PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP.
***************************
Tại sao Bồ tát Địa Tạng tay mặt cầm tích trượng và tay trái nắm hạt minh châu?
Hỏi:
Kính bạch thầy, mỗi khi lạy Bồ tát Địa Tạng, nhìn thấy Ngài tay mặt cầm
tích trượng còn tay trái thì nắm hạt minh châu, con không hiểu ý nghĩa
nầy như thế nào? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.
Đáp:
Tích trượng là một trong những pháp khí do Phật chế ra. Thời xưa, Phật
và các Thánh chúng đi khất thực thường vai mang bát và tay cầm tích
trượng. Công dụng của tích trượng là để dẹp trừ những chướng ngại vật
làm trở ngại bước chân của các Ngài đi. Như rắn rết v.v…
Còn
trên đầu tích trượng sở dĩ có 12 khoen, đó là biểu trưng cho 12 nhân
duyên. Đức Phật do giác ngộ 12 nhân duyên mà được thành tựu đạo quả. Từ
đó, Ngài đem 12 nhân duyên để giáo hóa chúng sanh, vì Ngài muốn mọi
người đều được giác ngộ đạo lý như Ngài. Vì thế, tay mặt của Bồ tát Địa
Tạng cầm cây tích trượng trên đầu có 12 khoen là nói lên ý nghĩa tiêu
biểu đó. Còn tay trái Ngài nắm hạt minh châu là tượng trưng cho trí huệ.
Vì muốn phá vô minh, cần phải có trí huệ. Một khi có trí huệ chiếu sáng
thì vô minh không còn. Đầu mối của 12 nhân duyên là vô minh. Nên 12
khoen là tượng trưng cho vô minh. Hạt minh châu là tượng trưng cho trí
huệ. Khi trí huệ bừng sáng như hạt minh châu chiếu sáng, thì bóng tối vô
minh không còn. Ngang đó, sẽ được giải thoát sanh tử chấm dứt mọi khổ
đau ràng buộc. Bởi thế, nên hình ảnh của Bồ tát Địa Tạng là biểu trưng
người xuất gia, khác hơn các vị Bồ tát khác tượng trưng một người cư sĩ
tại gia. Tất cả đó là nói lên ý nầy.
Tỳ Kheo Thích Phước Thái.
No comments:
Post a Comment