Dũng khí hoa mai
Hạnh Chiếu
Có lần tôi về Cà Mau, Phật tử mời vào Đầm Dơi
giảng cho người dân vùng sâu vùng xa, vì họ không có điều kiện
ra chùa Tổ. Do không có nhiều thời gian nên chúng tôi đi bằng ca
nô mất nửa tiếng thôi, thay vì đi đò phải mất sáu tiếng. Đây là
lần đầu tôi đi ca nô.
Khi mọi người ngồi xuống hết, người lái ca nô vừa
nổ máy thì ôi thôi nó bắn thẳng lên rồi rẽ sóng lướt tới. Tôi
thót tim, mặt mày tái xanh, chưa kịp phản ứng gì thì bỗng nó
nghiêng qua một bên sát mặt nước, sóng văng tung toé, rồi nhồi
lên nhồi xuống với một tốc lực khủng khiếp. Tôi nghĩ thầm trong
bụng chắc phen này gởi thân cho hà bá. Mình giảng pháp nói thân
như huyễn, tâm như huyễn mà không lẽ bây giờ sợ chết. Cho nên
tôi ngồi bình tĩnh, ngoài mặt phớt lờ mặc dù trong bụng run lập
cập. Không lẽ xuống đây sinh hoạt đạo lý với Phật tử mà mình mếu,
xin được lên bờ thì còn ai nghe pháp nữa. Tôi bấm bụng chánh
niệm… chờ chết.
Cô Phật tử trong đoàn mời tôi đi, cũng lần đầu
tiên xuống ca nô. Từ lúc nó chạy, cô cứ dúi đầu vô mũi tàu, hai
tay bụm mặt lại, sắp mếu tới nơi. Cô nói với huynh trưởng:
- Em sợ quá, em sợ quá, cho em xuống liền đi.
Vị huynh trưởng nghe vậy, phá lên cười:
- Ủa, hàng ngày mấy anh nghe em nói cuộc đời mộng
huyễn, muôn pháp hóa không. Sao bây giờ trên sóng nước, bỗng
nhiên em thấy có vậy?
Cô bảo:
- Lúc này anh đừng có nói Phật pháp nữa, làm sao
cho em an toàn tánh mạng về tới nhà thôi.
Ngay câu nói của cô, tôi tỉnh liền. Thì ra mình
cũng vậy. Sợ chết, không chối cãi đi đâu được. Bình thường khi
chưa đụng chuyện, nói trăng nói cuội, đủ thứ Phật pháp vi diệu,
nhưng khi đối diện với hiểm nguy, thì mình là mình, Phật pháp là
Phật pháp, chẳng ai dính dáng tới ai cả. Cho nên lý thuyết và sự
thực hành cách nhau rất xa. Tôi chưa từng đi ca nô nên không
quen với vận tốc và cách lướt sóng của nó, thành ra mới sợ như
vậy, nhưng rõ ràng mình thiếu cái dũng. Không quen đã đành nhưng
thiếu dũng và sợ chết nên trong lòng bất an, nghĩ lung tung "mình
không biết lội, nếu có xuống sông thì đi liền không đợi tàu bè
nào tới cứu".
May nhờ có chút Phật pháp bỏ túi, tôi tự trấn
tĩnh mình, nếu nghiệp phải chết sông thì chết, tại sao sợ? Lại
nghe câu nói của vị huynh trưởng, tôi dần làm quen với chiếc ca
nô, tự nhiên thấy khỏe và bớt sợ. Chỉ vì ái ngã và thiếu đức
dũng nên ta trở thành khiếp nhược yếu đuối. Cho nên cần phải có
Bồ tát Quán Thế Âm ở bên cạnh, bởi ngài là vị Bồ tát thí vô úy,
đại hùng đại lực đại từ bi, hay ban cho chúng sanh sức mạnh
không sợ hãi. Nếu không mình luôn mang tâm trạng sợ hãi, mất
tinh thần khi gặp việc khó khăn, hiểm nguy. Như vậy chẳng có lợi
ích gì, càng chuốc thêm lo lắng khổ não. Cuộc đời còn vô lượng
thứ khốn khó, nếu chúng ta cứ sợ những việc nhỏ nhặt thì làm sao
qua nổi dòng tử sinh.
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Đó là hai câu thơ nổi tiếng của Thiền sư Hoàng Bá.
Trước khi tròn đầy mãn khai, sắc và hương diệu kỳ thanh tân, đóa
mai phải đầy đủ dũng lực chịu đựng cái lạnh buốt xương suốt mùa
đông giá rét. Cũng thế, muốn ra khỏi trần lao sinh tử phải thành
tựu tự tại vô ngại giữa muôn trùng sinh tử. Người không đủ sức
mạnh lội ngược dòng, mơ chi đến chuyện ấy.
Tu là sửa. Chuyện này mình thuộc làu, chỉ làm
chưa được làu. Sửa lại một thói quen nho nhỏ như ăn to nói lớn
còn chưa dễ dàng gì, nói chi đến chuyện chuyển hóa hàng tá cái
tập nghiệp quái gở trên đời. Cho nên biết tu đâu có dễ. Không dễ
mà vẫn tu, phải tu mới là chuyện đáng nói. Bỏ một thói quen xấu
cũng giống như phẫu thuật một khối u. Đau lắm chứ, phải cắn răng
chịu đựng và thuốc thang dài dài. Cái sốc của bản ngã khi đụng
tới nó còn đau hơn như thế. Cho nên không có bản lĩnh "nhất đao
đại đoạn" thì mong gì nhổ nổi cái cội gốc vô minh sâu dày ấy.
Hòa thượng Trúc Lâm bảo, phàm phát tâm xuất gia phải là người
gan dạ, can đảm, phi thường. Hồi đó tôi đâu có biết ghê gớm đến
thế mới liều mạng đi tu. Lỡ liều thành ra bây giờ cứ phải tập
múa gươm. Có hôm múa tầm bậy, chém nhầm chiến hữu, bọn ma quái
vỗ tay cười rần.
Ta vẫn thường không thích người huynh đệ chỉ
thẳng lỗi của mình, cho nên thấy họ là né tránh. Như vậy hóa ra
mình nuôi ủ mầm bệnh? Bệnh này thuộc loại trầm kha, không thể
tính theo năm tháng mà là vô thời hạn, vô lượng đời. Nhất định
là không ai muốn chuyện ấy rồi. Cho nên đi tìm một ông thầy
thuốc giỏi luôn là ao ước của muôn vạn sinh linh. Thế nhưng gặp
được thầy rồi lại không nhận ra, không chịu uống thuốc mới thiệt
là kỳ. Chỗ này chư Phật cũng bó tay.
Người ta bảo muốn bắt được cọp phải nhảy vào hang
cọp. Cũng thế, muốn nhổ sạch bản ngã phải chọc thủng nó bằng
chính thanh gươm trí tuệ của mình. Ai dám làm chuyện này? Chư
Phật, Bồ tát, Hiền Thánh Tăng? Thưa không, tất cả chúng sanh.
Tại vì Phật, Bồ tát đâu không từ chúng sanh mà ra. Chỉ khác một
chút là các Ngài đã dám, đã làm, còn chúng sanh chưa dám, chưa
làm. Chưa dám bây giờ phải dám, chưa làm bây giờ phải làm. Không
làm cũng được, với điều kiện là chấp nhận vĩnh kiếp trầm luân
trong sinh tử thống khổ, không một chút than van.
Cho nên hãy bắt chước hoa mai, ấp ủ mầm xuân bằng
tất cả nỗ lực bình sinh. Xin muôn vạn lần cảm niệm tri ân cái
giá rét đậm tình đông sang.
No comments:
Post a Comment