Tuesday, May 28, 2013

CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN KHÔNG BẰNG CHIẾN THẮNG GIẶC PHIỀN NÃO TRONG TA

CHIẾN THẮNG VẠN QUÂN KHÔNG BẰNG CHIẾN THẮNG GIẶC PHIỀN NÃO TRONG TA
********************
Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật đã giác ngộ được rằng đau khổ do tâm tạo, mà hạnh phúc cũng do tâm tạo. Tất cả đều do tâm tạo. Tâm si mê chính là nguồn gốc của mọi hành động xấu ác và đưa con người đến chỗ đau khổ và phiền não. Tâm sáng suốt là nguồn gốc tạo nên an vui và giải thoát cho mình và cho đời, nên Đức Phật đã khai sáng ra đạo Phật. Sự xuất hiện của Ngài trên địa cầu là một vầng dương sáng ngời sau bao nhiêu năm trường tăm tối. Sự xuất hiện của Ngài như một cơn mưa rào cho những kẻ đang gặp hạn hán trong sa mạc. Nói cho cùng ra, không một bút mực nào có thể diển tả hết được Phật ân. Pháp của Ngài như ngón tay chỉ trăng. Ngón tay ở đây là những phương tiện, còn trăng ở đây là sự giải thoát. Ngài đã chiến thắng tất cả những ma quân và đạt đến giác ngộ rốt ráo. Ma quân ở đây không nhứt thiết phải là những quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, vô cùng kinh khiếp, mà là những ma quân ở trong lòng ta; là những thứ chẳng những làm trở ngại tiến trình giác ngộ của ta, mà còn gây ra cho ta không biết bao nhiêu là phiền não và khổ sở nữa. Vậy thì những con ma ấy là ai? Và chúng hoành hành ta như thế nào?

Trước hết là ma phiền não.

Ma phiền não có thể núp dưới nhiều hình thức từ dục lạc, bất mãn, đói khát, ái dục, hoài nghi, sợ hãi, cố chấp, danh lợi, đến tự cao tự đại... Tuy nhiên, theo Đức Phật thì những con ma nầy chỉ hoành hành, gây đau khổ và ngự trị được ở những con người xấu xa, hèn yếu và chủ bại mà thôi. Đức Phật có dùng thần thông để chiến thắng những ma quân nầy không? Sau khi Ngài đã đạt được đại định thì thứ gì mà Ngài không có; tuy nhiên, Ngài không muốn cho chúng sanh tiếp tục mê lầm mà ỷ lại vào tha lực, nên Ngài đã đề ra những Ba La Mật lực như Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỉ, Đại Xả... nhằm giúp chúng sanh chiến thắng những con ma phiền não nầy. Chính Ngài đã dạy rằng chiến thắng phiền não là chiến thắng nội tâm, là chiến thắng chính mình. Chỉ có sự chiến thắng nầy là vẽ vang và đáng kể hơn cả.

Thứ nhì là ma ngũ uẩn.

Phàm phu thì hở ra là ta hay, ta đẹp, ta là trung tâm của vũ trụ. Chính vì vọng tưởng về bản ngã mà ta đã tạo ra không biết bao nhiêu là rắc rối cho cả ta lẫn người. Theo Phật thì không có cái gì là ta, mà cũng không có cái gì là của ta cả. Không có một cái ta trường tồn vĩnh cửu, mà chỉ là một sự kết hợp của nhiều yếu tố và những yếu tố nầy luôn bị luật vô thường chi phối. Tất cả những thứ từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ là những vật chất, những cảm giác, những tạo tác của tâm lý và ý thức. Chúng duyên nhau mà sanh và cũng duyên nhau mà diệt. Chúng bám vào cảnh trần để đày đọa con người trong bể khổ trầm luân. Đức Phật đã chỉ rõ cái tánh giả hợp và vô thường của ngũ uẩn nhằm giúp chúng sanh diệt bỏ cái ta, cái ngã chấp đi để lần về chỗ giác ngộ và giải thoát như Ngài.

Thứ ba là ma thân, khẩu, ý.

Vì cái bất tịnh của thân, khẩu, ý mà chúng sanh đã tạo tác không biết bao nhiêu là ác nghiệp để rồi tiếp tục mãi trong đường luân hồi sanh tử. Biết bao nhiêu cuộc cải vã, tranh tụng; thậm chí đến chiến tranh đã xãy ra chỉ vì thân, khẩu, ý của con người. Chính từ thân, khẩu, ý mà ra những sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, rượu chè, ganh tị, hiềm khích, bỏn xẻn, nhỏ nhen... Chính vì bị vô minh che mờ mà thân nầy tà dâm; khẩu nầy nói dối; ý nầy bỏn xẻn, tị hiềm và ganh ghét. Đức Phật đã khuyên chúng sanh hãy đóng bớt những cánh cửa ấy lại thì cả tâm và thân, khẩu, ý đều sẽ được thanh tịnh. Một khi thân, khẩu, ý thanh tịnh thì tham, sân, si cũng sẽ bị đoạn diệt và tạo tác ác nghiệp sẽ không có cơ hội hoành hành.

Thứ tư là ma sanh, lão, bệnh, tử.

Ngay từ ngày lập quốc Phật, Đức Phật đã nói rằng thân tứ đại là giả tạm; mà hễ nói giả tạm thì nó cũng phải chịu chung số phận vô thường, nay còn mai mất, sớm nở tối tàn. Chỉ có sự giải thoát mới là vĩnh hằng. Chúng ta, cho dù có bay lên trời, lặn xuống biển, hoặc vào rừng sâu núi thẳm, vẫn không chạy khỏi những con ma sanh, lão, bệnh, tử nầy. Đây là một sự thật hiển nhiên không thể nghĩ bàn. Khoa học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể nào tìm được phương cách cải lão hoàn đồng, cũng như không bao giờ làm cho nhân loại thoát được sanh, lão, bệnh, tử. Chúng ta như những cây nến đang cháy dở; từng phút ta sống là từng phút ta chết, chứ không phải đợi đến lúc buông tay nhắm mắt mới gọi là chết.

Một ngày trôi qua là một ngày ta già đi; những tế bào trong ta cũng hủy hoại dần đi. Theo Đức Phật thì con người vì chấp cái ta trường tồn mà phải phiền não vì những thứ già, bệnh, chết. Con người vì bị vô minh che mờ nên ái dục, ô nhiễm và phiền não đã lấn lướt, để rồi mãi tạo ác nghiệp và luôn bị luân hồi chi phối. Ngài đã chỉ dạy cho chúng sanh làm sao để thoát ra khỏi những chi phối nầy. Ngài đã chỉ cách quán chiếu mười hai nhân duyên để thấy khi vô minh diệt thì hành diệt, tức là không còn tạo tác ác nghiệp nữa; hành diệt thì thức không sanh; thức không sanh thì không có danh sắc (tức là tâm không sanh); tâm không sanh thì làm gì có lục nhập, nghĩa là tai, mắt mũi, lưỡi không hoành hành ta được; không có lục nhập thì không có xúc chạm; không xúc chạm thì không sanh ra thọ, nghĩa là không có cảm giác vui, buồn, sướng, khổ... Không có thọ thì không có ái, tức là không yêu, ghét. Không yêu ghét thì không có thủ, nghĩa là không mong bám víu giữ chặt bất cứ cái gì. Không thủ thì không hữu, không sanh, không lão, không bệnh, không chết. Người Phật tử một khi đã quyết chí tu hành nên nghe cho kỹ những lời Phật dạy để phăng lần đến chỗ không sanh, không diệt.

(Thiện Phúc)

No comments:

Post a Comment