Tuesday, May 28, 2013

GHEN TUÔNG

GHEN TUÔNG
(Trích Hiểu về trái tim)

Đôi khi, trong các khóa nói chuyện về tâm lý giao tiếp trong tình yêu, các bạn trẻ hay hỏi tôi: “Thầy có ghen không? Và khi ghen thầy làm thế nào?”. Thú thực là hồi trẻ con tôi có tính ghen tỵ, kiểu như ghen tỵ với các anh em trong nhà vì mình không được chia phần quà lớn hơn, ghen tỵ với bạn vì nó được thầy cô ưu ái hơn mình, khi mới lớn và biết yêu thì cũng có cảm giác ghen tuông khi thấy người mình yêu nói cười với người khác. Thì cũng là “chuyện người ta thường tình” mà.

Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại, mới thấy rõ ràng ghen tuông là biểu hiện của sự ích kỷ, sự yếu đuối, kém tự tin vào bản thân mình.

Khi ta ghen, là ta đã tự hạ thấp mình hơn đối tượng kia. Ta nghĩ rằng người ta yêu thích kẻ khác hơn ta vì ta thiếu những gì người ấy cần, rồi dằn vặt mình rằng: mình có thiếu gì đâu? Kẻ kia có hơn gì mình kia chứ? Rồi ta lồng lộn lên tìm cách chứng minh sự hơn hẳn của mình để giành lại người yêu, hay tìm mọi cách để hạ bệ và thắng kẻ mà ta cho là tình địch. Than ôi, càng làm thế, ta càng thể hiện các điểm yếu của mình và làm mình thảm hại hơn mà thôi. Thực sự, khi người đã không yêu ta nữa rồi, thì ta chẳng có lý do gì để mà níu kéo, ghen tuông, và khi ấy, cho dù ta có làm gì đi nữa, có chứng tỏ mình tới đâu chăng nữa thì cũng vô ích. Trái tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí sáng suốt tới đâu cũng không thể soi rọi được. Hơn nữa, trong tình cảm, chẳng có thước đo nào là tuyệt đối, chẳng có giá trị nào là bất biến, nên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bởi thế, khi yêu, có lẽ ta không nên ghen, và không cần phải ghen. Bởi khi ta yêu thật sự, một tình yêu từ hai phía, thì ta cần tin tưởng vào khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng tình yêu của mình, đừng để nó thiếu những nguồn dinh dưỡng cần thiết thì hẳn là nó phải ngả nghiêng đi tìm ở đâu đó. Ta cũng cần tự tin vào những gì mình có, những gì mà người ta yêu đã chấp nhận, và sẽ phát huy chúng theo hướng tốt nhất có thể. Đương nhiên ta không hoàn mỹ và có những điều người kia chưa hài lòng, thì ta hãy cùng nhau khắc phục và thay đổi, ta cũng nên cho người đó biết rằng nhiều khi chính cái không hoàn mỹ ấy mới làm cho ta chính là ta, và ta không cần phải bắt chước ai đó để làm hài lòng người yêu.

Có người cãi lại: “có yêu thì mới ghen chứ, không ghen là không yêu rồi”. Thật sự, ta ghen không phải vì ta yêu người đó, mà thật sự là ta yêu chính bản thân ta, ta sợ mất đi người đó, mất đi một “sở hữu” quen thuộc. ta giống như đứa trẻ dù không hẳn yêu thích món đồ chơi ấy nhưng nhất định không cho đứa trẻ khác động vào, cũng không muốn đứa khác có thứ đồ chơi giống như thế hay đẹp hơn thế. Có lẽ đó là sự ích kỷ trong bản chất sâu xa của con người. Ta thấy đầy rẫy trong cuộc sống những người chồng đối xử với vợ chẳng ra gì, coi vợ như nô lệ, nhưng lại rất ghen tuông và không cho vợ tiếp xúc với bất kỳ ai. Sự chiếm hữu tuyệt đối để thỏa mãn cái ích kỷ cá nhân. Nhiều cô gái trẻ tỏ ra ghen tuông cũng chỉ để chứng tỏ giá trị bản thân mình, rằng “chàng” không được yêu ai ngoài mình cả. Cứ như trên trái đất này chỉ có một mình cô là có ý nghĩa với chàng vậy.

Các nhà tâm lý hay nói rằng: ghen tuông là gia vị cho tình yêu. Vấn đề là nó sẽ tượng trưng cho thứ gia vị nào? Ngọt ngào như đường, mặn mà như muối, cay xè như ớt hay chua chát the nồng? Vấn đề là ta sẽ nêm gia vị tới mức nào? Một chút thôi thì món ăn đẫm đà ngon miệng, mà quá đi một chút là hỏng, chỉ có đem đổ đi. Nếu chỉ một chút hờn ghen tế nhị, chút nũng nịu giận hờn, chút ích kỷ tới độ: em yêu anh vì anh yêu em chứ không yêu ai khác, thì tình yêu còn đẹp và người kia còn thấy hạnh phúc vì có cảm giác được yêu. Ngược lại, sự ghen tuông thái quá sẽ làm cho người đó thấy cảm giác ngột ngạt, khó chịu, thấy muốn bứt phá ra khỏi sự sở hữu, và càng tìm mọi cách để thoát ra.

Nói như thế, không có nghĩa từ bỏ sự ghen tuông là một điều dễ dàng. Là một người bình thường, ta không thể tránh khỏi cảm giác khổ sở khi cơn ghen dày vò tâm can. Nhưng thay vì trút nó lên người mình yêu ( đàn ông hay làm thế), hay lên tình địch ( phụ nữ hay làm thế), ta hãy tìm cách chuyển hóa cơn ghen ấy thành sự chia sẻ cảm xúc chân tình. Ta hãy cứ nói thẳng cho đối phương biết cảm giác của ta, hãy đề nghị họ giúp ta vượt qua cảm giác ấy. Nếu họ thật sự yêu thương ta, thì sự chân thành của ta có thể khiến họ cảm động và thay đổi. Còn khi họ đã không yêu thương ta nữa, thì ta cũng hiểu ra việc mình đau khổ vì một người như vậy là không đáng, và ta sẽ dành thời gian, sức lực để làm những việc khác có ích hơn. Cuộc sống luôn có nhiều lựa chọn. cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Khi người đó không yêu ta nữa thì không có nghĩa là tất cả mọi người sẽ không yêu ta nữa. Khi ta không được yêu người đó nữa thì cũng không có nghĩa là ta không thể yêu thương ai khác nữa. Tình yêu cũng chỉ là một tình cảm của con người xuất phát từ nhiều cung bậc cảm xúc cộng lại, nên cũng như mọi thứ tình cảm khác, nó có thể được sinh ra, mất đi rồi lại tái sinh.

Chính vì thế, thay vì tìm cách nắm giữ trái tim người khác bằng ghen tuông, ta hãy học cách điều khiển và nắm giữ trái tim của chính mình. Khi ta sống cân bằng, ta sẽ thanh thản và tỉnh táo để có trăm ngàn phương cách khác nhau để nắm giữ trái tim người ta yêu bằng chính con người của ta với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần. Ta sẽ làm chủ chính tình yêu của mình bằng cách làm chủ bản thân.

(Thích Minh Niệm)

No comments:

Post a Comment