh. Khi đến các trung tâm yoga hoặc thiền để
thực tập thở, chúng ta thấy đời sống trở nên nhẹ nhàng và thân
thể khỏe khoắn hơn. Nếu ta thở vào hoặc thở ra có ý thức, thì
hơi thở ấy sẽ dài hơn và sâu hơn. Và khi ta thở vào sâu, hơi thở
mang theo rất nhiều dưỡng khí trong lành vào cho cơ thể. Đến khi
thở ra sẽ tống khứ những độc tố ra bên ngoài. Nhờ vậy, nên các
tế bào của cơ thể được tươi nhuận, trẻ trung và sáng đẹp. Sau
những buổi thực tập thiền thở, chúng ta ăn uống ngon lành và
tinh thần được sảng khoái hơn.
Đề cập đến việc thực tập quán niệm hơi thở, chúng
ta phải nói tới thiền. Hiện nay ở các nước phương Tây, người ta
dành nhiều thì giờ để thực tập thiền. Vì thiền đã giúp cho họ
chuyển hóa được những bế tắc trong cuộc sống. Mặc dù họ dư thừa
của cải vật chất, nhưng không thể giải tỏa được những khúc mắc,
khó khăn trong con người của họ. Vì lẽ đó các nhà khoa học đã
tập trung nghiên cứu về thiền. Gần đây, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có
nhiều bài viết đề cập đến việc thực tập thiền thở để chữa bệnh.
Qua sự trải nghiệm của tự thân về việc thực tập hơi thở, ông đã
khám phá ra được rất nhiều điều mới lạ trong cơ thể con người.
Và thiền đã giúp cho ông sáng tỏ hơn trong lĩnh vực y học cũng
như hiểu rõ hơn về bản chất đích thực của đời sống. Bác sĩ Đỗ
Hồng Ngọc khẳng định rằng: “Ở góc độ người thầy thuốc, tôi quan
tâm đến thứ thiền đơn giản mà hiệu nghiệm, không “cao siêu,
huyền bí và khó khăn”. Đó là thứ thiền trong đời sống hàng ngày.
Nó liên quan đến sức khỏe, đến khoa học y học, được nghiên cứu
và ứng dụng khá rộng rãi. Nó đã mang lại những hiệu quá rất bất
ngờ. Nó chữa được nhiều căng thẳng (stress), lo âu, nhiều bệnh
lý do hành vi lối sống gây ra mà thuốc men không thể chữa dứt” (Thở
và thiền).
Về phương diện tinh thần, hơi thở còn có khả năng
làm lắng dịu và chữa trị những cảm xúc tuyệt vọng, lo âu, sợ hãi,
bất an v.v... trong ta được bình phục. Bởi sống trong cuộc đời
này, bất cứ ai cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn và gian
khổ, cho dù ta có đầy đủ điều kiện vật chất, danh vọng, địa vị…
thì vẫn không ngoại lệ. Có đôi lúc, ta gặp phải những vấn đề xảy
ra ngoài khả năng chịu đựng, tâm ý hoàn toàn bị phiền não và khổ
đau chi phối. Để vượt qua những trở ngại ấy, tốt nhất là ta trở
về với hơi thở, trở về với chính mình, để lắng nghe và nhận diện
những cảm xúc trong ta. Nhờ có sự trở về và lắng nghe ấy, nên ta
mới thấy rõ được quy trình dựng lập của bản ngã tham, sân, si.
Khổ đau luôn luôn do bản ngã tạo ra, nó được hình
thành là do bóng tối của vô minh, tức sống trong mê mờ và lãng
quên cái thực tại đang là. Những tâm lý buồn vui, thương nhớ,
giận hờn, khó chịu, bất an… đều phát xuất từ vô minh, chấp ngã.
Bản ngã luôn vướng mắc vào những gì tốt đẹp hoặc là dễ thương
nhất. Ngược lại, những thứ gì xấu xa, dễ ghét thì bản ngã muốn
loại trừ và tiêu diệt. Và mỗi khi hình thành quy trình này, thì
con người sẽ mất tự do và dẫn tới đau khổ.
Do đó, để hóa giải những phiền não khổ đau, thì
bước căn bản đầu tiên chúng ta cần phải thực tập quán niệm về
hơi thở. Và sự thực tập này, đã được Đức Phật dạy như sau: “Vị
Khất sĩ tìm tới một khu rừng, hoặc một gốc cây, hoặc một căn nhà
vắng, ngồi xuống trong tư thế kiết già, giữ thân hình ngay thẳng
và thiết lập chánh niệm trước mặt mình. Người ấy thở vào với ý
thức minh mẫn là mình đang thở vào. Người ấy thở ra với ý thức
minh mẫn là mình đang thở ra. Thở vào một hơi dài, người ấy ý
thức rằng: ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài,
người ấy ý thức rằng: ta đang thở ra một hơi dài. Thở vào một
hơi ngắn, người ấy ý thức rằng: ta đang thở vào một hơi ngắn.
Thở ra một hơi ngắn, người ấy ý thức rằng: ta đang thở ra một
hơi ngắn...” (Kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, HT.Thích Nhất Hạnh
dịch).
Đa phần các trường phái thực tập về hơi thở,
người ta “dùng ý để dẫn khí”. Tức là, khi hít vào và thở ra, họ
dùng tâm ý để điều khiển. Sự thực tập này, có thể phù hợp cho
những ai mới bắt đầu tập thở, và nó cũng đem lại sức khỏe tốt
cho con người. Tuy nhiên, để đạt tới an lạc giải thoát thực sự,
thì cần phải buông bỏ ý niệm điều khiển và chủ quan của chính
mình. Vì thế, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Khi thở vào một hơi ngắn
thì ta biết là thở vào một hơi ngắn, thở vào một hơi dài thì
biết là dài”. Ta chỉ cần lặng lẽ quan sát hơi thở đang diễn biến
như thế nào, thì ghi nhận y như thế đó, chứ không cần phải dùng
ý thức xen vào để điều khiển hơi thở.
Nhờ quán niệm hơi thở một cách sâu sắc nên ta
thiết lập được chánh niệm tỉnh giác, an trú trong hiện tại.
Trong sự thức tỉnh cao độ ấy, tâm lặng và trí sáng đã giúp ta
làm chủ thân tâm, khiến cho vô minh phiền não rơi rụng, không
còn khả năng chi phối lên đời sống, nhờ đó tâm hồn hành giả được
an lạc, thảnh thơi và tự tại.
Như vậy, hơi thở đối với đời sống của con người
vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta biết trở về để chăm sóc và lắng
nghe trọn vẹn với hơi thở, thì ta sẽ khám phá ra được rất nhiều
cái hay, cái đẹp mà cuộc đời đã trao tặng! Do đó, trở về với tự
thân và nhận diện hơi thở, chính là điều kiện tất yếu để chuyển
hóa khổ đau, đem lại niềm an vui và hạnh phúc cho chính bản thân
mình, cũng như xây dựng nếp sống an bình và tốt đẹp cho cuộc đời
này.
No comments:
Post a Comment