"Xuất gia" là gì ?
*************
Ý nghĩa của xuất gia là đối với gia nghiệp không có chút lưu luyến nào. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là đại chướng ngại. Nếu
bạn không có phân biệt, chấp trước thì cái nhà đó có hay không không hề
khác nhau, vậy thì không chướng ngại. Cho nên Phật nói đến xuất gia có
bốn loại. Bốn loại này đều là nói đối với người học Phật, không nói
người không học Phật.
Loại thứ nhất, “Thân xuất, tâm không xuất”
Người xuất gia hiện tại, thân đã xuất nhưng lòng vẫn còn danh vọng lợi
dưỡng, vẫn tham sân si mạn. Tuy tướng của người xuất gia nhưng những
việc làm vẫn là sự nghiệp của người tại gia. Vốn dĩ cái nhà không lớn,
cha mẹ anh chị em không đông, vừa xuất gia thì làm chùa to. Ra khỏi nhà
nhỏ liền bước vào nhà lớn, phiền não liền lớn. Nhà nhỏ tạo nghiệp nhỏ,
nhà lớn tạo nghiệp lớn. Người xưa mới nói “Trước cửa địa ngục tăng đạo
nhiều”. Ai đọa địa ngục? Thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia, gần như
không thể vượt qua địa ngục. Việc này chúng ta phải hiểu.
Xuất gia
phải thật giống Phật Thích Ca Mâu Ni, thân tâm thế giới tất cả buông bỏ,
toàn tâm toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh, đó là công đức vô lượng.
Báo của tội phước ở ngay khoảng một niệm, không thể không đề cao cảnh
giác.
Loại thứ hai, “Thân không xuất gia, tâm xuất gia”
Các cư
sĩ tại gia học Phật, tuy thân ở nhà nhưng tâm xuất gia. Cư sĩ Lý Mộc
Nguyên tâm xuất gia mà thân không xuất gia, họ không tạo nghiệp. Thực tế
người tại gia học Phật thành tựu nhiều, vãng sanh tướng lạ hi hữu.
Những năm gần đây, chúng ta cũng đã xem thấy hay nghe thấy: đứng mà đi,
ngồi mà đi, đều là đồng tu tại gia, nhất là nữ chúng. Nam chúng tương
đối ít, còn xuất gia thì chưa hề nghe nói qua dù chỉ một người. Lão cư
sĩ Hoàng Niệm Tổ từng rất cảm khái mà nói, thời xưa tu hành thành tựu,
thứ tự là nam chúng xuất gia thành tựu nhiều nhất; thứ hai nữ chúng xuất
gia, thứ ba là nam chúng tại gia, thứ tư là nữ chúng tại gia. Hiện tại
thảy đều điên đảo, số người nhiều thành tựu nhất lại là nữ chúng tại
gia, kế đến là nam chúng tại gia, kế đến nữa là nữ chúng xuất gia, rất e
ngại là nam chúng xuất gia. Hiện tại đảo ngược, chúng ta không thể
không cảnh giác. Chân tướng sự thật như vậy không thể phủ nhận, cho nên ý
nghĩa của xuất gia phải hiểu.
Loại thứ ba, “Thân tâm đều xuất”
Đó là người xuất gia tốt, thân xuất gia tâm cũng xuất gia, Phật pháp gọi
là “đệ tử chân thật của Phật”, có thể gánh vác việc hoằng pháp lợi
sanh, kế tục huệ mạng Phật, kế tục gia nghiệp Như Lai.
Loại thứ tư “thân tâm đều không xuất”
Cư sĩ tại gia thân không xuất, tâm cũng không xuất. Tuy học Phật, nhưng
việc học Phật chỉ là việc phụ, chủ yếu lo danh vọng lợi dưỡng thế gian.
Đại khái 99% lo thế gian pháp, chỉ lo Phật pháp khoảng 1% cũng là rất
tốt.
Phật ở ngay bốn loại này thị hiện nhắc nhở chúng ta. Các đồng
tu tại gia, tâm phải xuất dù thân không xuất. Trong bất cứ nghề nghiệp
nào, ở bất cứ công việc nào, các vị đều phải thị hiện thành chánh giác.
Bạn biểu diễn ở trong nghề nghiệp này, bạn là mô phạm tốt nhất, trải qua
đời sống của Bồ Tát. Phàm hễ nếu tâm xuất gia, cái tâm đó nhất định
phải thông minh hơn người, nhất định có trí tuệ hơn người. Nếu bạn buôn
bán sẽ kiếm rất nhiều tiền. Thế nhưng Bồ Tát kiếm được tiền không phải
dùng cho chính mình mà để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong xã hội, đó là
một tấm gương tốt nhất cho người có tiền có thế lực xem, để ảnh hưởng
họ, giáo hoá họ. Hy vọng người phú quý đều quan tâm đến lợi ích của cả
xã hội, xã hội này liền an lành, không bị bất cứ ai làm loạn. Được như
thế, chính chúng ta cũng trải qua ngày tháng tốt đẹp, xã hội sẽ vĩnh
viễn an định hòa thuận, hợp tác lẫn nhau.
Khi hiểu được ý nghĩa của
xuất gia, chúng ta sẽ biết nên làm thế nào tu học. Thực tế mà nói, chân
thật phát tâm cạo tóc xuất gia không phải dễ, ngược lại rất khó khăn.
Bạn phải chân thật hiểu Phật pháp. Bạn nghĩ mình có thể gánh vác công
việc hoằng pháp lợi sanh kế tục huệ mạng Phật hay không. Trách nhiệm này
rất lớn. Nếu bạn nói “Tôi niệm Phật cầu vãng sanh”, vậy thì không cần
phải cạo đầu. Bạn ở tại gia niệm Phật cũng vãng sanh thượng thượng phẩm.
Còn thị hiện dáng vẻ như vậy mà làm không đúng pháp, bại hoại Phật môn
thì tội nghiệp của bạn sẽ nặng, vì sao? Vì bạn phá hoại hình tượng của
Phật. Phật là thầy của trời người, khởi tâm động niệm của Phật, lời nói
việc làm đều là tấm gương tốt nhất cho chúng sanh chín pháp giới. Bạn
làm tấm gương xấu cho người thì bạn đang diệt Phật pháp, không phải hưng
Phật pháp. Trong tâm còn có tham lam, sân hận, ngu si, không giữ giới
luật, không giữ pháp, còn phóng túng, vậy sao được! Cho nên mặc vào tấm y
này phải mỗi giờ mỗi lúc nghĩ đến Phật. Ngày ngày nhìn Phật tượng, ngày
ngày mở quyển kinh ra đọc phải nghĩ lại xem ta có giống Phật hay không?
Nếu không giống Phật là đã đánh dấu trong địa ngục, còn có thể trốn
được sao.
PS Tịnh Không
No comments:
Post a Comment