Monday, June 10, 2013

VÌ SAO LÙI BƯỚC CHÍNH LÀ ĐANG TIẾN LÊN ?

VÌ SAO LÙI BƯỚC CHÍNH LÀ ĐANG TIẾN LÊN ?

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Thiền sư Vô Đức đã từng nói: “Làm người xử sự với nhau và đạo lý tham thiền tu đạo cũng giống như vậy, chuẩn bị lùi một bước về sau thì khả năng tấn công về trước càng xa. Sau khi phản tỉnh, khiêm nhường thì năng lực vươn lên càng cao”.

Quý vị thấy một người mà luôn bị nghịch cảnh, nghịch duyên khốn cùng trong cuộc đời thì chính người đó lại tu được, còn chúng ta thuận duyên nhiều quá, làm cái gì cũng thành công thì dễ sanh tâm kiêu mạn.

Những người bị nghịch duyên nhiều thường có đức tính khiêm nhường, biết rằng nghiệp xấu của mình còn nhiều, phải ráng tu tập thêm nữa thì họ tu được. Còn những người được thầy thương, bạn mến, cái gì cũng đủ thì coi chừng khó tu.

Tại sao người lùi về thì làm sao tiến về phía trước được ?

Chúng ta hãy hình dung:

Tay cầm mạ non cấy xuống ruộng
Cúi đầu nhìn thấy trời trong nước
Thân tâm thanh tịnh mới là đạo
Lùi bước chính là đang tiến lên

Lúc cấy mạ là tiến lên hay lùi xuống? Lùi một thời gian thì có cả đám ruộng.

Lục Tổ dạy: “Trong tâm khiêm hạ gọi là công, bên ngoài hành lễ phép gọi là đức…. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công. Tự tánh hư vọng không thực tức là tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả”.

Có những người đủ điều kiện ăn học tốt, bằng cấp cao, giàu có thì thường sanh tâm ngã mạn nhiều. Đó cũng là một trong bát nạn, là thế trí biện thông.

Một khi bước vào đạo thì phải gác bỏ lại hết bên ngoài, nếu không thì chỉ có phước hữu lậu chứ không có công đức. Thấy mình làm được việc này, việc nọ nên khởi tâm cống cao, ngã mạn, uổng một kiếp người hành đạo. Cho nên chúng ta phải cẩn thận điều này.

“Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh”: chúng ta phải trên kính dưới nhường. Nếu trên kính nhưng dưới lại coi thường thì đức của mình bị giảm, vì người nào cũng có đức tính của Phật.

( Trích bài giảng của Đại Đức Thích Đạt Ma Khế Định- Trụ Trì Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện- tỉnh Bình Thuận )

No comments:

Post a Comment