Chân Kinh Vô Tự
Trong phẩm thứ nhất Niệm Phật của Đại Tạng Kinh có nói: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Người không thông đạt các pháp đều là vì lời nói che phủ. Do vậy Như Lai biết ngôn ngữ là tà vạy. Dù ngay cả có chút ít ngôn ngữ, người nầy cũng không đạt được sự chân thật.” Đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất: “Phàm kẻ không thể hiểu rõ tất cả pháp là đều bị ngôn ngữ che đậy.” Vì sao? Bởi vì họ chưa có “không” về pháp chấp. Bởi nguyên nhân nầy, cho nên Phật biết tất cả ngôn ngữ đều không đúng, đều sai lầm. Hễ có ngôn ngữ là có chỗ che đậy, có che đậy là có chướng ngại cho trí huệ vốn có của chúng sanh. Cho đến ngay cả một câu nói hoặc một chữ, cũng đều là không chân thật. Vì sao? Bởi vì phàm nói ra dù một chữ là chúng ta vẫn còn có chỗ chấp. Cho nên nói “Nhất pháp bất lập,” đó tức là một chữ cũng không có vậy.
Người biết đọc kinh, chẳng những họ biết đọc kinh có chữ mà cũng biết đọc cả kinh không chữ nữa. Nếu như biết đọc kinh không chữ, thì đó mới thật là người chân chánh hiểu rõ Phật Pháp. Quý vị có thể đọc kinh có chữ và cứ niệm đi niệm lại, thì đó là người vô sự tìm việc để làm thôi. Nếu quý vị biết đọc chân kinh vô tự (không chữ), thì đó là quý vị đã có phương pháp rồi. Nhưng nếu phải đọc “chân kinh vô tự” thì quý vị có đọc được không? Như quả quý vị không biết đọc chân kinh vô tự, thì trước là hãy đọc kinh có chữ, rồi sau đó mới có thể hiểu rõ được kinh không chữ. Chờ đến lúc đã hiểu rõ kinh không chữ rồi, quý vị sẽ không cần đọc kinh có chữ. Cho nên nói: “Biết thì không khó, khó thì không biết.” Học Phật Pháp cũng giống như thế thôi!
Rốt cuộc thì kinh vô tự là gì? Tức là “một niệm không sanh.” Quý vị mà có thể một niệm không sanh thì tự nhiên sẽ trở về với không tịch. Tất cả Phật Pháp là như thế và cũng không có gì khác hơn! Nếu như quý vị không thể “nhất niệm bất sanh” thì quý vị hãy còn phải làm nhiều công đức, vun bồi nhiều căn lành Bồ đề và tu nhiều Bồ đề đạo. Chờ khi quý vị được lục độ viên mãn, muôn hạnh đều đầy đủ, đến lúc đó tự nhiên quý vị sẽ “nhất niệm bất sanh và không tịch hiện tiền.”
Vì sao nói Phật không có thuyết Pháp? Trong kinh là nói như thế, luận sớ cũng nói như thế. Vậy rốt cuộc thì Phật có thuyết Pháp hay không? Nếu nói là Phật không thuyết Pháp, vậy thì kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta đang giảng đây là từ đâu ra? Nếu như nói Phật có thuyết Pháp, thì tại sao Phật không tự thừa nhận là Ngài đã từng thuyết Pháp? Nếu nói Phật đã thuyết Pháp, thế là phỉ báng Phật. Nhưng hễ quý vị rời xa kinh điển dù chỉ một chữ, tức là ma nói. Như thế thì làm sao giảng Pháp đây?
Vì sao Phật không thừa nhận Ngài đã nói Pháp? Bởi phàm có lời nói là làm ngăn trở nghĩa chân thật. Chân Pháp thì không có người nào có thể nói ra được. Những Pháp mà Phật đã nói đều là Pháp phương tiện cả. Tuy là tạm khai quyền để hiển bày cái thật, nhưng cái thật nầy, nếu hiển bày ra được tức không phải là thật rồi!
No comments:
Post a Comment