TU HÀNH CẦN PHẢI NHẪN
"Người tu hành phải tu làm sao để dẹp bỏ "cái tôi" (ngã tướng). Nếu
không còn "cái tôi" thì chuyện gì cũng nhẫn nại, cam chịu được. Cảnh
giới có tới, quý vị cũng chẳng động tâm. Hãy xem mình như hư không. Cảnh
vừa lòng tới, cũng cứ tu hành. Cảnh nghịch ý tới, cũng cứ tu hành..."
Hoà Thượng Tuyên Hoá
Ðức Phật Thích Ca, từ lúc xa xưa còn tu phước và tu huệ, đã trải qua ba
đại A-tăng-kỳ kiếp (vô lượng kiếp) mới thành Chành Giác. Ngài đã:
"Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi,
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi."
(Ðừng cho việc thiện nhỏ mà không làm,
Ðừng cho việc ác nhỏ mà cứ làm.)
Lúc Ðức Phật Thích Ca hành đạo Bồ-tát, Ngài chẳng bao giờ bỏ qua việc
thiện dù nhỏ như sợi tóc và cũng chẳng bao giờ làm việc ác, dù nhỏ như
hạt bụi. Do đó, phước huệ công đức viên mãn rồi thì Ngài thành Lưỡng Túc
Tôn (đấng có đầy đủ phước và huệ).
Quý vị hãy chú ý! Việc thiện tuy
nhỏ, quý vị cũng phải tu, bởi vì tích lũy từng hạt bụi hạt cát có thể
xây đặng ngôi tháp, tức thành việc thiện lớn. Việc ác tuy nhỏ, nhưng nếu
cứ làm mãi thì "tích tiểu thành đại," trở thành đại ác, rồi mãi mãi
không sao thành Ðạo được. Tu hành là:
"Chớ làm các việc ác, hãy làm mọi việc lành."
Nếu không làm việc ác thì phước càng ngày càng nhiều. Nếu làm mọi việc
lành thì trí huệ càng ngày càng tăng. Càng tăng thì chúng ta càng phải
tiếp tục tu hành, đừng để gián đoạn, mới thành tựu được.
Bây
giờ ở trong Thiền-đường, khi quý vị đi rồi ngồi, ngồi xong lại đi, dụng
công tu hành, chính là tu phước huệ. Tu phước ra sao? Tức là "không làm
điều ác." Tu huệ thế nào? Tức là "làm mọi điều lành." Ðến khi phước báo
viên mãn, mà trí huệ cũng viên mãn, thì quý vị sẽ thành tựu Phật đạo rất
nhanh chóng, chẳng cần phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp.
Ðức
Thích Ca Mâu Ni Phật khi xưa, trong lúc tu hành Ngài đã đi lầm đường rất
nhiều lần, song Ngài vẫn kiên nhẫn, chẳng chịu thua, cứ tiếp tục tinh
tấn, siêng tu Giới Ðịnh Huệ, chấm dứt tham sân si, cuối cùng đạt thành
quả vị Phật.
Giờ đây chúng ta tu hành Phật-pháp, so với Ðức Thích
Ca, chúng ta thật may mắn vô cùng. Ðức Phật đã truyền lại cho chúng ta
con đường chân chính, chỉ cần theo đó mà bước tới, thì chúng ta có thể
đạt được mục tiêu (tới bờ bên kia, cõi Tịnh-độ) rất mau chóng.
Tiền thân của Phật Thích Ca là Bồ-tát Thường Bất Khinh, chuyên tu hạnh
nhẫn nại. Gặp ai Ngài cũng lạy và nói rằng: "Tôi không dám khinh rẻ các
vị. Các vị đều là Phật sẽ thành." Có người không ưa cử chỉ đó nên khi
Ngài lạy thì họ đánh chửi Ngài.
Có lần, khi thực hành đạo Bồ-tát,
Ngài đang lạy thì bị đá gãy hai răng cửa. Song Ngài chẳng sân hận, vẫn
tiếp tục thực hành khổ hạnh lễ lạy. Nhưng học được kinh nghiệm đó rồi,
nên về sau hễ thấy ai đi tới thì Ngài chỉ ở xa xa mà lạy và nói: "Tôi
không dám khinh rẻ các vị. Các vị đều là Phật sẽ thành." Nói và lạy xong
là Ngài lập tức bỏ đi. Do đó ai muốn đánh Ngài cũng không sao đuổi kịp!
Bồ-tát Thường Bất Khinh dùng tinh thần "Vô Ngã Tướng" (không
có quan niệm về cái tôi, về mình) để tu phước, tu huệ. Ai dạy Ngài tu
như thế? Chẳng ai dạy Ngài phải lạy cả, chính Ngài cam tâm tình nguyện
tu hành như thế. Dù bị đánh đập, bị chửi mắng, Ngài cũng chẳng sinh lòng
giận dữ. Ðó chính là tu pháp môn Nhẫn nhục Ba-la-mật.
Pháp môn quan
trọng nhất của người tu hành là pháp nhẫn nại. Khi gặp hoàn cảnh chẳng
được như ý thì phải ráng nhẫn nại, nhường nhịn, đừng tranh giành với ai
cả. Nếu không thể nhẫn nại được, cứ thường nóng giận bực dọc, thì tất cả
công đức khổ nhọc để tu hành sẽ bị tiêu tan.
Quý vị hãy tự
hỏi: "Nếu mình cúi đầu lạy người mà lại bị người đánh đập thì mình có đủ
sức chịu đựng mà không sân hận chăng? Nếu quý vị chịu được thì quý vị
là đệ tử của Phật; bằng không thì quý vị phải nhiếp phục thân tâm, tiếp
tục dũng mãnh tinh tấn tu hành. Ngược lại, quý vị chỉ lãng phí thời giờ
mà thôi, chẳng thành tựu được gì cả.
Người tu hành cần phải
chịu lạnh chịu nóng, chịu gió chịu mưa, nhịn đói nhịn khát, nhận chửi
nhận đánh. Hãy bắt chước tinh thần của Thường Bất Khinh Bồ-tát: "Bất
luận ai đối xử xấu với ta, ta cũng không tức giận hay oán hận. Ta phải
dùng lòng thành mà đối xử thì đối phương sẽ tự nhiên được cảm hóa, và kẻ
thù sẽ trở thành quý vị tốt của ta."
Người tu hành phải tu
làm sao để dẹp bỏ "cái tôi" (ngã tướng). Nếu không còn "cái tôi" thì
chuyện gì cũng nhẫn nại, cam chịu được. Cảnh giới có tới, quý vị cũng
chẳng động tâm. Hãy xem mình như hư không. Cảnh vừa lòng tới, cũng cứ tu
hành. Cảnh nghịch ý tới, cũng cứ tu hành. Nói cách khác, gặp cảnh vừa
lòng cũng đừng sinh tâm hoan hỷ vui mừng, gặp cảnh trái ý cũng chớ lo âu
sầu muộn. Bất luận là thuận hay nghịch, đều phải nhận thức cho rõ ràng.
Nếu quý vị có thể "như như bất động" (không khởi tình cảm, vọng tưởng
hay chấp trước), thì sẽ không bị cảnh giới làm cho lay chuyển. Nếu lúc
nào cũng "liễu liễu thường minh" (sáng suốt chiếu soi nhân quả mọi sự),
thì sẽ xoay chuyển được cảnh giới.
Ngày xưa, Ðức Phật Thích
Ca chuyên tu pháp môn Nhẫn-nhục, do đó Ngài được gọi là Nhẫn-nhục
Tiên-nhân. Một bữa nọ, vô duyên vô cớ Ngài bị vua Ca-Lợi chặt đứt chân
tay. Song, Ngài vẫn không sinh lòng oán hận, mà ngược lại, Ngài thương
xót vua Ca-Lợi đã si mê. Do đó Ngài nói với vua rằng: "Khi tôi thành
Phật, trước hết tôi sẽ độ cho Ngài tu Ðạo." Vua Ca-Lợi nghe xong liền
phát tâm đại sám hối, xin quy y với Nhẫn-nhục Tiên-nhân, và về sau chính
là Tôn-giả Kiều Trần Như (một trong năm vị Tỳ-kheo đầu tiên).
Sau khi Ðức Phật thành Ðạo, Ngài vì năm vị Tỳ-kheo mà thuyết pháp Tứ
Ðế, chuyển Pháp-luân ba lần, và tất cả đều chứng quả A-la-hán. Ðức Thích
Ca là Tổ-sư của Phật-giáo. Hạnh nhẫn nhục của Ngài đã rốt ráo nên gặp
bất kỳ chuyện gì Ngài cũng không tức giận bực dọc. Chúng ta là đệ tử
Phật thì cần phải học tập công phu nhẫn nhục của Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu
Ni. Nói tóm lại thì nhẫn nại, chịu đựng là phép tu then chốt nhất,
không thể coi thường được. Cổ nhân có câu:
Nhẫn phiến khắc, phong bình lãng tĩnh,
Thối nhất bộ, hải khoát thiên không.
Nghĩa là:
Nhẫn một giây, gió im sóng lặng.
Lùi một bước, biển rộng trời trong.
Bởi vậy cho nên: "Nhẫn nhục là viên ngọc quý vô giá." Nếu ai đập nát
Vạn Phật Thánh Thành thì tôi cũng chẳng chấp trách, chẳng bận tâm, cũng
tuyệt đối chẳng oán giận. Nếu ai ai cũng như vậy, thiên hạ mới được thái
bình.
Người tu hành thì không thể thiếu nhẫn nại! Có sức nhẫn
nại thì mới tu nổi. Không có sức chịu đựng thì khỏi nói tới. Những điều
tôi nói hôm nay rất là tầm thường, giản dị, lạt lẽo, không mùi vị gì,
song chính là Phật-pháp vi diệu và hy hữu. Tuy tầm thường, nhưng Ðạo
luôn từ chỗ bình thường mà phát sinh. "Ðạo" (con đường) là do người dùng
chân bước tới.
Pháp Vô-vi (không có hình tướng, không có tạo
tác) này, trăm ngàn vạn kiếp khó gặp đặng, cho nên quý vị chớ để lỡ cơ
duyên. Nếu quý vị cho là "gió thổi qua tai," nghe rồi chẳng ghi nhớ, thì
sau này hối hận sẽ không kịp nữa. Nếu những điều tôi giảng hôm nay, quý
vị có thể vận dụng thì bất luận là chuyện gì, cảnh giới gì, quý vị đều
chẳng sinh phiền não.
Nếu quý vị lại biết vận dụng trí huệ để
phán đoán cảnh giới này, thì bất luận là chuyện gì cũng sẽ tự nhiên hóa
giải, chẳng chút rắc rối. Cuối cùng, cầu mong quý vị nỗ lực tham Thiền,
tham "Niệm Phật là ai?" Chưa tìm ra được "Ai" thì hãy tiếp tục và nhẫn
nại tu hành.
No comments:
Post a Comment