Sunday, June 16, 2013

Tại sao chúng ta hay nổi giận?

Tại sao chúng ta hay nổi giận?

******************
Sau khi đã thấy rõ những tai hại của sân hận, chúng ta muôn chấm dứt nó, nhưng muốn làm vậy, trước hết chúng ta phải truy cho ra nguồn gốc của sân hận. Thông thường chúng ta nổi giận khi cảm thấy chính bản thân chúng ta hay là người thân của chúng ta bị đối xử bất công. Và bởi vì chúng ta quan tâm đến những người thân của mình, chúng ta không chịu nổi sự bất công đó, và cơn giận khởi lên từ ý muốn bảo vệ người thân và bảo vệ chính mình. Cho nên có thể thấy rằng quan tâm đến người khác tuy là một đức tính tốt, nhưng nếu không biết hướng nó đúng cách cũng có thể dẫn đến những phản ứng không lành mạnh. Sân hận thường là hậu quả của việc bị tổn thương tình cảm, bị đe doạ, hay thất vọng. Chúng ta nổi giận khi chúng ta cảm thấy bị từ chối, khinh thường, bất lực và tổn thương. Và do đó chúng ta có một khát khao muốn làm tổn thương người khác như chúng ta đã từng bị thương tổn. Đôi khi những đòi hỏi không thực tế cũng là nguyên nhân của sân hận. Chúng ta mong muốn quá nhiều từ bản thân, đồng nghiệp, con cái, hay hoàn cảnh sống, và khi sự việc xảy ra không như chúng ta mong mỏi, chúng ta cảm thấy buồn bực và bất mãn. Đôi khi sự căng thẳng ảnh hưởng đến tình cảm của chúng ta - những người chịu quá nhiều áp lực thường rất dễ nổi giận. Và một lý do nữa, có thể đó là do cá tánh, vì chúng ta có tánh tình nóng nảy, có cảm xúc quá mạnh mẽ do yếu tố sân tuỳ miên quá sâu dày trong tâm của chúng ta.

Mặc dù nói một cách khách quan thì sân hận khởi lên là để phản ứng với những người hay hoàn cảnh bất như ý, nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại là chủ quan và ở bên trong chúng ta, đó chính là ảo tưởng về bản ngã trong tâm chúng ta. Sân hận khởi lên từ chính bản ngã, chứ không gì khác. Như Ajahn Jagaro[15] đã nhận xét một cách chính xác, chúng ta chỉ thích những cái gì làm thoả mãn và tâng bốc cái bản ngã của chúng ta. Ngược lại, chúng ta không thich bất cứ cái gì thách thức, đe doạ, xúc phạm hay hạ bệ cái bản ngã của mình. Bản ngã không thích điều đó nên nó phản ứng lại bằng sân hận và giận dữ. Nếu không có bản ngã sẽ thì không có vấn đề gì cả. Đức Phật không còn bản ngã nên ngài luôn luôn an tịnh và là một nguồn an lạc cho tất cả chúng sanh, cho toàn thế giới.

(Tỳ-khưu ni Liễu Pháp)

No comments:

Post a Comment