Làm sao để chinh phục lòng sân giận?
***********************
Làm người có ai lại không nóng giận, chỉ khác nhau ít hoặc nhiều mà thôi. Nóng giận là một thói
quen dính mắc từ sự chấp trước làm cho mình lẫn người đều phiền não.
Chúng ta phải làm thế nào để trở thành người có nhân cách đạo đức tốt,
đòi hỏi bản thân phải luôn xét nét, nhìn kỹ chính mình, để thấy được
những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất mà tìm cách khắc phục. Mình phải biết làm
chủ bản thân qua từng cảm thọ, xúc chạm để biết sống khoan dung, độ
lượng, tha thứ ngay đối với người từng làm đau khổ hay tổn hại đến mình.
Mọi việc mình làm hãy lấy lợi ích chung làm trọng, làm vì người, vì lợi
ích tất cả chúng sinh chứ không vì lợi ích của bản thân. Ai thực tập
được như vậy là người sống có đức hạnh, sống có đạo đức và đang tiến
bước trên con đường giác ngộ và giải thoát.
Muốn trở thành
người có nhân cách đạo đức, ta phải thực tập lời nói từ tốn, ôn hòa,
luôn sống chân thực với người trước sau như một, không vì lợi dưỡng
riêng tư, cũng chẳng vì những tham muốn cá nhân vị kỷ.
Trong các phiền não, giận dữ là điều vô cùng nguy hiểm. Ta chớ khinh
thường một đốm lửa nhỏ, nếu không biết cách ngăn chặn từ đầu sẽ đem lại
một hậu quả đau thương.
Vị Bà La Môn vì ganh ghét Phật nên
theo sau chửi hoài mà Phật vẫn ung dung, bình thản bước đi. Thay vì quay
lại tranh hơn, Người chỉ nhẹ nhàng trải tọa cụ rồi ngồi lại mà nói lên
câu kệ này:
Người hơn, thêm ân oán hận thù
Kẻ thua, tức tối ngủ chẳng yên
Cả hai hơn thua đều xả
Do đó duỗi thẳng hai chân mà ngủ.
Lời Phật dạy quả là chân lý. Ở đời ai cũng tranh giành phần hơn, nên
kẻ thắng thì tự hào hãnh diện, kẻ thua thì ôm hận, oán thù nên rốt cuộc
lại thêm nhân quả thù hằn dai dẳng. Khi phải trao đổi hay bàn giải điều
gì, cả hai nên dùng lời ái ngữ ôn hòa, dẹp bỏ lòng tự ái, kiêu căng ngã
mạn mà cởi mở cùng nhau. Lòng tự ái là con đẻ của bản ngã, chính nó gây
nên thù hận và giết chết đời ta.
Một khi đã giải quyết ổn
thỏa và thông cảm với nhau rồi, ta cảm thấy lòng vơi đi gánh nặng, tâm
hồn tươi mát, nhẹ nhàng, cảm thấy yêu thương nhau nhiều hơn. Ðó mới thực
sự là phương cách hóa giải hận thù một cách tuyệt hảo vậy. Ngược lại,
nếu cứ mãi ôm ấp hận thù, ta chỉ làm cho chính ta và người đau khổ, thêm
sầu, thêm oán, thêm hận chứ không ích lợi gì cho nhau.
Theo
lẽ thường, khi ta bị ai mắng chửi là ta lại muốn chửi lại nặng hơn để
đối phương phải nể. Hai bên vì thế càng trở thành đối nghịch và thù ghét
lẫn nhau. Cứ như thế, cả hai đều có chung nỗi khổ, niềm đau, người hơn
và kẻ bị thua đều phải mất ăn, mất ngủ, thắng cũng khổ mà bại cũng khổ.
Tốt hơn hết, ta hãy nên buông xả cho lòng được nhẹ nhàng, thanh thoát,
nhường nhịn nhau một chút chứ dại khờ gì mà hơn thua nhau để làm khổ
thân tâm.
Là người Phật tử tu theo đạo từ bi và trí tuệ,
Phật dạy ta không nên nuôi dưỡng hạt giống sân hận, thù hằn, ganh ghét
bất cứ ai. Ðôi khi ta đã sai lầm mà ta vẫn cứ khư khư cố chấp, mãi bảo
thủ những định kiến của mình. Vì sĩ diện bản ngã của ta, nên lúc nào ta
cũng muốn lấn lướt hơn người, hại người, chính vì thế ta luôn sống trong
nỗi khổ niềm đau. Cho dù ta có thỏa mãn sự chiến thắng của mình bằng sự
sân hận, nhưng lòng ta lại luôn bất an và đau khổ vô cùng vì lo sợ trả
thù.
Trở lại câu chuyện người Bà La Môn đã mắng chửi Phật
một cách thậm tệ. Phật vẫn nghe rõ từng âm thanh hằn học, chát chúa,
nhưng Ngài nghe chỉ là nghe, nên lời mắng chửi đó không làm Ngài bất an
dao động. Người biết rằng, kẻ hơn thì thêm oán, kẻ thua ngủ chẳng yên,
bởi cuộc sống này người đời lấy hơn thua thắng bại làm căn bản, thắng
thì kiêu hãnh, tự hào, khoái chí; thua thì tức tối, phiền muộn, khổ đau
tìm cách trả thù.
Có chú sa di tính tình rất nóng nảy, luôn
cộc cằn, thô lỗ với mọi người. Tuy xuất gia đã trên 10 năm rồi, nhưng
chú vẫn chứng nào tật đó. Vì tính nóng giận nên huynh đệ ở chung không
vui được lúc nào. Để giúp chú chuyển hóa cơn giận, một hôm sư phụ trao
cho chú một túi đinh và căn dặn rất kỹ càng, “khi nào con nổi nóng và
nặng lời với ai thì hãy lấy một cây đinh đóng vào hàng rào gỗ phía sau
chùa, sau hãy tự suy gẫm lại mọi việc”.
Ngày đầu tiên chú
đã đóng được 36 cây đinh vào hàng rào. Những ngày kế tiếp chú cố gắng
tìm lại nguyên nhân tại sao, nên số lần giận giảm bớt lại một cách rõ
rệt và số đinh đóng vì vậy cũng thưa dần. Nhờ kiên trì với phương pháp
đóng đinh, chú nhận ra sự sân hận nơi mình thật đáng sợ vì sự tác hại
của nó. Bắt đầu từ đó chú bình tĩnh, sáng suốt để đối đầu mọi việc, vẫn
khỏe hơn khi nóng giận rồi lại đóng thêm một cây đinh. Nhờ siêng năng,
tinh cần theo lời dạy của sư phụ mà giờ đây chú là một Tỳ Kheo chững
chạc, nhã nhặn, không bốc đồng và nóng nảy như xưa nữa.
Với
tấm lòng từ bi rộng lớn, sau khi tán thán đệ tử của mình, sư phụ của
thầy đã đưa ra một đề nghị lớn để tiếp tục giáo dưỡng. Nếu một ngày trôi
qua mà con không làm cho ai phiền muộn, thì con hãy nhổ bớt một chiếc
đinh trên hàng rào.
Vâng lời chỉ dạy của thầy, vị đệ tử
dùng tuệ giác của Thế Tôn để chuyển hóa cơn sân giận của mình. Cuối
cùng, thầy Tỳ Kheo ấy đã nhổ sạch hết số đinh mà mình đã đóng từ bấy lâu
nay. Lúc này, sư phụ của thầy mới vui vẻ hài lòng, dẫn người đệ tử ra
phía sau hàng rào nói lời như sau:
Con đã thực tập pháp môn
đóng đinh rất tốt con ạ. Tuy nhiên, con thấy hàng rào không còn trơn
sạch và đẹp đẽ như xưa nữa vì bị dấu đinh làm sần sùi loang lổ. Những gì
con đã thốt ra khi nóng nảy, giận dữ đã làm mọi người đau khổ vô cùng.
Nhân quả nghiệp báo rất công bằng, bình đẳng. Khi ta làm người khác đau
khổ bằng sự nóng giận của mình, thì dù ta có ăn năn, sám hối, nói lời
xin lỗi nhưng cũng không thể nào rửa sạch hết vết nhơ đó.
Đó là vết thương lòng khó chữa, dù thương yêu như cha mẹ cũng khó lòng
mà hàn gắn được. Vết thương chỉ có thể lành hẳn khi ta sống với trái tim
hiểu biết, bằng tình yêu thương chân thật, biết cảm thông và tha thứ,
khoan dung và độ lượng cho nhau với tinh thần vô ngã vị tha.
(Thích Đạt Ma Phổ Giác)
No comments:
Post a Comment