Friday, June 14, 2013

LÀM NGƯỜI THÀNH THẬT

LÀM NGƯỜI THÀNH THẬT

* * * * * * * * * * * * * * * *
Thầy của chúng ta cũng là người đồng hành tốt nhất của chúng ta trên cuộc đời và chúng ta nên nói thật và học đạo chăm chỉ nơi thầy. Một số đệ tử có hai mặt: trước mặt thầy thì tu tập thật tốt, nhưng những lúc khác thì họ tán gẫu, cáu kỉnh và hành xử tệ lậu với người khác. Như vậy thì chẳng lợi lạc gì cả.

Chúng ta cũng không nên muốn được thầy ưu ái bằng những lời nói ngọt ngào nhưng không thành thật. Vị thầy tâm linh muốn cho mọi người đều được hoan hỷ, và vì vậy nếu chúng ta lấn át hay cư xử tệ bạc với người khác thì chúng ta đã làm ngược lại những lời thầy dạy. Nếu chúng ta xem trọng thầy của mình và khinh thị những người khác có nghĩa là chúng ta đã không hiểu chân nghĩa của đạo Pháp. Ðể đạt được ý nguyện thăng tiến trên con đường đạo chúng ta phải hành xử với thầy và với mọi người với tâm thành kính.

Bây giờ chúng ta hãy chiêm nghiệm sâu xa về ý nghĩa của tâm thành kính. Một số người nhầm lẫn giữa tâm thành kính với tâm trạng sợ sệt, vì vậy mà khi ở gần thầy họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và e sợ rằng thầy sẽ biết và sẽ thấy họ làm điều không đúng. Không cần phải có tâm trạng như vậy. Ðó chính là biểu hiện của tâm trạng quá cưng yêu ‘cái ta’ sợ rằng người khác sẽ thấy ta kém khuyết và ngu ngơ.

Mặt khác, chúng ta không nên đối xử với thầy như những người đồng hành tình cờ nào đó trên đường đời. Phải có một mức độ quân bình. Dù ở bên cạnh thầy hay khi sống xa thầy chúng ta nên cố gắng có chí hướng và có hành động tốt. Ðồng thời chúng ta cũng không nên ngần ngại trình bày những điểm sai lầm và yếu kém của chúng ta với thầy. Chúng ta hãy thành thật với thầy và xin thầy ban cho những lời khuyên ngõ hầu hoàn thiện bản thân.

(Thích Minh Thành)

No comments:

Post a Comment