Saturday, June 15, 2013

Phật giảng về thần thông

Phật giảng về thần thông

THẦN THÔNG CỦA PHẬT


(Theo Kinh Kevaddha, Trường bộ kinh II)


Một hôm, một cư sĩ đến yết kiến Phật và đề nghị- một chương trình thu hút tín đồ về cho Phật giáo, một chương trình thật hấp dẫn mà ngày nay chúng ta nghe cũng phải ham. Đó là, hãy để cho một vị tỷ kheo đệ tử của Phật biểu diễn các phép lạ giữa công chúng như đi trên nước, bay giữa hư không, độn thổ, v.v.. mọi người thấy vậy tất sẽ theo Phật rất đông. Sau ba lần tác bạch Đức Thế Tôn vẫn im lặng, cư sĩ nhấn mạnh:

- Bạch Thế Tôn, con không dám phiền đến Ngài đâu, chỉ xin ngài ra lệnh cho một vị tỷ kheo biểu diễn thôi. Ngài khỏi phải nhọc nhằn gì cả, mà pháp của Ngài nhờ đó được hưng thịnh.
Khi ấy đức Thế Tôn hỏi lại cư sĩ:

- Này cư sĩ, sau khi trông thấy những phép lạ như vậy, một số người có thể tin nhưng một số người khác bảo rằng: “Nào có gì lạ, có một thứ bùa chú có công hiệu như vậy.” Trường hợp sau có thể xảy ra không?

- Bạch Thế Tôn, có thể.

- Do vậy, thật vô ích để làm những cuộc biểu diễn ấy.
Rồi đức Phật phân tích có ba loại thần thông là:

1. Biến hóa thần thông, tức biểu diễn các phép lạ như trên.
2. Tha tâm thần thông là nói được tâm niệm của người khác.
3. Giáo hóa thần thông

Về biến hóa và tha tâm thần thông, đức Phật thấy nguy hại và vô ích, và Ngài chỉ chấp nhận loại thần thông thứ ba, tức giáo hóa thần thông, đưa con người từ mê đến giác ngộ, từ đau khổ đến an lạc, từ sinh tử đến Niết bàn.

Nhân đấy đức Thế Tôn kể cho cư sĩ nghe một câu chuyện về thần thông. Qua câu chuyện này, ta thấy óc hài hước của Phật thật sâu sắc, thâm trầm. Một vị tỷ kheo muốn biết thân tứ đại này sau khi tan rã rồi sẽ về đâu. Ông ta nhập định, bay lên cõi trời Tứ thiên vương để hỏi. Tứ thiên vương không đáp được, giới thiệu ông ta lên trời Tam thập tam thiên. Ông trời này cũng đành chịu, khuyên vị tỷ kheo hãy lên hỏi Đế Thích. Đế thích cũng bí, chỉ qua trời Dạ Ma, vị trời Dạ Ma bảo lên vị trời Đâu Suất, vị này lại chỉ lên cõi Hóa Lạc, rồi đến Tha Hóa Tự Tại... cuối cùng vị tỷ kheo được chỉ lên Trời cao nhất là Đại Phạm Thiên Vương. Hỏi Đại Phạm Thiên Vương ở đâu, vị tỷ kheo được trả lời một cách mập mờ như sau:

- Chúng tôi không biết Phạm thiên ở đâu, vì sao có Phạm thiên và Phạm thiên từ đâu đến. Nhưng này vị tỷ kheo, khi nào có triệu tướng ánh sáng xanh, hào quang hiện, thì đó là Phạm Thiên xuất hiện. Từ trước là như vậy.

Không lâu, bỗng có các triệu tướng ấy, và Phạm Thiên xuất hiện giữa chúng hội chư tiên. Vị tỷ kheo tóm ngay cơ hội ấy và hỏi điều mình thắc mắc, là bốn đại chủng (thân tứ đại) sau khi chết sẽ đi về đâu? Vị Phạm thiên nói:

- Này tỷ kheo, ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, chúa tể mọi sinh mạng. Ta là đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh- đã sanh và sẽ sanh.
Vị tỷ kheo bảo:

- Thưa hiền giả, tôi không hỏi Ngài có phải là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ... hay không, tôi hỏi: Bốn đại chủng (địa, thủy, hỏa, phong) đi đâu, sau khi chết?

Lần thứ hai, lần thứ ba, vị Đại Phạm thiên vẫn nhắc lại với vị tỷ kheo như trên, và vị tỷ kheo cũng nhấn mạnh: “Tôi không hỏi Ngài có phải là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ... hay không. Tôi hỏi: Bốn đại chủng (địa, thủy, hỏa, phong) đi đâu, sau khi chết?”

Khi ấy, túng thế vị Đại Phạm thiên phải kéo tay vị tỷ kheo ra ngoài hành lang, bảo nhỏ:

- Này vị tỷ kheo, tất cả chư thiên ở trong chúng hội loài trời đều cho rằng không có gì Phạm thiên không thấy, không hiểu, không chứng. Bởi vậy, trước mặt họ, tôi không thể trả lời với người rằng tôi không biết. Người hãy trở về hỏi đức Thế Tôn. Thật là một sự sai lầm trọng đại của người khi người đã bỏ qua đức Thế Tôn!

Sau khi sử dụng thần thông để bay lên cõi trời Đại Phạm, vị tỷ kheo cũng không giải quyết được thắc mắc của mình và tuân lời chỉ dẫn của Đại Phạm thiên, ông ta đến trước đức Phật đặt lại câu hỏi như trên. Phật dạy:

- Này tỷ kheo, cũng như con chim của các thương thuyền thả ra bay đi bốn hướng tìm không thấy bờ, nên lại bay trở về thuyền, ngươi đã tìm cho đến Phạm thiên giới mà không gặp được giải đáp cho câu hỏi nên nay trở về với Ta. Này tỷ kheo, ngươi không nên đặt câu hỏi: “Bốn đại chủng đi đâu sau khi tan rã”, mà phải hỏi thế này: “Chỗ nào mà địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại dài ngắn, thô tế, tịnh bất tịnh... không chân đứng?”
Nói khác đi không nên hỏi: “Thân tứ đại chết rồi đi về đâu” mà chỉ nên hỏi: “Làm sao để khỏi mang thân tứ đại này”, nghĩa là để chấm dứt khổ.

Qua câu chuyện trên, ta thấy rõ thái độ của Phật đối với các phép lạ, “biến hóa thần thông” như sau:

1. Đó không phải là phương tiện tốt để giáo hóa, chỉ làm mê hoặc con người thay vì đem lại đức tin chân chính cho họ. Hơn nữa, một số người có thể dèm pha rằng, chỉ cần uống một loại thuốc nào đó, L.S.D. chẳng hạn, cũng có thể có những ảo giác thần tiên, cần gì phải nhọc công tu tập để chứng thần thông, thấy được các cõi trời và những chuyện quái dị?

2. Nó không giải quyết được vấn đề sinh tử, chấm dứt khổ đau, như ví dụ vị tỷ kheo nhập thiền có thể bay đến cõi trời cao tột, mà vẫn mù tịt về số phận tấm thân tứ đại này.

3. Cuối cùng, biến hóa thần thông chẳng những vô ích mà còn nguy hại khi con người còn tham dục, ô nhiễm. Ta nhớ câu chyện Devadatta vào tu chỉ muốn luyện các ngón thần thông để khoa trương, và về sau quả nhiên trở thành một nghịch tử trong tăng đoàn của Phật.

Khoa học ngày nay cũng có thể gọi là một thứ biến hóa thần thông. đức Phật đã thống trách sự lạm dụng thần thông, phải chăng qua đó, Ngài đã thấy trước sự nguy hại của khoa học, khi tâm hồn con người càng ngày càng lụn bại? Khoa học có thể đạt đến một trình độ rất cao đến nỗi có thể làm nóng mặt trăng và làm nguội mặt trời (kinh Di Giáo): biến hóa thần thông có thể lên đến cao điểm, nhưng nỗi
khổ nhân loại vẫn không giảm mà còn tăng trầm trọng.
Khoa học, biến hóa thần thông tỏ ra bất lực trước nỗi khổ con người. Chỉ còn một loại thần thông duy nhất có thể cứu vãn được, loại thần thông mà ngày xưa đức Thế Tôn đã ca tụng, ấy là Pháp và Luật của chư Phật muôn đời. Ai sống và hành trì theo Pháp, Luật ấy, thì Pháp và Luật trở thành một phép lạ (Diệu Pháp) biến cải bản thân người đó từ khổ đau đến an lạc, từ vô minh đến giác ngộ, từ sinh tử đến Niết bàn. Gọi là Phép Lạ, bởi vì giáo lý không được sống theo, không được hành trì, thì không có tác dụng, không “lạ” gì cả, nhưng khi một người tu tập đúng theo giáo lý ấy thì riêng người ấy được giải thoát một cách nhiệm mầu (nên còn gọi tên là “Biệt giải thoát”, chỉ cho giới luật của Phật chế). Gọi là Phép Lạ, vì khi hành trì đúng Pháp của Phật, hành giả có thể được cái trạng thái “lửa đốt không cháy, nước cuốn không trôi”, an nhiên tự tại giữa cảnh đời hỗn loạn đau khổ, ở trong chỗ trói buộc mà vẫn tìm được giải thoát. Như kinh Niết Bàn dạy, sen mọc trong nước không đủ lấy làm lạ, sen mọc trong lửa mới là kỳ quan.

Biến hóa thần thông có thể lòe được thiên hạ, nhưng không thể lòe được chính mình (Tỷ như khi ta đã học được một xảo thuật nào đó, thì ta thấy nó chỉ là trò dễ ợt, trong khi kẻ khác rất thán phục chỉ vì họ chưa biết). Biến hóa thần thông bày ra những sự việc trước mắt cho mọi người thấy để thán phục, đó là đầu mối và cùng đích của tham vọng. Giáo hóa thần thông trái lại chỉ tự mình nghiệm biết trong tâm sự đổi thay căn để, cách mạng toàn triệt nhưng âm thầm, vô tướng, không thể biểu diễn như biểu diễn trò ảo thuật được! Loại thần thông giáo hóa này khó hơn gấp bội chính vì nó không có tướng như các thần thông và kỹ thuật khác! Tưởng tượng một người học một nghề hay một nghệ thuật nào đó, chỉ cần sau một thời gian là có thể biểu diễn những kỹ xảo của mình. Nhưng một người tu theo Pháp của Phật- mặc dù nỗ lực gấp ngàn lần học những chuyện khác- thì không có cách gì để “biểu diễn” cái “tu” của mình ra cả! Mà có biểu diễn ra thì thành lố bịch hết sức, trong luật gọi là “giả trang thiền tướng”- có tướng ra đều thành giả, không phải thứ thiệt (Kinh Lăng Nghiêm cũng dạy: “Nhược tác thánh giả tức thọ quần tà” – Tự cho mình là thánh thì chính cống đã thành ma). Giáo hóa thần thông như vậy, cần một sự khiêm hạ tột bực, không mong thành đạt một cái gì, không nôn nóng đến một chỗ nào hay chứng đắc một quả vị nào. Còn ham muốn là còn ngã chấp, đầu mối của đau khổ, và như vậy là rớt mất “thần thông”.

Biến hóa thần thông là mục tiêu của người còn tham vọng trong vòng sinh tử. Giáo hóa thần thông vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của người đã thoát ly sanh tử- tự mình giải thoát và đem chánh pháp giáo hóa chúng sinh ra khỏi khổ, chứng Niết bàn tịch tịnh: đó chính là phương tiện thiện xảo của đấng Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.
http://gianhangvn.com/tranghatbode

No comments:

Post a Comment