Wednesday, May 29, 2013

TÌM AN LẠC TĨNH LẶNG TRONG MÂU THUẪN CỦA CUỘC ĐỜI (HT. Thích Thanh Từ giảng)

TÌM AN LẠC TĨNH LẶNG TRONG MÂU THUẪN CỦA CUỘC ĐỜI (HT. Thích Thanh Từ giảng)

**************************
Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt. Đó là chủ yếu. Người Phật tử tại gia cũng như hàng xuất gia luôn luôn có những buồn phiền. Gia đình không thống nhất ý chí với nhau, hoặc trong chùa không đồng tâm hiệp lực. Tập thể nào cũng có những chuyện như vậy hết. Lý do gì xảy ra những buồn phiền đó? Chúng ta thử kiểm tra lại bản thân từ thể xác cho đến tinh thần, đi xa hơn là quan niệm, tổ chức... làm sao thoát khỏi những mâu thuẫn.

Con người cứ ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này chống đối người kia, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn ở sẵn nơi bản thân mình. Tôi nói theo Phật học, những quí vị trong y học có thể nghiên cứu ứng dụng điều này. Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp gồm: đất, nước, gió, lửa. Đất với gió không thuận, nước với lửa không thuận. Nơi nào có giông lớn thì đất bụi bay tứ tung. Trong thân người, khi lạnh chúng ta phải uống nước nóng cho ấm lại. Khi nóng phải uống nước mát cho dịu lại. Vì nóng là lửa nhiều nước ít, còn lạnh là nước nhiều lửa ít, cho nên phải dung hòa nó. Cái gì yếu nâng lên, cái gì mạnh kéo xuống. Đây là chuyện nghề nghiệp của các bác sĩ.

Trong sự sống, chúng ta phải làm sao trung hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau. Quá bên nào cũng sanh bệnh hết. Cụ thể người nào trúng gió thì là đau rêm cả người, vì gió mạnh đất rung rinh, nên chúng ta phải đánh gió. Đánh một hồi bớt gió, người nghe khỏe nhẹ lại. Ở lỗ mũi, cổ họng đất nhiều nó mọc nhánh, phải đi cắt bỏ, nếu không sẽ bị nghẹt. Rõ ràng đất với gió luôn luôn đối chọi với nhau, cái này trội thì cái kia bị ngăn trở. Vì vậy chúng ta phải tìm cách điều hòa làm cho nó quân bình. Cho nên mang thân này là mang một tổ hợp mâu thuẫn.

Trong nhà Phật dạy điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Chúng luôn luôn thù địch nhau, muốn yên phải tìm cách điều hòa, đừng để nó cắn mổ nhau. Nhưng điều hòa tới mức nào, kết quả ra sao? Cố gắng điều hòa tới mức tối đa, đến lúc nào cái giỏ lủng thì mạnh con nào con ấy chạy. Điều hòa giỏi như bác sĩ cũng có ngày cái giỏ sẽ thủng, mấy con rắn bỏ chạy hết. Nước chạy theo nước, gió theo gió, lửa theo lửa, đất về đất. Không ai có thể điều hòa được suốt năm này tháng kia cho tới năm bảy trăm năm được. Chỉ một giới hạn nào thôi.

Phần thân đã mâu thuẫn như thế, còn phần tâm có mâu thuẫn không? Theo Duy thức học, nội tâm chia ra các nhóm: nhóm thiện tâm sở và nhóm ác tâm sở. Thiện và ác lẫn trong tâm ta. Khi sự việc gì xảy ra chúng ta bực tức có những lời nói và hành động quá đáng. Lát sau, thiện tâm sở rầy, nó nói mình làm như vậy không đúng nên ta bị ray rứt. Tự mình thấy khó, tự mình thấy khổ, tức là tự mình trừng trị mình rồi. Cái thiện răn cái ác, nhưng cũng có khi cái ác thắng cái thiện. Như lẽ ra chúng ta không nói tiếng nặng với ai, không làm cho người đau khổ, đó là tâm niệm của người tu. Nhưng khi có điều gì làm mình nổi tức lên, ác tâm sở mạnh quá, nó lấn lướt làm cho tâm thiện trốn đâu mất. Chú ác la lối một hồi chú thiện mới trồi đầu ra thì chuyện đã rồi. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có hai thứ đó giằng co với nhau, khiến mình bất an hoài.

Thân chống đối, tâm chống đối đều là mâu thuẫn. Mâu thuẫn là gì? Thuẫn còn gọi là cây khiên, mâu còn gọi là cây giáo. Khiên đâm thì giáo đỡ, chỏi lại. Tâm chúng ta sẵn sàng mâu thuẫn, thân chúng ta cũng sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn, nhưng làm sao tránh khỏi được! Thân tâm mình mâu thuẫn thì người khác cũng vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, điều đó là chuyện hẳn nhiên thôi.

Nói rộng hơn, cả thế gian này có mâu thuẫn không? Người ta thường nhắc đến khí âm, khí dương. Âm với dương có chịu nhường nhau đâu. Dương nhiều thì nắng hạn khô, âm nhiều thì mưa dầm dề. Âm dương lúc nào cũng chống chọi nhau, cái nào tăng nhiều cũng nguy hiểm. Như vậy âm dương ở thế gian cũng luôn luôn chống đối, chớ không phải hoàn toàn hòa hết. Có sự bất thường tức là có sự chống đối. Vì khí ở thế gian đối chọi nhau, luôn thay đổi cho nên ảnh hưởng tới con người, ít bữa cảm, sổ mũi nhức đầu v.v ... Rõ ràng con người, không gian bên ngoài, sự sống trên mặt đất đều có sự chống đối, mâu thuẫn với nhau, chớ không phải lúc nào cũng hoàn toàn an ổn.

Cuộc sống ngoài thế gian làm cho chúng ta phải đau khổ, khi mưa dầm lúc nắng hạn do âm dương không điều hòa. Rồi tới con người với con người. Ở đây tôi nói giữa người nam với người nữ. Thường người ta bảo nam cương, nữ nhu. Cương là cang cường, nhu là nhu hòa nên cũng chỏi. Vì vậy khi lập gia đình có chồng, có vợ cũng là sự chống chỏi, bên cương bên nhu làm sao giống được. Cho nên vợ chồng thường hay cãi vã nhau cũng vì lý do đó. Những gì người nam đề nghị người nữ không chịu, người nữ đề nghị người nam không chịu. Vậy cuộc sống gia đình giữa nam nữ muốn được hạnh phúc dễ hay khó? Đã là hai tính chất không giống nhau thì làm sao dễ được. Quí vị mới thấy cuộc sống luôn mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào không mâu thuẫn. Người muốn cuộc sống trong gia đình điều hòa thì phải hết sức khôn khéo. Đó là tôi nói chuyện cá nhân giữa nam nữ, bây giờ nói tới tập thể.

Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sinh hoạt riêng, chính kiến riêng không giống nhau. Không giống nhau tức là có chống nhau. Nhìn chung, từ bản thân con người, gia đình, xã hội ... tất cả đều mâu thuẫn. Như vậy con người sống trên thế gian không thể có an vui hạnh phúc tuyệt đối. Vậy mà người ta cứ đòi hạnh phúc. Nếu gia đình giống nhau thì phải là nam hết, chớ một bên cương, một bên nhu làm sao giống nhau được.

Vì vậy đối với cuộc sống này phải khéo léo, khôn ngoan, không thể tưởng tượng như ý mình. Ai nghĩ rằng những gì mình đề nghị ra mọi người đều nghe, đều tuân theo đó là ảo tưởng. Chỉ có mình đề nghị ra người ta phản đối nhiều hay ít thôi, chớ không bao giờ mọi người chấp thuận hết. Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải sống sao cho ôn hòa, vui vẻ. Nói điều này, tôi nhớ những năm trước có người hỏi tôi: “Thưa thầy, nếu có hai tập thể thù địch nhau thì theo quan niệm của thầy, phải làm sao cho hai tập thể đó được hòa hợp?” Tôi trả lời: “Có nước, có lửa thì có cơm ăn”. Đơn giản vậy thôi.

Quý Phật tử thử xét, thật ra người ta cứ sợ mâu thuẫn, nhưng không ngờ chính mâu thuẫn là điều kiện để con người trong vũ trụ này có sự sinh hóa. Nam không cũng không sanh được, nữ không cũng không sanh được. Muốn sự sanh hóa được liên tục tốt đẹp thì con người phải khéo điều hòa. Chúng ta có nước mà không có lửa, hay ngược lại có lửa mà không có nước thì có cơm ăn không? Không. Phải có nước, có lửa, người khéo dùng nước, dùng lửa để nấu có cơm ăn. Chớ dùng nước để dập tắt lửa, hay dùng lửa đun cho cạn nước thì không có cơm ăn. Cho nên cuộc sống phải khéo điều hòa, nặng bên nào cũng thất bại cả. Vợ chồng trái nhau, không giống nhau, nhưng đừng để bên nào thiệt thòi mà nên điều chỉnh có cuộc sống vừa phải, không nên vì được phần mình mà mất lòng người thì gia đình tan nát. Do đó chúng ta phải có cuộc sống hết sức khéo léo và đừng bao giờ chủ quan. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, cái gì cũng bắt phái yếu tuân theo, đó là điều không tốt, không khéo điều hòa. Đã không khéo điều hòa thì mầm đau khổ sẽ nảy sinh, nên đừng để bên nào bị thiệt thòi thì cuộc sống mới đi tới chỗ tốt đẹp, an vui hạnh phúc.

Tuy nhiên, hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là hạnh phúc gượng gạo, chớ không phải hạnh phúc thật. Vì hạnh phúc ấy được kết hợp bởi hai thứ không giống nhau, làm sao trường cửu được. Chẳng qua gắng gượng điều hòa nên cuộc sống tạm an ổn, tạm vui, chớ không có hạnh phúc nào hoàn toàn như ý. Kể cả ông vua cũng không như ý, bởi vì vua cũng có người chống, người phản chớ đâu phải ai cũng nghe theo. Vì vậy chúng ta phải điều hòa để cuộc sống được tốt đẹp. Như vì nồi cơm chúng ta phải điều hòa lửa, nước. Nhờ có điều hòa nước, lửa nên chúng ta có cơm ăn ngon.
Cũng vậy, trong cuộc sống khéo điều hòa thì gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui, con cái tốt. Đừng bao giờ nghĩ tưởng dùng thế mạnh đàn áp người ta phải theo mình. Bởi vì khi người bị đàn áp họ phải tuân theo, nhưng trong lòng không phục, thế nào có lúc cũng phản ứng lại. Khéo điều hòa quân bình mới tốt, mới là người khôn ngoan. Còn mình giỏi, mình khôn bắt người ta phải theo đó là chưa thật khôn ngoan. Đây là chuyện mâu thuẫn và điều hòa giữa con người, gia đình, xã hội.

Bây giờ phải điều hòa bằng cách nào? Phật dạy, muốn điều hòa phải tập hai đức tánh nhẫn nhục và hỷ xả. Thế gian nói nhẫn nhịn và tha thứ. Muốn nhẫn nhịn và tha thứ, trước tiên chúng ta phải có cái nhìn thật đạo lý. Có lần tôi được hỏi: - Thầy làm Phật sự có gặp những trở ngại do người khác tạo ra không? Tôi đáp: Có! Hỏi: -Như vậy thầy nghĩ sao về người gây trở ngại cho thầy? Tôi đáp: -Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm thôi.

Nhìn cuộc đời phải như vậy. Những người đã thông cảm thì tốt với mình, còn những người tuy chưa thông cảm nhưng họ cũng là bạn, chớ không có thù. Như vậy trong gia đình, vợ chồng chẳng lẽ coi nhau như kẻ thù. Nếu có chuyện vui buồn xảy ra thì cũng nghĩ rằng đây là người bạn chưa được thông cảm, rồi sẽ tìm cách thông cảm, đừng bao giờ coi như kẻ thù. Chẳng những trong gia đình mà kể cả mọi người bên ngoài, chúng ta phải có cái nhìn cởi mở, thương yêu. Có thế mới giải quyết được nổi khổ của con người.

Trên thế gian này tràn trề đau khổ bởi vì người mạnh cứ nghĩ mình hơn, rốt cuộc gây đau khổ hoài. Chúng ta tu hành nên sống đem lại an vui cho mình, cho người. Muốn được như vậy mình đừng xem ai là kẻ thù hết. Đó là chúng ta biết sống, biết tu. Làm sao trong cuộc sống gia đình chồng vợ biết nhịn nhau, đã là bạn đời nên hòa vui, đừng bao giờ thù hận. Nếu thấy là kẻ thù thì dễ đi đến đổ vỡ tan nát. Cuộc sống từ cá nhân, gia đình cho tới tập thể, không bao giờ hoàn toàn đúng theo ý mình, được chừng 60-70% là tốt lắm rồi, đừng đòi hỏi như ý 100%. Những người đòi hỏi như vậy là hiểu sai lầm, không đúng lẽ thật.

Bây giờ làm sao để chúng ta thấy mọi người xung quanh là bạn? Phải tập nhẫn nhịn. Bởi vì con người ai cũng có sẵn “ác tâm sở” là nóng giận, nam nữ chi cũng biết giận. Khi mình nổi giận nói lời không phải thì người khác cũng nổi giận nói lời không phải. Vậy làm sao? Cái phải về mình hết hay mỗi bên nhường một chút? Chúng ta có tật hay cãi lý. Cãi cho ra lý mà lý không có thật, thường thường lẽ phải ở kẻ mạnh chớ không có thật lý. Cho nên đừng đòi hỏi lẽ thật, chỉ có ai mạnh, ai được nhiều người bênh vực thì người đó phải. Còn ai yếu, ít người bênh vực thì không phải. Ở đời là như vậy thôi.

Thời nay người ta dùng lá thăm, dù người không hay lắm nhưng được lòng thiên hạ thì cũng được thăm, còn người dù cho hay mà thiên hạ không hiểu cũng không được thăm như thường. Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì mọi người sẽ hưởng ứng. Chỉ khéo được nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ hoặc đưa ra những gì đúng với sở nguyện của họ thì họ hưởng ứng, họ theo mình. Ngược lại dù có đưa ý kiến đúng mà họ không muốn thì cũng không theo như thường. Như vậy không hẳn nhiều người khen là lẽ phải. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận, đó là lẽ phải. Không phải như vậy.

Chỉ chúng ta tùy thuận, nhường nhịn nhau để mà sống. Đừng nói việc này phải, ai làm khác thì sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được. Người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau. Như vậy là có hai quan tài rồi. Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì nhường nhịn nhau cho tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.

Nhưng nếu nhịn nhau mà không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa? Bữa nay nhịn chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong lòng. Ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói tôi nhịn lần thứ hai rồi nghen. Như vậy không phải điều hòa thật. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài. Nhắc hoài người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.

Vì vậy mong quý Phật tử khéo nhẫn nhịn với nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ chớ đừng gượng bỏ. Bởi vì chẳng qua tất cả chúng ta đều do khờ dại mới cãi vã với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa. Chớ còn nghĩ mình phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ đau.

Phương pháp nhẫn nhịn sẽ đưa chúng ta tới chỗ an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước. Ở gia đình, vì con cái nên vợ chồng nhường nhịn nhau. Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải nhịn nhau. Trong đạo vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ nhau. Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật có an ổn, thật có vui tươi. Nếu không như vậy chẳng bao giờ chúng ta có niềm vui. Chồng với vợ gặp nhau gượng nới chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia đình. Ngoài xã hội cũng thể.

Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục, và hạnh hỷ xã. Muốn được nhẫn nhục, hỷ xã, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ bi thì không thể nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì cuộc sống vừa có đạo đức, vừa được an vui.

Đó là ba điều kiện để chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng phải ráng ứng dụng trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống và sống có hạnh phúc, còn tranh phải quấy hơn thua thì không bao giờ hạnh phúc. Đó là lẽ thật.

Tóm lại, muốn cho sự sống tốt đẹp bình yên phải hội đủ ba điều kiện; từ bi nhẫn nhục và hy. Nói theo thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng tùng phục ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là lầm to. Kinh nghiệm trong cuộc sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không buồn. Nếu mỗi chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm rồi. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ tu được là tốt.

Vì vậy quí Phật tử nhớ, vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư bỏ qua hết. Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi chớ cha mẹ không bao giờ nhịn con; mà chắc gì cha mẹ đã trúng 100%. Bởi vì người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, nếu bắt như mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng sống một mình tôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên mọi việc được tốt đẹp. Đây là phương pháp thứ nhất, phương pháp tương đối.

Bây giờ tới phương pháp thứ hai là phương pháp tuyệt đối, phương pháp này ít người thực hiện được. Đó là khi nào chúng ta dẹp được tâm đối đãi của mình, tâm sở thiện, tâm sở ác hết chừng đó hoàn toàn khỏi nhẫn nhịn, khỏi tha thứ gì cả. Nên nói tuyệt đối là vậy. Cũng như Lục Tổ Hụê Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu nói này Huệ Minh liền nhận ra bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục đó không có hai bên, mà không có hai bên thì đâu còn mâu thuẫn. Không còn mâu thuẫn mới là vĩnh viễn an lành. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng ta tu đạt được giải thoát viên mãn.

Cũng như trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm”. Tin mình có tâm chân thật thì không còn hai. Không còn hai mới tin được tâm chân thật của mình. Còn thiện tâm sở và ác tâm sở không phải thật tâm của mình. Một nhóm tham lam và một nhóm hiền lành, hai nhóm đó lặng xuống mới hiển bày tâm chân thật của mình. Được tâm chân thật rồi thì cười hoài, không cần nhẫn nhịn, không cần tha thứ gì nữa. Nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỷ xả cuộc sống mới yên. Chừng nào chúng ta thoát ra hai thứ đó thì được an ổn vĩnh viễn. Quí vị thấy Tổ thứ ba, Tổ thứ sáu đều dạy chúng ta bỏ hai thứ đó. Bây giờ gần nhất là Tổ Trúc Lâm, Ngài có bài kệ “Hữu cú vô cú”, tức là “Câu có câu không”. Người còn thấy có, thấy không là còn thấy hai. Tôi tạm dẫn vài câu trong bài kệ ấy:

Hữu cú, vô cú
Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm...

Nghĩa là thấy có thấy không, từ xưa đến nay, như người chấp ngón tay quên mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng mà cứ cho là mặt trăng chính tại đầu ngón tay. Đó là kẻ ngu xuẩn. Phải bỏ ngón tay mới thấy mặt trăng ở trên kia. “Bình địa lục trầm”, tức là trên đất bằng mà chết chìm, đây là chỉ cho những kẻ quá ngu xuẩn. Còn hai bên là còn đau khổ, còn ngu xuẩn. Chừng nào hết hai bên mới được tự tại, an lành. Nên phải hiểu quí thầy dạy Phật tử tu, ngồi thiền để làm gì? Để bỏ tâm chạy theo hai bên. Ngồi thiền thì nghĩ ác, nghĩ lành gì cũng bỏ hết để đi tới chỗ không còn hai, khi đó mới hoàn toàn giải thoát. Còn có hai thì không bao giờ giải thoát được.

Do đó chúng ta mới hiểu ý nghĩa tại sao mình phải ngồi thiền, tại sao mình bỏ hết tất cả vọng tưởng thiện, ác. Bởi vì còn thiện tức là còn ác đối đãi, phải buông cả hai tâm mới yên. Tâm yên mới là tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v... chưa phải tâm thật. Lâu nay chúng ta cứ tưởng nó thật, giống như cho đầu ngón tay là mặt trăng. Không ngờ bỏ đầu ngón tay, nhìn tận chân trời mới thấy mặt trăng, người tu phải khôn ngoan ở chỗ này. Bởi vì tu là siêu thoát. Siêu thoát nghĩa là không kẹt trong đối đãi. Không đối đãi mới qua được các thứ mâu thuẫn khổ đau, hoàn toàn an lành tự tại, nên mục đích cuối cùng của người tu Phật là không còn thấy hai. Được vậy tự nhiên hết mâu thuẫn, không còn gì chống đối.

Song nếu người chưa qua khỏi hai bên thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quý Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả trước cho sự mâu thuẫn trong mình được điều hòa, cuộc sống bình an. Lấy đây làm bài học thì có thể nói kêu một chút là có một triết lý sống. Vì lâu nay Phật tử sống mà không biết sống làm sao, cho nên ai cũng nuôi cực đoan trong mình, rồi mang lấy đau khổ, kêu trời trách đất hoài. Nếu biết được lẽ sống như vậy cuộc sống rất bình an. Giỏi hơn nữa, vượt qua luôn sự đối đãi thì thành Thánh, không nói Thánh cũng là Thánh, có việc gì phải buồn. Bây giờ chúng ta còn thương người làm lành ghét người làm ác, nên còn hai tức còn đối chọi. Chỉ khi nào qua được hai bên mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật cao siêu là vậy.

Phật tử ứng dụng được đạo lý này trong cuộc sống thì thật là hay, bằng ngược lại thì học Phật bao nhiêu cũng chẳng có ích lợi gì cả. Quí vị hãy nhớ câu này: “Trước mặt không có kẻ thù” thì cuộc sống được nhiều an lạc. Đạo lý thật hay nhưng đôi khi tôi thấy rất buồn vì kể cả người tu cũng không thực hành nổi, cứ thù người này, giận người kia. Người tu mà nói giận người này, thù người kia thì chưa phải người tu. Người hiểu thấu đáo cuộc sống rồi thì chỉ cười thôi, không có gì quan trọng hết. Khi đặt vấn đề quan trọng, có người hưởng ứng với mình là bạn, không hưởng ứng trở thành thù, như vậy mãi thì phải chịu đau khổ thôi.

Có nhiều người hỏi tôi: “Thầy có thuật gì mà điều hòa mấy trăm Tăng Ni và nhất là bên Ni?” Tôi nói: “Ai đến thưa kiện người này sai, người kia trái, tôi đâu có xử. Tôi bảo: “Thấy người ta quấy thì mình cũng đã quấy rồi”. Nhờ vậy không ai dám đến thưa kiện nữa. Quí Phật tử thấy có phải thế không? Vì chưa bao giờ hai người cãi nhau mà có người chịu mình quấy, nhưng làm sao cả hai đều phải được, cho nên thấy người quấy là mình đã quấy trước. Không quấy thì không cãi, đã cãi thì có quấy. Từ kinh nghiệm sống cho đến việc tu tập Phật dạy rất nhiều, nhưng trọng tâm đều nằm ở những điểm đó.

Điểm ưu việt của Phật giáo đời Trần chính là chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Thiền tông dung hợp chớ không thấy đây khác kia để rồi đi đến chống chọi nhau. Do đó người trong nước theo đạo Lão, đạo Khổng không chống với đạo Phật. Nhờ ba tôn giáo hòa nhau nên dân mạnh, đó là điểm rất hay.

Tóm lại, mục đích buổi nói chuyện hôm nay hết sức rõ ràng, tôi mong rằng quí Phật tử nghe rồi áp dụng những điều tôi nói vào cuộc sống cho khéo, cho đầy đủ ý nghĩa, mới thấy niềm vui hiện tại - sống là vui.

Tuesday, May 28, 2013

Đạo Phật cứu khổ chúng sinh bằng cách nào ?

Đạo Phật cứu khổ chúng sinh bằng cách nào ?

*************************
Mọi người chúng ta, khi nào thấy rõ thân này không thật, thấy rõ cái nghĩ tưởng không thật, chừng đó mới hết luân hồi sanh tử khổ đau. Nếu cứ thấy thân duyên hợp là mình, thấy cái nghĩ tưởng sanh diệt là mình, thì luân hồi khổ đau không bao giờ hết.
Ðức Phật dạy hàng đệ tử phải làm việc lợi tha bằng cách bố thí. Bố thí gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Tài thí là giúp người nghèo đói, tai nạn, thiếu thốn về vật chất. Ðem tiền bạc, của cải giúp họ có phương tiện sống qua cơn khó khổ. Ðây là việc làm lợi tha của người Phật tử tại gia. Do đó, Phật tử các chùa thường tổ chức Ban Từ thiện xã hội, chung góp tiền của công sức để giúp đỡ người khó khổ, hoạn nạn như thiên tai bão lụt, bệnh tật, nghèo đói...

Pháp thí là giúp người mê lầm đau khổ bằng chánh pháp. Tăng Ni đem lời Phật dạy trong kinh luận giảng cho họ nghe và hướng dẫn cho họ tu hành để được hết khổ. Ðó là việc làm lợi tha của người xuất gia. Muốn thực hiện điều này, Tăng Ni phải đem hết khả năng của mình để tu học hầu đem chánh pháp giáo hóa cho mọi người hết khổ. Học mới có kiến giải Phật pháp và thế gian pháp để giảng dạy. Tu mới có đạo đức để khắc phục chướng duyên lúc lợi tha, tu mới có đức trí làm chỗ nương cho mọi người.

Phật tử tại gia có phương tiện vật chất để giúp người. Còn tu sĩ xuất gia không thể làm ra tiền của mà chỉ lo tu học đúng chánh pháp và đem chánh pháp bố thí cho mọi người?. Bố thí của cải để giúp người hoạn nạn, nghèo đói bớt khổ là bố thí tài của người cư sĩ . Ðem chánh pháp giảng dạy cho người nghe tu hành để bớt khổ là bố thí pháp của người tu sĩ. Tuy nhiên trong hai cách cứu khổ trên, cách nào giúp con người dứt khổ vĩnh viễn?

Ví dụ có cậu thanh niên hút á phiện, lúc mới hút cha cậu khuyên răn mà cậu không bỏ. Cậu hút lâu ngày thành ghiền, đến cữ không có tiền mua thuốc hút, người cậu quằn quại khổ đau. Người hàng xóm giàu lòng thương cho chút ít tiền để cậu mua thuốc hút. Nhưng ngày khác tới cữ hút, cậu không có tiền mua, cơn ghiền lại nổi lên dày vò làm cậu khổ nữa. Cứ như vậy khổ tiếp tục khổ, không bao giờ hết. Người láng giềng giúp tiền chỉ cứu cậu bớt khổ trong giai đoạn ngắn thôi. Nếu cậu ghiền ấy sớm nghe lời cha, cậu không hút á phiện ngay từ đầu thì bây giờ đâu có khổ.

Thế nên một lời nói phải, nếu chúng ta chịu nghe thì an vui cả cuộc đời. Lời nói không tốn tiền mà cứu khổ cả đời. Còn tiền của chỉ cứu khổ trong giai đoạn ngắn, không dứt tuyệt khổ.
Do đó, đạo Phật đặt vấn đề cứu khổ tinh thần lên trên. Muốn thực hiện cách cứu khổ này cho có kết quả tốt thì Tăng Ni phải thực tu thực học. Bố thí pháp là giúp người hết khổ, nhưng lời nói pháp nói ra không phải chỉ học thuộc rồi nói suông, mà Tăng Ni phải thực hành được những điều mình nói, thì lời giảng dạy của mình mới có giá trị. Giả sử dạy người bớt tham, sân, si, trước hết mình phải không tham, không sân, không si thì người nghe mới tin, mới ứng dụng tu. Còn nếu nói suông mà không chịu thực hành, dạy người bớt tham mà mình tham nhiều làm sao người nghe tin và làm theo lời dạy của mình? Thế nên, người tu muốn giáo hóa phải có đầy đủ đức hạnh và trí tuệ.

Ðể thấy rõ tầm quan trọng của việc bố thí pháp, tôi dẫn thêm một ví dụ nữa. Có một bác đạp xích lô, mỗi ngày đạp còng lưng chỉ kiếm được vài ba chục để nuôi sống gia đình một vợ, hai con. Nhưng bác lỡ ghiền rượu, đạp tới chiều, về ghé quán rượu nhậu hết số tiền đã kiếm được. Ở nhà vợ con đói nheo nhóc, hàng xóm thương tình đem tiền gạo đến giúp, nhưng giúp hoài mà gia đình ấy vẫn khổ vì bệnh ghiền rượu của bác. Bấy giờ có vị tu sĩ đủ trí tuệ và đức hạnh đến dùng lời khuyên nhủ, bác xích lô nghe, liền bỏ rượu. Từ đó, gia đình bác hết khổ và được hạnh phúc, ấm no. Lời khuyên của vị tu sĩ không tốn tiền của mà đã cứu được gia đình bác xích lô hết khổ. Do đó, đối với người xuất gia, đức Phật dạy phải lấy pháp thí làm trên hết. Vì nói một câu đạo lý, người đời nghe hiểu rồi ứng dụng tu thì cả đời sẽ hết khổ.

Trách nhiệm của Tăng Ni chẳng những bố thí pháp mà còn phải bố thí vô úy, tức là cho người sự không sợ hãi. Nếu Tăng Ni mà lo kinh doanh ra tiền của để làm việc tài thí thì không có thì giờ tu học và không đúng bổn phận của người tu. Còn cư sĩ làm ra tiền của để bố thí thì hợp với đời sống thực tại đang sống và đúng với lời Phật dạy. Hiểu như vậy quý vị mới không thắc mắc: Tại sao Tăng Ni chỉ lo thuyết giảng Phật pháp mà ít lo làm việc từ thiện xã hội?

Ðọc lịch sử đức Phật, chúng ta thấy Ngài chỉ thuyết pháp giáo hóa cứu cho vô số người hết khổ, chớ không cứu khổ bằng phương tiện từ thiện xã hội. Ở đây, tôi tạm chia việc cứu khổ của Ngài ra ba giai đoạn:
Giai đoạn một: Ðức Phật dạy cho con người sống đúng tư cách con người là thọ tam quy, giữ năm giới.
Giai đoạn hai: Ðức Phật dạy con người tu ngay đời này, giải phiền não, dứt nhân xấu.

Giai đoạn ba: Ðức Phật chỉ thẳng cho con người biết mình có Phật tánh, biết rõ đầu mối của sự sanh tử để không còn luân hồi sanh tử khổ đau nữa.
1. Giai đoạn thứ nhất: Ðầu tiên, quý Phật tử đi chùa là quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới cấm. Nếu giữ tròn năm giới cấm thì quý vị sẽ bớt những cái khổ sau đây:
-- Giữ giới không sát sanh thì khỏi bị thù oán hoặc tù tội về tội giết người.
-- Giữ giới không trộm cắp thì khỏi bị tù đày về tội trộm cắp.
-- Giữ giới không tà dâm thì gia đình không bị phá hại hạnh phúc.
-- Giữ giới không nói dối thì không mất uy tín với mọi người chung quanh.

-- Giữ giới không uống rượu thì không say sưa cuồng loạn, thân ít bệnh, gia đình không xào xáo, không làm rối loạn trật tự xã hội.
Ðó là những điều lợi ích cụ thể và thiết thực nhất của đời sống con người. Nếu một gia đình từ cha mẹ cho đến con cái đều giữ năm giới thì gia đình đó hạnh phúc, an vui. Nếu một xóm làng mọi người đều giữ gìn năm giới thì xóm làng đó rất an ninh. Như vậy, đức Phật có cứu con người hết khổ không? Hơn nữa, người giữ giới không sát sanh là biết tôn trọng, không giết hại sinh mạng của người khác. Giữ giới không trộm cắp là tôn trọng, không cướp tài sản của người khác. Giữ giới không tà dâm là biết tôn trọng, không phá hại hạnh phúc gia đình người khác. Giữ giới không nói dối là biết tôn trọng lẽ chân thật, không lừa gạt, dối trá mọi người. Giữ giới không uống rượu là biết trân quý trí tuệ và sức khỏe của mình, không rủ ren, dắt dẫn người say sưa nghiện ngập. Ðó là những lời dạy rất ích lợi và thiết thực cho đời sống của con người. Nếu hiện đời chúng ta giữ tròn năm giới, bảo đảm chúng ta sẽ là người công dân tốt của quốc gia, xã hội. Và, mai kia chúng ta chết thì năm giới ấy là nền tảng để chúng ta sanh trở lại làm người.

Những giới ấy có công dụng như: không sát sanh thì được sống lâu, không trộm cắp thì được của cải sung mãn, không tà dâm thì được thân xinh đẹp, không nói dối thì lời nói lưu loát, nói ra điều gì cũng được người tin, không uống rượu thì được thông minh, sáng suốt. Như vậy, người giữ tròn năm giới của Phật, chẳng những đời này chúng ta là một con người tốt, mà đời sau chúng ta cũng là một con người có đầy đủ những tính tốt và không thiếu những nhu yếu cần thiết trong cuộc sống.

Bước đầu, Phật dạy chúng ta quy y giữ năm giới là đã đem lại lợi ích an vui cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Ðó là Phật đã cứu khổ cho chúng ta thiết thực. Quy y giữ năm giới là việc làm đầu tiên của người cư sĩ mà cũng là việc làm hết sức hệ trọng.
Tuy nhiên, có người cho rằng tôi tu tâm hoặc tu ở nhà được rồi, cần gì phải đến chùa làm lễ quy y. Nếu là người có tín ngưỡng Phật giáo, nhưng chưa quy y, chưa giữ giới, khi lỡ làm những điều trái với giới cấm thì không sợ tội lỗi. Giả sử ông A chưa giữ năm giới, đi dự tiệc, bạn bè mời ông uống rượu, ông không có cớ từ chối, bạn ép là ông uống; uống lâu ngày thành kẻ nghiện rượu làm khổ gia đình. Hoặc người buôn bán chưa giữ năm giới, nói dối để bán được hàng lời nhiều, họ cứ nói không ngại, lâu ngày thành thói quen, chuyện gì cũng nói dối nên mất uy tín, nói không ai tin. Như vậy, có tín ngưỡng mà chưa phát nguyện thọ tam quy, giữ năm giơi thì tín ngưỡng đó chưa cứu được mình thoát khổ. Nhờ phát nguyện giữ giới, gặp điều sai trái, chúng ta sợ không dám làm, vì đã hứa trước Tam bảo rồi nên không dám làm.

Lúc còn nhỏ muốn bỏ một tật xấu, ít khi chúng ta bỏ được. Vì tự hứa với lòng không ai biết, lâu lâu lòng thay đổi nên mình cũng tự tha thứ cho mình. Nếu hứa mà có người làm chứng thì sợ mất uy tín, nên dù lòng có muốn thay đổi cũng không dám đổi. Ðó là cái lý do để Phật tử đến trước tượng Phật và chư Tăng phát nguyện quy y giữ giới.

Vì lời hứa này rất trân trọng, đời đời chúng ta không quên, nhờ oai lực đó mà chúng ta giữ được điều tốt để thành người tốt, có ích cho gia đình, cho xã hội. Như vậy, Tăng Ni khuyên mọi người quy y giữ giới là đã thể hiện lòng từ bi cứu khổ của mình rồi.

Sau khi thành đạo, đức Phật trở về thăm phụ vương và hoàng tộc. Ngài khuyên vua cha và hoàng hậu cùng quyến thuộc quy y giữ năm giới. Về sau, bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề xin xuất gia, đức Phật không cho. Tôn giả A Nan xin giùm, Phật cũng từ chối. Tôn giả bèn kể công ơn di mẫu đã nuôi dưỡng Thái tử từ lúc sơ sinh cho đến trưởng thành, xin Phật hãy vì công ơn nuôi dưỡng mà chấp nhận cho bà xuất gia. Ðức Phật nói Ngài đã đền ơn cho di mẫu rồi. Vì khi Ngài về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài đã hướng dẫn vua cha và di mẫu quy y năm giới. Làm bấy nhiêu đó đã đủ cho Ngài đền ơn sanh thành dưỡng dục rồi.

Việc làm này chúng ta thấy rất nhỏ nhưng sao đủ để đền ơn sanh dưỡng? Ðây là vấn đề chúng ta phải hiểu cho tường tận mới biết cái quý của sự tu hành. Phật thành đạo, thấy rõ chung sanh luân hồi trong sáu nẻo là do hành nghiệp mà sanh. Tạo nghiệp ác thì sanh làm súc sanh, ngạ quỷ... chịu khổ. Năm giới cấm Phật chế ra cho người cư sĩ nhằm ngăn chặn ác nghiệp. Không tạo ác nghiệp thì hiện đời được an vui, đời sau cũng được an vui, ít khổ. Như vậy, không đền ơn là gì? Ðó là tầm quan trọng của việc quy y giữ giới và cũng là bước đầu của từ bi cứu khổ mà đức Phật dạy và Tăng Ni thuyết giảng.

2. Giai đoạn thứ hai: Dứt si mê là gốc của phiền não khổ đau. Tất cả mọi khổ đau của kiếp người, gốc từ si mê mà ra. Một người giàu có, cơm no, áo ấm, ở nhà lầu, đi xe hơi, nhưng tâm họ si mê điên đảo, liệu người ấy có được an vui, hạnh phúc không? Chắc chắn là không. Thực tế trong xã hội có nhiều gia đình dư tiền lắm của mà thiếu an vui, hạnh phúc, bởi lẽ tâm trí còn mê loạn. Người này tham, người kia giận, người nọ đố kỵ, ganh ty... Tham, giận, đố kỵ... nổi lên liền bất an, đau khổ. Cái đau khổ này, không phải thiếu ăn, thiếu mặc mà do si mê. Vì si mê chấp thân này là ta nên cái gì đẹp quý, khởi lòng tham chiếm đoạt cho mình. Chiếm đoạt không được thì sân giận nổi lên bức xúc, đau khổ. Khi nào thấy thân này không thật là giảm si mê, si mê giảm thì tham sân cũng giảm.

Làm sao thấy thân này giả? Ðọc kinh, Phật nói thân này do đất nước gió lửa hợp thành, nó sẽ hoại nên không thật. Ai cũng biết như thế, nhưng vẫn cứ tham, vẫn cứ sân, vì chưa hằng thấy thân này giả tạm, không thật. Thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ và thần thức gá vào mà thành. Nhờ ăn cơm uống nước và hít thở không khí mà sống. Ðó là vay mượn bốn đại bên ngoài. Ăn cơm là vay mượn đất, uống nước là vay mượn nước, hít thở không khí là vay mượn gió. Mượn vô rồi trở ra, mượn mà không trả cũng không sống, trả mà không mượn cũng chết. Thở ra mà không hít vào thì chết ngay, hoặc hít vào mà không thở ra cũng chết. Không khí ở ngoài là của trời đất, mượn vô chốc lát trả ra nói là hơi thở của tôi. Mượn tách nước, ít tiếng đồng hồ trả ra nói mồ hôi của tôi, nước tiểu của tôi... Mạng sống của thân này là sự mượn trả tứ đại mà cho là mình. Có vô lý không? Cái mượn trả không phải là mình mà cho là mình thật, không si mê là gì?

Kiểm lại cái gọi là mình đang sống, có thật an ổn, hạnh phúc không? Nếu mượn trả suông sẽ cho là hạnh phúc an vui, nếu mượn trả không suông thì đau đớn, quằn quại. Vậy cuộc sống của chúng ta là gì? Có thật không? Chỉ là sự mượn trả tứ đại tạm bợ. Thế mà chúng ta cho là mình thật, rồi chấp vào đó sanh nhơn ngã sân giận đủ thứ. Thấy như vậy không si mê là gì? Trong cuộc sống, nếu hằng nhớ mình đang mượn trả thì không lầm, đã không lầm thì không chấp. Vậy si mê ban đầu là chấp ngã. Nếu thấy rõ cái ngã là thân này không thật thì bớt tham lam, nóng giận, bớt si mê, sống giữa đời này bớt đau khổ. Ðó là Phật chỉ cho chúng ta thấy thân này do duyên hợp, hư dối, không thật, để chúng ta bớt si mê chấp ngã, giảm bớt khổ đau. Ðó là bước thứ hai của từ bi cứu khổ mà Phật dạy và Tăng Ni trì tụng thuyết giảng. Song, cách cứu khổ này ít người biết đón nhận, chỉ những ai khéo tiếp thu và khéo ứng dụng mới nhận được lợi ích này.

3. Giai đoạn thứ ba: Dứt vô minh thoát luân hồi sanh tử. Ở đoạn trước mới phá si mê chấp thân là ngã. Phần này nói phá vô minh chấp tâm là ngã. Vô minh là đầu mối dẫn con người đi trong luân hồi sanh tử. Vòng luân hồi sanh tử là mười hai nhân duyên, vô minh dẫn đầu. Muốn dứt luân hồi sanh tử là phải hết vô minh, đạo Phật dạy tu để giác ngộ; giác ngộ là trí tuệ sáng lên, vô minh hết. Mọi khổ đau gốc từ vô minh mà ra, nếu giác ngộ thì hết vô minh, hết vô minh thì hết khổ.

Vô minh theo giáo lý nguyên thủy là thấy biết không đúng như thật. Chẳng hạn thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ, thần thức gá vào mà thành, vay mượn đất nước gió lửa bên ngoài để sống. Thế mà nhận cái vay mượn là mình thật. Ðó là thấy biết không đúng như thật, là vô minh. Nếu thấy rõ thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ, thần thức gá vào mà thành, vay mượn tứ đại bên ngoài mới tồn tại, không phải là ta. Ðó là thấy đúng như thật, thấy như vậy là sáng.

Vô minh theo kinh Viên Giác là chấp thân tứ đại này là thân ta thật, chấp tâm nghĩ tưởng lăng xăng là tâm ta thật. Chấp thân tâm này là ta thật, đó là vô minh. Theo nghĩa này, mỗi người chúng ta có ai không vô minh? Vậy làm sao không chấp thân tâm là ta để được minh? Như ở trên đã nói, thân này do tứ đại bên ngoài bồi bổ thường xuyên mới sống còn. Cái mà do vay mượn mới sống còn thì không phải là ta thật. Thấy rõ như vậy thì bớt phần chấp thân. Còn chấp cái nghĩ suy tốt xấu, hơn thua... là tâm mình thì sao phá? Bây giờ chúng ta thử kiểm lại xem từ sáng tới chiều có bao nhiêu lần nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ khôn, nghĩ dại... ? Cộng lại có cả trăm ngàn lần nghĩ như thế. Nghĩ nhiều như vậy thì chúng ta nhận cái nghĩ nào là mình? Cái nghĩ tốt là mình hay cái nghĩ xấu là mình? Nếu cái tốt là mình thì cái xấu là ai? Chẳng lẽ cả trăm thứ đều là mình? Cả trăm thứ ấy là mình, quý vị có chấp nhận không? Nếu thật là mình thì trước là mình, sau cũng là mình. Nhưng trước tốt, sau xấu, trước khôn, sau dại... mình nhiều dạng như thế ư? Cái nghĩ suy biến đổi như thế thật không phải là mình. Ðó là giai đoạn thứ nhất chấp nghĩ tưởng là mình không đúng.

Giai đoạn thứ hai: Nếu chấp cái nghĩ tưởng là mình thì có những phút giây không nghĩ tưởng gì hết, lúc đó có mình không? Lúc nghĩ tưởng là mình, vậy lúc không nghĩ tưởng không có mình sao? Nhưng tại sao không nghĩ tưởng mà vẫn biết? Có biết tức có mình. Có mình lúc không nghĩ tưởng, tức là không suy nghĩ mà vẫn có mình. Như vậy, cái nghĩ tưởng không phải là mình. Nghiệm lại thật kỹ mới thấy lẽ thật tại chỗ này. Lại nữa, nếu chấp cái nghĩ tưởng là mình, vậy thử tìm coi cái nghĩ tưởng ở đâu? Khi tìm nó thì nó mất tiêu, không còn dấu vết. Xét kỹ cái nghĩ tưởng, đủ duyên thì nó khởi lên, hết duyên thì nó lặn mất. Vậy nó đâu có thật, nếu có thật thì nó vắng mặt ở chỗ này phải có mặt ở chỗ khác. Cái nghĩ tưởng không thật mà chấp là mình có phải vô minh không? Cái vô minh này tệ hơn cái vô minh chấp thân là mình ở trước.

Mọi người chúng ta, khi nào thấy rõ thân này không thật, thấy rõ cái nghĩ tưởng không thật, chừng đó mới hết luân hồi sanh tử khổ đau. Nếu cứ thấy thân duyên hợp là mình, thấy cái nghĩ tưởng sanh diệt là mình, thì luân hồi khổ đau không bao giờ hết. Tại sao vậy? Vì cái nghĩ tưởng sanh diệt là cái động, thân duyên hợp là cái động. Phàm cái gì duyên hợp và động thì luôn luôn biến chuyển, nó hợp tan, tan hợp không dừng, vì vậy mà luân hồi sanh tử mãi. Do đó, Phật mới chỉ cho người đời thấy tường tận thân và cái nghĩ tưởng không thật, để dứt cái vòng luân hồi đau khổ. Ðó là Phật cứu chúng ta, giải thoát sanh tử khổ một cách rốt ráo. Nói như thế chắc có người thắc mắc: Thân không thật là mình, nghĩ tưởng không thật là mình. Vậy cái gì thật là mình? Tôi xin trả lời: Cái biết thân này không thật và nghĩ tưởng không thật, "cái biết" đó không phải là cái giả dối. Nếu nó giả dối thì đâu biết được thân và nghĩ tưởng không thật! Cái bị biết là thân và nghĩ tưởng, hai cái này không thật, cái hay biết mới là thật.

Tóm lại, khi thấy rõ thân này không thật, nghĩ tưởng không thật, nhận ra "cái biết" hằng hiện hữu nơi mình, chừng đó mới hết khổ. Ðó là giáo lý từ bi cứu khổ của đạo Phật. Chúng ta học Phật, học từ thấp lên cao, bước đầu là tam quy, ngũ giới. Sau đó biết thân tâm là vô thường, vô ngã... tiến lên bước nữa là biết vô minh là nguồn gốc của luân hồi sanh tử khổ, không sống với vô minh, mà hằng sống với trí tuệ là "cái biết" hằng hữu nơi mình. Ngang đây mới hết khổ. Ðó là cách cứu khổ của đạo Phật mà Tăng Ni thường giảng dạy cho người đời nghe để tự học cho hết khổ.

(HT. Thích Thanh Từ)

HỌC PHẬT CHỚ NÊN HỒ ĐỒ NGỘ NHẬN

HỌC PHẬT CHỚ NÊN HỒ ĐỒ NGỘ NHẬN


"Phật sự" - hai chữ này là dạy học, hiện nay đã biến chất rồi, hai chữ này đã biến chất rồi. Biến thành cái gì vậy? Siêu độ cho người chết gọi là Phật sự, điều này ở trong Phật giáo không có, trong kinh điển không có. Phật sự là dạy học, chính là giáo dục. Chỉ một việc này.

Bản ý của chữ Phật này là giác ngộ, bạn thử xem việc giác ngộ, việc gì có thể khiến người ta giác ngộ vậy? Dạy học. Giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, đây mới đích thực là Phật sự. Chúng ta siêu độ vong linh, làm pháp hội thủy lục, làm Lương Hoàng Bảo Sám, Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, Tịnh Độ tông chúng ta thường hay đề xướng Tam Thời Hệ Niệm, bạn thử xem ở trong đây có đọc kinh, có tụng kinh, ở trong đây có khai thị, khai thị đó chính là thuyết pháp, chính là dạy học, đối tượng là ai vậy? Đối tượng là quỷ thần.

Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế thì không có những việc này. Thế Tôn năm xưa còn tại thế, cho đến các tổ sư đại đức trước đây, đối tượng của giáo dục là con người, chứ không phải quỷ thần. Quỷ thần là việc phụ, chỉ thỉnh thoảng. Hiện nay đối tượng chủ yếu của Phật giáo lại chính là quỷ thần, còn đối với con người thì lơ là quên lãng, vậy là sai lầm, quá đỗi sai lầm.

Dạy quỷ thần, Phật Bồ Tát có năng lực, thị hiện làm thân quỷ vương ở trong cõi quỷ để dạy quỷ thần, còn thị hiện thân người trong cõi người là để dạy người, chứ đâu có dạy quỷ! Học Phật phải học làm người thông minh, không nên càng học thì càng hồ đồ, không nên mê tín. Phật không hề dạy bạn mê tín, mà do chính bạn mê thôi, bạn không thể trách người khác, dứt khoát không thể trách Phật, Phật không hề dạy bạn mê tín, Phật dạy bạn giác ngộ, Phật dạy bạn mở trí tuệ. Cho nên trong thế gian bạn nói thử việc làm nào là việc tốt nhất? Chỉ có dạy học.

Thỉnh Phật trụ thế, thỉnh chuyên pháp luân
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm Tỳ Lô Giá Na thứ 6. (phút 39 đĩa 1)
Người giảng: Pháp sư Tịnh Không.
Giảng tại hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông_Tháng 12 năm 2002.

Vãng sanh quyết định chơn ngôn (Thần chú hỗ trợ cho người tu Niệm Phật)

Vãng sanh quyết định chơn ngôn (Thần chú hỗ trợ cho người tu Niệm Phật)

*************************
Vãng sanh quyết định chơn ngôn hay Vãng sanh Tịnh độ thần chú là mật ngôn được trì niệm phổ biến trong các khóa lễ Tịnh độ, cầu siêu. Thần chú này có tên đầy đủ là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Cứ vào tên của Đà la ni (Tổng trì, thâu nhiếp vạn pháp, tạm gọi là chơn ngôn hoặc thần chú) cho biết thần chú này có công năng phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, để được vãng sanh về Cực lạc.

Theo kinh Niệm Phật Ba la mật, phẩm thứ 7 (HT.Thích Thiền Tâm dịch), Bồ tát Phổ Hiền vì thương xót chúng sanh thời mạt pháp nên nói Đà la ni này để trợ duyên được mau vãng sanh về Tịnh độ: “Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Con nay vì thương tưởng chúng sanh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực lạc, gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Liền nói chú rằng: Nam mô a di đa bà dạ, đa tha già đa dạ, đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, già di nị, già già na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha.

Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh tịnh. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng 21 biến. Như vậy, diệt được các tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác và hủy báng Chánh pháp. Thường được Phật A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Khi trút hơi thở cuối cùng được tùy nguyện vãng sanh. Trì tụng đến ba chục ngàn biến liền thấy Phật ngay trước mặt”.

Xưa nay, phần lớn những hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thường trì niệm thần chú Vãng sanh theo phiên âm tiếng Hán. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về “ý nghĩa” của thần chú này.

- Namo Amitàbhàya

(Na-mô A-mi-ta-pha-gia)

Nam mô A di đa bà dạ

Quy mạng Vô Lượng Quang (A Di Đà)

- Tathàgatàya

(Ta-tha-ga-ta-gia)

Đa tha già đa dạ

Như Lai

- Tadyathà

(Ta-di-gia-tha)

Đa điệt dạ tha

Nên nói thần chú

- Amrto dbhave

(A-mờ-rật-tô đờ-pha-vê)

A di rị đô bà tỳ

Cam lộ hiện lên

- Amrta sambhave

(A-mờ-rật-ta sam-pha-vê)

A di rị đa tất đam bà tỳ

Cam lộ phát sinh

- Amrta vikrànte

(A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-tê)

A di rị đa tỳ ca lan đế

Cam lộ dũng mãnh

- Amrta vikrànta gamini

(A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-ta ga-mi-ni)

A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị

Đạt đến Cam lộ dũng mãnh

- Gagana kìrtti kare

(Ga-ga-na kít-ti ka-rê)

Già già na, chỉ đa ca lệ

Rải đầy hư không

- Svàhà

(Sờ-va-ha)

Ta bà ha

Thành tựu cát tường.

Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền trong pháp hội tại Linh Sơn đã vì chúng sanh đời mạt pháp về sau mà xin phép Thế Tôn tuyên thuyết thần chú Vãng sanh. Theo lời dạy của Bồ tát, nếu có người nào phát nguyện sanh về Cực lạc nhưng vì phước mỏng nghiệp dày, niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì có thể nương nhờ công đức của thần chú Vãng sanh để được như nguyện. Hành giả thực hành trai giới, giữ ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh; mỗi ngày trì niệm 6 thời, mỗi thời 21 biến thì chắc chắn tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, cho dù là ngũ nghịch hay thập ác tội chướng.

Thần chú Vãng sanh có tầm quan trọng như thế, nên người tu pháp môn Tịnh độ luôn trì niệm nhằm thú hướng Lạc bang.


(Nhiên Tự)

NHỮNG TÁC DỤNG TƯƠNG PHẢN CỦA TÂM THỨC: GANH TỴ, GHEN TỨC - TỪ BI, HỶ XẢ


NHỮNG TÁC DỤNG TƯƠNG PHẢN CỦA TÂM THỨC:

GANH TỴ, GHEN TỨC - TỪ BI, HỶ XẢ


Vì sao? Vì tâm ganh tỵ có mặt ở đâu, thì ở đó có sự nghi ngờ, phân hóa và chia rẽ. Tâm hỷ và xả có mặt ở đâu, thì ở đó có đoàn kết, có niềm tin, có sự an bình và cường thịnh.
Vì vậy, hung thần đến với ta, với gia đình ta, với quốc gia và tôn giáo của ta không ai khác hơn là tâm ganh tỵ.

"Không một ai phá sản nhân cách của ta bằng tâm ganh tỵ của ta và cũng không một ai có khả năng bảo vệ nhân cách cho ta bằng tâm hỷ và xả của ta. Không một ai phá nát gia đình của ta, bằng tâm ganh tỵ của những thành viên trong gia đình của ta đối với nhau, và cũng không có ai có khả năng bảo vệ gia đình của ta bằng tâm hỷ và xả của những thành viên trong gia đình ta đối xử với nhau."

Hạt giống ganh tỵ vốn có ở trong tâm thức của mỗi chúng ta, nó là thuộc tính của chấp ngã. Nên, ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với người, thì nhân cách của ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với gia đình người, thì nhân cách của gia đình ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với tổ chức của người, thì cương kỷ tổ chức của ta bị phá sản; ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với quốc gia của người, thì đạo đức và văn hóa của quốc gia ta bị phá sản, và ta đem tâm ganh tỵ mà đối xử với tôn giáo của người, thì niềm tin và đạo đức tôn giáo của ta bị phá sản.

Ta cần phải chiêm nghiệm điều này qua bản thân, gia đình và xã hội cũng như lịch sử chính trị và tôn giáo ngay ở trong nước mình và các quốc gia trên thế giới, để ta có thể rút ra những phương pháp thực tập, tránh được những hiểm họa và đem lại những lợi ích thiết thực cho ta và cho tất cả mọi người trong mọi xu hướng của cuộc sống.

Vì vậy, phải hết sức cẩn thận, không tạo điều kiện để cho những hạt giống ganh tỵ biểu hiện lên mặt ý thức của ta và cũng không tạo điều kiện cho chúng có mặt nơi cách suy nghĩ, cách nói, cách hành động và cách tiếp xúc của ta.

Vì tâm ganh tỵ nên mỗi khi đã biểu hiện lên tâm ý và đã có mặt trong ngôn ngữ, nét mặt và trong hành động của ta, là ta chẳng khác nào người đi ngược gió mà giê bụi; chẳng khác nào ta ngửa mặt mà nhổ nước miếng và chẳng khác nào miệng ta ngậm máu mà phun người… Tất cả những hành động ấy của ta đều đưa ta đến tự hại.
Ở trên đời, ta chưa thấy một ai sống và hành động với tâm ganh tỵ mà có thảnh thơi, hạnh phúc và an lạc bao giờ!

Nhìn sâu vào trong tâm, ta biết rõ, tâm chúng ta không phải chỉ hàm chứa những hạt giống xấu mà còn hàm chứa những hạt giống tốt nữa. Tâm không chỉ hàm chứa những hạt giống thuộc về ngã tính mà còn hàm chứa những hạt giống có tính chất vô ngã và vị tha nữa.

Hỷ và xả là những hạt giống có thuộc tính vô ngã và vị tha, CHÚNG VỐN CÓ MẶT Ở TRONG TÂM THỨC TA.

Ở trong đời, ta chưa thấy một ai sống với tâm hỷ và xả mà bị đau khổ, cô độc và bị những bậc có trí ở trong đời khinh rẻ và chê cười bao giờ!

RỦI & MAY hay HÊN & XUI trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội không phải bỗng dưng mà có, nó có từ nơi những tác nhân và tác duyên của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Mỗi khi tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng đã hội đủ nhân duyên để hình thành kết quả, thì mọi sự van xin, trách móc hay tránh né của ta đều là những hành động vô ích. Hành động của ta chỉ có hữu ích và hiệu quả, khi nào ta biết chế ngự và chuyển hóa những tâm thức bất thiện của ta ngay nơi những tác nhân và tác duyên, khiến cho chúng không thể biểu hiện và bị rơi vào khoảng lặng của tâm thức và tự nó hủy diệt.


Tĩnh tâm hay pháp Niệm Phật tam-muội, sẽ giúp cho ta lắng yên những hạt giống muộn phiền, để trí tuệ và từ bi sinh khởi trong đời sống của ta, chuyển hóa hạt giống ganh tỵ ở trong tâm thức ta đi về theo hướng hỷ và xả, ấy là ta đã biết nhìn tâm ta bằng con mắt tương phản và ta đã có chất liệu căn bản để dựng xây đời sống hạnh phúc, an lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Và như vậy mới là mục đích tu học, niệm Phật của tất cả chúng ta.

From Thích Minh Tài .

http://www.facebook.com/photo.php?fbid=238913462890156&set=a.204857739629062.43976.100003145135585&type=1

NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn

Lời Phật dạy :
”Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.

Tăng Chi Bộ Kinh
(The Anguttara Nikaya/The "Further-factored" Discourses)

==================

“Do not believe in anything simply because you have heard it. Do not believe in anything simply because it is spoken and rumored by many. Do not believe in anything simply because it is found written in your religious books. Do not believe in anything merely on the authority of your teachers and elders. Do not believe in traditions because they have been handed down for many generations. But after observation and analysis, when you find that anything agrees with reason and is conducive to the good and benefit of one and all, then accept it and live up to it.”

Sakya Muni Buddha
(The Anguttara Nikaya/The "Further-factored" Discourses)

For foreigners or Vietnameses live abroad : Visit this website to share it with your foreign friends to study and understand yourself and Life in Buddha religious.

Loisexotics Gravity-Aquariums, Thubten Kway, Satish Dabhade, 阮怡甄, Cu Si
Here: http://quangduc.com/menu2.html

TỨ DIỆU ĐẾ (4 CHÂN LÝ) (1)


TỨ DIỆU ĐẾ (4 CHÂN LÝ) (1)


Một hôm, Đức Phật đang ở tại Kosambi trong rừng cây simsàpa, Ngài nhặt một ít lá simsàpa đưa lên hỏi:

- "Này các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Lá simsàpa ở trong tay ta nhiều hay là ở trong rừng simsàpa nhiều?".

- "Bạch Đức Thế Tôn, lá trong tay Thế Tôn quá ít, còn lá trong rừng simsàpa thì quá nhiều".

Phật dạy:

- "Cũng vậy, này các Tỳ kheo, điều ta biết thì quá nhiều, nhưng những gì ta dạy cho các ông thì rất ít; nhưng đó là những gì cần thiết và căn bản cho sự giải thoát. Những gì ta đã dạy cho các ông?

Chính là: "Đây là Khổ", "Đây là Khổ tập", "Đây là Khổ diệt", "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt".

(Tương Ưng V).

GIÁO LÝ TỨ ĐẾ LÀ NỀN TẢNG CỦA HỆ THỐNG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT.

Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến vườn Nai thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, những bạn tu khổ hạnh với Ngài trước đây; nội dung bài thuyết giáo đầu tiên ấy là Tứ diệu đế. Từ đó, xuyên suốt hành trình hoằng hóa của Ngài, giáo lý Tứ diệu đế được triển khai, mở rộng. Đức Phật nhiều lần xác định về tầm quan trọng và siêu việt của giáo lý Tứ đế, Ngài dạy:
- "Những bậc A La Hán chánh đẳng giác ở trong quá khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác đúng nghĩa là Chánh đẳng giác về Bốn thánh đế".
(Tương Ưng V)

MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT LÀ GIẢI THOÁT MỌI ĐAU KHỔ.

Vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Giáo lý Tứ điệu đế được coi là thiện pháp tối thắng. Ngài Xá Lợi Phất nhận định: "Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất trong tất cả dấu chân. Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ thánh đế" (Trung Bộ kinh I). Đức Phật cũng dạy: "Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra".
(Tương Ưng V)

Cho đến lúc sắp nhập Niết bàn dưới cây sa la song thọ, một lần cuối, Ngài nhắc lại giáo lý Tứ đế: "Các thầy Tỳ kheo, đối với Bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp" (kinh Di Giáo, Trí Quang dịch).
Như vậy, tầm quan trọng của giáo lý Tứ diệu đế đã được xác định bởi chính Đức Phật và những đệ tử xuất sắc của Ngài. Trải qua hơn 2.500 năm, giáo lý Tứ diệu đế vẫn được tất cả các bộ phái Phật giáo, Nguyên thủy hay Đại thừa, đều xiển dương và hành trì.

1. ĐỊNH NGHĨA


TỨ DIỆU ĐẾ là Hán dịch từ chữ Phạn Catvary Aryasatyani.
Arya: là Diệu, cao quý, mầu nhiệm.
Satya: là Đế, là sự thật, là chân lý.
Tứ diệu đế còn được gọi là Tứ chân đế, Tứ thánh đế, Bốn chân lý mầu nhiệm.

1- Khổ đế (Dukkha): là thực trạng đau khổ của con người.

2- Tập đế (Samudaya): là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ.

3- Diệt đế (Nirodha): là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau.

4- Đạo đế (Magga): là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau.


Giáo lý Tứ diệu đế được nói đến trong các kinh: Đế phân biệt tâm kinh (Trung Bộ III), kinh Phân biệt thánh đế (Trung A Hàm), kinh Chuyển pháp luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm), và rải rác trong kinh tạng Pàli cũng như Hán tạng.

- HT. THÍCH VIÊN GIÁC -

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

NGŨ UẨN HAY NGŨ ĐẠO - ĐỜI NGƯỜI.


NGŨ UẨN HAY NGŨ ĐẠO - ĐỜI NGƯỜI.


"Vị Tỳ-kheo ly dục... chứng và trú Sơ thiền. Vị ấy, ở đây, đối với cái gì thuộc về Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là bệnh tật, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã; vị ấy né tránh tâm mình khỏi những các pháp ấy, sau khi tránh né, vị ấy hướng đến bất tử giới. Đây là tịnh lạc, thù thắng, đây là sự chỉ tức tất cả Hành, sự từ bỏ Sinh y, sự tận diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn".
(kinh Tăng Chi Bộ tập 3a, tr. 395)

NGŨ-UẨN hay ngũ-ấm là năm pháp cái trong võ-trụ. Mỗi vật chi trên thế-gian này, dầu có hình tướng, dầu không hình tướng, đều thuộc về những chi-tiết của ngũ-uẩn cả.
Năm pháp cái ấy là:
1.Sắc-uẩn (hình sắc thể chất).
2.Thọ-uẩn (thọ-cảm ưa chịu).
3. Tưởng-uẩn (Tư-tưởng hay tưởng-tượng ).
4. Hành-uẩn (hành-vi tức việc làm ).

Thân hình đứa trẻ mới tượng trong thai là sắc.
Lúc sanh ra là thọ.
Đến sáu tuổi là tưởng.
Khi mười hai tuổi là hành, chừng ba mươi tuổi là thức.
(Bốn mươi tám tuổi là giác).
Địa ngục là tứ đại, hay thân hình trong thai, có sắc.
Ngạ quỷ là cây cỏ, hay đứa trẻ mới sanh, có thọ.
Súc sanh là con thú, hay em nhỏ sáu tuổi, có tưởng.
Nhơn là người, hay người nhỏ, có hành.
Thiên là trời, hay người lớn, có thức.
(Phật hay người già, bốn mươi tám tuổi, có giác).

http://www.daophatkhatsi.net/audio/565450.aspx

1/ĐỊA NGỤC
Cảnh của một đứa trẻ, ngồi trong bụng mẹ, bọc thai như bao vỏ của hột giống, da bụng mẹ như đất. Ơ trong ấy nhờ cái ấm mà tượng hình. Lúc ban đầu mê như người ngủ, vốn chưa có cái biết, về sau bởi có sự xao động bên ngoài là pháp hành, mới sanh thức biết lần lần. Cái thức mới ấy là thọ cảm, có thọ cảm mới chun ra; cũng như kẻ ngộp nhô tìm ánh sáng, vượt bỏ chốn vô minh si mê (địa ngục).

2/NGẠ QUỈ
Đứa trẻ sanh ra chỉ biết đòi ăn, đòi bú, cũng như cỏ mọc ra, là chỉ biết sự đói khác, đòi ăn phân, uống nước, gốc tham lam (ngạ quỉ).

3/SÚC SANH
Trẻ con sáu tuổi vọc đất chơi bùn, ưa lùm thích bụi khác nào con vật; lại thêm nghịch ngợm phá phách, hung dữ, ham gây, gốc sân giận (súc sanh).
Ba hạn này ở trong các ác mà không tự biết, sống bằng cách hại kẻ khác, chung quanh, mà vẫn không hay. Như cây cỏ sanh ra bởi đất nước, rồi lại ăn đất nước mà sống, khác nào như đứa con sống bằng thân mẹ, ăn máu thịt mẹ? Đứa trẻ lấy máu thịt mẹ làm thân (địa ngục) sanh ra rồi lại còn bú là ăn máu thịt mẹ nữa, thêm sự thèm đòi như ma đói (ngạ quỉ).

Lớn lên sáu tuổi hết giết mẹ, lại đến tuổi đùa nghịch, phá phách, gây gỗ khổ hại ông cha (súc sanh).

Ấy bởi chỉ có sắc thân như địa ngục, thọ cảm như ngạ quỉ, tư tưởng như súc sanh thôi ! Nào ta có nên chấp trách kẻ chưa có cái biết đầy đủ ấy, vì theo từng lớp tiến hóa, ai ai cũng vậy. Chính ta, chúng ta mỗi người đã phải trải qua ba lớp ác ấy rồi: ta đã ở trong cảnh mê ngộp của địa ngục thai bào (sắc) mà tiến đến cõi đói khát tìm đòi của ngạ quỉ (thọ), rồi vượt lên đến lớp nghịch ngợm phá phách của súc sanh (tưởng). Nhưng lần lượt ta sẽ đến với cái thiện của lớp người (hành). Trời (thức) mà tha thứ cùng giúp đỡ lại cho bao kẻ khác. Người giúp ta, ta giúp lại kẻ khác, ai cũng sanh nơi cha mẹ gốc vốn, và phải nương theo chỗ sanh gốc vốn ấy một lúc đầu. Về sau ta mới biết tự lo cho ta và đền ơn cha mẹ, là ta giúp đỡ nuôi dạy lại kẻ khác.

4/ NHƠN, NGƯỜI.
Khi tuổi 12, không làm ác, tha thừ cha mẹ, không giết hại, lòng nhơn nhỏ hẹp, tự làm nuôi sống, có hành vi phụ giúp gia đình, lần biết thương quyến thuộc. Tập ăn chay, giảm tha mạng thú vật, bắt đầu ham sống vật chất, chú trọng cho mình nhiều, gọi là người nhỏ (nhơn).

5/ THIÊN TRỜI.
Chừng tuổi 30, lòng nhơn to rộng, gọi là người lớn, giao du cùng xứ, sống trong xã hội, biết thương chủng tộc người. Nói việc lớn, làm việc lớn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý, đều hạp theo lẽ lớn, sự lành. Quên mình mà lo cho thiên hạ, giúp đỡ kẻ dưới mình, gần là con vợ, xa là một xứ. Thanh cao quảng đại, gác mình bực bề trên, kêu gọi là Trời. Sống với tinh thần, chồng vợ lâu ngày xem ra như bạn, giúp nương coi là bổn phận. Hiểu lẽ trắng, biết điều thiện, có thức trí, ăn chay, phóng sanh, trọng mạng sống của thú người, lòng nhơn đã rộng lớn (thiên).

6/ PHẬT.
Trên 48 tuổi, tuổi đã giác ngộ, trong sạch sáu căn, từ bi, trí huệ, sống nơi thanh tịnh, biết kinh nghiệm chơn lý thấy rõ vô thường, khổ não, không cái ta. Chuyên dạy lành cho trẻ nhỏ, nết hạnh trang nghiêm, giác ngộ hoàn toàn; không giống như người lớn cùng trẻ nhỏ; qua khỏi sự làm ác và làm thiện bằng vật chất; chỉ nói chút lẽ đạo, no đói không cần, có chi ăn nấy. Ngày ăn một bữa để nuôi tâm chơn như, rảnh rang không bạc tiền. Ai chôn giết chừng nào cũng được. Thương tất cả chúng sanh. Bình đẳng cỏ, thú, người, thuận theo lẽ một, thế gian người nuôi để sanh lời vàng ngọc. Không sống cho mình, sanh, già, bịnh, chết, rõ biết, vui khổ, hết ham.

Trên 60 tuổi, không còn đi đây đó, ở trụ một chỗ hưu trí, thôi dạy, nín nghĩ chơn như. Trí đầy tâm đủ, gọi niết bàn sáng lặn. Như hột giống sen khô cứng, cất để đời đời, trường sanh bất diệt.
*******

Kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có ghi:

http://www.khanhhytemple.org/vn/?15659=5&596=3&759=37&59615=4

"Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người,
Cầm lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng xuống xong,
Tức là lạc không khổ,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo gánh khác.
Nếu nhổ khát Ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc”.

Như vậy, đức Phật nói nhiều đến Ngũ uẩn. Nhưng Ngài nói để làm gì, có ích lợi gì mà Ngài nói, sao Ngài không nói cái gì khác? Ví như nói phi thuyền lên không gian, hoặc sản xuất như thế nào cho có lợi, mà Ngài lại nói Ngũ uẩn ? Ngài thuyết Ngũ uẩn là vì thương chúng sinh, muốn diệt trừ sự đau khổ cho chúng sinh.

Tại sao Phật không đau khổ mà chúng sinh lại đau khổ? Vì tham Ái nên chúng sinh đau khổ. Vì chấp Thủ nên chúng sinh đau khổ.

Thế vì sao chấp Thủ? Vì sao mà có tham Ái? Là vì chấp có cái Ta cho nên sinh tham Ái. Nếu không có cái Ta thì tham Ái sẽ không có mặt. Cho nên, Phật thuyết pháp là căn cứ nơi hiện thực, chỉ rõ hiện thực tính đó, để chúng sinh thấy, vì chúng sinh hay chấp ngã. Nhưng chấp cái gì làm ngã? Chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức làm ngã.

.....

Như chúng ta đã đọc và học các kinh, chúng ta cũng biết đức Phật chỉ lý Ngũ uẩn cốt để cho chúng sinh thấy rõ lý Vô ngã. Nhưng nếu khi mê lầm chấp ngã thì sẽ sinh Ái, Thủ, thành ra đau khổ. Khi đã rõ nguyên nhân và hậu quả của chấp ngã đó thì phải nhổ cái gốc của chấp ngã (cái gốc sinh ra đau khổ) thì không còn đau khổ nữa. Vì chấp Năm thủ uẩn nên sinh đau khổ, cho nên Năm thủ uẩn đó trở thành một gánh nặng.

Hòa Thượng Thiện Siêu

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT _()_

TỨ DIỆU ĐẾ (4 CHÂN LÝ) (2)

TỨ DIỆU ĐẾ (4 CHÂN LÝ) (2)


Có nhiều người nhận lầm học Phật, hiểu đôi điều về giáo lý Ðức Phật là tu rồi, đây là một sai lầm lớn trong nhận thức, vì tu và học là hai phạm trù khác nhau. Tu là một sự nỗ lực chuyển hóa tâm thức, hạ thủ công phu, làm cho tâm linh càng đi vào chiều sâu của Tâm, giải quyết vấn đề nội tại của chính mình, nói cách khác Tu là một quá trình nhìn lại mình để sửa đổi làm cho các phiền não không dấy khởi làm cho mình bớt khổ đau.

NGUYỆN ĐEM CÔNG ĐỨC NÀY
HƯỚNG VỀ KHẮP TẤT CẢ
ĐỆ TỬ VÀ CHÚNG SANH
ĐỀU TRỌN THÀNH PHẬT ĐẠO.
===========================

2. NỘI DUNG TỨ DIỆU ĐẾ


1)- KHỔ ĐẾ (Dukkha):

Khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận TỪ LÚC LỌT LÒNG MẸ CHO ĐẾN KHI NHẮM MẮT XUÔI TAY, không ai phủ nhận điều ấy. Con người luôn có xu hướng vượt thoát khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc, nhưng vì không hiểu rõ bản chất của khổ đau nên không tìm được lối thoát thực sự; đôi khi ngược lại, càng tìm kiếm hạnh phúc càng vướng vào khổ đau.

Khổ đế là một chân lý, một sự thực về BẢN CHẤT CÁI KHỔ. Đức Phật dạy:
- "Này các Tỳ kheo, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ".
(Tương Ưng V).
Như vậy, Khổ có thể chia làm 3 phương diện như sau:

a) PHƯƠNG DIỆN SINH LÝ: Khổ là một cảm giác khó chịu, bức xúc, đau đớn. Khi ta bị một gai nhọn đâm buốt bàn chân hay một hạt cát vào trong mắt khó chịu..., đây là SỰ BỨC BÁCH ĐAU ĐỚN CỦA THỂ XÁC. Sự đau đớn của thể xác rất lớn, như Lão Tử nói:
- "Ngô hữu đại hoạn do ngô hữu thân". (Có thân nên có khổ).
Con người sinh ra đã vất vả khốn đốn; lớn lên già yếu, bệnh tật khốn khổ vô cùng; và cuối cùng, cái chết: sự tan rã cuối cùng của thể xác đem đến khổ thọ lớn lao.

b) PHƯƠNG DIỆN TÂM LÝ: Là sự khổ đau do không toại ý, không vừa lòng v.v... SỰ KHÔNG VỪA Ý SẼ TẠO NÊN NỖI ĐAU ĐỚN VỀ TÂM LÝ. NHỮNG MẤT MÁT, THUA THIỆT TRONG CUỘC ĐỜI LÀM MÌNH KHỔ. Người mình thương muốn gần mà không được, người mình ghét mà cứ gặp gỡ hoài, mình muốn tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng nó cứ vụt qua ngoài tầm tay của mình. Cuộc đời như muốn trêu ngươi, những ước mơ không toại ý, lòng mình luôn trống trải, bức bách v.v... Đây là nỗi khổ thuộc về tâm lý.

c) KHỔ LÀ SỰ CHẤP THỦ (BÁM VÍU VÀO) 5 UẨN:
Qúy vị có thể đọc bài NGŨ UẨN ở đây:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=127649287371547&set=a.115426128593863.17073.100003794290996&type=3&theater

Cái khổ thứ ba này bao hàm hai cái khổ trên, như trong kinh đã dạy: "Chấp thủ năm uẩn là khổ".


Tóm tắt: NĂM UẨN LÀ 5 YẾU TỐ NƯƠNG TỰA VÀO NHAU ĐỂ TẠO THÀNH CON NGƯỜI, gồm có: thân thể vật lý và cấu trúc tâm lý như: cảm giác, niệm tưởng, hành và thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nói một cách tổng quát, KHI TA BÁM VÍU VÀO 5 YẾU TỐ TRÊN, COI ĐÓ LÀ TA, LÀ TỰ NGÃ CỦA TA, THÌ SỰ KHỔ ĐAU CÓ MẶT. Ý niệm về "thân thể tôi", "tình cảm tôi", "tư tưởng tôi", "tâm tư tôi", "nhận thức của tôi"... HÌNH THÀNH MỘT CÁI TÔI HAM MUỐN, VỊ KỶ; TỪ ĐÓ, MỌI KHỔ ĐAU PHÁT SINH. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về "CÁI TÔI" ẤY.

Tóm lại, cái khổ về mặt hiện tượng là cảm giác khổ về thân, sự bức xúc của hoàn cảnh, sự không toại nguyện của tâm lý. Về mặt bản chất, khổ đau là do sự chấp thủ, ngã hóa năm uẩn.

2)- TẬP ĐẾ (Samudaya):

Tập là tích tập, CÁC PHIỀN NÃO TỤ HỘI TẠO THÀNH NĂNG LỰC ĐƯA ĐẾN KHỔ ĐAU; ĐÂY LÀ NGUYÊN NHÂN, LÀ NGUỒN GỐC CỦA CÁC KHỔ.
>> KHI NHẬN THỨC ĐƯỢC BẢN CHẤT CỦA KHỔ MỘT CÁCH RÕ RÀNG, TA MỚI CÓ THỂ ĐI VÀO CON ĐƯỜNG ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU (Đạo đế).

Cuộc đời là khổ đau hay không khổ? Câu trả lời là tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người; nguyên nhân của khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người. Phật giáo cũng nhìn thấy các nguyên nhân của đau khổ; có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn là TÂM THỨC.

Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập CHÍNH LÀ THAM ÁI.
>> DO THAM ÁI MÀ CHẤP THỦ, BÁM VÍU VÀO CÁC ĐỐI TƯỢNG CỦA THAM ÁI. SỰ KHAO KHÁT VỀ DỤC LẠC SẼ DẪN ĐẾN KHỔ ĐAU, BỞI LÒNG KHAO KHÁT ẤY KHÔNG BAO GIỜ THỎA MÃN.

Nguyên nhân sâu hơn và CĂN BẢN HƠN CHÍNH LÀ VÔ MINH, TỨC LÀ SI MÊ KHÔNG THẤY RÕ BẢN CHẤT CỦA SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG ĐỀU NƯƠNG VÀO NHAU MÀ SINH KHỞI, ĐỀU VÔ THƯỜNG VÀ CHUYỂN BIẾN, không có cái chủ thể, không có cái bền vững độc lập ở trong chúng.
>> DO KHÔNG THẤY RÕ NÊN SINH TÂM THAM MUỐN, ÔM GIỮ LẤY CÁC ĐỐI TƯỢNG LẠC THÚ. DO KHÔNG THẤY RÕ MỚI LẦN TƯỞNG RẰNG "CÁI TÔI" LÀ QUAN TRỌNG NHẤT, LÀ CÁI CÓ THỰC CẦN PHẢI BÁM VÍU, CỦNG CỐ VÀ THỎA MÃN NHU CẦU CỦA NÓ.
>> Nói cách khác, do vô minh mà có chấp thủ "cái tôi" và "cái của tôi" như thân tôi, tình cảm tôi, tư tưởng tôi..., người yêu của tôi, tài sản của tôi, sự nghiệp của tôi... Do những chấp thủ ấy mà có những nỗi thống khổ của cuộc đời.

Tóm lại, chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng, khổ hay không là do lòng mình; LÒNG MÌNH ĐẦY THAM LAM, CHẤP THỦ, NHẬN THỨC SAI LẦM THÌ KHỔ LÀ CHẮC CHẮN. Nói cách khác, do cái nhìn của mỗi người đối với cuộc đời mà có khổ hay không.
>> NẾU KHÔNG BỊ SỰ CHẤP NGÃ VÀ DỤC VỌNG, VỊ KỶ HAY PHIỀN NÃO KHUẤY ĐỘNG, CHI PHỐI, NGỰ TRỊ TRONG TÂM THÌ CUỘC ĐỜI ĐẦY AN LẠC, HẠNH PHÚC THẬT SỰ.

3)- DIỆT ĐẾ(Nirodha):

Diệt là chấm dứt, là dập tắt. Diệt đế là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ và sự chấm dứt khổ đau; cũng có nghĩa là hạnh phúc, an lạc. DIỆT ĐẾ ĐỒNG NGHĨA VỚI NIẾT BÀN (Nirvana/Nibbàna).

ĐẠO PHẬT XÁC NHẬN CUỘC ĐỜI ĐẦY DẪY NHỮNG ĐAU KHỔ, ĐỒNG THỜI CŨNG XÁC ĐỊNH CÓ MỘT SỰ THẬT NỮA LÀ AN LẠC, HẠNH PHÚC CHƠN CHÁNH. Vì vậy mà có sự tu tập để đạt được hạnh phúc.

4)- ĐẠO ĐẾ (Magga):

ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG, LÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC AN LẠC, HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY, HAY ĐẠT HẠNH PHÚC TUYỆT ĐỐI - NIẾT BÀN.
* HẠNH PHÚC LÀ GÌ? Hạnh phúc có các mức độ khác nhau.

(Xin quý vị đạo hữu cùng Lá Bồ Đề tu học tiếp phần 3 kỳ sau)


- HT. THÍCH VIÊN GIÁC -

CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (2)


CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (2)


TÁM GIAI ĐOẠN TU THÀNH PHẬT


BƯỚC 1: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=197870287016113&set=a.115426128593863.17073.100003794290996&type=1&theater

BƯỚC 2: KHÔNG THOÁI LUI TRÊN CON ĐƯỜNG PHẬT ĐẠO

Ở đây muốn nhấn mạnh không thoái lui TÂM BỒ ĐỀ.
- Tâm Bồ-đề LÀ TÂM CẦU PHẬT ĐẠO, CẦU GIÁC NGỘ.
- Người Phật tử làm sao gầy dựng được bước đi căn bản luôn tiến, luôn vững, không vì bất cứ lý do gì thoái tâm Bồ-đề. Khi tâm Bồ-đề thoái rồi thì con đường Phật đạo xem như bị ngó lơ, mình quay lưng đi. Một khi ta đã ngó lơ, đã quay lưng thì không biết bao giờ mình mới chịu tìm, chịu nhận lại ông Phật thật sẵn có nơi mình.
Vì vậy quí thầy hướng dẫn các Phật tử tu tập, luôn luôn quan tâm TRỞ NGẠI TRONG GIAI ĐOẠN NÀY.
>> Có thể vì lý do bức xúc nào đó, Phật tử đi chùa một thời gian thấy chán nản, tu tập một thời gian thấy chán nản. Đó là biểu hiện của thoái tâm Bồ-đề.

MỘT KHI ĐÃ NẢN, ĐÃ QUAY LƯNG RỒI, GẦY DỰNG TRỞ LẠI RẤT KHÓ.
Trong sử học có nói về gia đình ông Cấp Cô Độc, là vị đại thí chủ của tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Ông sẵn sàng đem tất cả kho báu của mình ra dâng hết cho Tam Bảo. Vì vậy Phật cần xây dựng chỗ nào, chư tăng cần làm việc gì, ông đều cung cấp hết. Bởi ông phát tâm như vậy nên trong gia đình cũng có một ít người không ưng, trong đó có bà giữ kho. Bà chuyên giữ kho, khi chư tăng cần cái gì, có giấy của trưởng giả, ngoài mặt bà không dám nói nặng nhưng trong bụng cằn nhằn “Sao mấy sư cứ vòi vĩnh hoài vậy, không biết xấu hổ”. Thấy chư tăng từ xa là bà nghĩ không biết bữa nay mấy ông thầy tới làm gì nữa đây? Bà bực bội lắm.

Một hôm, Đức Thế Tôn nghĩ bà nghiệp chướng sâu dày, ngài muốn độ nhưng biết bà lão không có duyên ngài. Khi thấy Phật đi đằng kia bà ngó chỗ khác. Phật biết thế nên hóa hiện ra nhiều thân, có mặt khắp mọi hướng. Nơi nào bà ngó đều có Phật đi tới, bà liền ngó xuống đất.
Phật biết mình không có duyên với bà ta rồi, Ngài liền
quán sát trong tăng đoàn, thấy có một người độ được bà. Đó là La Hầu La. Mỗi khi thấy ngài La Hầu La từ đằng xa là bà đứng dậy chạy ra đón mừng. Không gì lạ, bởi duyên trong nhiều đời bà đã từng là mẹ của ngài, nên còn hơi hướm tình thương thuở trước, do đó tôn giả La Hầu La là người độ bà.
Ở đây trên con đường Phật đạo dài lâu, chúng ta từng bước gầy dựng, quan tâm gìn giữ làm sao tâm Bồ-đề của mình vững chắc, không để thoái tâm.
CỐ GẮNG GÌN GIỮ THÌ NHỮNG SỰ KIỆN PHÁT SINH TRONG GIAI ĐOẠN TU TẬP KHÔNG LÀM GÌ ĐƯỢC CHÚNG TA. Phải biết nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, vì đó chính là bảo vệ tánh giác của mình. Đức Phật không bao giờ chấp nhận những ai bữa nay hứng lên ngồi thiền bỏ ăn, ngồi suốt đêm suốt ngày. Làm được hai ba ngày, sau đó thấy mệt bỏ luôn. Tu kiểu một nắng mười mưa như vậy nhất định không bao giờ thành công cho được.

(AI BẢO ĐI TU LÀ DỄ? THẤU TRIỆT CHÂN LÝ ĐƯỜNG TU THÌ MỚI MONG CẦU GIỮ VỮNG BỒ-ĐỀ TÂM.)
CON ĐƯỜNG PHẬT ĐẠO LIÊN TỤC DÀI LÂU, CHỊU ĐỰNG GAN DẠ VÀ PHẢI MỘT BỀ TIẾN THẲNG MỚI ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN ĐƯỢC.
Thành ra ở bước thứ hai, chúng ta phải bảo vệ được tâm Bồ-đề.
>> NGHĨA LÀ TỪ HỒI CHÚNG TA MỚI BÉN DUYÊN ĐẾN VỚI ĐẠO, CHƯA HIỂU BIẾT GÌ VỀ ĐẠO, RỒI TỪ TỪ HỌC PHẬT, phát tâm tu hành, nuôi dưỡng dần dần cho tới khi chúng ta hiểu đạo, áp dụng tu tập. Chúng ta giữ cho được liên tục, không để bất cứ lý do gì làm hỏng đi. Chủng tánh Bồ-đề mà bị hư thối rồi thì không làm sao gầy dựng lại được. Luôn luôn với tâm thành khẩn, hướng tiến, biết rõ con đường dài lên dốc ngược, chúng ta phải gắng gỗ mà đi, đi mãi. Như thế không tính thời gian, gặp khó khăn chi cũng cứ
tiến thẳng, nhất định sẽ thành công.

- HT THÍCH NHẬT QUANG -

=======================

Có 5 giới chung cho tất cả các Phật tử:
1) KHÔNG giết hại mạng người, vật (sát sanh) (hán-việt bất sát)
2) KHÔNG vọng ngữ (nói dối, đặt điều, v.v) (hv. bất vọng ngữ)
3) KHÔNG trộm cắp (hv. bất đạo)
4) KHÔNG tà dâm (hv. bất dâm)
5) KHÔNG uống rượu, bia, chất kích thích.

* 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni (dasa-sila). Thêm vào 5 giới trên nữa:
6) KHÔNG ăn sau 12 giờ trưa.
7) KHÔNG chơi hay nghe ca nhạc, nhảy múa.

KHÔNG trang điểm, xức dầu thơm, đeo nữ trang.
9) KHÔNG nằm giường cao, sang trọng.
10) KHÔNG nhận tiền, và vàng bạc.

* 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Nguyên Thủy; 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Đại thừa.

NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (1)


CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (1)


"Để giảm nhẹ bức xúc và mong chấn hưng lại Phật giáo hiện nay, trước những thông tin sự việc đau lòng vừa xảy ra trong xã hội về Phật giáo và không thể chỉ TÙY DUYÊN MÀ HOẰNG PHÁP ĐƯỢC, Lá Bồ Đề xin thành tâm gửi đến quý vị đạo hữu, người chưa học Phật hay đã học được cái nhìn phần nào sâu rộng và vững tin về con đường tu hành - học Phật pháp mà quý vị chọn, tin và phụng hành. Mong quý vị đọc trọn vẹn 8 kỳ bài viết này & chia sẻ cho tất cả đại chúng khắp nơi để củng cố lại niềm tin đã mất, củng cố Phật tánh đã giảm và con đường giải thoát vô thường không mịt mờ, xa xôi nữa.
Phật Giáo suy tàn và nhân cách con người ngày càng tha hóa nhiều hay không, phụ thuộc tất cả vào sự tu tập và hoằng dương Phật pháp của chúng ta: TĂNG GIÀ - NI TRƯỞNG - QUÝ TĂNG NI TRẺ - QUÝ VỊ PHẬT TỬ VÀ ĐẠI CHÚNG.
NAM MÔ PHẬT - BỒ TÁT ĐẠI CHỨNG MINH."

TÁM GIAI ĐOẠN TU THÀNH PHẬT

Ngày đầu xuân là ngày mang tin vui lớn nhất đến cho chúng ta, bởi vì ngày này đức Phật tương lai Đại từ tôn Di Lặc đản sinh. Nhân đây, chúng tôi nêu lên những giai đoạn mà người con Phật phải trải qua trên bước đường tu tập.
Chúng ta biết không có vị Phật nào trong thời tu nhân mà chỉ nằm nghỉ, đi chơi, bách phố la cà khắp nơi, cuối cùng được thành Phật. Tất cả chư Phật đã thành, sẽ thành đều trải qua quá trình tu tập Phật đạo, siêng năng, tinh tấn bất thoái chuyển trong thời gian dài vô số kiếp. Các ngài đã sống trải, tu tập, phát nguyện, chịu tất cả sự khó khổ, gian nan nhất trên cuộc đời mới thành tựu Phật đạo. Thông thường chúng ta được học, trong vô số kiếp thứ nhất các ngài ở những vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là bốn mươi cấp căn bản. Đến vô số kiếp thứ hai từ Sơ Địa cho tới Bát Địa Bồ-tát. Vô số kiếp thứ ba từ Bát Địa cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.
CHÚNG TA BÂY GIỜ ĐANG Ở VÔ SỐ KIẾP THỨ MẤY, ĐÃ ĐI ĐƯỢC BAO NHIÊU, TU TẬP RA SAO? KHÔNG AI BIẾT CẢ.
Thỉnh thoảng có vị than tu hoài không thành Phật, dâng hương lễ Phật nói với Phật:
- “Bạch Ngài, con tu bao nhiêu năm rồi mà không thành Phật, cũng chẳng giác ngộ giải thoát. Những thứ bất như ý đầy dẫy, con làm sao giải tỏa được nó đây?”.
Như đã nói, chúng ta chưa biết mình ở vô số kiếp nào, trên quá trình từ nhân địa tới Phật đạo, do đó cần phải tự đả thông bằng đạo lý do chính mình thể nghiệm. Ở đây, chúng tôi nêu lên tám giai đoạn thể nghiệm để huynh đệ cùng chiêm nghiệm, chia sẻ trên bước đường tu học của chúng ta.
TÁM GIAI ĐOẠN ĐÓ THẾ NÀY:

BƯỚC 1: TRAI GIỚI THANH TỊNH

Chúng ta cùng nhau nghiệm xem trai giới của mình thanh tịnh chưa? Nếu chưa mà cứ than thở bạch Phật “tu hoài không xong” thì tự mình phải điều chỉnh lại. Hầu hết Phật tử đều đã thọ giới, ít nhất là năm giới. Qua năm giới ấy, mình nghiệm xem giữ được giới nào, hành trì có trang nghiêm hoàn chỉnh không, hay còn những giới chưa giữ được. Nếu còn một chút chưa giải quyết được thì là chúng ta chưa hoàn chỉnh bước thứ nhất. Bước thứ nhất chưa hoàn chỉnh mà nhảy qua bước thứ hai thì có khi phải quanh trở lại.
Trên thức tế có vị tu hành cũng đàng hoàng, giới đức trang nghiêm, đạo hạnh đầy đủ, nhưng đùng một cái thiên hạ ngạc nhiên khi nghe vị ấy quay về thế tục. Dạng này do có những bước nhảy vượt, không cơ bản, không vững chắc, nên mới xảy ra như thế. Vì vậy người tu trước nhất phải hoàn chỉnh giai đoạn trai giới thanh tịnh.
Chúng ta có thể kiểm nghiệm và biết được mình thanh tịnh hay chưa thanh tịnh. Thanh tịnh đến mức độ nào? Về phía Phật tử cư sĩ, ít nhất quí vị thọ năm giới, ngoài ra còn thọ thêm mười giới Thập Thiện, có vị phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát nữa. Tóm lại, trong hàng cư sĩ có ba cấp giới học. Cấp thứ nhất là năm giới căn bản, cấp thứ hai là giới Thập Thiện. Người giữ tròn mười giới Thập Thiện đời sau sẽ được sanh thiên, nếu giữ không tròn thì thay vì đi thẳng lên thiên giới, vị ấy né qua một bên lọt vào cõi A Tu La. Nghe nói thế giới A Tu La ai cũng ngán, vì nó lạ lùng lắm. A Tu La nữ rất hoàn chỉnh, còn A Tu La nam có khi mang đầu trâu mặt ngựa, nóng nảy dữ dằn. Do vậy họ thường hay gây chiến với chư thiên. Chúng ta học trong sử thấy ngài Long Thọ, Mã Minh, từ tuệ nhãn thấy đầu, tay, chân… từ đâu rơi xuống đầy máu me. Quí Ngài biết là do chúng A Tu La đánh nhau với mấy ông trời. Nói thế, không phải A Tu La không có phước. Phước họ gần như chư thiên, nhưng vì quá sân giận nên không bì lại cõi trời. Nên biết hậu quả của sân hận lớn lao vô cùng. Giống như một đóm lửa nhỏ chúng ta không dập tắt, nó sẽ cháy lan khắp.

Trở lại vấn đề tu tập ở bước đầu là giới học. Khi quí thầy trao truyền giới cho quí Phật tử, thường hay nói: “Quí vị giữ được những điều giới đó là tu”. Giới học là pháp tu, Phật tử giữ được những điều giới đó là bảo toàn nhân cách. Giữ được giới quí vị khỏi sợ mai mốt nhắm mắt bị ma quỷ bắt. Giữ năm giới hoàn toàn là nhất định Phật tử sẽ sống an ổn, vui vẻ. Khi chết biết được đường đi, không sợ hãi hay nghi ngờ gì cả. Đó là ở cấp năm giới.
Nếu không trì giới, ở nhân gian đi xuống thì thời gian vô cùng. Các vị thánh nói cõi địa ngục một ngày một đêm bằng ở nhân gian một trăm năm. Tuy nhà Phật bảo mọi pháp đều giả hợp mà một trăm năm đâu phải là ngắn.
Con người từ lúc mới sinh ra, lớn lên xinh đẹp khôn ngoan như thế, nhưng đến bảy tám mươi là đi hết nổi. Có khi mới bốn mươi, năm mươi tuổi cũng đi hết nổi rồi. Thời gian tuy không thật nhưng quả báo mình chịu đựng rất đáng kể, chứ không phải thường.
Các vị Phật tử tại gia đã thọ hoặc năm giới, mười giới, trong cấp độ này từng bước tu tập quí vị đã có thể nghiệm, có công phu. Từ đó quí vị nhận ra được hướng đi, chỗ đến của mình ra sao. Đặc biệt hơn, nếu vị nào phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát, là Phật tử tại gia nhưng tư cách hành xử như một vị Bồ-tát. Đây là điều đáng quí, đáng khích lệ. Thế nên hàng Phật tử cần phải giữ gìn những thành tựu ban đầu như thế, để làm thềm thang tiến lên quả vị giải thoát cứu kính.
Nói về trai. Phật tử còn nhớ trong lễ quy y Tam Bảo, quí thầy dạy: “Ăn chay hay mặn gì cũng tu hết, giữ được năm giới là tu”, nhưng “Ăn chay phát triển được lòng nhân, gần gũi tâm từ bi, dễ đi đến thành tựu tâm đại từ đại bi”. Chúng ta là đệ tử Phật, bắt đầu quy y, tập sống theo đời sống của Phật, Bồ-tát thì đối với việc ăn chay cũng nên thực hành để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ. Nói về “trai” là nói đến chế độ ăn uống của người Phật tử. Điều này không bắt buộc ai cả, nhưng nếu quí vị có cách ăn uống tốt thì cũng hỗ trợ cho công phu tu nhiều lắm. Bước ban đầu chúng ta phải giữ giới thanh tịnh là dĩ nhiên rồi, nhưng trai thì có vị ăn chưa được. Lại có người không phải là Phật tử mà ăn chay trường. Hiện nay y học nghiên cứu thấy ăn chay ngừa được một số bệnh nan y, vì vậy trên thế giới người ta ăn chay nhiều lắm. Nếu Phật tử nào vừa giữ giới vừa ăn chay được thì có thể nói là hoàn chỉnh phần trai giới.

VỊ NÀO CHỈ GIỮ GIỚI MÀ CHƯA GIỮ TRAI THÌ CHƯA HOÀN CHỈNH ĐƯỢC BƯỚC ĐẦU. NHƯ VẬY CON ĐƯỜNG PHẬT ĐẠO CÒN DÀI XA LẮM.


- HT THÍCH NHẬT QUANG -
=============================

>> GIỚI thuộc vào nền tảng của đạo Phật, là một trong ba môn học "VÔ LẬU", nhằm dứt các lậu, dẫn tới giải thoát, tức là Giới, Định và Huệ. Là Phật tử có nghĩa là tự nguyện theo Tam quy, Ngũ giới, tức là nương tựa vào Tam bảo và giữ gìn năm giới căn bản của đạo Phật.

BA MÔN HỌC "VÔ LẬU" : hay Tam Vô Lậu học là Giới học, Định học và Tuệ học, tức là ba môn học về Giới Luật, Thiền Định và Trí Tuệ.
http://www.youtube.com/watch?v=Z21XeVdc754

TRÌ LÀ GIỮ CHẶT CHẼ.
GIỚI LÀ NHỮNG ĐIỀU NGĂN CẤM KHÔNG ĐƯỢC LÀM, KHÔNG ĐƯỢC PHẠM.
TRÌ GIỚI: là thực hành những luật lệ mà đức Phật đặt ra cho Phật tử thi hành trong khi tu hành, và cho Phật tử áp dụng trong cuộc sống để có đời sống đạo đức và hưởng quả báo tốt đẹp. Nhờ có giữ giới tâm mới được ổn định, tại sao? Vì nếu không giữ giới như một người giết người cướp của chẳng hạn, tâm người ấy tất nhiên là phải dao động mạnh nếu không nói là loạn động, nên không thể định tĩnh được, do đó người giữ giới tâm dễ được định tĩnh. Tâm được định huệ mới sinh, huệ phát sinh mới dứt trừ được vô minh, và khi hết vô minh sẽ hết sinh tử luân hồi, tức là minh tâm kiến tánh, đốn ngộ Phật tánh vậy.

Có 5 giới chung cho tất cả các Phật tử:
1) KHÔNG giết hại mạng người (hán-việt bất sát)
2) KHÔNG nói dối (hv. bất vọng ngữ)
3) KHÔNG trộm cắp (hv. bất đạo)
4) KHÔNG tà dâm (hv. bất dâm)
5) KHÔNG say rượu.

* 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni (dasa-sila). Thêm vào 5 giới trên nữa:
6) KHÔNG ăn sau 12 giờ trưa.
7) KHÔNG chơi hay nghe ca nhạc, nhảy múa.

KHÔNG trang điểm, xức dầu thơm, đeo nữ trang.
9) KHÔNG nằm giường cao, sang trọng.
10) KHÔNG nhận tiền, và vàng bạc.

* 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Nguyên Thủy; 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Đại thừa.

>> Trai nghĩa là chay lạt, đồ trong sạch nhẹ nhàng tinh-khiết, đầy đủ chất (đối với người tu hành để công phu tu tập được hỗ trợ thêm).
Giới là điều cấm răn của đạo .Trai là chay,nếu ăn chay thì tâm tánh phải hiền lành lánh điều tội lỗi,giảm tánh hung hăng,đổi lần hoạ ra phước,bỏ dữ về lành.
1- là chẳng giết hại loài bò bay máy cựa
2- là tránh nợ oan báo,linh hồn đặng trong sạch nhẹ nhàng.
3- là lòng nhơn,biết thương người mến vật
Đó là giữ trai giới.nên có câu rằng :
"Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử" - Nghĩa là :"Phật thương loài chúng sanh như mẹ thương con vậy".
Và có câu rằng : "Nhứt tử trì trai thiên Phật hỉ" nghĩa là : "Một người ăn chay đặng thì ngàn muôn Phật thảy đều vui lòng mừng đó".

>> TRUNG ĐẠO: là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.

Kề từ đó, trung đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật giáo, biểu thị tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp, nó còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa.

Từ ý nghĩa Trung đạo được định nghĩa là tránh xa hai cực đoan: Hưởng thụ dục vọng và tu tập khổ hạnh, dần dần diễn biến phát triển thành tránh hai cực đoan: chấp hữu và chấp vô, chấp đoạn chấp thường, bất nhị, nói chung là phủ nhận thái độ cố chấp bảo thủ, dù là bên này hay bên kia.


NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (3)


CUỘC ĐỜI TU HÀNH HỌC PHẬT CỦA TĂNG - NI - PHẬT TỬ (3)

8 GIAI ĐOẠN TU THÀNH PHẬT

BƯỚC 1: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=197870287016113&set=a.115426128593863.17073.100003794290996&type=1&theater

BƯỚC 2: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=202663036536838&set=a.115426128593863.17073.100003794290996&type=1&theater

BƯỚC 3: PHÁT ĐẠI NGUYỆN RỘNG LỚN

Người tu hành nào cũng phát đại nguyện hết. Trong thời khóa chúng ta tu tập hằng ngày có mười hai lời nguyện, đó là những đại nguyện.
TẠI SAO GỌI LÀ ĐẠI NGUYỆN?
Vì đó là những lời nguyện tỉnh táo sáng suốt để thành tựu Phật đạo.
>> Chúng ta không nguyện được bao nhiêu vàng, bao nhiêu tài sản, không nguyện có thân tướng như trời như vua, mà:
- NGUYỆN TÂM BỒ-ĐỀ ĐƯỢC KIÊN CỐ
- NGUYỆN TẤT CẢ NHỮNG VỊ THIỆN HỮU TRI THỨC TRONG MƯỜI PHƯƠNG VÌ LÒNG THƯƠNG TƯỞNG MÀ HỖ TRỢ CHO MÌNH THÀNH TỰU ĐƯỢC ĐẠI NGUYỆN.
- Chúng ta cũng biết những vị đó đang tiến hoặc tiến trước mình một khoảng trên con đường tu tập Phật đạo, họ chưa xong việc. Do vậy có thể họ cũng không cho mình được gì cả. Song ta chỉ mong họ có điều kiện hỗ trợ mình, giống như hai người bạn cùng làm ăn với nhau. Một người bị hoàn cảnh suy sụp, công việc làm ăn thất bại, tài sản tiêu hết. Một người có điều kiện phát huy được trở thành giàu có vô cùng. Bây giờ người bạn thân đã bị khánh kiệt không mong người kia đem cho mình tài sản, mà chỉ mượn thôi, khi gầy dựng sự nghiệp được sẽ trả lại.
Cũng thế, người đệ tử Phật hiểu biết một cách cụ thể, sống vững với tinh thần Phật lý căn bản là mình chỉ nương nhờ tạm thôi. Ở đây thiện hữu tri thức hỗ trợ cho những lời nguyện của mình. CHÚNG TA CHƯA THÀNH PHẬT NHƯNG PHÁT NGUYỆN THÀNH PHẬT, CHƯA ĐỘ CHÚNG SANH NHƯNG PHÁT NGUYỆN KHI GIÁC NGỘ SẼ ĐỘ HẾT CHÚNG SANH.
Tôn giả A Nan khi nhận ra được yếu chỉ rồi, ngài phát nguyện trước đức Thế Tôn:
- “Con nguyện độ tất cả chúng sinh được thành Phật rồi con mới thành Phật. Nguyện Phật chứng minh và hỗ trợ cho con thực hiện được lời nguyện này”. Đây là cách phát đại nguyện của chư vị Bồ-tát.

Đức Phật trong thời tu nhân hành Bồ-tát đạo, có một khoảng ngài rơi vào địa ngục, thấy nhiều tội nhân bị hành hạ khổ sở vô cùng. Quỷ sứ bắt họ kéo chiếc xe bằng sắt rất nặng, bọn chúng đứng trên xe đâm chém vào người tội nhân. Hoặc cho tội nhân đội vòng lửa xoay trên đầu. Nghe tiếng rên la, kêu gào đau đớn thống khổ của họ, Ngài thương quá nên phát nguyện:
- “Tôi nguyện thay tất cả nỗi khổ này cho chúng sinh, nguyện từ nay về sau đừng ai gầy dựng nhân xấu để rơi vào địa ngục chịu muôn vàn sự thống khổ như thế này."
Ngài vừa phát nguyện như vậy đó thì những chiếc xe sắt rớt ra hết, và bỗng nhiên ngài thấy mình bay lên hư không. Nhờ tâm từ bi mở ra, ngài phát nguyện thay khổ cho tất cả chúng sanh, nguyện mười phương các bậc hiền thánh hộ trì giúp cho chúng sanh hết mê lầm, không gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, để đừng bị đọa vào địa ngục, nên ngài ra khỏi chốn lửa dữ.
Ở đây nói phát đại nguyện là như vậy, tức là PHÁT TÂM GIÁC. Phát được tâm giác rồi thì tất cả cửa mở ra. Chúng ta hễ phát tâm được thì mình vui vẻ, trong lòng cởi mở. Ngược nếu nếu chấp chặt thí sẽ bị mất hết. Như người sợ kẻ trộm, làm rào dậu, chuông điện đủ thứ, càng sợ nó càng tìm vô lấy của. Cuối cùng mỗi nghiệp theo nghiệp mà trôi lăn. Khi học Phật pháp rồi chúng ta thấy con người khó cưỡng lại được nghiệp của mình, chớ không phải họ không biết.
Nói tới đây tôi nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở chùa Vạn Đức. Vùng đó hồi xưa có nhóm bụi đời dữ dằn lắm. Tên chúa đảng có sở thích là ban đêm muốn ăn cháo gà, nên đàn em đêm nào cũng kiếm gà về nấu cho anh ta ăn. Đàn em kiếm riết rồi sợ quá, vì người ta bảo vệ gà rất kỹ, cuối cùng đích thân hắn đi. Bữa đó thấy ảnh chết, tôi đi ngang cũng không dám ngó nữa. Người nuôi gà giăng điện trên bờ rào, ảnh vừa nhảy vô nằm vắt ngang trên đó bị điện giựt chết. Họ lôi ra để ngoài đường từ sáng cho tới chiều, cả gia đình của anh đi ngang cũng không dám nhận. Thiên hạ phỉ nhổ, chê cười. Thật ra, không phải anh không biết điện giật sẽ chết, nhưng do cái nghiệp nó sai khiến dẫn đi như vậy.

Nói tóm lại phát đại nguyện là mở lòng ra, phát tâm giác, CẦU GIẢI TRỪ TẤT CẢ NGHIỆP TẬP, TU HÀNH CHO TỚI VIÊN THÀNH PHẬT ĐẠO.

- HT THÍCH NHẬT QUANG -

=======================

Có 5 giới chung cho tất cả các Phật tử:
1) KHÔNG giết hại mạng người, vật (sát sanh) (hán-việt bất sát)
2) KHÔNG vọng ngữ (nói dối, đặt điều, v.v) (hv. bất vọng ngữ)
3) KHÔNG trộm cắp (hv. bất đạo)
4) KHÔNG tà dâm (hv. bất dâm)
5) KHÔNG uống rượu, bia, chất kích thích.

* 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni (dasa-sila). Thêm vào 5 giới trên nữa:
6) KHÔNG ăn sau 12 giờ trưa.
7) KHÔNG chơi hay nghe ca nhạc, nhảy múa.

KHÔNG trang điểm, xức dầu thơm, đeo nữ trang.
9) KHÔNG nằm giường cao, sang trọng.
10) KHÔNG nhận tiền, và vàng bạc.

* 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Nguyên Thủy; 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Đại thừa.

NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Kinh Chân Hạnh Phúc

Kinh Chân Hạnh Phúc


Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:


'' Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì ?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

'' Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc.

Chọn nơi lành mà ở
Ðời trước đã tạo phúc
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chân hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chân hạnh phúc.

Cung dưỡng cha mẹ già
Yêu mến vợ /chồng và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chân hạnh phúc.

Cho và sống đúng cách
Nên giúp đỡ bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chân hạnh phúc.

Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Ðạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo lý
Ấy là chân hạnh phúc.

Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tuỳ thời bàn luận đạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các chân lý
Thực hiện vui Niết Bàn
Ấy là chân hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiễm bình an
Ấy là chân hạnh phúc.

Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc''.