Trút bỏ gánh nặng!!!!
Khi thái tử Sĩ Đạt Ta từ bỏ cung vàng điện ngọc và gia đình để dấn thân trên con đường cát bụi, làm Sa-môn không có tài sản vật chất thì kinh nói rằng Ngài đã bỏ được gánh nặng thế gian, đi trên con đường xuất thế, sau gọi là bỏ nhà thế tục, ra khỏi ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nhưng theo tinh thần Đại thừa, hiểu xa hơn, Phật từ bỏ thế gian để làm vị Sa-môn có ý nghĩa cao hơn; vì Ngài từ bỏ gánh nặng không cần thiết để tìm giải thoát cho tất cả mọi người, nghĩa là bỏ cái nhỏ để gánh cái nặng hơn cả là cứu độ muôn loài. Với Phật huệ, Ngài thấy việc tranh giành sát hại lẫn nhau dẫn đến sự hoại diệt là con đường sai lầm của ác ma, phải dứt bỏ.Tại sao con người phải giết hại nhau, làm khổ nhau, cho nên Phật dạy chúng ta phải từ bỏ gánh nặng của trần gian là lừa dối, lợi dụng, chém giết lẫn nhau, bấy giờ trí tuệ chúng ta sanh, mới thấy điều đúng. Bỏ điều không đáng làm, làm việc đáng làm, bỏ người không nên thân cận để gần người đáng thân cận. Phật bỏ việc ác để làm việc lành, không phải bỏ tất cả để trở thành người ăn hại vô ích.
Thầy có quen một người cư sĩ bỏ kinh doanh và đưa vợ con lên núi, cả nhà cùng cạo đầu tu. Thầy hỏi anh này từ bỏ gánh nặng để tìm giải thoát, nhưng có được giải thoát hay không mới là điều quan trọng. Ra núi, vợ anh phải làm rẫy, con phải bỏ học, cả nhà sống hẩm hiu, nên cảm thấy đau khổ; như vậy là từ bỏ việc đau khổ để nhận cái đau khổ hơn. Con đường Đại thừa Bồ-tát đạo là cứu nhân độ thế, cho nên Phật giáo Nhật khẳng định rằng đạo Phật đào tạo người cứu đời, không phải chán đời đi tu.
Theo Phật, hành giả đi tu vì có nguyện độ đời, nên kinh Đại thừa có biểu tượng đẹp là chư vị Bồ-tát, điển hình như Bồ-tát Quan Âm triển khai ba mươi hai loại hình, vì cần độ đời dưới hình thức nào thì ngài xuất hiện dạng hình đó. Thực tế có Ỷ Lan, nếu bà cạo tóc vô chùa tu thì không đóng góp được nhiều lợi ích bằng làm thứ phi có thể thay vua Lý Thánh Tông nhiếp chánh và khi lên làm thái hậu, bà đã giúp vua trị nước một cách tốt đẹp đến mức được dân chúng tôn trọng là Phật Bà Quan Âm. Vì vậy, không nhứt thiết phải làm thầy tu. Riêng tôi làm thầy tu được việc thì nên đóng vai thầy tu. Còn nếu chúng ta qua nước Hồi giáo mà đóng vai thầy tu Phật giáo thì họ rất ghét. Đóng vai thầy tu Phật giáo mà để bị sát hại thì không nên. Khi Pôn Pốt giết tất cả tu sĩ Phật giáo, Hòa thượng Um Sum là vị Pháp sư nổi tiếng ở Campuchia đã giấu y bát, mặc đồ nông dân, đóng vai người lao động mới sống được. Xa hơn, người Phật tử đóng vai vua để xây dựng xã hội tốt đẹp như Đức vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Vì vậy, tầm nhìn của Phật giáo Đại thừa rộng, không chấp chặt vào hình thức nào. Làm Sa-môn xả thế tục cũng trút bỏ được gánh nặng, hoặc ra đời làm tất cả mọi việc lợi ích mà không khổ đau là cũng bỏ được gánh nặng cố chấp. Nặng nhất là gánh nặng tham chấp, bực tức, sân hận, si mê. Bỏ ba gánh nặng này xuống thì đóng vai nào cũng giải thoát, nghĩa là bỏ gánh nặng thế tục. Người tham vọng xa rời thực tế, ham muốn quá nhiều thì khổ vô cùng dù tại gia hay xuất gia. Nếu có trí tuệ, trở lại thực tế cuộc sống, Phật dạy trí tuệ quan trọng nhất, theo kinh Pháp hoa, trong sáu pháp ba-la-mật, nếu tu năm pháp đầu mà không có trí tuệ là sai lầm lớn.
Tuy nhiên, khi chưa có trí tuệ, Phật khuyên chúng ta nên làm quyến thuộc của Bồ-tát, vì Bồ-tát có trí tuệ chỉ đạo, làm việc lợi ích. Có đạo hữu thưa rằng không đi cứu trợ nữa, chẳng những không đi, còn khuyên người khác không đi. Tôi nói đạo hữu này bị đọa, vì đánh mất tâm đại bi. Tôi làm từ thiện, còn khuyên người đi làm từ thiện và gởi tiền cho người đi giùm, nhưng phải tìm chỗ đáng cho, gởi người đáng giúp; vì cho không đúng chỗ, gởi không đúng người, sẽ sanh phiền não, thiếu trí tuệ phạm nhiều sai lầm dễ bất mãn. Vì vậy, chúng ta phải thân cận người trí, tức các vị Bồ-tát. Bồ-tát làm có kết quả tốt, chúng ta làm theo cũng được hưởng kết quả tốt. Người theo ta để bố thí đúng pháp, đúng đối tượng, họ sẽ phát triển và trở thành Bồ-đề quyến thuộc của ta, nên càng bố thí, trí tuệ càng tăng và phước đức càng lớn. Trí tuệ là gốc, chưa có trí tuệ, chúng ta phải nương vào Bồ-tát có trí tuệ để phát triển phước đức trí tuệ của ta được thì lúc ấy ta mới tự làm; nghĩa là chứng được Bồ-đề và dùng Bồ-đề chỉ đạo.
Tôi sanh vào thời kỳ khó khăn, nhưng nhờ có Phật chỉ đạo và nương các Hòa thượng lớn, nên tôi làm được nhiều việc và nhờ tôi đã bỏ gánh nặng tham lam, ích kỷ, buồn phiền, si mê, tôi có tâm hồn thanh thản và tầm nhìn sáng, mới thành công trên bước đường hành Bồ-tát đạo. Chúng ta bỏ gánh nặng trần gian là tham lam, bực tức, si mê, ngã mạn, hay tất cả tánh xấu làm ngăn cách ta và người, ta và Phật, trong đạo gọi là bỏ ngũ uẩn. Nhưng nhiều người hiểu sai lầm ý nghĩa của xả ngũ uẩn bằng cách bỏ tất cả sự hiểu biết, bỏ cả động cơ tốt đẹp của nội tâm là hành uẩn và bỏ luôn tưởng uẩn, cuối cùng chỉ còn thân tồn tại là sắc uẩn, nhưng không làm lợi ích cho ai, thậm chí trở thành gánh nặng của xã hội. Như vậy, bỏ gánh nặng để tu, nhưng lại trở thành gánh nặng cho người khác.
Bỏ gánh nặng thực theo Phật pháp thì ta không là gánh nặng của chính mình, cũng không là gánh nặng của người khác. Thật vậy, Bồ-tát xuất hiện trên cuộc đời hay từ giã cuộc đời cũng vì mọi người. Điển hình như ngài Diệu Âm xuất hiện ở Kỳ Xà Quật là tám mươi bốn ngàn hoa sen hiện ra, nghĩa là việc tốt nào Bồ-tát cũng làm được, không phải không làm gì để trở thành gánh nặng của xã hội.
Theo chân Bồ-tát, ta sống thì phải làm được những việc nên làm và làm xong, ta từ giã cuộc đời, ra đi nhẹ nhàng. Lúc làm, ta không chấp và lúc ra đi, cũng không chấp. Còn làm việc mà kẹt công việc cũng khổ và ra đi tiếc nuối cũng khổ. Phật dạy chúng ta trút gánh nặng này xuống thì ta đang làm việc không khổ sở, vì có trí tuệ thấy việc đáng làm, thấy người nên tiếp xúc, nên hiệu quả cao mà ta không bận tâm. Người làm đúng việc, đúng chỗ, họ rất nhẹ nhàng mà thành công lớn, cao nhất là Chuyển luân Thánh vương. Thật vậy, Chuyển luân Thánh vương đã xả được ngũ uẩn, không còn buồn phiền đau khổ, nhưng việc của ngài lớn nhất trần gian, vì phước đức trí tuệ lớn. Chuyển luân Thánh vương thông minh không ai hơn, mọi người phải công nhận kính nể là lãnh đạo. Tất cả mọi nơi đâu vào đó, ai cũng làm đúng việc, nên xã hội của Chuyển luân Thánh vương thăng hoa. Chuyển luân Thánh vương cũng lấy trí tuệ làm chính, nhưng ông không khổ, vì mọi người tôn ông lên. Còn người tham vọng muốn làm giám đốc dùng thủ đoạn, mà thủ đoạn thì gặp thủ đoạn. Ngoài đời, người này triệt tiêu người kia, người đứng sau dẹp người đứng trước để lên, nên lúc nào cũng đấu tranh cũng khổ. Và được địa vị rồi, cũng muốn ngồi đó mãi, sợ người sau đẩy đi, nên ráng giữ thì phải khổ và nếu mất địa vị lại càng khổ hơn.
Theo Phật, Bồ-tát, chúng ta làm việc vì cuộc đời, vì xã hội, vì mọi người, nhưng người không cần ta thì sẵn sàng nghỉ, nên không có gánh nặng. Người cần thì ta làm, gánh nặng cũng không có. Làm hay nghỉ cũng không có gánh nặng. Người không muốn ta làm mà ta cố làm, thì phải đối phó là có gánh nặng, thành hay bại cũng khổ. Vì vậy, biết bỏ được sự cố chấp thì hết khổ, cố gắng giữ phải khổ.
Có Phật tử thưa rằng xưa kia chị ta còn trẻ đẹp giàu có nuôi một sinh viên nghèo, sau thành đạt nên vợ chồng và có con thì anh này lại tính chuyện khác làm chị ta khổ. Chị này rất bình thường, sống trong gia đình cũng có gánh nặng, không phải người làm lớn mới có gánh nặng. Chị này nhà giàu phát xuất lòng tham bao phủ bằng tình thương là thương sinh viên nghèo. Nếu thiệt thương thì khác, chị này thương có dụng ý là giúp anh này để sau lợi dụng anh. Lúc thầy học ở Nhật, có một thương gia Việt Nam sang Nhật giúp đỡ những sinh viên nào bị chính quyền Sài Gòn cúp viện trợ thì anh nhà giàu này nuôi. Thầy nói anh tốt bụng, nhưng anh nói thật là anh có chín người con gái, anh giúp họ học thành tài để sau này về phục vụ gia đình anh. Như vậy, người này có lòng tham ích kỷ, giúp đỡ để họ lệ thuộc, không phải thương thiệt để giúp người trở thành có ích cho xã hội. Cái gì phát xuất từ lòng tham là có gánh nặng, có cái giá phải trả cũng đắt. Anh này nuôi sinh viên, nhưng sau anh về Việt Nam, sự nghiệp tan nát và các sinh viên mà anh giúp cũng không về Việt Nam.
Phật khuyên chúng ta có trí tuệ thì thấy việc đáng làm, người đáng cứu sẽ tạo được quyến thuộc Bồ-đề, sau này chúng ta sẽ làm được việc tốt hơn, nhưng không có gánh nặng. Và tốt nhất là làm được Phật thì có Bồ-tát trợ lực và Thanh văn có trí tuệ theo cùng, nên thành tựu những việc lợi ích nhất.
Tôi khuyên các Phật tử sống theo Phật dạy là trút bỏ gánh nặng tham lam, sân hận, si mê thì đời sống dù nghèo hay giàu cũng đều được hạnh phúc.
HT. Thích Trí Quảng
No comments:
Post a Comment