NIỆM PHỤ MẪU ÂN - NHỚ ƠN CHA MẸ
(CHO PHẬT TỬ TẠI GIA VÀ NGƯỜI ĐÃ, ĐANG PHÁT TÂM XUẤT GIA)
THẾ NÀO LÀ NHỚ ƠN CHA MẸ?
GIẢNG:
Chúng ta đối với cha mẹ thường có lòng thương nhớ; cha mẹ cũng thương nhớ ta, "sanh ta khó nhọc", đây là câu trong Thi kinh:
"Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao……
Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực".
Có nghĩa là: "Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức của cha mẹ sâu nặng như trời cao bể rộng thật khó đáp đền". Nếu nói mười tháng mang thai, ba năm bú mớm thì không hay, nên nói "mười tháng ba năm, mang thai bú mớm".
- Từ chỗ ướt đưa đến chỗ khô, chứ không phải đẩy ra khỏi chỗ khô. Ðiều này rất đơn giản, không có cách giảng đặc biệt nào, người mẹ nuôi đứa con thơ chính là nhường khô nằm ướt như thế.
Nuốt đắng, chính là có cái gì đắng cay, có gì khó khăn mẹ đều nuốt lấy, chịu lấy. Nhả ngọt, có gì ngọt bùi cho con. Tận tâm kiệt lực bồi dưỡng nuôi nấng con thơ như thế, con thơ mới được lớn lên thành người. Sanh con dưỡng cái chính là hy vọng cha truyền con nối, đời nọ nối tiếp đời kia, có người hương khói, nối dõi tông đường, sau này lo phần cúng tế tổ tiên. Chỉ vọng, là dùng tay chỉ đầu, dùng mắt nhìn. "Thiệu" cũng giống như thiệu long Phật chủng, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, "Thiệu" có nghĩa là tiếp tục kế tục. Tục là làm cho nó nối tiếp không để gián đoạn. Môn phong, là phong thái nề nếp gia đình.
Nhưng nay chúng ta đã xuất gia, cũng không quản đến việc có đủ tư cách làm con Phật hay không, lạm vu sung số, nói rằng :
- "A! chúng ta đã là đệ tử của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni". Thiểm, là không biết tàm quý, không biết xấu hổ. Nghĩa là tôi không đủ tư cách, không đáng làm Sa môn, nhưng tôi cũng mạo sung, lạm vu sung số (để ngụ ý cho những người không có chân tài thật học, trộn vào số người tài để kiếm danh lợi), cũng được gọi là Sa môn. Sa môn là Tỳ Khưu, dịch là Cần Tức, có nghĩa là cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si.
- ĐỐI VỚI CHA MẸ, chúng ta không chút dưỡng nuôi, không có đem sức của ta để phụng dưỡng; đến khi cha mẹ qua đời, cũng không tảo mộ, cũng không lo phần cúng giỗ. Khi cha mẹ còn sống, ta đã không thể phụng dưỡng. Sau khi cha mẹ qua đời, ta cũng không thể dẫn đạo tiếp dẫn thần thức của cha mẹ đến nơi an lạc.
- ĐỐI VỚI THẾ GIAN PHÁP, tức là đối với một vài vấn đề xã hội mà nói, thì đây là một tổn thất lớn. Mà chúng ta xuất thế cũng tu hành không thành công, nên đối với cha mẹ cũng không có giúp đỡ gì. Lưỡng đồ, tức là hai đường sanh tử. KHI CHA MẸ CÒN SỐNG TA KHÔNG PHỤNG DƯỠNG, KHI CHẾT RỒI CŨNG KHÔNG CÚNG TẾ; SAU KHI XUẤT GIA LẠI KHÔNG QUẢN ĐẾN CHA MẸ Ở NHÀ, HAI PHƯƠNG DIỆN NÀY ĐỀU TỔN THẤT LỚN. CHO NÊN TỘI NÀY RẤT LỚN, THẬT KHÓ TRÁNH KHỎI.
>> SUY NGHĨ NHƯ THẾ, CHÚNG TA NÊN PHẢI LÀM SAO?
Chỉ có cách trong trăm đời ngàn kiếp cần phải TU HÀNH PHẬT ĐẠO, thường Y THEO PHẬT PHÁP tu hành.
Không chỉ mười phương mà trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, đều phải độ khắp tất cả chúng sanh, mới có thể báo đáp ân sâu của cha mẹ. Như thế cha mẹ đời đời kiếp kiếp đều được độ thoát. Cho đến cha mẹ của mỗi người đều được sanh thiên. Chúng ta nếu như TU HÀNH CHÂN CHÁNH "MỘT NGƯỜI CON ĐẮC ĐẠO, CỬU HUYỀN THẤT TỔ SIÊU THĂNG", CHO NÊN CHÚNG TA CẦN PHẢI DỤNG CÔNG TU HÀNH, thì không những cha mẹ đời đời kiếp kiếp trong thời quá khứ, cho đến song thân của mọi người, chúng ta cũng đều khiến cho họ được siêu thăng.
Ðây là nhân duyên thứ hai của sự phát tâm Bồ đề.
- Đại Sư Thật Hiền (Tỉnh Am) Soạn
Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng -
"Các con cái, vì mẹ cha mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo, kể cả đọa địa ngục, và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ, cho nên không chịu quả báo, không đọa địa ngục."
(KINH TĂNG CHI BỘ II - 540)
No comments:
Post a Comment