Friday, June 7, 2013

NIỆM PHẬT CHỈ NAM (9- Phần 1)

NIỆM PHẬT CHỈ NAM (9- Phần 1)


Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

9. Trích yếu sách Vân Thê Pháp Vựng của đại sư Liên Trì Chu Hoằng đời Minh

* Tâm vốn vô niệm, hễ có niệm khởi lên là sai; nhưng chúng sanh từ vô thỉ đến nay quen thói vọng tưởng khó thể thay đổi ngay được. Nay dạy họ niệm Phật chính là dùng độc trị độc, dùng quân dẹp quân. Một pháp Niệm Phật lại có nhiều môn. Nay pháp Trì Danh đây là đường tắt nhất trong các đường tắt; do đức Phật có vô lượng đức, mà bốn chữ danh hiệu đã bao gồm trọn cả.
A Di Ðà chính là toàn thể nhất tâm, tâm bao gồm mọi đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Bổn Giác, Thỉ Giác, Chân Như, Phật Tánh, Bồ Ðề, Niết Bàn. Trăm ngàn vạn danh hiệu đều được chứa đựng chẳng sót điều gì trong một danh hiệu này.
Chúng sanh học Phật cũng có vô lượng hành pháp, nhưng một pháp Trì Danh đây đã bao gồm trọn tất cả vì Trì Danh chính là trì nhất tâm ấy. Tâm đã gồm trăm hạnh, Tứ Ðế, Lục Ðộ, cho đến tám vạn bốn ngàn hằng hà sa vi trần hết thảy pháp môn, bao gồm hết cả không còn sót gì!

* Có nhiều cách trì danh:

1) Một là Minh Trì nghĩa là xưng niệm ra tiếng.
2) Hai là Mặc Trì nghĩa là niệm thầm không ra tiếng.
3) Ba là Bán Minh Bán Mặc Trì nghĩa là chỉ khẽ động môi lưỡi để niệm. Cách này được những người tụng chú gọi là Kim Cang Trì.

Lại còn có cách niệm ghi số hoặc niệm chẳng ghi số, tùy ý dùng cách nào cũng được!
Cách trì niệm nào cũng chia ra làm Sự và Lý: Ức niệm chẳng gián đoạn thì gọi là Sự Trì; thể cứu đến cùng tột chẳng hề gián đoạn thì gọi là Lý Trì.

“Ức niệm” là nghe nói đến danh hiệu Phật bèn luôn nhớ tới, luôn nghĩ tới, tâm duyên theo từng chữ rõ ràng; câu trước, câu sau liên tiếp chẳng gián đoạn. Ði, đứng, nằm, ngồi, chỉ có mỗi một niệm này, không có niệm thứ hai; chẳng bị tạp loạn bởi các niệm tham, sân, si phiền não, đúng như kinh Thành Cụ Quang Minh Ðịnh Ý dạy: “Nhất tâm nơi vắng vẻ, tịch mịch; nhất tâm giữa các phiền não; cho đến giữa những cảnh khen, chê, lợi, tổn, thiện, ác v.v… đều nhất tâm”. Do mặt Sự đã đạt, nhưng chưa thấu triệt mặt Lý, chỉ đạt được Tín lực, chưa thấy Ðạo, nên gọi là Sự Nhất Tâm.

“Thể cứu” là nghe danh hiệu Phật thì không những chỉ ức niệm, mà còn trở lại quán sát ngay cái niệm ấy, suy lường, thẩm định tìm tòi đến tận cùng cội rễ. Thể cứu đến cùng tột, sẽ đột nhiên khế hợp bổn tâm. Trong đây lại gồm có hai loại:

a. Một là Như Trí Bất Nhị:

- Ngoài cái tâm năng niệm chẳng hề có đức Phật để mình niệm. Ðấy là ngoài Trí chẳng có Như.

- Ngoài đức Phật được niệm, chẳng hề có cái tâm năng niệm để niệm Phật. Ðó là ngoài Như không có Trí, nên chỉ có nhất tâm. n

b. Hai là Tịch Chiếu Nan Tư:

Nếu bảo là Có thì bản thể của cái tâm năng niệm tự nó là Không, trọn chẳng thể có được đức Phật được niệm. Nếu bảo là Không thì cái tâm năng niệm vằng vặc chẳng mờ mịt, đức Phật được niệm rành rành phân minh. Nếu bảo là “chẳng có chẳng không” thì cả hữu niệm lẫn vô niệm đều mất. Nếu bảo là “chẳng phải có chẳng phải không” thì hữu niệm lẫn vô niệm cùng tồn tại.

“Chẳng phải có” là thường tịch; chẳng phải không là thường chiếu. “Chẳng có chẳng không” và “chẳng phải có chẳng phải không” là chẳng tịch, chẳng chiếu, nhưng vừa chiếu, vừa tịch. Không cách gì để diễn tả, suy lường được, chẳng thể gọi tên được, nên chỉ có Nhất Tâm. Ðó chính là Năng lẫn Sở đều tiêu, kiến giải Hữu lẫn Vô cùng mất. Thể vốn sẵn thanh tịnh thì còn có pháp gì tạp loạn được nó. Do vì thấy đúng đắn như thế, nên gọi là Lý Nhất Tâm. Ấy là vì Sự nương theo Lý mà khởi, Lý được tỏ bày bởi Sự; Sự và Lý hỗ trợ nhau, chẳng thể phế bỏ một bên nào. Dẫu chấp Sự nhưng niệm đến mức liên tục thì vẫn chẳng mất phần dự vào các phẩm vị; còn nếu chấp Lý nhưng tâm chưa minh thật sự, sẽ biến thành nỗi họa lạc vào Không kiến.

* Niệm Phật to tiếng dễ mất sức, niệm thầm dễ bị hôn trầm. Chỉ cốt niệm miên miên mật mật, tiếng niệm đọng nơi răng, môi, tức là Kim Cang trì. Nhưng lại chẳng nên chấp chặt. Nếu biết mình đã mệt thì niệm thầm cũng chẳng trở ngại gì. Nếu biết mình hôn trầm thì chẳng ngại gì niệm lớn tiếng.
Hiện tại, người niệm Phật chỉ là liên tay khua mõ, miệng ong óng gào theo, cho nên chẳng được lợi ích gì. Cần phải niệm sao cho từng câu thoát ra khỏi miệng vọng vào tai, từng tiếng đánh thức tự tâm, ví như người đang ngủ mê mệt, có ai lớn tiếng gọi tên thì kẻ đó sẽ thức giấc. Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong việc niệm Phật là nhiếp tâm.

* Tạp niệm là bệnh, Niệm Phật là thuốc. Niệm Phật chính là để trị tạp niệm; nếu chẳng trị nổi tạp niệm là do niệm Phật chẳng tha thiết. Lúc tạp niệm khởi lên liền dốc sức ra công; mỗi chữ, mỗi câu tinh nhất chẳng xen tạp thì tạp niệm tự dứt.

* Trong mỗi niệm luôn niệm Phật, chẳng có tạp niệm, thì gọi là Nhất Tâm. Nhất tâm niệm Phật mà còn nhất tâm tu các pháp môn khác thì là Nhị Tâm! Không tạp niệm mới chỉ là Sự Nhất Tâm mà nay mình còn làm chưa được, huống hồ Lý Nhất Tâm? Vì vậy, niệm Phật phải bền chí, đừng để nhị tâm, đừng vì lẽ tam-muội khó thành bèn vội đổi sang tu các hạnh khác!

* Kẻ hậu sinh sơ học vừa mới lấy câu niệm Phật đặt trong tâm thì vọng tưởng và suy nghĩ đã nổi lên tơi bời, đè lấp cái Giác bèn cho rằng công phu niệm Phật chẳng thể nhiếp tâm, chẳng hề biết ta làm sao có thể đoạn ngay nguyên do sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay cho được?

Ngay trong lúc vạn niệm vần vũ, chính là lúc để ra sức công phu, [mặc cho] định tâm, tán tâm nhoang nhoáng. Lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm chẳng khởi. Các ông coi những vọng niệm chính mình có thể nhận biết là nặng, cho nên lơ là câu niệm Phật này; còn như lúc chẳng niệm Phật, vọng niệm bồng bột tơi bời chẳng ngưng nghỉ trong một sát-na nào hết thì các ông làm sao biết được?

No comments:

Post a Comment