Lời khuyên người lớn tuổi
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
(Trích trong quyển: “Những lời khuyên tâm huyết”-“Conseils du coeur” của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, sách được thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD, CHRISTIAN BRUYAT chuyển ngữ từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris 2001, HOÀNG PHONG chuyển ngữ Pháp – Việt, 2009)
Khi trở về già và nếu như ta không có một tín ngưỡng tôn giáo
nào cả, thì cũng nên hiểu rằng những khổ đau cơ bản nhất – sự
sinh, bệnh tật, già nua, cái chết – là những thành phần bất khả
phân của sự sống. Ngay từ lúc sinh ra đời, ta không thể nào
tránh khỏi già nua và cái chết. Nó là như thế. Nếu oán thán rằng
đấy là bất công, rồi ước muốn phải khác hơn thế, thì quả thật là
vô ích.
Theo Phật giáo, việc được sống lâu hay không là nhờ vào những
phẩm hạnh của chính mình trong quá khứ. Kể cả trường hợp ta
không phải là người Phật giáo đi nữa thì cũng nên nhìn vào những
người đã chết khi họ còn trẻ để cảm thấy hân hoan khi mình có
một cuộc sống kéo dài hơn họ.
Nếu trước đây trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, ta đã có
một cuộc sống phong phú, thì hãy cố nhớ lại trong cái khoảng
thời gian đó ta từng đóng góp những gì cho xã hội, và đã từng
thực hiện được những công trình ích lợi nào với chủ tâm chân
thành. Nếu đã làm được những điều ấy thì giờ đây ta sẽ không có
gì để hối tiếc nữa.
Nếu ta mang một tín ngưỡng tôn giáo thì hãy cứ cầu khẩn hay suy
tư tùy theo đức tin của mình. Nếu tinh thần còn trong sáng, ta
hãy suy nghĩ rằng sự sinh, bệnh tật, già nua và cái chết là
những thành phần thuộc vào sự sống của con người mà ta không thể
nào tránh được những thứ ấy. Hiểu được như thế và hoàn toàn chấp
nhận sự thật đó sẽ giúp ta bước vào tuổi già một cách bình thản
hơn.
Điều đó cũng đang đến với tôi, vì tôi cũng đang bước vào cái
tuổi sáu mươi bảy (1). Nếu như đôi khi tôi không chấp nhận từ
trong thâm tâm là thân xác vật chất của mình đã già, xuyên qua
cái con số năm tháng như vừa kể trên đây, thì tôi sẽ khổ sở lắm
khi phải chấp nhận cái tình trạng hiện nay của tôi. Khi đã già,
tuy rằng không phải là một cách tự lừa phỉnh lấy mình, nhưng ta
cũng nên ý thức ý nghĩa thật sự của cái già là gì và từ đó rút
ra những gì tốt đẹp nhất.
Hãy nên tự hỏi ta còn có thể cống hiến được gì cho cái xã hội
này hay không, trong khi ta vẫn còn nhờ vả vào nó. Với những
hiểu biết mà ta từng thu đạt được, nhất định là ta phải có ích
lợi hơn nhiều so với những người không được sống lâu như ta. Hãy
kể lại cuộc đời ta cho gia đình, cho những người thân thuộc
chung quanh, chia sẻ với họ những kinh nghiệm của chính mình.
Nếu ta thích gần gũi với con cháu thì trong khi chăm sóc chúng,
ta hãy truyền đạt cho chúng những hiểu biết của ta và góp phần
vào việc giáo dục chúng.
Nhất định là ta không nên bắt chước những người già cả suốt ngày
chỉ ta thán và gây sự. Chớ nên phung phí năng lực của ta bằng
cách đó. Chẳng những ta không làm cho bất cứ ai khác vui lòng mà
lại còn mang tuổi già của ta để thách đố với khó khăn.
Ghi chú :
1-
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết giảng những lời này vào năm 2000.
No comments:
Post a Comment