Sáu quy tắc sống để hòa hợp, an vui với mọi người xung quanh
**************************
Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh
thần, từ lời nói đến việc làm, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.
Hòa ở đây không phải là thứ hòa thụ động, tiêu cực, lép vế, một chiều
của kẻ yếu trước kẻ mạnh! Cũng không phải là cái hòa nhu nhược, lười
biếng, ai nói quấy cũng ừ, nói sai cũng gật để cho qua chuyện.
Cái hòa ở đây cũng không phải là cái hòa chiến lược, hòa vì chưa thể
chiến, hòa vì kém lực lượng, hòa để có thì giờ chuẩn bị đầy đủ cho một
cuộc tái chiến về sau. Hòa ở đây là thứ hòa chân thành, vì lợi ích cho
tất cả, vì mục đích cao đẹp, trong ấy không có bóng dáng tự và tha,
không thấy biên giới giữa ta và người. Cái hòa ấy phải được thực hiện
trong sáu điểm sau đây:
1.- Thân thể cùng nhau chung sống hòa hiệp trong một hoàn cảnh giống nhau (Thân hòa đồng trụ):
Các vị tu sĩ dúng theo với danh nghĩa chữ Tăng già (chúng) là phải
chung sống với nhau từ bốn người trở lên; trong các tịnh xá xưa ở các
nước Tiểu thừa, trong các đại tùng lâm ở Trung Hoa hay Nhật Bản, có khi
từng ngàn, từng vạn người tu sĩ cùng ở với nhau. Họ không được phép ở
riêng rẽ, tản mát mỗi người mỗi nơi; và cũng không được quyền ở dinh thự
nguy nga, trong lúc những người bạn đồng tu của mình, lại ở chui rúc
trong những căn nhà tối tăm chật hẹp. Họ không có quyền sống một đời
sống riêng biệt, khác với toàn chúng, mà phải sống hòa mình trong đại
chúng, hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng hành. Khi đã
sống bên nhau, thì phải hòa thuận với nhau, không được dùng sức mạnh để
lấm hiếp, ấu đả nhau. Không ỷ thế hiếp cô, ỷ mạnh hiếp yếu, không chia
bè phái, bè đảng; không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, trí ngu, màu da,
chủng tộc.
2.- Lời nói hòa thuận, không tranh cãi nhau (Khẩu hòa vô tránh):
Lời nói thường dễ gây xích mích. Trong mười giới (thập thiện) của người
Phật tử thì đã có hết bốn giới là về lời nói rồi. Nhất là khi nhiều
người cùng ở với nhau, chung đụng với nhau hằng ngày, thì cần phải giữ
lời ăn tiếng nói, không dối trá, không đâm thọc, không hai lưỡi, không
lỗ mãng, không thô tục... Tránh được những tật xấu trên của lời nói, là
tránh được rất nhiều chuyện xích mích.
Khi có những sự hiểu
lầm, những điều thắc mắc, thì phải ôn tồn hỏi ra lẽ, và người giải đáp
cũng phải nói một cách hòa nhã, lễ độ, chứ không bao giờ được to tiếng
cãi vả nhau.
3.- Ý nghĩ cùng hòa hiệp, vui vẻ với nhau (Ý hòa đồng duyệt):
Lời nói dù cố gắng hòa hảo bao nhiêu, mà ý nghĩ bất chánh, tâm địa xấu xa thì cũng khó mà giữ cho hòa khí được lâu dài.
Lời nói hay ho, đẹp đẽ, mà ý nghĩ xấu xa thì cũng chẳng khác gì một lớp
sơn tô ngoài một khúc gỗ mục, không chóng thì chầy, lớp sơn sẽ tróc ra
và để lộ cái chất gỗ mục bên trong. Cho nên lời nói hòa chưa đủ, phải có
ý hòa nữa mới được. Lời nói hay mà tâm địa dở, thì hóa ra giả dối, mà
đã giả dối thì không thể ở gần nhau lâu dài được.
Muốn ý được
hòa, thì không bao giờ nên nghĩ xấu cho những người chung quanh. Phải
biết tha thứ, hoan hỷ xả bỏ những lỗi lầm của họ. Ta nên nghĩ rằng trong
cõi đời này, không ai là hoàn toàn cả, ai cũng có những tật này hay tật
khác. Không thể cầu toàn trách bị. Ta phải biết tha thứ những lỗi lầm
cho kẻ khác, thì khẻ khác cũng sẽ tha thứ những lỗi lầm của ta. Có như
thế, cuộc sống chung mới hòa hảo, vui vẻ, thanh tịnh được.
4.- Giới luật cùng hòa hiệp chung giữ với nhau (Giới hòa đồng duyệt):
Giới luật là những kỷ luật, những điều cần gìn giữ đối với mình và với
người. Người tu hành phải giữ giới luật mà đức Phật đã chế ra, để làm
mực thước cho sự tu hành của mình. Giới luật ấy, theo thứ tự căn cơ của
tu sĩ, mà có nhiều hay ít, ở tại gia thì thọ ngũ giới, khi xuất gia là
Sa Di thì giữ mười giới, lên Tỳ kheo thì giữ hai trăm năm mươi giới, nếu
Tỳ kheo Ni thì giữ ba trăm bốn mươi tám giới. Tu theo hạnh Bồ tát thì
giữ năm mươi tám giới. Khi các vị Tăng già cùng ở chung với nhau, thì
người ở bực nào giữ đúng giới luật của bực ấy và phải chấp thuận kỷ luật
chung, chứ không phải tự do theo ý riêng của mỗi người, muốn làm gì
cũng được. Nếu sống trong tình trạng hỗn độn, vô kỷ luật như thế, thì
chỉ ba người cũng không thể ở chung với nhau được, chứ chưa nói từng
trăm, từng ngàn người.
Sự gìn giữ kỷ luật chung là một điều
kiện tiên quyết để một đoàn thể tồn tại và tiến triển. Một tổ chức vô kỷ
luật, thì dù có tài giỏi thông minh bao nhiêu, cũng không thể đứng vững
được. Trong một tu viện, một Phật học đường hay một đại Tòng lâm, người
ta thường nhận thấy được không khí thanh tịnh, hòa vui hơn một đoàn thể
thế gian nào khác, là vì ở những nơi ấy, giới luật, trật tự đã được giữ
gìn, tôn trọng một cách hòa hiệp, hoan hỷ.
5.- Kiến thức cùng hòa hiệp chỉ bảocho nhau (Kiến hòa đồng giải):
Sự chênh lệch về kiến thức cũng là mầm gây ra sự bất hòa. Trong một tổ
chức, một đoàn thể cùng sinh hoạt với nhau, mà trình độ kiến thức cách
biệt nhau quá, thì người ta khó hiểu, khó thông cảm nhau.
Vì
thế, đã cùng chung sống với nhau, thì người biết nhiều, hiểu nhiều phải
dắt dìu, chỉ bảo cho những người kém hiểu biết. Khi mình có một ý kiến
gì mới lạ, cũng phải giải bày cho những người chung quanh biết; nếu ý
kiến ấy hay, đúng thì người ta sẽ vui vẻ theo mình; nếu ý kiến ấy sai
quấy thì người chung quanh sẽ vạch rõ cho mình thấy. Do sự trao đổi tư
tưởng, ý kiến ấy, mọi người sẽ dễ dàng thông cảm nhau, ít khi xảy ra
những sự hiểu lầm, thắc mắc đáng tiếc.
Nhất là trong kho tàng
giáo lý đồ sộ, thâm sâu của Phật giáo, sự hiểu biết của một người, dù
thông minh thâm thúy vao nhiêu, cũng không thể thấu hiểu một cách đầy
đủ, quán xuyến rốt ráo được.. Vì thế, cần phải trao đổi ý kiến và những
sự hiểu biết cho nhau. Nếu không thì mỗi người sẽ hiểu một cách, rồi
sanh ra xung đột tư tưởng, rất tai hại cho sự sống chung. Nhưng khi trao
đổi kiến thức, tư tưởng người Phật tử bao giờ cũng cố giữ cho không khí
chung được vui vẻ, hòa thuận, không được chủ quan ích kỷ, tứai. Có như
thế thì đời sống chung sẽ rất mau phát triển về phương diện kiến thức.
6.- Quyền lợi cùng hòa hiệp, chia đồng đều cho nhau (Lợi hòa đồng quân):
Quyền lợi chênh lệch cũng là một mầm chính sinh ra sự xung đột bất hòa.
Cho nên đã sống cùng nhau trong một hoàn cảnh chung, thì điều cần nhất
là quyền lợi vật chất phải được chia đồng đều, cùng nhau đồng thọ dụng,
không được người có, kẻ không, người nhiều, kẻ ít, hay chiếm là của
riêng.
Hễ khi nào có người đem cho vật thực, y phục, mền
chiếu, thuốc thang, tài vật... thì phải đem quân phân cho tất cả, không
vì tình riêng, kẻ ít, người nhiều, kẻ tốt người xấu. Nếu vật gì không
thể chia được, thì để làm của chung ch mọi người cùng hưởng dụng. Đối
với kẻ tu hành, vấn đề vật chất, tiền tài, vật thực, không phải là điều
quan trọng. Tuy thế, nếu sử dụng tài lợi một cách bất công, thì sẽ gây
ra nhiều sự thắc mắc không tốt đẹp và nhất là sẽ làm cho những người có
tánh tham lam khó tu hành cho có kết quả. Vả lại, sự quân phân tài lợi
đồng đều là một bằng chứng rằng: mọi người trong đoàn thể đều được bình
đẳng, trọng nể, đối xử như nhau, chứ không có cách biệt người trọng, kẻ
khinh, người quý, kẻ tiện.
(HT. Thích Thiện Hoa)
No comments:
Post a Comment